Nhớ về cuốn sách “Nước Nga tình yêu và nỗi nhớ”
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 08:28, 07/11/2014
Sách “Nước Nga tình yêu và nỗi nhớ” là kết quả cuộc thi viết: “Những kỷ niệm sâu sắc về nước Nga, con người Nga” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.Hồ Chí Minh và Hội hữu nghị Việt - Nga với sự phối hợp của Hội nhà văn TP.Hồ Chí Minh tổ chức chào mừng 85 năm Cách mạng tháng Mười Nga.
Chỉ sau ba tháng phát động, ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 300 tác phẩm thơ, văn của hơn 200 tác giả từ Bắc chí Nam và cả tác phẩm dự thi của một số người Việt Nam ở nước ngoài. Hơn 100 bài được tuyển chọn vào tập sách Sách “Nước Nga tình yêu và nỗi nhớ” đã có tới hơn 250 địa danh thuộc lãnh thổ của Liên Xô, của Nga, của Việt Nam và của rất nhiều nước khác trên thế giới được nhắc đến; đã đề cập đến ngót 150 danh nhân; gần 300 tác phẩm về văn hóa, văn học, nghệ thuật và về khoa học xã hội - nhân văn.
Những kỷ niệm sâu sắc về đất nước Nga, con người Nga mà các tác giả đề cập tới là có liên quan trực tiếp đến hầu hết các sự kiện lớn của Việt Nam, của Liên Xô, của nước Nga và của cả thế giới trong gần suốt thế kỷ XX và xuyên tới tận những năm tháng gần đây nhất của đầu thế kỷ XXI.
Đất nước Nga được thể hiện trong các bài viết dự thi là một đất nước bao la, tươi đẹp, trong đó những kỷ niệm của các tác giả dự thi trải rộng với nhiều ấn tượng đẹp của mùa thu vàng, của mùa đông tuyết trắng; của đất đai phì nhiêu, tài nguyên phong phú; của biển rộng, sông dài... quyện chặt với nhiều thành tựu. Trên đất nước đó ở hầu khắp các tỉnh thành, đều có dấu chân của người Việt Nam, đều trải rộng những ấn tượng sâu và đẹp của người Việt Nam.
Một số lớn các bài dự thi tập trung thể hiện những kỷ niệm với con người Nga trên đất nước Việt Nam. Đây là nơi tập trung đậm đặc nhất những kỷ niệm sâu sắc nhất, cảm động nhất về tình bạn, tình người, tình đồng chí và anh em. Những kỷ niệm với những người Nga nếm mật, nằm gai chia sẻ gian khổ, chấp nhận hy sinh, sát cánh bên các đồng nghiệp, đồng đội Việt Nam trên những bước đường chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, trong hầu hết các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, văn nghệ… để xây dựng đất nước suốt gần 50 năm Việt Nam chống xâm lăng, Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh; cùng với Việt Nam đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nhiều ngành khoa học, kỹ thuật; cùng với Việt Nam mở đường, củng cố, vun đắp, xây dựng sự nghiệp văn hóa mới, văn học, nghệ thuật mới.
Trong phần “Kỷ niệm sâu sắc với con người Nga" cụm từ "Con người Nga" được nhiều tác giả dự thi hiểu một cách rất rộng mở, đó không chỉ là những con người bằng xương, bằng thịt mà họ đã được tiếp xúc trong xã hội nước Nga hay ở xã hội Việt Nam trong hơn 50 năm qua mà còn có cả những con người Nga đã sống trước đó nhiều thập kỷ, nhiều thế kỷ - những con người Nga xưa đã để lại nhiều kho tàng lý luận chính trị, triết học; những thành tựu văn hóa, những tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn. Đó là các nhà triết học, các nhà lý luận chính trị uyên thâm, các nhà văn hóa, văn học nghệ thuật lớn của nước Nga từ giữa thế kỷ XX lùi sâu vào tận thế kỷ XIX, thế kỷ XVIII: K.Ximônốp, M.Sôlôkhốp, V.Maiacốpxki, K.Pauxtốpxki, A.Tônxtôi, M.Gôrơki, A.Tsêkhốp, I.Lêvitan, P.Tchaikốpxki, L.Tônxtôi, P.Đôxtôiépxki, A.Puskin, M.Lômônôxốp… và đặc biệt nổi bật lên trong một số bài dự thi là con người Nga vĩ đại - nhà lý luận chính trị, nhà triết học - V.I.Lênin (1870 - 1924).
Cuộc thi này là cuộc thi viết văn, làm thơ, tức là một cuộc thi sáng tác văn học. Ở đây còn có một điều đặc biệt nữa là cuộc thi viết này viết về những kỷ niệm, cho nên tính chất ký, yếu tố hồi ký, yếu tố người thật việc thật là yêu cầu trung tâm đối với sáng tác tác phẩm, là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá tác phẩm. Xét trên tinh thần đó, các tác phẩm dự thi đã đạt tới mức độ thành công cao. Nhiều tác phẩm văn xuôi dự thi được viết ra trên cơ sở những chất liệu quý giá. Chất liệu đó cũng là cơ sở, là điểm xuất phát cho những cảm hứng thơ.
Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về đất nước Nga, con người Nga” kết thúc với kết quả tốt đẹp. Ngoài những gì vừa trình bày ở trên, kết quả cuộc thi từ 12 năm trước vẫn còn toát lên một tín hiệu mà đến bây giờ chúng ta rất cần lưu tâm: Trong nhiều lớp người Việt Nam ngày nay hàm chứa một khối lượng ký ức rất lớn, rất quý và rất sâu sắc về đất nước Nga, về liên bang Xô viết, về những con người Nga. Khối lượng những ký ức đó từ trước đến nay chưa được chú ý khai thác. Chúng ta, những người Việt Nam và những người Nga ngày nay hãy quan tâm khai thác kho tàng ký ức đó nhiều hơn nữa để phục vụ cho quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Liên bang Nga ngày càng phát triển tốt đẹp hơn, rộng sâu hơn và toàn diện hơn.
Thời gian cứ trôi đi, ở nước Nga, ở Việt Nam và ở trên thế giới càng ngày càng diễn ra thêm nhiều sự biến mới, dữ dội hơn, phức tạp hơn, nhưng hy vọng rằng những kỷ niệm mới giữa con người Việt Nam và con người Nga sẽ càng ngày càng phong phú hơn, càng đa diện hơn và càng đẹp hơn, vì tình yêu, nỗi nhớ của chúng ta có gốc rễ từ Cách mạng tháng Mười.
5.11.2014
Nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam