Mỹ kêu gọi Hàn Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông

Chuyển động - Ngày đăng : 05:56, 05/06/2015

Cũng như Mỹ, Hàn Quốc không phải là một bên tranh chấp ở biển Đông và điều đó cho phép Seoul có lý do lên tiếng ủng hộ các nguyên tắc chung và luật pháp quốc tế.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin tại một cuộc hội thảo ở Washington hôm 3-6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã kêu gọi Hàn Quốc cần lên tiếng phản đối yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông nhằm thiết lập lại trật tự quốc tế.
Ông Daniel Russel ghi nhận cũng như Mỹ, Hàn Quốc không phải là một bên tranh chấp ở biển Đông và điều đó cho phép Seoul có lý do lên tiếng ủng hộ các nguyên tắc chung và luật pháp quốc tế.
Ngày 4-6, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã tiếp tục cảnh báo Úc lấy làm tiếc về bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng ở biển Đông. Ông nói Úc tin rằng tranh chấp phải được giải quyết theo cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước đó, phát biểu trước Quốc hội Úc, nghị sĩ Peter Hendy khẳng định Trung Quốc không được phép áp đặt giải pháp trong vùng biển quốc tế tranh chấp (ám chỉ áp đặt vùng nhận dạng phòng không). Ông nhấn mạnh: “Không mơ hồ để nhận thấy các đảo nhân tạo là các tàu sân bay không thể chìm của Trung Quốc”. Ông nhận định các yếu tố dẫn đến xung đột Mỹ-Trung chưa nhiều nhưng nguy cơ xung đột khu vực có thể xảy ra.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo chung vào tối 4-6 ở Tokyo (Nhật) sau hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố hai bên phản đối hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng trên biển Đông.
Báo Philippines Star đưa tin Tổng thống Aquino nhấn mạnh Tuyên bố chung Nhật-Philippines về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược hai bên vừa ký kết chỉ nhằm củng cố hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho Philippines, Nhật và toàn khu vực.
"Philippines và Nhật cam kết hợp tác để thúc đẩy các nước phòng thủ chung theo cách có trách nhiệm… Chúng tôi tin rằng điều này có thể được thực hiện qua tìm kiếm các giải pháp đúng đắn và hòa bình đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ và các mối quan tâm về hàng hải bằng cách tôn trọng tính chất tối thượng của luật pháp, thiết lập môi trường an toàn và ổn định".
Tổng thống BENIGNO AQUINO III
Trong hội đàm, hai bên đã nhất trí sẽ bắt đầu đàm phán về vấn đề Nhật chuyển giao công nghệ và thiết bị quân sự cho Philippines. Nhật cũng cam kết sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực của cảnh sát biển Philippines.
Hôm trước đó, phát biểu tại hội thảo do báo Nikkei (Nhật) tổ chức, Tổng thống Aquino đã so sánh chuyện Trung Quốc cải tạo đất trái phép ở biển Đông giống như âm mưu thôn tính các nước của Đức quốc xã trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tại Philippines sáng 4-6, đảng đối lập Bayan Muna đã tổ chức biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động gây hấn.
Tổng Thư ký Renato Reyes Jr. nhấn mạnh: “Chúng tôi tìm kiếm giải pháp hòa bình nhưng chúng tôi không thụ động. Chúng tôi sẽ chống lại nếu bị tấn công”.
Đảng Bayan nêu rõ họ cũng không ủng hộ Mỹ can thiệp vào tranh chấp ở biển Đông. Ông Renato Reyes Jr. giải thích: “Chúng tôi không muốn bị kẹp giữa hai cường quốc lớn đang cố gắng chứng tỏ mình trong khu vực. Trung Quốc lẫn Mỹ đều cần tôn trọng chủ quyền của Philippines. Không ai ngoài Philippines sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia bằng đường lối khôn ngoan nhất”.
Úc sẽ làm những gì mà Úc có thể để duy trì tự do trên biển và trên không. Đó là lập trường từ lâu của chúng tôi và sẽ mãi mãi là như thế.
Thủ tướng Úc TONY ABBOTT
Quân Khoa (theo PLO)



Một Thế Giới