Trung Quốc “ném át chủ” chiến đấu cơ J-11, khống chế Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 11:23, 23/06/2015
SCMP đưa tin: không quân Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLAAF) dùng chiến đấu cơ này để tuần tra quần đảo Trường Sa, nơi TQ đã tiến hành cải tạo đất ồ ạt trên 7 bãi san hô và đá ngầm.
Cựu phi công PLAAF Huang Zhao nói về việc Trung Quốc "ném át chủ" chiến đấu cơ J-11:
"Là máy bay tấn công tầm xa, J-11 nên được đưa đến Biển Đông”. Loại máy bay này có tầm bay 1.500 km và nếu thêm bình xăng phụ thì có bay xa thêm nữa.
SCMP nêu: lập hoạt động cho J-11 trên quần đảo Trường Sa giúp PLAAF mở tầm với thêm 1.000 km về phía nam, và kết hợp với tàu sân bay Liêu Ninh, TQ sẽ hướng tới được mục tiêu: “chuyển đổi từ phòng thủ bờ biển sang bảo vệ vùng biển xa” đã nêu trong Sách Trắng chiến lược quân sự TQ năm 2015.
Trang chuyên đề quốc phòng Global Security nêu: J-11 là chiến đấu cơ ném bom đa năng, chiếm ưu thế trên bầu trời và có thể dùng vào vai trò tấn công hàng hải.
Kiểu máy bay có biệt danh “Cánh sườn” này có tầm hoạt động khoảng 1.500 km, nếu trang bị điều kiện tiếp nhiên liệu khi bay thì bay thêm được 500 km nữa. Và J-11 còn có thể tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Theo trang National Interest, chiếc J-11 là “hàng nhái” từ chiếc Su-27 của Nga. Hồi đầu thập niên 1990, TQ mua 24 chiếc SU-27 của Liên Xô. Ngay sau khi hợp đồng được ký, Liên Xô sụp đổ nhưng Liên bang Nga tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Sau này, Nga đồng ý bán thêm vài chiếc cho TQ, rồi hai nước thỏa thuận đồng sản xuất kiểu chiến đấu cơ này.
Hồi tháng 4, TQ đã cho bay thử mẫu nâng cấp của J-11 là chiếc J-11 D vốn trang bị radar mảng pha quét chủ động (AESA) của chiếc J-16.
Chiếc J-11D sử dụng nhiều vật liệu composite và trang bị tên lửa không đối không, như chiếc PL-10 và PL-15. Nó cũng có phương tiện tiếp nhiên liệu như chiếc J-15.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố gần hoàn tất khâu xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gồm 2 đường băng có thể cho phép J-11 cất-hạ cánh, gồm một đường băng 3km trên Bãi Đá Chữ Thập.
Chiếc J-11 có thể gây rối cho các kiểu máy bay hiện đại nhất của Mỹ, như chiếc F-22 Raptors. Và việc triển khai J-11 đến quần đảo Trường Sa sẽ mở màn cho việc TQ lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, từ đó tăng khả năng kiểm soát không phận khu vực.
Trong khi đó, trang tin Duowei News” nêu: không quân TQ nên dè chừng không quân Vệ binh cộng hòa Mỹ, ngoài không quân và không quân hải quân Mỹ ra.
Không quân Vệ binh cộng hòa Mỹ có 585 chiến đấu cơ, 185 máy bay tiếp nhiên liệu và 207 máy bay vận tải.
Lực lượng này quan trọng, vì có thể chở cấp lính không quân dự bị cho các đơn vị tiền phương, và với những cải thiện công nghệ trong 70 năm qua, phi công Mỹ cần rèn luyện nhiều hơn, để có thể lái các máy bay quân sự hiện đại.
Hiện phi công chiến đấu ở các đơn vị tiền phương của không quân PLAAF có nhiều giờ bay hơn không quân Mỹ. Nhưng không quân Vệ binh Cộng hòa lại có nhiều giờ bay hơn phi công TQ. Họ còn có kinh nghiệm lái máy bay hiện đại và không quân Vệ binh cộng hòa có 20 chiến đấu cơ tàng hình F-22 thế hệ 5.
Không quân Vệ binh cộng hòa còn có phi đội vận tải cơ và tiếp nhiên liệu lớn nhất thế giới. Cùng với vận tải cơ của dự bị không quân Mỹ, lực lượng này giúp Mỹ triển khai quân đến khắp thế giới, giúp dỡ nhân đạo ở nhiều nước gặp thiên tai.