Ngại sức mạnh quân sự TQ, châu Á chạy đua vũ trang
Chuyển động - Ngày đăng : 14:37, 12/09/2014
Cuộc chạy đua chi hàng chục tỷ USD cho mảng quốc phòng xảy ra trong lúc tranh chấp chủ quyền các vùng biển và rặng san hô, bãi đá cạn…giữa các nước với TQ, trong khi các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc nhanh chóng hiện đại hóa quân đội, dù cuộc tranh chấp giữa họ với TQ hầu như chỉ ở cấp ngoại giao.
Đa số các hoạt động trang bị phần cứng gần đây là tàu tuần duyên vốn có thể cơ động kiểm soát các đảo tranh chấp và luồng cá.
Hồi tháng 6, Nhật đồng ý tặng 6 chiếc cho Việt Nam và hứa tặng 10 chiếc cho Philippines hồi năm ngoái. Việt Nam tăng gấp đôi số tàu này lên 68 chiếc trong 5 năm qua, theo Viện quốc tế nghiên cứu chiến lược (Anh).
Nhật cũng tăng 41 chiếc để có tổng cộng 389 tàu tuần duyên. Họ dùng các tàu này trong hai năm qua để bảo vệ chủ quyền quần đảo không người ở Senkaku, trong khi TQ cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Hồi tháng 8, chính phủ Nhật đã yêu cầu quốc hội duyệt mức chi quân sự lớn nhất Nhật từ trước đến nay, với 48 tỷ USD, để mua máy bay tuần tra biển P-1, chiến đấu cơ tàng hình cùng các phần cứng của Mỹ.
Theo AP, các nước châu Á hiện chiếm một nửa số vũ khí nhập khẩu của thế giới, với TQ dẫn đầu bằng cách tăng ngân sách quốc phòng gấp 4 lần trong 10 năm qua. Khoản chi mạnh tay này chủ yếu nhờ phát triển kinh tế.
Theo Robert D. Kaplan, nhà phân tích của công ty tư vấn tình báo Stratfor (ở Mỹ), mục tiêu hiện đại hóa quân sự của TQ là “bật” Mỹ khỏi vị trí thống thị ở Thái Bình Dương, và kiểm soát các tuyến hàng hải quan trọng ở biển Đông cũng như “bỏ túi” các khu vực nhiều tài nguyên dầu khí dưới các vùng biển Đông Á.
Ông Kaplan nói: “Món cược của TQ là họ có thể tăng khả năng quân sự tại biển Đông và biển Hoa Đông nhanh hơn Việt Nam và Philipppines. Nếu TQ có thể tự do di chuyển và thi triển quyền kiểm soát các vùng biển lân cận nhiều hơn, họ sẽ trở thành một thế lực hải quân hùng mạnh”.
Bắc Kinh hiện chưa thể bì với Mỹ vốn chi 665 tỷ USD/năm cho quân sự, nhiều hơn 8 nước khác cộng lại và gấp ba lần so với TQ, theo Viện hòa bình quốc tế Stockholm (SIPI).
Tàu ngầm TQ |
Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu của Viện Stockholm, nói: “Tàu ngầm được xem là lý tưởng cho một bên thuộc chiếu dưới để đối phó với địch lớn mạnh hơn. Chúng có thể di chuyển lặng lẽ và ngăn chặn sự giành quyền kiểm soát hải phận và không phận”.
Philippines có lực lượng quân sự yếu nên hoan nghênh việc Mỹ trở lại căn cứ ở nước này, và dự tính tăng chi mua máy bay tuần tra biển, máy bay ném bom cùng các phần cứng khác.
Jon Grevatt, nhà phân tích quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương của nhóm nghiên cứu HIS Jane’s, nói: “Philippines thực hiện rất nhiều việc để đầu tư hiện đại hóa quân đội. Nhiều năm qua, nền kinh tế của họ tăng trưởng nhưng nhiều năm qua, họ không thể đáp ứng các yêu cầu này”.
Ấn có tranh chấp lãnh thổ với TQ và Pakistan, đã mua nhiều xe tăng, máy bay chiến đấu và trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Hãng Boeing vừa giao chiếc máy bay tuần tra biển P-8I Poseidon thứ năm trong đơn đặt hàng 8 chiếc của hải quân Ấn.
Phó đô đốc RK Pattanaik là phó tư lệnh hải quân Ấn, nói: “Chương trình P-8I đạt tiến độ đúng hạn, và chiếc này có những khả năng đáp ứng yêu cầu chống ngầm và giám sát biển của chúng tôi”.
Sẽ còn một chiếc nữa được giao vào cuối năm nay, và 2 chiếc cuối cùng giao năm 2015.
P-8I dùng để chỉ máy bay của Ấn, như P-8A dành cho không quân Mỹ. Chiếc P-8 Poseidon dựa theo mẫu chiếc máy bay dân dụng 737-800ERX, được dùng để chống ngầm, chống hạm, thu thập tín hiệu điện tử. Nó có thủy lôi và tên lửa.
Khi AP hỏi về cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, người phát ngôn Hua Chunying của Bộ Ngoại giao TQ nói hôm 11.9, rằng khoản chi quân sự ngày càng tăng của TQ là “minh bạch, đặc biệt phục vụ vai trò quốc phòng”.
Bà Hua nói thêm: “Nếu quý vị xem xét kỹ các sự cố trên biển Đông và biển Hoa Đông trong hai năm gần đây, quý vị sẽ phát hiện không phải TQ, mà chính các nước quý vị nói đến tạo ra căng thẳng và có những hành vi khiêu khích. Chúng tôi phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ”.
Bà còn nói: “Chúng tôi hy vọng các nước liên quan có thể chứng kiến sự tăng trưởng của TQ với bộ óc bình thường, làm việc với TQ để phát triển các mối quan hệ song phương và gìn giữ hòa bình, ổn định tại châu Á”.
Bích Ngọc (theo AP)