Trung Quốc tuyên bố giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tìm thấy mỏ khí vùng biển sâu
Chuyển động - Ngày đăng : 10:58, 16/09/2014
Tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia TQ (CNOOC) cho biết mỏ khí này được phát hiện bởi giàn khoan Haiyang Shiyou 981 - vốn từng được TQ đưa trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam từ ngày 2.5 đến 15.7.2014 mới rút về đảo Hải Nam (TQ).
Tân Hoa Xã đưa tin mỏ khí mới phát hiện có tên Lingshui 17-2, cách đảo Hải Nam 150 km về phía nam, "tức không phải trong vùng biển tranh chấp trên biển Đông". Mỏ này có độ sâu trung bình 1.500 m, được xếp hạng “mỏ khí siêu sâu”.
Đại diện CNOOC nói với Đài truyền hình trung ương TQ (CCTV) rằng TQ “nay có khả năng kỹ thuật khoan ở bất kỳ nơi nào trên Biển Đông”, và việc phát hiện Linghui là một luận chứng đáng kể cho những ai nghi ngờ khả năng khai thác khí ở các vị trí nước sâu.
Tân Hoa Xã dẫn lời tổng giám đốc CNOOC Xie Yuhong rất hài lòng về trữ lượng của mỏ Lingshui 17-2. Xie nói mỏ này có thể sản xuất khoảng 1.585.734,04 mét khối khí/ngày, tương đương 9.400 thùng dầu lỏng/ngày.
Xie còn nói mỏ này có thể rất lớn, còn Tân Hoa Xã nêu có khoảng 30 tỷ mét khối khí. Vẫn còn phải chờ kết quả xác minh đánh giá này.
Xie lưu ý đó là dòng khí cao nhất trong tất cả các giếng khí mà CNOOC khoan thăm dò cho đến nay.
Theo The Diplomat, một trong các giếng khí này có thể là giếng mà CNOOC khoan hồi đầu hè 2014 gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo đó, tuyên bố phát hiện mỏ Lingshui 17-2 là một tin tốt cho quan hệ Việt-Trung, vì xem ra CNOOC nhận định vị trí hạ đặt giàn khoan Haiyang Shizou 981 có nhiều hứa hẹn cho bằng mỏ khí gần đảo Hải Nam.
Tuy nhiên, chủ tịch CNOOC Wang Yilin cũng nói rõ: việc khai thác Lingshui 17-2 chỉ mới bắt đầu. Ông hy vọng phát hiện mỏ khí đặc biệt này sẽ mở ra cơ hội khai thác nhiều hơn trên toàn bộ Biển Đông.
Một dấu hiệu khác cho thấy CNOOC muốn tăng cường khai thác Biển Đông: báo Wall Street Journal hồi tuần trước đưa tin tập đoàn này mời các công ty nước ngoài “tranh một quả thầu không tiền khoáng hậu về các mỏ dầu khí ngoài khơi vùng biển TQ”.
CNOOC đã tuyên bố mở quả tranh thầu 33 mỏ dầu xa bờ, tăng so với 25 mỏ hồi năm 2013. Nhưng cho đến nay xem ra chưa có công ty nước ngoài nào quan tâm lời mời thầu này, do ngại phải chi rất nhiều tiền cho mảng khoan thăm dò và khai thác.
The Diplomat nêu số mỏ dầu khí rao tranh thầu tăng có thể là phản ứng của TQ, trước tin Việt Nam - Ấn đồng ý mở rộng hợp tác sản xuất dầu khí trên biển Đông.
Năm 2011, TQ đã từng "nắn gân" tổng công ty dầu khí ONGC Videsh Ltd (Ấn) rằng những hoạt động này "vi phạm chủ quyền lãnh thổ của TQ".
Theo báo Wall Street Journal (Mỹ) ngày 15.9, văn bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn dầu khí VN (PetroVietNam) và ONGC Videsh đã được ký.
Thỏa thuận này là một trong những thỏa thuận mà Việt-Ấn ký tại Hà Nội, nhân chuyến thăm Việt Nam 4 ngày của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.
Tờ báo Mỹ trích lời tổng giám đốc PetroVietNam Đỗ Văn Hậu: “ONGC đã tiến hành thăm dò-sản xuất dầu-khí tại Việt Nam từ nhiều năm qua, và hôm nay, thỏa thuận mở đường cho chúng tôi tăng cường hợp tác tại các mỏ xa bờ của Việt Nam”.
ONGC đã có cổ phần tại một mỏ sản xuất khí ở vùng biển phía nam Việt Nam. Họ cũng có mỏ khai thác 128 xa bờ ở Biển Đông. Họ bỏ mỏ 127 lân cận do không tìm thấy dầu-khí tại khu vực này.
Hai mỏ 127 và 128 đều nằm trong khu vực mà TQ đơn phương tuyên bố hầu như độc chiếm Biển Đông.
Tất cả các động thái này chỉ ra cơn khát khoan dầu -khí nước sâu của TQ. Ngoài Haiyang Shiyou 891 là giàn khoan dầu nước sâu của TQ, CNOOC còn đang đóng 3 giàn khoan khác cùng cỡ. Giàn khoan thứ hai là Haiyang Shiyou 982, dự kiến hoàn thành năm 2016, theo Wall Street Journal.
Việc TQ ráo riết khoan dầu-khí nước sâu nhằm tranh các quyền lợi chiến lược: bảo vệ tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ biển Đông bất chấp phản ứng của quốc tế và các nước trong khu vực, và giảm sự lệ thuộc nguồn năng lượng nhập khẩu.