TQ bán tàu ngầm cho Pakistan, làm “nổ” xung đột hạt nhân!
Chuyển động - Ngày đăng : 13:14, 17/04/2015
Việc Trung Quốc bán tàu ngầm cho Pakistan có thể kết thúc trong chuyến thăm Islamabad ngày 20.4 của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, với Pakistan sẽ nhận 8 chiếc tàu ngầm quy ước, gấp đôi hạm đội tàu ngầm của Pakistan.
Các nhà phân tích nói có lẽ đây là bước đầu tiên Bắc Kinh giúp Pakistan có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân (VKHN) trên biển, so kè với kình địch Ấn.
Vụ mua bán tàu ngầm này sẽ tạo thêm căng thẳng trên Ấn Độ Dương, khi Thủ tướng Narendra Modi đã tăng sức mạnh hải quân Ấn để chặn TQ tạo thế chân đứng trong khu vực này.
Dù các nỗ lực của Pakistan hãy còn sơ khai, các chỉ huy hải quân nước này muốn bắt chước Israel: trang bị tàu ngầm quy ước với đầu đạn có thể gắn tên lửa hạt nhân, theo Iskander Rehman của tổ chức nghiên cứu chính sách Hội đồng Atlantic (ở Washington) nói trong một báo cáo ngày 9.3.2015.
VKHN trên biển gây ra nguy cơ lớn hơn cả VKHN đặt cố định trên bộ, do chúng được phóng từ tàu ngầm lặn dưới biển nên rất khó phát hiện.
Ông Rehman nói: “Quan ngại chính của tôi không phải là nguy cơ khủng bố hạt nhân, mà là những nguy hiểm từ các vụ va chạm hải quân trong lĩnh vực hàng hải hạt nhân hóa”.
Pakistan hiện có chương trình hạt nhân phát triển nhanh nhất thế giới, theo Hội đồng đối ngoại (ở New York). Kho VKHN nhân của họ sử dụng công nghệ TQ, được ước tính từ 100 đến 120 đầu đạn, so với TQ có 250 đầu đạn và Ấn có từ 90 đến 100 đầu đạn.
Trong khi Ấn bắt đầu thử nghiệm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (có thể gắn đầu đạn hạt nhân) từ năm 2009, Rehman nói Ấn còn phải mất nhiều năm mới có thể triển khai VKHN trên biển.
Hồi tháng 2.2015, Ấn đã tăng chi quốc phòng lên 11 % đạt 40 tỷ USD và duyệt đóng 6 tàu ngầm chạy bằng hạt nhân.
Chính phủ Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã đồng ý đề nghị mua 8 tàu ngầm TQ, theo Rohael Asghar, chủ tịch tiểu ban quốc phòng ở quốc hội nước này cho biết hồi đầu tháng 4.
Ông nói hợp đồng có thể được ký nhân chuyến thăm của ông Tập, và đây sẽ là lần đầu tiên TQ xuất khẩu tàu ngầm.
Người phát ngôn Tasnim Aslam của Bộ Ngoại giao Pakistan nói bà không biết chi tiết vụ mua-bán này, và ông Tập sẽ có một tuyên bố trong một ngày quốc hội Pakistan họp.
Bà cũng nói hôm 16.4, rằng Pakistan quyết tâm trang bị VKHN nhân để duy trì khả năng đánh chặn, vì đã chứng kiến các học thuyết “hung hăng” của Ấn.
Bộ quốc phòng TQ từ chối bình luận về những câu hỏi của hãng tin Bloomberg về việc sẽ bán loại tàu ngầm nào, và liệu chúng sẽ giúp Pakistan đạt được mục tiêu đánh chặn từ trên biển hay không.
Mục tiêu ban đầu của tàu ngầm hạt nhân mới của TQ sẽ là đối phó sức mạnh hải quân của Ấn trên Ấn Độ Dương, theo nhà nghiên cứu cao cấp Li Jie của Viện nghiên cứu hải quân TQ (ở Bắc Kinh).’
Ông nói loại tàu ngầm TQ có thể bán là kiểu S-20 có trang bị thủy lôi và tên lửa chống hạm.
Li nói: “Vụ mua-bán này sẽ giúp tăng tốc tiến độ giúp Pakistan xây dựng lực lượng dưới biển. Nó sẽ thu hẹp đáng kể khả năng của tàu ngầm của hai kình địch ở Ấn Độ Dương”.
Hải quân Pakistan hiện sử dụng 5 tàu ngầm chạy điện-diesel của Pháp: 3 chiếc mua từ những năm 1990 và 2 chiếc mua từ những năm 1970.
Trong khi Ấn chỉ có một tàu ngầm chạy bằng hạt nhân, 13 chiếc còn lại chạy bằng điện-diesel, và hiện một nửa số tàu ngầm này đang hoạt động.
Pakistan công bố định có lực lượng đánh chặn trên biển, khi lập Trung tâm chỉ huy lực lượng hải quân chiến lược hồi năm 2012.