Mưa và nước mắt tiễn đưa cố nhà văn Tô Hoài về nơi an nghỉ cuối cùng
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 13:56, 17/07/2014
Dù Hà Nội sáng nay, ngày 17.7 mưa như trút nước, ngập đường ngập phố nhưng hàng trăm người dân Thủ đô và độc giả khắp mọi miền Tổ quốc vẫn kiên nhẫn xếp hàng đứng đợi từ sáng sớm để được tiễn đưa tác giả “Dế Mèn phiêu lưu ký” về nơi an nghỉ cuối cùng…
Trước đó, sự ra đi đột ngột của tác giả Dế Mèn phiêu lưu ký vào ngày 6.7.2014 tại nhà riêng đã để lại nhiều thương tiếc cho giới văn nghệ sỹ và nhiều thế hệ độc giả yêu tác phẩm của ông…
"Hôm nay trời mữa tầm tã khóc Bác Tô Hoài. Những chú Dế Mèn nằm im không cất nổi một thanh âm, chỉ có mưa là nói hộ cho lòng người, cho hàng hàng văn nhân đất Việt tiễn bác lên miền cực lạc. Con xin chúc bác lên cao xanh với nụ cười thanh thản. Chúng con luôn học bác tấm lòng với quê hương, tinh thần lao động sáng tạo quật cường", nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam lưu lại dòng cảm xúc trong sổ tang viếng nhà văn Tô Hoài.
Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành cũng bùi ngùi nhớ lại kỷ niệm xưa trong tang lễ tác giả Dế Mèn phiêu lưu ký: "Vô cùng thương tiếc anh, nhà văn Tô Hoài vĩ đại. Em rất nhớ đến những lần đi thực tế của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, em còn được chụp ảnh với anh. Sau đó được anh tặng cho em tập vở kịch "Giáng Kiều". Cầu hương hồn anh bình yên nơi cõi vĩnh hằng".
Lễ truy điệu nhà văn Tô Hoài trong giai điệu ca khúc Bài ca trên núi, nhạc trong phim Vợ chồng A phủ. Con trai trưởng nhà văn Tô Hoài, nhà báo Phương Vũ ngậm ngùi: "Cha hãy yên lòng ra đi, giống như đi một chuyến công tác thật xa. Trong trái tim của con và mẹ luôn có hình ảnh của cha..."
Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920. Nguyên quán: thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Sinh quán: phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.
Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh quê hương sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Nhà văn Tô Hoài từng đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 – 1996), Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970 (tiểu thuyết Quê nhà), Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2010... Ông cũng là bậc lão thành cách mạng, hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ông cũng có nhiều đóng góp lớn trong sự nghiệp xây dựng phát triển Thủ đô.
Lễ an táng nhà văn Tô Hoài được tiến hành tại nghĩa trang Thanh Tước (Hà Nội).
Khách viếng thăm chia sẻ nỗi buồn cùng gia đình và vợ của cố nhà văn Tô Hoài |
Con cháu nhà văn trong lần nhìn mặt ông lần cuối |
Tô Hoài ra đi ở tuổi 95, sau hơn 70 năm cống hiến không mệt mỏi cho nền văn học Việt Nam. |
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhìn mặt nhà văn Tô Hoài lần cuối. Đánh giá về sự nghiệp văn học của Tô Hoài, Phạm Xuân Nguyên cho rằng: "Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ. Ông cũng nổi tiếng từ rất sớm với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký. Văn chương của ông hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp, đời thường". |
Ban tổ chức sử dụng ảnh bìa cuốn sách nổi tiếng của nhà văn bên cạnh ảnh chân dung tác giả khi rước trước đoàn xe đưa ông về nơi an nghỉ. Tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" cũng chính là "gương mặt", là "linh hồn" của văn nghiệp Tô Hoài. |