Cải tạo phi pháp đảo đá Chữ Thập, TQ dọn đường tác chiến trên không và trên biển

Chuyển động - Ngày đăng : 17:04, 22/11/2014

Trung Quốc cải tạo đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng trái phép) để xây dựng đường băng, dọn đường cho máy bay chiến đấu cất và hạ cánh, đồng thời xây cảng để cho các loại tàu chiến có thể cập bờ. Ảnh chụp từ vệ tinh đã tố cáo ý đồ quân sự của Trung Quốc.
Ảnh vệ tinh đảo đá Chữ Thập
 Ảnh vệ tinh chụp từ ngày 8.8 đến 14.11 cho thấy Trung Quốc đã cải tạo đất trên toàn bộ đảo đá Chữ Thập (tên tiếng Anh là Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong 3 tháng qua, các tàu hút bùn đã được huy động tối đa công suất để xây dựng một hòn đảo có chiều dài ít nhất 3.000 m và rộng từ 200 đến 300 m. Quy mô xây dựng đủ lớn để chứa một đường băng và có nhiều dự đoán về việc khánh thành đường băng ngoài khơi đầu tiên của Trung Quốc tại Biển Đông.
dao da Chu Thap
Trung Quốc cải tạo đảo Đá Chữ Thập, thay đổi hiện trạng đảo và làm tăng diện tích đảo lên nhiều lần nhằm dọn đường cho tác chiến trên không và trên biển - Ẩnh IHS
Tàu hút bùn cũng đã tạo ra một bến cảng ở phía đông đảo đá Chữ Thập với sức chứa đủ lớn, phục vụ cho việc cập bến của các tàu chở dầu và tàu chiến trên mặt nước.
Việc xây dựng đã làm dấy lên mối lo ngại về âm mưu Trung Quốc sẽ thiết lập căn cứ quân sự trên quần đảo giàu khoáng sản, khiến căng thẳng leo thang trên vùng biển này.
Xác định biển Đông là một vấn đề an ninh lớn nhất hiện nay ở khu vực châu Á, Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc giảm thiểu các hành động gây hấn, đồng thời thúc giục các bên tham gia  Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). 
Tuy nhiên động thái xây dựng chứng tỏ Bắc Kinh không để vào tai kêu gọi từ Washington. Nước này đã từng tuyên bố sẽ xây dựng bất cứ công trình nào mình muốn tại các đảo ở Biển Đông.
Đây là dự án thứ 4 nhưng là dự án quy mô lớn nhất mà Trung Quốc triển khai ở Trường Sa của Việt Nam trong khoảng thời gian 12-18 tháng gần đây. Theo giới quan sát, mục đích của việc xây dựng là để các nước láng giềng từ bỏ chủ quyền đối với khu vực đang tranh chấp, đồng thời tạo thêm lợi thế cho Bắc Kinh trên bàn thương lượng.
Các phương tiện truyền thông Hồng Kông cho biết Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một căn cứ không quân trên đảo đã chữ thập. Tuy nhiên các quan chức Trung Quốc phủ nhận thông tin này.
Nguyễn thị Quỳnh Như (theo The Guardian)

Một Thế Giới