Indonesia nhờ Mỹ xây dựng hạm đội tuần tra để đối phó Trung Quốc
Chuyển động - Ngày đăng : 20:45, 24/10/2015
Indonesia sẽ nhờ Mỹ xây dựng hạm đội tuần tra để bảo vệ bờ biển của họ trước việc Trung Quốc đang không ngừng thực hiện các yêu sách chủ quyền phi lý trong khu vực, nhất là trên biển Đông.
Tuần tới, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông đến Mỹ. Trong chương trình nghị sự vấn đề hợp tác an ninh hàng hải và hợp tác quốc phòng được xem là ưu tiên hàng đầu của hai nước, ông Luhut Pandjaitan - Bộ trưởng phụ trách chính trị, pháp lý, an ninh của Indonesia cho biết .
Ông Pandjaitan nói thêm, Indonesia sẽ sớm có nhiều hoạt động tích cực hơn trong việc giải quyết xung đột ở biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh tham vọng của mình và tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines và Indonesia.
Ông Luhut Pandjaitan cho biết Indonesia hy vọng nhờ Mỹ xây dựng hạm đội tuần tra để tăng cường an ninh hàng hải, bảo vệ đất nước trải dài trên một diện tích biển lớn này. "Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần Mỹ sẽ đóng vai trò lớn trong nỗ lực đó", ông Pandjaitan nói.
Indonesia là quốc gia có tới 250 triệu dân và là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nằm ở vị trí quan trọng trên tuyến vận tải hàng hải toàn cầu trải dài 3.000km từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương.
Đầu tháng này, Mỹ cho biết sẽ chi 100 triệu USD để hỗ trợ Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam tăng cường năng lực bảo vệ luật pháp trên biển. Tuy nhiên, theo ông Luhut Pandjaitan, chi tiết hỗ trợ của Mỹ vẫn chưa rõ ràng.
Các nhà phân tích quốc phòng nói Indonesia ít hoạt động trên biển trong một năm qua, theo ông Luhut Pandjaitan điều này sẽ chấm dứt khi kinh tế của Indonesia trở nên khởi sắc hơn.
“7 - 8 tháng đầu tiên, chúng tôi tập trung toàn lực cho phát triển kinh tế. Nếu bạn không thể quản lý và giải quyết các vấn đề riêng trong nước thì làm sao có thể quản lý vấn đề có tính quốc tế”, ông nói.
Ông Pandjaitan nói ông tin Mỹ sẽ sớm cho tàu chiến tuần tra trong vòng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên biển Đông.
“Chúng tôi không công nhận đường 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông”, ông Luhut Pandjaitan nhấn mạnh và gọi yêu sách chủ quyền phi lý này chỉ là “ảo tưởng” của Trung Quốc về thứ gọi là "vùng nước lịch sử".
Hiện tại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi về những phát biểu của Indonesia.
Thiên Hà (theo The Wall Street Journal)