Chiến lược Biển Đông của TQ, cơn ác mộng tệ nhất của Châu Á
Chuyển động - Ngày đăng : 14:00, 04/05/2015
Trong một bài phát biểu đáng chú ý tại hội nghị Tương lai hạm đội tàu ngầm của ASPI hồi tháng 3, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry B.Harris, đã chỉ trích Trung Quốc (TQ) tham gia vào một cuộc “cải tạo đất chưa từng có” nhằm tạo ra một “Vạn lý trường thành cát” trên Biển Đông.
Theo Đô đốc Harris, “Khi nhìn vào một loạt các hành động có tính khiêu khích của TQ với các quốc gia nhỏ hơn, sự mập mờ về đường 9 đoạn không phù hợp với luật quốc tế và sự bất đối xứng rõ rệt giữa tiềm lực của TQ và các nước láng giềng cùng với phạm vi và tốc độ xây dựng đảo nhân tạo của TQ, chẳng có gì ngạc nhiên khi hàng loạt câu hỏi gay gắt về ý định của TQ được đưa ra.”
Như thường lệ, TQ có “nhìn nhận khác” về sự “bành trướng” ở khu vực bãi đá Chữ Thập và 7 khu vực tương tự.
Chẳng hạn, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố hồi đầu tháng 3 rằng Bắc Kinh chỉ “tiến hành xây dựng cơ sở cần thiết trên chính vùng đảo và đá ngầm của nước mình mà thôi”.
Ông Vương nhấn mạnh các biện pháp đã thực hiện “chẳng nhằm vào hay gây ảnh hưởng đến bất kỳ nước nào”, và TQ đang tìm cách “đem đến sự hòa hợp, ổn định và thịnh vượng cho những nước láng giềng”.
Những tuyên bố như vậy chỉ ngày càng chọc sâu vào những lo ngại của các nước khác trong khu vực.
Khó mà không đồng tình với những phân tích của Đô đốc Harris và lo lắng về những hậu quả an ninh trước mắt và lâu dài trong khu vực.
Cần phải đối mặt với một thực tế, rằng TQ chẳng quan tâm đến việc giảm bớt hoạt động và xoa dịu những lo ngại trong khu vực mà đang cố gắng “ép” các nước láng giềng chấp nhận yêu sách về “đường lưỡi bò”.
Chẳng những vậy, Bắc Kinh đang dần dần mở rộng phạm vi hoạt động quân sự của mình ở Biển Đông, biến khu vực quan trọng này thành một khu vực thiếu ổn định và nguy hiểm.
Việc tăng cường xây dựng các đảo nhân tạo tại các quần đảo đang tranh chấp trên Biển Đông đã trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực này.
Gần đây, ảnh chụp vệ tinh về các hoạt động của TQ tại bãi đá Chữ Thập và quần đảo Hoàng Sa cho thấy nước này đang tập trung xây dựng sân bay với đường băng dài 3.000m để bay tới các vùng phụ cận.
TQ cũng hành động tương tự tại bãi đá Xu Bi thuộc cụm Thị Tứ quần đảo Trường Sa, nhiều khả năng khu bãi đá Vành Khăn thuộc cụm Bình Nguyên quần đảo Trường Sa sẽ là nơi tiếp theo TQ nhắm đến.
Đường sân bay dài 3.000m sẽ cho phép Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA) tiến hành các hoạt động không quân và hoạt động quân sự khác.
Như Andrew Erickson, giáo sư thuộc Sở nghiên cứu chiến thuật tại trường đại học Hải quân Mỹ đã chỉ ra, lực lượng không quân PLA có khả năng hoạt động ở sân bay này là máy bay chiến đấu đa chức năng J-11, thiết bị đánh chặn tên lửa, thiết bị kiểm soát và cảnh báo sớm, và máy bay tiếp nhiên liệu.
Hơn nữa, việc triển khai hệ thống radar tầm xa và hệ thống tên lửa tiên tiến sẽ không mấy khó khăn.
PLA còn có thể tăng khả năng chống tàu ngầm bằng cách sử dụng trực thăng chống tàu ngầm trong Biển Đông. Hỗ trợ cho quân sự, các cảng hậu cần, biên phòng biển và tàu hải quân cũng “mọc lên” nhanh chóng.
Những cơ sở này không chỉ làm tăng khả năng đe dọa các nước láng giềng của TQ thông qua cưỡng ép quân sự mà còn làm tăng khả năng áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông mà TQ đã đề xuất.
Thông qua “Vạn lý trường thành trên biển”, TQ tiếp tục thúc giục thiết lập khu vực an ninh hàng hải. Hậu quả có thể nhiều hơn những gì có thể nhìn thấy trước mắt.
Đầu tiên, hành động của TQ trên Biển Đông sẽ ngày càng biến nơi này thành “khu vực xám” với tình trạng căng thẳng giữa hòa bình và chiến tranh, và sự mất lòng tin cao độ giữa TQ với các nước láng giềng, đặc biệt là Philippines và Việt Nam.
Thứ hai, Mỹ sẽ phải lên tiếng ngăn chặn TQ, Washington buộc lòng phải tăng sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực.
Dĩ nhiên, xét về phương diện nào đó đây là một mặt tích cực, nhưng nó kéo theo chi phí khổng lồ trong chiến lược cạnh tranh Mỹ - Trung ở Biển Đông.
Ít nhất, PLA tăng cường hoạt động của mình ở các cơ sở mới sẽ làm tăng nguy cơ chiến tranh không quân giữa Mỹ và TQ.
Trước đây, phi công PLA từng có những hành vi bay hết sức nguy hiểm gần máy bay và tàu chiến của Mỹ.
Thứ ba, các nước trong khu vực sẽ tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng của mình. Mỹ sẽ nhận ra hai đồng minh Nhật và Úc đóng vai trò quan trọng trong phòng thủ hàng hải khu vực Đông Nam Á.
Người ta có thể thấy thấp thoáng đâu đó tiềm năng hình thành liên minh ở Biển Đông. Nói đâu xa, bản Hướng dẫn Hợp tác quốc phòng Nhật – Mỹ gần đây đã cho phép các tàu Nhật cung cấp và thậm chí là bảo vệ tàu chiến Mỹ ở Biển Đông.
Bất chấp những phản đối của TQ, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đang rất hoan nghênh cam kết tham dự quốc phòng mới của Nhật Bản.
Về việc Trung Quốc mở rộng các bãi đá ngầm ở Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ: “Về vấn đề này, Việt Nam đã nhiều lần can thiệp với phía Trung Quốc kể cả ở cấp cao. Một lần nữa chúng tôi tuyên bố, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động xây dựng mở rộng của nước ngoài ở các đảo đá thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị. Việt Nam kiên quyết phản đối những hành động nêu trên và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Khánh Nguyên (Theo The National Interest)