Tướng TQ ngang ngược tuyên bố "đưa vũ khí ra Trường Sa là chuyện bình thường"

Chuyển động - Ngày đăng : 05:40, 02/06/2015

Một cựu thiếu tướng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố việc nước này đưa thêm vũ khí tới Trường Sa là "bình thường" và "có thể đoán trước".
Trong thời gian qua, tình hình an ninh khu vực nổi sóng khi nhiều nước hết sức lo ngại thông tin Trung Quốc triển khai 2 khẩu pháo di động trên một trong số đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Nguy hiểm hơn là chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ dừng hành động gây nhiều hệ lụy khó lường này.
Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm qua dẫn lời thiếu tướng về hưu của Trung Quốc Từ Quang Dụ ngang nhiên bình luận rằng việc Trung Quốc lắp đặt pháo di động trên các đảo nhân tạo là chuyện “bình thường” và “có thể đoán trước”. “Đạn pháo là vũ khí phòng vệ và Trung Quốc công khai các đảo được xây cho mục đích dân sự lẫn quân sự” - ông Từ lập luận. Ông còn dự đoán Trung Quốc sẽ lắp đặt các hệ thống định vị vệ tinh, ngọn hải đăng và cơ sở giám sát trên những đảo nhân tạo Bắc Kinh đang xây phi pháp ở Trường Sa.

Ý đồ của Bắc Kinh quân sự hóa các khu vực đang chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo nhưng đây là một trong những lần hiếm hoi một nhân vật ở Trung Quốc công khai đề cập. Nhận định với SCMP, chuyên gia quân sự Antony Wong ở Macau cũng cho rằng Trung Quốc đang biến các đảo ở Biển Đông thành lá chắn quân sự, thể hiện qua việc triển khai vũ khí và xây dựng đường băng ở đá Chữ Thập. “Đường băng này đủ dài để chứa máy bay vận tải quân sự tiên tiến Y-20 của quân đội Trung Quốc. Chúng tôi dự đoán một hệ thống tên lửa sẽ theo sau” ông Wong nói.

“Câu hỏi quan trọng bây giờ là tiếp theo Trung Quốc sẽ làm gì? Tiếp tục xây dựng? Tìm cách xua đuổi các bên tranh chấp ra khỏi những đảo này hay đưa thêm máy bay, vũ khí?” chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung Jonathan Pollack thuộc Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) nhấn mạnh.

Leo thang nghiêm trọng

Theo chuyên gia Jonathan Eyal thuộc Viện Nghiên cứu an ninh - quốc phòng RUSI (Anh), Trung Quốc triển khai khí tài quân sự đến chuỗi đảo nhân tạo ở Trường Sa đánh dấu “một sự leo thang nghiêm trọng”. “Những hành động quân sự hóa cho thấy mưu đồ của Trung Quốc áp đặt quyền kiểm soát lên một trong những tuyến đường biển quốc tế nhạy cảm nhất trên thế giới cũng như chứng tỏ ý đồ lâu dài là duy trì hiện diện quân sự thường trực ở đây” ông Eyal nhận định với tờ The Telegraph. Thậm chí, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu chiến lược Trung Quốc Michael Pillsbury của Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ) còn đi xa hơn khi cho rằng những hành động quân sự của Trung Quốc thời gian qua “báo hiệu nguy cơ chiến tranh” theo CNN.

Trong khi đó, Đô đốc Dennis Blair, người từng giữ chức Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, đánh giá thấp khả năng quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal, ông Blair lập luận Trường Sa cách Trung Quốc tới gần 1.450 km nên nếu nước này cố tiến hành bất kỳ một hành động quân sự nào từ các đảo nhân tạo là “dại dột”. Ông Blair, hiện làm việc cho Cục Nghiên cứu quốc gia Mỹ, còn cho rằng không cần đến Mỹ mà chỉ các nước Đông Nam Á cũng đủ để ứng phó hành động quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa.      

Văn Khoa/Thanh Niên

Trung Quốc lên giọng với Ấn Độ

Tờ Times of India loan tin một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa cảnh báo Ấn Độ "phải cần có sự đồng ý của Trung Quốc" nếu muốn thăm dò dầu khí tại Biển Đông. Hiện nay, Công ty ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ đang tham gia hợp tác thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. "Các hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Những tuyên bố đe dọa dùng vũ lực là không phù hợp", tờ Deccan Herald dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj khẳng định hôm 31.5. Cũng theo báo này 4 tàu chiến Ấn Độ vừa đến biển Đông để thăm cảng và tham gia tập trận với hải quân 5 quốc gia ASEAN, gồm Singapore, Indonesia, Malaysia,

Thái Lan và Campuchia trước khi đến Úc. Đây là một phần của chuyến hải hành kéo dài 3 tháng mà tờ Times of India đánh giá phù hợp với chính sách "Hành động hướng đông” của New Delhi.


Úc sẽ bất chấp  ADIZ phi pháp ở Biển Đông

Ngày 1.6, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews khẳng định nước này sẽ tiếp tục triển khai máy bay tuần tra Biển Đông dù Trung Quốc có lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) hay không, theo tờ The Age. Trước đó, ông Andrews từng tuyên bố: "Úc có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, thương mại không bị cản trở và tự do lưu thông". Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều quan chức Trung Quốc úp mở về ý định lập ADIZ ở Biển Đông "tùy tình hình an ninh" đồng thời cũng được xem là bằng chứng cho thấy Úc có thể sẽ can dự mạnh hơn vào vấn đề nóng bỏng này. Ngoài ra, theo The Age, chiến hạm HMAS Perth của Úc đang ở Biển Đông trong chuyến thăm Thái Lan và Campuchia.

Mặt khác, sau khi phủ bóng Đối thoại Shangri-La ở Singapore, tình hình Biển Đông dự kiến sẽ tiếp tục trở thành chủ đề nóng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 (gồm Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Đức, Pháp và Ý) diễn ra ở Đức từ ngày 7 - 8.6. "Đậy không còn là vấn đề chỉ của châu Á mà đã trở thành thách thức nghiêm trọng cần cộng đồng quốc tế xử lý", Hãng tin Jiji Press dẫn lời một quan chức Nhật nhận định. Theo một số nguồn tin, Nhật hy vọng các lãnh đạo G7 sẽ gia tăng áp lực lên Trung Quốc bằng cách khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực nào.






Một Thế Giới