Nhật Bản tăng cường phòng thủ, phòng chống Trung Quốc ...

Chuyển động - Ngày đăng : 18:46, 22/08/2014

Phóng thêm vệ tinh, sản xuất chiến đấu cơ nội địa, hỗ trợ xăng dầu cho máy bay Mỹ là những động thái của Nhật trước tình hình Trung Quốc (TQ) đòi làm chủ biển Hoa Đông...

Ngày 22.8, báo Yomiuri Shimbun đưa tin: Ủy ban chính sách không phận quốc gia (CNSA) của Nhật lập một bản đề nghị chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe tăng cường hệ thống giám sát quốc gia bằng cách phóng thêm nhiều vệ tinh.

Dựa trên đề nghị này, Tokyo sẽ xem xét lại Kế hoạch cơ bản về chính sách không phận trong năm 2014, nhằm hài hòa chính sách an ninh với việc sử dụng không phận. 
Các đề nghị do các chuyên gia lập hồi tháng 6, được CNSA thông qua  hôm 20.8. CNSA là hội đồng cố vấn của Thủ tướng Abe, đứng đầu là Yoshiyuki Kasai, chủ tịch danh dự công ty đường sắt Nhật.

CNSA chỉ ra việc TQ đòi độc chiếm biển Hoa Đông và biển Đông gây căng thẳng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng việc CHDCND Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa và vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập một hệ thống kiểm soát không phận, sử dụng vệ tinh trong các mảng quản lý, thu thập dữ liệu và giám sát biển của các đơn vị Cục phòng vệ Nhật Bản (SDF).

Biện pháp cụ thể là tăng cường hệ thống vệ tinh định vị quasi zenith (qzss) độc đáo của Nhật từ 1 lên 4 chiếc, để cả 4 vệ tinh qzss này kiểm soát toàn bộ khu vực 24/24.

Hiện Nhật chỉ có một vệ tinh qzss Michibiki (Người mở đường). Vệ tinh này kết hợp với hệ thống định vị toàn cầu GPS (Mỹ) nhằm nâng cao độ chính xác của dữ liệu định vị mà 4 vệ tinh thu được.

Bản đề nghị cũng nêu chính phủ nên nhắm việc điều khiển hoạt động 7 vệ tinh qzss càng sớm càng tốt, để hệ thống định vị càng ổn định.

Nhật cũng đang xem xét khả năng tự đóng các chiến đấu cơ, sau nhiều năm giữ vai phụ trong việc xây dựng quan hệ chiến lược với Mỹ. Theo báo Nikkei, hồi những năm 1980, Nhật nỗ lực đóng chiến đấu cơ hoàn toàn nội địa đầu tiên kể từ sau Thế chiến 2, nhưng Mỹ không chịu và kết quả là Mỹ - Nhật cùng thiết kế-sản xuất chiến đấu cơ F-2.

Nhưng chương trình F-2 kết thúc hơn 2 năm trước, các chiếc sản xuất sau chót sẽ “về hưu” từ năm 2028.

Nikkei đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật muốn “xin” 40 tỷ Yen (387 triệu USD) từ ngân sách quốc gia từ tháng 4.2015, để thử nghiệm động cơ và mẫu thiết kế tàng hình chống radar địch cho một chiến đấu cơ “made in Japan”.

Theo kế hoạch phòng thủ trung hạn, chính phủ Nhật vào năm tài khóa 2018 sẽ quyết nên thực hiện dự án này hay không.

Nikkei nêu Nhật đang rất cần phát triển một chiến đấu cơ tàng hình chất lượng cao, bay đường xa khi TQ đang ngày càng hung hăng đòi làm chủ biển Hoa Đông, gồm việc đòi chủ quyền quần đảo Điếu Ngư hiện do Nhật kiểm soát và gọi là quần đảo Senkaku.

Bắc Kinh thường xuyên cảnh báo Tokyo đang có tham vọng lặng lẽ tái lập chế độ quân phiệt thời Thế chiến 2, khiến các nước láng giềng châu Á phải e sợ.

Gần đây, chính phủ bảo thủ của ông Abe sửa hiến pháp để cho phép quân SDF ra nước ngoài bảo vệ đồng minh. Nhật khẳng định hành động này chỉ nhằm phòng thủ, và tố ngược Bắc Kinh chi “khủng” cho quân sự và tham vọng độc bá biển cả của TQ là một nỗi nguy hiểm thật sự.

Cách đây 4 năm, Bộ Quốc phòng Nhật đã khởi động dự án thiết kế chiếc máy bay Advanced Technology Demonstrator-X (ATD-X) để tìm hiểu khả năng tiến tới đóng một chiến đấu cơ tàng hình, bằng cách nghiên cứu mẫu thiết kế khung sườn nhẹ và cơ chế bắn tên lửa lắp trong.  

 Nikkei nêu ATD-X sẽ thử động cơ từ đầu năm tới, và thử khung sườn tàng hình vào tháng 4.2015. Bộ Quốc phòng hy vọng phát triển động cơ cho dự án, với sự hợp tác của các nhà thầu quốc phòng Nhật trong vòng 5 năm.

Báo này cũng nêu một chiến đấu cơ hoàn toàn do nội địa sản xuất có giá từ 500 đến 800 tỷ Yen (từ 4,8 đến 7,7 tỷ USD).

Còn theo Yomiuri Shimbun, chính phủ Nhật sẽ cho phép SDF tăng cường hỗ trơ quân Mỹ, gồm cung cấp vũ khí, đạn dược và tiếp nhiên liệu ngay trên trời cho các chiến đấu cơ Mỹ, trong trường hợp xảy ran guy biến quanh Nhật, nhưng trước khi Nhật sử dụng quyền phòng thủ.

Chủ trương này sẽ được nêu trong một báo cáo sơ bộ mà chính phủ Nhật dự tính trình quốc hội xem xét vào tháng 9 tới, để xem lại các quy định trong Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ.

Các hướng dẫn hiện tại không duyệt cho SDF có các hoạt động hỗ trợ nói trên. Luật tình trạng khẩn cấp ở các khu vực quanh Nhật cho phép SDF tiếp nước và nhiên liệu, chữa trị y tế cho quân Mỹ, nhưng không cho phép tiếp nhiên liệu và bảo trì chiến đấu cơ Mỹ để sẵn sàng chiến đấu. Chỉ vì Nhật ngại rằng sự hỗ trợ này bị hiểu lầm là “tiếp tay” cho quân đội Mỹ sử dụng vũ lực.

Nhưng theo quan điểm mới về an ninh, khi xem xét lại Hướng dẫn, hai chính phủ Nhật – Mỹ đang xem xét có nên mở rộng cho SDF hỗ trợ quân Mỹ tại các khu vực không xảy ra đánh nhau.

Nếu có sự cố ở bán đảo Triều Tiên hoặc các vùng khác, chính phủ Nhật dự kiến cho phép SDF cung cấp đạn dược, vũ khí và tiếp nhiên liệu trên không cho quân đội Mỹ, cùng việc cung cấp hậu cần, phương tiện vận chuyển ở những nơi gần vùng chiến sự.

Bằng cách tăng hỗ trợ quân Mỹ, chính phủ Nhật hy vọng duy trì được thế phòng thủ trong liên minh quân sự Mỹ - Nhật, dù chính phủ Nhật đang cắt giảm kinh phí quốc phòng.

Bên cạnh đó, bằng cách kích thích Mỹ tin tưởng Nhật là đồng minh, chính phủ Nhật hy vọng bảo đảm có sự tham gia của quân Mỹ, trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào trong hoặc quanh quần đảo Senkaku thuộc tỉnh Okinawa.

8 chiếc tàu ngầm Mỹ đang ở gần biển TQ

Kỳ 1 - Chiến tranh Mỹ - Trung - nếu bắt đầu sẽ ra sao?

 Kỳ 2 - Mục tiêu của chiến tranh Mỹ - Trung

Bảo Vĩnh (theo Yomiuri Shimbun, Nikkei) 

Một Thế Giới