Tàu ngầm tấn công nhanh Chicago của Mỹ đã đến Philippines
Chuyển động - Ngày đăng : 18:13, 05/08/2015
Sứ quán Mỹ ở Philippines cho biết tàu ngầm tấn công nhanh Chicago (SSN 721) thuộc lớp Los Angeles cập cảng căn cứ chiến lược Vịnh Subic.
Chicago là tàu ngầm tấn công nhanh đầu tiên được đóng, với hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng. Tàu có độ choán nước 7.000 tấn, dài gần 110 mét, chở theo 170 thủy thủ. Nó có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, gồm thu thập tin tình báo, giám sát, do thám, chiến tranh chống ngầm và chống tàu nổi và tấn công tên lửa.
Việc Mỹ đưa tàu ngầm tấn công đến Philippines vào lúc đang có nỗi lo ngày càng lớn, rằng TQ sẽ chuyển Bãi Scarborough thành một căn cứ quân sự.
Các quan chức Philippines nói với báo The Wall Street Journal, rằng họ sợ trong tương lai gần, TQ sẽ tuyên bố quyền bãi đá ngầm này và xây thành đảo nhân tạo để sử dụng vào mục đích quân sự, như TQ đã thực hiện trái phép việc xây cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
TQ chiếm Bãi Scarborough Shoal của Philippines hồi năm 2012. Bãi này chỉ cách Vịnh Subic 120 dặm về phía tây, gần như chìm khi nước biển dâng.
Tàu ngầm Chicago được triển khai ở đảo Guam, địa bàn hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương. Nó từng cập cảng Changi (Singapore) hồi tháng 3.
Việc chiếc tàu ngầm vào căn cứ Vịnh Subic rất có ý nghĩa. Căn cứ này từng là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất ở nước ngoài của Mỹ, trước khi Philippines đóng cửa căn cứ này năm 1992, chuyển thành một khu công nghiệp-thương mại.
Mãi đến tháng 7 năm nay, quân đội Philippines chính thức mở lại căn cứ để sử dụng vào mục đích quân sự. Người phát ngôn Bộ quốc phòng nước này nói: “Căn cứ này có vị trí chiến lược quan trọng. Nếu chúng tôi cần triển khai vào Biển Đông, đã có căn cứ này. Đó là một cảng nước sâu”.
Quân đội Philippines dự tính triển khai đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến căn cứ này.
Năm ngoái, Mỹ và Philippines ký một thỏa thuận quân sự mới, để quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ Philippines. Nhưng thỏa thuận này đang bị thách thức pháp lý ở Philippines, đang được Tòa án tối cao nước này xem xét.
Bảo Vĩnh (theo National Interest)