TQ chạy đua vũ trang, sẽ thắng Mỹ?

Chuyển động - Ngày đăng : 20:00, 11/11/2014

Câu hỏi TQ chạy đua vũ trang, sẽ thắng Mỹ? được đặt ra, khi nước này vừa qua thua Mỹ trong cuộc chạy đua chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên có thể cất cánh từ tàu sân bay, khi một chiếc F-35C Lightning II của hải quân Mỹ đã cất và hạ cánh trên tàu sân bay Nimitz hôm 3.11.
Chiếc F-35C là chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên có thể cất cánh từ trên biển. Nó sẽ được trang bị cho hải quân Mỹ từ năm 2018. 
J-20 cũng xài động cơ Nga 
Trong khi  đó, TQ vẫn còn chưa xong kế hoạch đưa J-31 đáp lên tàu sân bay đầu tiên và duy nhất cho đến nay của họ, chiếc Liêu Ninh.

Theo nhật báo Namgang (TQ), chiếc J-31 có thể sản xuất đại trà trong 5 năm tới, và có khả năng sẽ có một kiểu có thể cất-hạ cánh trên tàu sân bay.

Trang War is Boring từng lưu ý TQ đã cho chiếc J-31 tập hạ cánh trên một mô hình tàu sân bay, sau khi cho chiếc này bay thử hồi tháng 6.

TQ cũng đang tính có thêm hai chiếc tàu sân bay, gồm một chiếc chạy bằng hạt nhân và lớn như một siêu tàu sân bay Mỹ.
TQ còn đang thiết kế chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 thứ hai là J-20, cũng bị nghi là “xoáy, nhái” mẫu F-22 hoặc F-35.

Chiếc J-20 hai động cơ được cho là có thể bay xa đến tận Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Nó đã bay chuyến đầu tiên năm 2011 và có thể đi vào hoạt động từ năm 2017, nếu đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng động cơ của chiến đấu cơ thế hệ 5.

Hồi tháng 3.2012, kênh truyền hình thời sự RT (Nga) nêu J-20 bay thử với hai động cơ AL-31F (Nga) mượn từ chiến đấu cơ Su-27 mà TQ mua từ giữa những năm 1980.
TQ chay dua vu trang
Chiếc J-20 sau lần bay thử 
Chiếc J-20 cần một động cơ có tính năng tương đương động cơ AL-41F1C (Nga) đang sử dụng cho chiến đấu cơ đa năng Su-35. Động cơ này cho phép một máy bay đạt tốc độ siêu thanh mà không cần bình xăng phụ.

AL-41F1C thực sự là bản sao của động cơ AL-41F1 (117C) đang dùng cho chiến đấu cơ thế hệ 5 T-50 PAK-FA của Nga (đang cho bay thử).

Chiếc Su-35 được Nga đưa đến Airshow China, sẽ biểu diễn nhằm gây ấn tượng mạnh với chỉ huy không quân TQ, do Bắc Kinh đã tính chuyện mua kiểu máy bay này. 
Có tin cuối tháng 11, Nga và TQ sẽ ký hợp đồng xuất-nhập khẩu Su-35.
Long, lỏng ốc vít là hết “tàng hình”
Nhưng liệu TQ chạy đua vũ trangsẽ thắng Mỹ?
Giáo sư trợ giảng Robert M. Farley của đại học bang Kentucky, nói thiết kế động cơ không tin cậy của TQ gây đình trệ cho tham vọng không gian của họ: “Các động cơ đòi hỏi sai số rất nhỏ khi sản xuất. Một sai sót nhỏ nhất có thể khiến động cơ cháy máy”. 

Ông còn nói chất lượng kiểm soát yếu có thể làm giảm giá trị “tàng hình” của J-31:

“Vấn nạn tiềm năng của chiến đấu cơ tàng hình do Nga và TQ đóng là nếu có một ốc vít long ra, nó sẽ hiện lên màn hình radar. Thường thì máy bay Nga và TQ luôn bị phát hiện. 

“Chiến đấu cơ TQ sẽ “tàng hình” như của phương tây? Chúng ta sẽ không thể biết điều đó trong 5 hoặc 10 năm nữa”.

Ông còn nói nếu chiến đấu cơ TQ “xịn” như quảng cáo, J-31 sẽ hút khách, nhưng với điều kiện giá bán phải thấp hơn giá chiếc F-35 vốn dao động từ 150 triệu đến hơn 300 triệu USD tùy theo mẫu.

Việc phát triển chiếc J-31 được giấu kín thông tin kinh phí với công chúng, nhưng báo Science lưu ý 44% chi nghiên cứu-phát triển của chính phủ TQ thì chủ yếu dành cho quốc phòng.

Ông Farley dự đoán khoản kinh phí thiết kế chiếc J-31 từ khoảng 75 đến chưa tới 100 triệu USD. Ông nói: “Pakistan có thể mua nhiều, cùng nhiều nước Nam Mỹ đang tái nâng cấp không quân. Ở Trung Đông bất mãn Mỹ nên khí tài quân sự Mỹ bị vạ lây, nên nếu một chiến  đấu cơ tàng hình TQ có giá rẻ sẽ ăn khách”.

Hiện 54 % vũ khí của Pakistan là từ TQ. Việc TQ bán chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 cho Pakistan có thể gây thêm căng thẳng khu vực, giữa Pakistan với Ấn Độ, vốn đang cùng Nga phát triển một kiểu máy bay thế hệ 5.

Phó tổng giám đốc AVIC Li Yuhai chỉ nói, J-31 sẽ thay đổi nguyên trạng, và sẽ qua mặt các loại chiến đấu cơ “thế hệ 4” để chiếm vai trò hàng đầu trên thị trường.

Li xác định J-31 thật sự là chiến đấu cơ thế hệ 4 mang các đặc trưng TQ, gồm giá phải chăng, độ tin cậy cao, có thể tranh đua với chiến đấu cơ của các nước khác.

Lãnh đạo AVIC cho biết TQ sẵn sàng xuất khẩu cho khách hàng thế giới nào không đủ tiền mua chiếc F-35 của Mỹ. 

Chiếc J-31 được triển lãm có bảng giới thiệu là FC-31, là ký tự dùng để chỉ hàng xuất khẩu, còn chữ J dùng để chỉ chiến đấu cơ.
TQ chay dua vu trang
Mô hình chiếc J-31 
Các sức ép chính trị và giá rẻ có thể tác động đến những nước mua hàng TQ, theo nhà nghiên cứu Robert C. Michelson của Viện nghiên cứu kỹ thuật bang Georgia (Mỹ):

“Các nước có quan hệ kém với phương tây như Iran có thể phải xem xét việc mua J-31, do không có lựa chọn khác. Dĩ nhiên, máy bay TQ sẽ cạnh tranh với máy bay Nga, và sẽ phải chứng minh tính hiệu quả cùng giá rẻ”.

Nga hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ nhì thế giới, nắm 27% thị phần thế giới. Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Hồi năm ngoái, TQ qua mặt Pháp để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ tư thế giới, sau Đức (hạng ba) theo số liệu SIPRI.

Dù TQ lâu nay xuất khẩu vũ khí nhỏ và đạn, việc tăng sản xuất công nghệ hiện đại cũng có nghĩa họ muốn xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không, vũ khí chống tăng, trực thăng và tàu chiến.

Chỉ trong 5 năm, tỷ lệ phần trăm mua bán vũ khí toàn cầu có nguồn từ TQ đã tăng từ 2% lên 6%, dù tổng doanh số mua bán vũ khí quốc tế đã tăng 14%.

Từ năm 2009 đến năm 2013, khách hàng chủ đạo của TQ là Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Trong khi đó, vũ khí nhập khẩu của TQ giảm khi các xí nghiệp nội địa có thêm nhiều đơn đặt hàng, theo SIPRI. 
>>Không quân Trung Quốc dùng vận tải cơ Y-20 đến biển Đông làm gì?
>>Tiểu đoàn trừng giới Ukraine trở lại Kiev gieo rắc kinh hoàng

Trần Trí (theo New York Times) 

Một Thế Giới