Chớ nên xem nhẹ những tuyên bố hiếu chiến của Tướng 'diều hâu' Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 05:12, 30/11/2014

Lời khuyên của cố vấn Lầu Năm Góc Michael Pillsbury: Chớ nên xem nhẹ những tuyên bố hiếu chiến của tướng 'diều hâu' Trung Quốc, vì lãnh đạo quân sự Trung Quốc lắm mưu mẹo quái dị, nhưng nói ra chuyện gì thì làm chuyện đó.

Ông nói việc Mỹ thường thất bại trong việc nhận định những đe dọa hung hăng của TQ, và chỉ hiểu ra chiến lược của TQ sau khi đã có những hoạt động của họ.  

Ông Pillsbury còn nói lâu nay các chuyên gia về TQ đã hiểu sai rằng những tuyên bố của TQ là để phục vụ công tác tuyên truyền nội bộ nhằm thu phục cảm tình của dân TQ.

Ông nói các nhóm chuyên gia an ninh và TQ cần có cách tiếp cận mới trong việc phân tích TQ, như ông và các nhà phân tích ở Viện Hudson đang làm, để phân tích bản chất chiến lược của TQ đối với Mỹ.

Cách tiếp cận của nhóm Pillsbury là nhìn lại 30 năm trước hoặc hơn, rồi nhìn về 30 năm tới. Bằng cách đó, ông hy vọng Mỹ sẽ có hiểu rõ hơn về các động cơ, chiến thuật của TQ rồi dự báo TQ sẽ làm gì tiếp.
Những ví dụ rõ nhất trên biển Đông

Ông nói một trong những vấn nạn đầu tiên là “Chúng ta không nhận định nghiêm túc về các bài viết và tuyên bố của những tướng diều hâu Trung Quốc.

Ông lưu ý: trên thực tế, Bắc Kinh thực hiện đúng các chiến được do những lãnh đạo quân sự đề xuất, dù nghe chúng rất lạ lùng. Các ví dụ có thể lấy từ những diễn biến gần đây trên Biển Đông:   

Hồi tháng 3, khi TQ tham gia cuộc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không dân dụng Malaysia Airlines bị mất tích, đô đốc Yin Zhou của hải quân Quân đội giải phóng nhân dân TQ (NPLA) nói TQ sẽ xây các đường băng, cảng ở Biển Đông, đề phòng PLA cần giúp những nỗ lực tìm kiếm-cứu hộ trong tương lai.

Lúc ấy, các chuyên gia về TQ không xem trọng tuyên bố của đô đốc Yin, nhưng ngay sau đó, TQ xây đường băng, cảng, thậm chí xây các đảo nhân tạo trên Biển Đông.  

Hoặc hồi tháng 5.2013, Tướng Zhang Zhaozhong đề nghị “chiến lược bắp cải” để thu tóm các khu tranh chấp trên Biển Đông.

Zhang nói cách này sẽ hiệu quả bằng cách tung tàu đánh cá vào những vùng biển tranh chấp, rồi cử tiếp tàu hải giám, rồi tàu chiến.

Chỉ vài tháng sau, thế giới chứng kiến “chiến lược bắp cải” hình thành: TQ bắt đầu trang bị vệ tinh định vị cho tàu cá tiến sâu vào các vùng tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Nay thì các chuyên gia đề phòng TQ đều biết “chiến lược bắp cải” của tướng Zhang.
Tuong  dieu hau  Trung Quoc
Tướng Zhang 
"Hai đại tá TQ điên" viết sách về chiến tranh không quy ước

Theo ông Pillsbury, vấn đề là nhiều chuyên gia chỉ có thể hiểu chiến lược của TQ sau khi họ thể hiện, và đường hướng này đã được tiến hành từ hàng chục năm nay.

Ông lưu ý: trong tiếng Hoa, chữ chiến lược có cả chữ “chiến” trong đó, và hiện TQ đang tiến hành chiến tranh mạng, chiến tranh chính trị.

Và lãnh đạo quân sự TQ cũng tính đến cả chiến tranh không quy ước. Như trong đầu sách “Những cuộc chiến tranh không hạn chế” xuất bản năm 1999 của hai đại tá không quân TQ, gồm một người nay là thiếu tướng PLA.   

Ông Pillsbury kể: “Khi ấy, người ta bảo đó là hai ông đại tá điên”.

Cuốn sách không được dịch sang tiếng Anh suốt nhiều năm, và khi có bản dịch, hầu như không chuyên gia nào về TQ chịu đọc.
Sách này đề cập những dạng chiến tranh mới: chiến tranh thương mại,tài chính, khủng bố trong tương lai sử dụng công nghệ mới, chiến tranh sinh thái. 
Hai tác giả rút kinh nghiệm cho PLA từ việc tái cơ cấu quân đội Mỹ từ giữa thập niên 1980 và nhất là từ sau cuộc chiến vùng Vịnh, mà nay dẫn đến việc TQ hiện đại hóa quân đội. 
Sau khi Mỹ bị khủng bố Al Qaeda tấn công không tặc ngày 11.9.2001, "Những cuộc chiến tranh không hạn chế" mới được in tiếng Anh, với ảnh bìa là chiếc máy bay không tặc đâm vào tòa tháp đôi ở New York.  Tựa phụ là "Kế hoạch bậc thầy của TQ để tiêu diệt Mỹ".  
Tuong  dieu hau  Trung Quoc
Bìa cuốn sách "Những cuộc chiến tranh không hạn chế" 
Trên bài xã luận “Hiểu sai TQ” đăng trên báo The Wall Street Journal, ông Pillsbury viết: “tại sao các nhà hoạch định chính sách và học giả phương Tây lại thường nhận định sai về TQ ?

 “Các chuyên gia của các chính phủ Tổng thống Mỹ Harry Truman và Eisenhower không tin TQ sẽ tham gia chiến tranh Triều Tiên. Hai ông Kennedy và Johnson tin rằng TQ sẽ đứng ngoài chiến tranh Việt Nam”.

Ông còn liệt kê nhiều nhận định sai về TQ từ cuộc chiến tranh biên giới bất ngờ Xô-Trung năm 1969, đến việc thiếu tầm nhìn xa về sự kiện thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Ông kết luận: “TQ nhiều tiềm năng là đối thủ mạnh nhất mà Mỹ phải đối mặt, vẫn mãi là một bí ẩn”.

Ông Pillsbury nói nhóm của ông hy vọng sẽ thay đổi được điều này. 
Ông đang là cố vấn Lầu Năm Góc thâm niên nhất, làm việc dưới thời các Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, George H.W. Bush, Bill Clinton và George W. Bush. 
Mai Hà  (theo The Wall Street Journal)  

Một Thế Giới