Xin mời... cãi nhau với Hemingway

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 14:45, 22/06/2015

Nhiều phụ nữ hiện đại đầy cá tính và thông minh, có học lại thường gặp sự đổ vỡ hôn nhân, không bao giờ chấp nhận nhường nhịn. Lý sự là: Anh ấy sai thì mình vạch ra thẳng thắn. Ai sai phải sửa để tốt lên. Nếu phải “nuốt cục tức” để “chịu thua” thì thà ở một mình sướng hơn.
Lý lẽ đúng quá. Thế nên có hàng triệu triệu cô gái tôn thờ chủ nghĩa độc thân. Cuộc sống là, đi làm việc, dành dụm để du lịch. Nhiều cô ở chung với cha mẹ. Trốn trong tổ kén đỡ cực hơn lấy chồng. 
Một bữa nọ ở cầu thang chung cư cao cấp, người ta thấy một phụ nữ Việt luôn dắt 2 con chó đi vệ sinh, đi dạo. Lương làm thuê 5 triệu rưởi. Hôm nay chỉ có 1 con. Con kia đâu? Nó “đi học rồi”. Học… Luật. Được dạy đứng, ngồi, chơi, chạy theo lệnh. Nó còn… đánh răng hàng ngày. Quen rồi, khi mình cầm bàn chải là nó gừ nhe răng ra. Nó phải sạch thế, vì cả 2 con đêm ngủ chung giường với bà chủ người Nhật. Cô đó giàu, không lấy chồng, coi 2 con chó như con. 
Thấy chưa, mọi chuyện đều ổn cả. 
Cho nên thôi, không mời các cô như thế tranh luận, chỉ mời các cô số đông - luôn muốn có cuộc sống hạnh phúc lứa đôi. 
Đây, xin mời. 
Hemingway nói: “Hạnh phúc ở những người thông minh là điều hiếm gặp nhất mà tôi biết”. Câu này người ta trích trên facebook nhiều. 
Người ta còn phụ họa với ông này khi nói rằng, trong gia đình, cái đúng - sai không quan trọng bằng sự hòa hợp yêu thương. Nghĩa là đừng có thẳng băng chỉ trích cái sai. 
Nghe thật phi lý. Ai sai phải sửa cho tiến bộ. Thế cơ mà, chân lý đúng nhé! 
Hemingway, nha van, ly thuyet
Nhưng sao ông này nói thế? Phải tìm hiểu, trước tiên xem ông ấy là ai. Thì biết ông viết tiểu thuyết “Ông già và biển cả” được giải Nobel văn chương, điều này dễ. Nhưng có người bảo: “Ông này có vấn đề về thần kinh nên đã chết vì tự vẫn bằng súng". Có người phát hiện thêm chi tiết ông bị huyết áp, tiểu đường… Một ông như thế nói, tại sao cả thế giới cứ hoan nghênh mà không ai… cãi lại. Lạ thật? 
Không những không ai cãi (thí dụ cãi: Theo lý thuyết của ông thì muốn có hạnh phúc, con người phải… ngu hết sao?), mà thế giới còn ngưỡng mộ tôn thờ ông ấy. 
Các nhà nghiên cứu còn bảo, ông nhà văn Mỹ này là chủ nhân của nguyên lý “Tảng băng trôi” gì đó, ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của văn học thế kỷ XX. Tóm gọn là kiệm lời súc tích, nhìn thấy băng trôi chỉ là một phần của tảng khổng lồ dưới nước (như có tảng đã đâm vỡ tàu Titanic đó, ghê quá!). 
Có người còn bảo, thảo nào ông ấy viết toàn nhân vật khắc kỷ, chấp nhận nghịch cảnh, còn vui lòng chịu đựng sức ép nữa mới khiếp. 
Ngẫm ra ông có lý quá chứ, thời ông, những nghịch cảnh so với bây giờ chỉ là… muỗi. Vậy mà vẫn phải chịu sức ép vươn lên. Trong khi ngày nay sức ép như núi, mà người thì lại chả chịu thương, chịu khó, thông minh quá chả chịu ai, dù chỉ là nhường lấy một lời. 
Đó, thấy chưa, còn ai cãi nữa không? Thế giới đâu có bỗng dưng mà yêu quý con người “lắm tật” ấy, ngày nay vẫn hàng năm tổ chức lễ kỷ niệm tại nhà ông. Các nhà nghiên cứu, danh nhân đến đó hội thảo, tham quan, nhiều đêm Open mic… mà chả biết, có ai… cãi lại được gì chưa?
Quảng Yên / Duyên Dáng Việt Nam

Một Thế Giới