Tân Tổng thống Sri Lanka sẽ hủy dự án “thành phố cảng” của Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 18:57, 10/01/2015

Tân Tổng thống Sri Lanka, ông Maithripala Sirisena từng tuyên bố sẽ hủy dự án "thành phố cảng" của Trung Quốc (TQ).
Và khi tranh cử, ông từng nói Sri Lanka có thể “trở thành thuộc địa và chúng ta có thể trở thành nô lệ”, nếu chủ trương hợp tác với TQ của tiền nhiệm kéo dài thêm 6 năm nữa. 
Liệu ông Sirisena sẽ làm được những điều ông nói ?
Nỗi lo "Sri Lanka bị TQ bỏ túi" 
Dù TQ tính chuyện dài hơi thế nào với Sri Lanka mang tầm quan trọng chiến lược với Bắc Kinh, họ cũng vấp phải sự cản trở vào sáng thứ Sáu 9.1, khi ông Mahinda Rajapaksa.Rajapaksa bất ngờ mất chức tổng thống trong cuộc bầu cử 8.1.
Ông đã kỳ vọng nối dài chức tổng thống thêm nhiệm kỳ 6 năm thứ ba. Những thành tựu chính của ông Rajapaksa là các dự án cơ sở hạ tầng do TQ bỏ tiền.
Trung Quoc, tan tong thong, Sri Lanka
Tổng thống Sirisena 
Hiện những cần cẩu hiện đại xếp hàng dài ở thủ đô Colombo, nơi mà hồi tháng 9.2014, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình dự lễ khởi công xây một “thành phố cảng” trị giá 1,5 tỷ USD, gồm khu mua sắm, khách sạn…trong chuỗi đầu tư của TQ dưới hình thức cho vay 4 tỷ USD.
Nhiều nhóm thợ xây TQ bắt đầu làm việc ở Sri Lanka, đến độ một tờ báo nêu vấn đề dân địa phương kéo nhau đi học tiếng Hoa với hy vọng làm người phiên dịch cho “các chuyên gia” TQ.
Nhưng các dự án TQ cũng gây khó chịu. Trước chuyến thăm Sri Lanka của ông Tập, báo The Sunday Time ở Colombo nêu vấn đề:
Tốc độ xây các công trình quá nhanh và bí mật của TQ “làm nảy sinh các thuyết âm mưu và nỗi sợ rằng, nói nhẹ đi là Sri Lanka bị TQ bỏ túi”.
Cử tri cũng phàn nàn, rằng các dự án xây dựng chỉ do người TQ xây. Lãnh đạo các đảng đối lập cảnh báo: Sri Lanka ngày càng nợ TQ nặng nề.
Ông Sirisena khi tuyên bố nhậm chức tổng thống tối 9.1, đã cảnh báo: “Sri Lanka có thể trở thành thuộc địa và chúng ta có thể trở thành nô lệ”, nếu chủ trương hợp tác với TQ của tiền nhiệm kéo dài thêm 6 năm nữa.
Ông viết trong cương lĩnh tranh cử: “Miền đất mà người da trắng dùng sức mạnh quân sự để chiếm này, nay thuộc về những người nước ngoài tung tiền mua chuộc một số người”.
Hồi tháng 12.2014, ông Ranil Wickremesinghe (tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng hôm 9.1) nói ông sẽ hủy kế hoạch xây "thành phố cảng" của Trung Quốc.
Người phát ngôn Harsha de Silva về mảng kinh tế của Đảng quốc gia đoàn kết (đối lập) nói tân chính phủ đã lên kế hoạch xem xét các dự án cơ sở hạ tầng lớn “vì những bất thường”.
Ông nói rõ: “Chúng tôi xem TQ là bạn tốt, chỉ có vấn đề là nhiều dự án bị thắc mắc tại sao toàn do người TQ thực hiện.
Chúng tôi sẽ có một thái độ cân bằng giữa Ấn với TQ, không như chính phủ cũ bỏ mặc Ấn Độ khi quá thân cận TQ”.
TQ tạo thế bao vây Ấn Độ 
Cách đây 4 tháng, tàu ngầm Trường Thành 329 chở thủy lôi, một tên lửa hành trình và một đầu đạn của hải quân TQ bất ngờ cập cảng Colombo (Sri Lanka).

Lúc đó, Bộ trưởng Sri Lanka khẳng định đó chỉ là “một chuyến thăm thiện chí”, nhưng Ấn Độ lo ngại và nhận định đó là một tuyên bố rõ ràng rằng TQ đã tiếp cận “sân sau” của Ấn, với sự cho phép của tổng thống Rajapaksa.

Dù TQ tính chuyện dài hơi thế nào với Sri Lanka mang tầm quan trọng chiến lược với Bắc Kinh, họ cũng vấp phải sự cản trở, do ông Rajapaksa bất ngờ mất chức tổng thống trong cuộc bầu cử 8.1.

David Brewster, giáo sư thỉnh giảng của Trung tâm chiến lược-quốc phòng thuộc Đại học quốc gia Úc, nói:

Đó là cái giá phải trả khi hợp tác với một chính phủ đang tăng tập trung quyền lực như TQ.

Trung Quoc, tan tong thong, Sri Lanka
Ông Rajapasksa (trái) và ông Tập Cận Bình dự lễ khởi công dự án "thành phố cảng"  

Mối liên minh Sri Lanka với TQ đã dần được xây trong những năm mà phương tây chỉ trích gắt gao việc ông Rajapaksa ngược đãi nhân quyền, và TQ cho ông Rajapaksa vay hàng tỷ USD để xây các con đường mới, cảng mới.

Mối quan hệ này xem ra mạnh hơn trong vài tháng qua, khiến láng giềng Ấn lo sợ ông Rajapaksa cho TQ mượn lãnh thổ Sri Lanka để hoạt động quân sự, dù chính phủ Rajapaksa chính thức phủ nhận.

Một trong những lý do cựu tổng thống Rajapaksa quá nghiêng về TQ, là Mỹ, Canada (những nhà tài trợ truyền thống của Sri Lanka) kịch liệt phê phán hành vi dã man của chính phủ Sri Lanka đối với quân nổi dậy Hổ Tamil (đã phải giải tán) và cắt viện trợ.

Phương tây rút, TQ giàu có liền nhảy vào, cũng vì muốn có một vai trò lớn ở Ấn Độ Dương:

Sri Lanka là bệ phóng cho một trong những chủ trương đối ngoại của ông Tập: lập “Con đường tơ lụa trên biển” để nối TQ với châu Âu.

Kế hoạch này có kinh phí 40 tỷ USD, làm Ấn căng thẳng, nhận định đó là một chiến lược bao vây, làm Ấn mất ưu thế trong khu vực và tiến tới việc xây dựng các cơ sở quân sự TQ trên Ấn Độ Dương.

Khi biết kết quả bầu cử tổng thống Sri Lanka, Thủ tướng Ấn Narendra Modi đã gọi điện chúc mừng ông Sirisena ngay trước khi hoàn tất khâu kiểm phiếu.
Thái độ "nhịn đã, rồi tiếp cận lãnh đạo mới" của TQ 
Các nhà phân tích TQ nói họ không nghĩ việc ông Rajapaksa thất cử có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch của TQ ở Sri Lanka.

“Nhiều chính khách nói thế này trước cuộc bầu cử, nhưng sau khi trúng cử, họ lại làm khác”, chuyên gia Wang Dehua về Đông Nam Á ở Học viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (TQ) nói.

Về dự án “thành phố cảng”, Wang nói: “Tôi tin nó sẽ có lợi cho Sri Lanka, vậy tại sao lại hủy? Tôi cho rằng khả năng hủy rất nhỏ”.

Trong thực tế, TQ thường vấp phải làn sóng phản đối tại các nước mà họ đầu tư mạnh, theo Jonathan Holslag, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu của Viện Brussels nghiên cứu TQ hiện đại.

Ông cũng từng nghiên cứu cách TQ phản ứng trước các vụ đảo chính ở 5 nước châu Phi, nói tiếp:

“Thường thì TQ giữ thế kín tiếng nhiều tháng khi có các cuộc chuyển giao quyền lực chính trị, rồi họ tiếp cận lãnh đạo mới với những đề nghị cùng hợp tác. Kiểu tiếp cận này luôn hiệu quả, ngay cả với những lãnh đạo đối lập kịch liệt chỉ trích TQ.

Bằng cách này khác, tất cả các lãnh đạo này đều quay qua TQ, vì đó là tay chơi duy nhất sẵn sàng giúp họ có tiền xây dựng cơ sở hạ tầng và chi tiêu công. Tôi cho rằng kiểu này cũng sẽ xảy ra với Sri Lanka”.

Trần Trí (theo New York Times)

Một Thế Giới