Mỹ cứng rắn với Trung Quốc, muốn ASEAN hành động tích cực hơn
Chuyển động - Ngày đăng : 15:13, 28/05/2015
Tuần trước, Mỹ tung video chứng cứ TQ xây đảo nhân tạo - do CNN thu hình từ trên một chiếc máy bay do thám P8-Poseidon - cho thấy tàu hút bùn cùng các tàu khác của TQ bận rộn xây kè và đường băng trái phép trên các đảo nhân tạo.
Các hình ảnh này sẽ được đặc biệt chú ý tại hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La (khai mạc ngày 29.5 ở Singapore) với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cùng các quan chức cấp cao quân đội TQ.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói: “Chẳng ai muốn sáng sớm thức dậy, phát hiện TQ đã xây nhiều chốt tiền tiêu, và tệ hơn, là trang bị các hệ thống quân sự ở đó”.
Robert Dujarric, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á đương đại ở Đại học Temple, nói:
“Tôi nghĩ điều đáng ngại là TQ nhận định tình hình sai. Chẳng bên nào muốn chiến tranh nếu có thể tránh nó, nhưng đang có những lằn ranh đỏ giữa hai bên. Tôi lo ngại nếu Bắc Kinh cho rằng Mỹ là một thế lực hết thời và kết luận Washington sẽ tháo lui nếu họ bắn rơi một máy bay do thám của Mỹ.
Washington cũng đang thúc đẩy tái cân bằng chiến lược ngoại giao - quân sự “xoay trục về châu Á”, 4 năm sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố chiến lược này, dù một số nước nói Mỹ quá chậm thực hiện.
Mỹ đã nâng cấp các thỏa thuận an ninh với các đồng minh Nhật Bản và Philippines, và hiện xây dựng hệ thống phòng thủ ở Nhật nhằm đề phòng CHDCND Triều Tiên.
Thủy quân lục chiến Mỹ đang rèn luyện ở Úc trên cơ sở xoay vòng, tàu chiến đấu cận duyên của Mỹ từ Singapore đã đến biển Đông tuần tra, còn các máy bay do thám P-8 mới đến Nhật để thực hiện nhiệm vụ trên toàn khu vực này.
Các quan chức quốc phòng nói rằng về tổng thể, hải quân Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện tại biển Đông lên 18% từ năm 2014 đến năm 2020. Mục tiêu là có 60% tàu chiến ở Thái Bình Dương từ năm 2020, so với tỷ lệ 57% hiện nay.
Các quan chức quân sự ở Philippines nói sự kiên quyết của Mỹ đã hiện rõ, qua các cuộc tập trận, rèn luyện, các tàu chiến và máy bay Mỹ thăm Philippines cập cảng và hạ cánh.
Một quan chức nói sự chuyển đổi là từ chống khủng bố qua an ninh hàng hải.
Khi Mỹ đang thực hiện “xoay trục về châu Á”, phần nào là để đề phòng TQ, Washington cũng muốn các nước Đông Nam Á có quan điểm thống nhất hơn, chống lại việc TQ nhanh chóng xây dựng cơ sở quân sự trên các bãi đá tranh chấp, theo Reuters.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên, nói: “Các nước ấy cần làm chủ vấn đề này”, và cho rằng sẽ không hay nếu Mỹ lãnh vai trò dẫn đầu trong cuộc thách thức TQ về vấn đề tranh chấp biển Đông. Theo ông, cần sớm có các hành động thống nhất của các đối tác, gồm 10 nước Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vì “nếu bạn chờ thêm 4 năm nữa thì xong việc”.
Theo Reuters, ASEAN có sự chia rẽ về vấn đề này và miễn cưỡng can thiệp. Nhưng trong một dấu hiệu báo động ngày càng tăng, lãnh đạo ASEAN hồi tháng 4 đồng bày tỏ quan ngại hoạt động cải tạo đảo trái phép trên biển Đông của TQ đã bào mòn sự tin cậy và có thể tác động xấu đến hòa bình của khu vực.
Ernest Bower, một chuyên gia về châu Á ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (ở Mỹ) nói: Mục tiêu của Mỹ là thuyết phục TQ tham gia một hệ thống quốc tế để giải quyết tranh chấp biển Đông, thay vì TQ ngang ngược tuyên bố độc chiếm gần như toàn bộ vùng biển này. Nhưng ông nói thêm: “Về ngắn hạn, tôi nghĩ Mỹ phải thể hiện sự kiên quyết hơn để cho TQ thấy”.
Bảo Vĩnh (theo Reuters)