Tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc chơi chiêu “cây gậy và củ cà rốt“

Chuyển động - Ngày đăng : 14:07, 14/11/2014

Để giảm căng thẳng do những tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc (TQ) sử dụng chiêu bài "cây gậy và củ cà rốt".   Sáu tháng sau khi TQ hạ đặt giàn khoan khổng lồ trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Bắc Kinh lại mời chào các nước Đông Nam Á với những cam kết đầu tư và thương vụ mới. Tờ Wall Street Journal nhận định đây là đường đi nước bước của TQ để từng bước kiểm soát toàn bộ Biển Đông.
TQ dúi vào tay các "bạn láng giềng" những phần thưởng kinh tế. Đối với những nước phản đối TQ công khai, họ lại  áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Chiến thuật "vừa đấm vừa xoa" này phục vụ cho tầm nhìn về một châu Á thống nhất, lấy TQ mà ông Tập Cận Bình đang theo đuổi.
Bắc Kinh thúc giục các nước láng giềng thắt chặt quan hệ kinh tế với nhau, hứa hẹn điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho những nước nhỏ.
Đối với TQ, lợi ích kinh tế là  điều mà TQ muốn những láng giềng yếu thế hơn phải cân nhắc.
Dưới thời ông Tập, TQ tỏ ra cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Điều này khiến họ buộc phải lâm vào thế đối đầu với Philippines và Việt Nam.
Mặt khác, sự trỗi dậy quân sự của TQ cũng là một liều thuốc thử đối với chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ và cam kết của Mỹ về sự hiện diện trong khu vực.
Theo giới quan sát, Mỹ đề ra chính sách xoay trục nhằm đối phó với sức mạnh lan tỏa của TQ trong khu vực.
Trước chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt" của TQ, các quốc gia láng giềng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Một là họ buộc phải thừa nhận tham vọng làm bá chủ biển Đông của TQ, và tranh thủ những cơ hội làm ăn với nước này.
Hai là họ quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và trực tiếp đối đầu với TQ.
Tuy nhiên, nếu buộc phải chọn phương án thứ hai, những người hàng xóm yếu thế của TQ  phải đối diện với sự thực phũ phàng.
Họ không chắc có nhận được sự ủng hộ từ các nước trong khu vực và từ "ông lớn" Mỹ hay không.
Một bài toán nan giải khác là những quốc gia đang có tranh chấp với TQ cũng phải tranh chấp phần chủ quyền biển đảo. 
Bà Bonn Glaser, chuyên gia về các vấn đề đối ngoại của TQ thuộc Trung tâm khoa học chiến lược và quốc tế học (CSIS) từ Washington bình luận:
 "Đừng chờ đợi sự khoan dung từ bất kì vị tân lãnh đạo nào của TQ trong bối cảnh TQ căng thẳng với nhiều quốc gia cùng một lúc "
Theo chiến thuật của ông Tập, các nước sớm muốn gì cũng buộc phải công nhận vị thế bá chủ của TQ
Theo đó, vị trí độc tôn của Mỹ đang bị TQ thách thức và các nước không được ngả theo những gì đi ngược lại với lợi ích của TQ. 
Có lẽ Việt Nam là nước hiểu rõ áp lực của TQ nhất. Hơn một năm nay, các quan chức ngoại giao TQ tuy không ra mặt, tiếp tục gây áp lực lên giới chức Việt Nam.
TQ muốn cùng Việt Nam chia phần các nguồn lợi dầu mỏ ở thềm lục địa mà Bắc Kinh và Hà Nội đang tranh chấp.
Vào tháng 5, khi đàm phán Việt -Trung rơi vào bế tắc, Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào EEZ của Việt Nam vốn được Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc công nhận.
Lực lượng hải giám và các tàu quân sự TQ  hùng hổ hộ tống giàn  khoan này. Một số vụ đụng độ với lực lượng hải giám Việt Nam đã xảy ra. Căng thẳng Việt - Trung leo thang khiến quan hệ hai nước đi xuống trầm trọng.
Nhưng đến tháng 7, sau khi TQ rút giàn khoan, Bắc Kinh lại chú trọng vào tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam.
Hai bên cam kết không để vấn đề tranh chấp chủ quyền biển làm ảnh hưởng đến những dự án phát triển hạ tầng và hợp tác tiền tệ.
Hợp tác về kinh tế Việt - Trung vẫn được duy trì. Việt Nam tham gia Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á do TQ điều hành.
Mỹ nhanh chóng vận động hành làng để phản đối ngân hàng này. Mỹ cho rằng mục đích của Ngân Hàng Đầu Tư Cơ sở Hạ Tầng Châu Á là "sân sau" nhằm yểm trợ cho sự bành trướng của các công ty TQ.
Cho đến nay, nhiều nền kinh tế châu Á khác chưa quyết định tham gia vào hệ thống Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ Tầng Châu Á .
Trước thái độ hoài nghi của những nước láng giềng, ông Tập chủ trương dùng sức mạnh kinh tế để buộc họ phải suy nghĩ lại.
Cách đây một năm tại Indonesia, ông Tập vạch ra tham vọng khôi phục "Con đường tơ lụa trên biển của thế kỉ 21." Theo ông, đây là nơi thu hút những món đầu tư trị giá hàng tỷ đô la.
Vẽ nên viễn cảnh kinh tế hấp dẫn, TQ muốn kê toa nhằm xoa dịu các những quốc gia láng giềng bé nhỏ vốn sợ bị TQ thâu tóm lãnh thổ bấy lâu nay. 
Đó là nhận xét của Christopher Len, một nghiên cứu viên về vấn đề tranh chấp lãnh hải của TQ. 
Trong khi đó, Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố Việt Nam hoan nghênh việc hợp tác xúc tiến thương mại trong khu vực, dựa trên những thỏa thuận mà hai bên đã kí kết.
Trong cuộc viếng thăm của Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường đến Việt Nam hồi năm ngoái, hai bên thỏa thuận xúc tiến các dự án phát triển năng lượng.
Trung Quốc không đưa ra bình luận gì về khả năng vụ giàn khoan làm ảnh hưởng đến tiển triển của những đàm phán của họ với Việt Nam
Theo dữ liệu từ Hải quan TQ,  trao đổi mậu dịch giữa TQ và các nước trong khu vực vẫn trong đà tăng trưởng vượt bậc.
Trao đổi hai chiều giữa TQ -Malaysia cán mốc 100 tỷ USD lần đầu tiên vào năm ngoái.
Trong mười tháng đã qua trong năm nay, thương mại hai chiều Việt- Trung cũng tăng trưởng 22% so với một năm trước.
TQ hiện đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng Khu công nghiệp TQ- Malaysia tại cảng Kuantan ở phía Đông Malaysia.
Một công ty quốc doanh của TQ cũng đang đầu tư để mở rộng quy mô của cảng này nhằm phụ trợ cho Khu công nghiệp Trung Quốc - Malaysia.
Trong khi đó, tập đoàn Guangxi Beibu Gulf International Port sở hữu 40% cổ phần cảng Kuantan. Một công ty con của tập đoàn này cũng chuẩn bị khởi công nhà máy thép trị giá 1 tỷ đô la Mỹ ở Khu công nghiệp TQ- Malaysia .
Giới quan sát cho rằng chiến thuật thắt chặt hợp tác kinh tế của TQ chưa chắc đã giúp giảm nhiệt căng thẳng giữa TQ và các quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, Zha Daojiong, một vị giáo sư khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Bắc kinh thể hiện thái độ tự tin vào chính sách "cây gậy và củ cà rốt" bằng một câu hỏi tu từ:
"Đặc biệt ở Đông Nam Á này, thử hỏi ai sẽ bận tâm chuyện bị cho là mềm yếu khi phải quì mọp trước túi tiền?"
Ông này nói thêm sự kết nối về kinh tế với các nước trong khu vực còn hữu dụng đối với Trung Quốc trong nhiều vấn đề khác như tạo ra thị trường tiêu thụ cho các ngành công nghiệp luyện kim Trung Quốc, như ngành thép chẳng hạn.
Bà Glaser, chuyên gia CSIS cho rằng khi Mỹ tỏ ra mềm yếu, TQ nhìn thấy cơ hội để ngoi lên.
"Cảm nhận về sự yếu mềm của Mỹ đã mở những cánh cửa một cơ hội cho TQ."
Theo bà Glaser, giới lãnh đạo nước Mỹ đang bị phân tâm bởi những cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Trung Đông. Trong lúc đó, uy thế của Tổng thống Obama đang đi xuống.
Đây là lúc người TQ nhìn thấy thời cơ của mình.
Nguyễn Thị Quỳnh Như (theo Wall Street Journal)

Một Thế Giới