Nguyễn Hữu Hồng Minh và những suy niệm về Thơ

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 17:22, 20/02/2015

Ngày xuân, đọc thơ và những nhận xét, đánh giá về bút lực trẻ. Thi phẩm "Tên Em Trong Gió Cuốn" của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh chuẩn bị ra mắt. Nhà phê bình Trần Hoài Anh, Tiến sĩ Ngữ văn, chuyên ngành Lý luận Văn học, giảng viên Trường đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh có bài giới thiệu...
Thi sĩ với hạt giống thơ –

                                                                 Gặt hái mùa màng nhân loại

                                                                              (Những từ lang thang)

      1. Thơ là gì? Thơ đến từ đâu? Đây có lẽ là những câu hỏi không dễ trả lời. Và nếu có trả lời thì mỗi câu trả lời lại thể hiện một quan niệm riêng, một cái nhìn riêng của mỗi người. Và cứ thế, từ những câu trả lời ấy lại đặt ra cho thơ hàng ngàn câu hỏi và câu trả lời khác nhau. Hành trình này mãi mãi là sự vẫy gọi con người khao khát khám phá, sáng tạo. Đến với thơ là đến với một thế giới, ở đó luôn tồn tại những được / mất, hạnh phúc / khổ đau, niềm vui / nỗi buồn... trong cuộc đời. Vì thế, việc đi tìm bản thể thơ để trả lời câu hỏi trên luôn là điều ám ảnh nhà thơ và những người yêu thơ. Thế nên, nhà thơ Bungari Blaga Đimitrova mới xa xót thở than: “Ôi nếu tôi biết thơ là gì thì cả đời tôi đã chẳng khổ sở thế.” (1) Còn Nguyễn Hữu Hồng Minh, ngay tập thơ đầu Giọng nói mơ hồ, ở lời đề từ, cũng đã xác quyết giá trị của thơ với những suy niệm đầy tính triết luận:

                         Thơ mở ra thời đại

                                                    Thơ bay qua cái chết

                            Thơ tiếng kêu thét tang thương

                                                                      Thế kỷ

                                                                         anh đang sống...

   Và từ những suy niệm này, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã khẳng định hành trình dấn thân với thơ của mình. Anh cũng là một trong không nhiều nhà thơ trẻ luôn khao khát đi tìm bản thể thơ với tất cả sự trăn trở, dằn vặt, âu lo để làm cơ sở lý luận, biện giải cho sự dấn thân của mình với Thơ... Điều này đã trở thành nỗi ám ảnh vô thức và tâm linh trong anh.
       2. Đọc thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh từ tập thơ đầu Giọng nói mơ hồ (1999) đến Chất trụ, (2002) Và tập Tên em trong gió cuốn sẽ xuất bản, ta thấy trong mỗi tập thơ đều có những bài thơ đề cập đến những suy niệm của anh về thơ. Tỷ lệ này tăng dần theo thời gian xuất hiện của các tập thơ, ở Giọng nói mơ hồ có 11/ 42 bài, Chất trụ có 20/ 75 bài và Tên em trong gió cuốn có 31/50 bài, càng về sau tính triết luận trong những suy niệm của anh về thơ càng sâu sắc, tinh tế hơn.
Là một người trẻ làm thơ nhưng Nguyễn Hữu Hồng Minh không chỉ làm thơ để thỏa mãn chất nghệ sĩ mà còn thể hiện vai trò và ý thức công dân của một thi nhân trước cuộc đời. Vì vậy, trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh luôn đầy ắp những ưu tư về phận người, về thế sự, về lẽ sống, về những được mất ở đời.

                 Những câu thơ rồi sẽ ngủ yên

                 Bình dị như giấc mơ, nồng nàn như hạnh phúc

                 Mùa thay mùa em thay tôi nhớ đến

                 Năm tháng ngủ quên trong giọng nói mơ hồ

                                                               (Giọng nói mơ hồ)

       Thơ đối với Nguyễn Hữu Hồng Minh là một nghiệp chướng, một nhân duyên, một định mệnh, một tình yêu. Anh đối thoại với thơ, như đối thoại với chính mình, đối thoại với cuộc đời... đối thoại để khám phá chiều sâu bản thể của thơ, từ đó dấn thân vào ngôi nhà hữu thể của thơ như một sự lựa chọn của số phận, trong hành trình sống của đời anh.

                    Thơ đến như số phận

                               Thơ đi như cái chết

                                                           (Với một nhà thơ)

   Trong quan niệm của Nguyễn Hữu Hồng Minh, dấn thân vào thơ cũng chính là dấn thân vào cuộc đời. Đây là sự dấn thân tận hiến của tâm thức hiện sinh. Bởi thơ luôn chạm đến những điều tế vi nhất của thân phận con người...
Thơ là nước mắt nhưng cũng là nụ cười, là hạnh phúc nhưng cũng là khổ đau... Thơ là thơ nhưng cũng chính là cuộc đời. Thơ khởi đi từ đời sống rồi lại trở về với đời sống. Sự hợp hôn diệu kỳ này đã làm nên sự mầu nhiệm của thơ mà nói như Charles Henri Ford: “Thơ cũng huyền diệu như trời.” Đây cũng là điều trăn trở trong những suy niệm về thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh.

                              Gian khổ cuộc đời lặn vào giữa những câu thơ

                              Không ai biết

                              Nỗi đau quá lớn, niềm vui quá lớn một mình anh

                              Sức nặng trồi lên ra khỏi đá...

                              Ngôn ngữ trụi trần

                                                                                (Ecoica)

     Và những được mất trong cuộc đời như tan vào những câu thơ, vào tâm cảm, tâm thức của thi nhân, kết lại thành nỗi đau thân phận mà nếu không có sự nghiệm sinh ở đời, khó viết được những câu thơ đớn đau như thế này!?

           Những câu thơ đảo lộn tiết điệu

           Đảo lộn tình xa với những ngoái đầu

           Chia ta nắng lay gió say lá nhảy

          Anh cất mình một trái tim đau...

                                                   (Bên ô cửa máy bay)

     Đọc thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, cảm thức đau đời luôn ám ảnh thơ anh. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao Nguyễn Hữu Hồng Minh lại viết nhiều bài thơ thể hiện suy niệm về thơ như thế. Và đây cũng là điều khác biệt của anh với các nhà thơ cùng thế hệ hiện nay.

       Lặn sâu vào thế giới của thơ và đời cũng là lặn sâu vào thế giới của chữ. Hiện thực đời sống bao giờ cũng được nghệ sĩ tái hiện qua các diễn ngôn mà chất liệu tạo nên diễn ngôn là vũ trụ ngôn từ mang tính đa nghĩa. Muốn hiểu thơ phải hiểu chữ và có hiểu rõ chữ thì mới hiểu được thơ.
Bởi, thơ bao giờ cũng là sự thấu thị của chữ. Vì vậy, hành trình dấn thân vào thơ và đời cũng là hành trình dấn thân vào thế giới của chữ, đây cũng là một phương diện Nguyễn Hữu Hồng Minh nói đến trong suy niệm của mình về thơ.

           Dòng thời gian xuyên thủng tầng tầng quá khứ,

                                                  nối kết mạch mạch tương lai

           Và chữ, chữ đổ xuống thơ như những lớp áo

           Đừng tìm chữ hãy tìm thơ

          Thơ ở phía sau chữ. Lộng lẫy!

                                                 (Về thơ)

    Bên cạnh chữ, giọng điệu cũng là yếu tố, Nguyễn Hữu Hồng Minh quan tâm thể hiện trong suy niệm về thơ. Với anh, cuộc đời bao giờ cũng đa diện, đa chiều nên thơ cũng phải “đa thanh”, đa giọng điệu, như thế thơ mới tạo được hiệu ứng thẩm mỹ, mới gắn với cuộc sống vốn vô cùng đa phức, bất ổn. Thơ bao giờ cũng chống lại sự đơn điệu, nghèo nàn, công thức, đồng phục, bởi điều này sẽ làm sa mạc hóa, sẽ giết chết vũ trụ thơ ca.

           Câu thơ sẽ có giọng tôi bởi tôi tìm giọng nói

           Giọng châu thổ nồng nàn giọng của những cơn mưa.

           Giọng của tạp âm xối xả ghềnh giấc ngủ

           Bè của đa bào thanh lọc thơ tôi

                                                                        (Đa thanh)

    Ý thức về giọng điệu trong thơ cũng là điều Nguyễn Hữu Hồng Minh khát khao tìm kiếm trong hành trình đến với thơ. Nhà thơ khi làm thơ phải có giọng điệu riêng, bởi giọng điệu là một yếu tố thi pháp tạo nên phong cách thi nhân. Đây là điều anh luôn trăn trở trong hành trình sáng tạo để tìm khuôn mặt thơ của riêng mình, để không trở thành cái bóng của người khác, không trở thành nốt trầm trong dàn đồng ca vô nghĩa của loại “thơ phong trào”.

                                Hết ngày này tháng khác

                                Tôi ngồi đan lưới thơ

                                Những mẻ thơ cất lên

                                Rỗng không

                                Câu cú rách nát, hình thức chán chường

                                                         (Dàn Nhạc dây cho anh!)

     Chính vì ý thức rất sâu sắc về cái riêng của người nghệ sĩ nên trong suy niệm về thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh quan hệ giữa thơ, nhà thơ và cuộc đời luôn có sự nhất quán. Nhà thơ không thể sống khác với những gì mình nghĩ, mình viết trong thơ. Và ngược lại, thơ phải là tiếng nói của chính tâm thức, tâm cảm nhà thơ trước cuộc đời chứ không phải là những cảm xúc giả, suy nghĩ giả mà chúng ta không khó lắm để nhận biết trong đời sống thơ ca. Sự trung thực này cũng là một phẩm tính không thể thiếu của thơ và nhà thơ.

                                 Tôi không thể khác Thơ  

                                 Một vũ trụ sống tôi hình thành

                                   ....

                                 Tôi không thể khác tôi

                                 Đến từ hỗn dung ra đi trống không

                                                          (Vũ trụ bao la, thơ một dòng)

      Thơ bao giờ cũng là kết quả nghiệm sinh của chính cuộc đời nhà thơ. Không có sự trải nghiệm này, thơ chỉ còn là những con chữ vô hồn, nhạt nhẽo, lúc đó thơ sẽ không còn là thơ mà chỉ là những trò chơi ngôn ngữ.

                               Câu thơ

                               Giống bầy kiến đen đã chết!

                               Anh muốn hét lên

                               Ôi trò ngữ ngôn

                               Những lối mòn lại không đi đến đâu

                               Đơn độc gai hồng nhỏ máu

                                                         (Trò ngữ ngôn)

      Trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, thơ và đời luôn gắn bó máu thịt. Đây chính là sự đặt để của số phận mà nhà thơ dự phần trong đó. Chính điều này làm nên hệ giá trị riêng có của anh trong hành trình sống và sáng tạo thơ của mình dù có phải trải qua những đớn đau, khắc nghiệt của cuộc đời. Và trong một ý nghĩa nào đó, có thể nói, Nguyễn Hữu Hồng Minh là một trong những tín đồ “mê muội” của tôn giáo thơ ca.

                Anh biết cuộc đời mình sẽ chấm dứt bất cứ lúc nào

                Nên anh đeo bám những câu thơ hết sức dai dẳng

                Nhiều cú đảo chao chí mạng

                Câu thơ quăng anh vào vực

                Ném anh xuống biển sâu

                Gông cùm anh trong cảng vắng

                Đeo anh vào đá

                  ....

                Anh vẫn đeo bám bẻ bàng những câu thơ

                Như những hạt vàng ròng

                                                       (Tung tiêng, tung tiêng)

     Vì Nguyễn Hữu Hồng Minh chọn thơ như chọn một định mệnh nên anh luôn có khát vọng sống dấn thân với thơ. Thơ chính là hơi thở, là hiện thân của sự sống, của hiện hữu đời anh với tư cách một Con Người - một Thi Sĩ đích thực giữa cuộc đời, chứ không như một số “thi sĩ” xem thơ như một thứ “trang sức”, một thứ “cầu vinh kiếm sống” để rồi viết ra những “câu thơ” nhàm chán đến vô vị...

                            Một ngày không làm thơ

                            Anh mơ hồ với câu hỏi mình còn sống không?

                                                                  (Ruồi, Nước và nhà thơ)

Bởi vì,

                                 Những sợi tâm hồn đó

                                 Treo lên những phần đời

                                 Ướp tình yêu và muối nước mắt

                                                                           (Đâu có gì)

     Nguyễn Hữu Hồng Minh đến với thơ bằng chính cuộc sống của mình chứ không bằng những lý luận xám xịt. Những suy niệm về thơ của anh không chỉ là lý luận mà còn là thực tiễn từ chính sự dấn thân của anh đối với thơ mà không phải nhà thơ nào cũng có thể làm được. Điều này đã được xác tín bằng hành trình thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Đó là hành trình lao động sáng tạo miệt mài, luôn thể hiện rõ trách nhiệm của thi nhân trước người đọc, trước cuộc đời và trên hết là trước sự tồn sinh và hiện hữu của thơ.            

                        Tôi phục một ý thơ

                         Hết đêm

                        Tôi phục một câu thơ

                        Hết ngày

                        Tôi phục một bài thơ

                        Hết tuần

                      Tôi phục một tập thơ

                        Hết đời

                                                          (Dàn Nhạc dây cho anh!)

      Và những đớn đau trong hành trình sáng tạo thơ luôn là sự ám ảnh, là nỗi trở trăn suốt đời, dày xéo tâm trí anh để anh vắt kiệt sức lực mình cho thơ, cho đời. Nhưng rồi, anh lại đớn đau vì chưa tìm được câu trả lời trước những vấn đề đặt ra của thơ và đời!?

             Rồi đời tôi, tên tôi

             Lặn mất trong những câu thơ

              Như vị mặn

             Như riềm sóng quẫy tan trên biển

             Vẫn có kẻ giong buồm

              Ra khơi

              Gió mênh mang xoáy chân trời

              Thơ là gì? Thơ ơi!

                                (Dàn Nhạc dây cho anh!)

       Không chỉ trăn trở về hành trình sáng tạo thơ, trong suy niệm của Nguyễn Hữu Hồng Minh về thơ, ta còn thấy những trăn trở của anh về sứ mệnh của thơ trước cuộc đời. Đây là cảm thức thường trực dằn xé tâm hồn anh và hiện hữu trong thơ anh như một tâm thức hiện sinh.

                                    Như con cá khoai ăn bùn

                                    Rồi người đời nướng trên lửa

                                    Đọc bài thơ tống tiễn đắng cay

                                    Cũng có lúc

                                    Anh rưng rưng xé cá khoai trên môi

                                    Tự nhắm thịt mình

                                    Nhạt thếch.

                                    Lạnh tanh.

                                    Không mùi vị...

                                                             (Của cá)

        Có thể nói “Của cá” là một trong những bài thơ hay cho thấy cái nhìn riêng của Nguyễn Hữu Hồng Minh về thơ và cuộc đời cũng như thể hiện rõ phong cách thơ của anh. Đó là phong cách của một thi sĩ luôn để tâm thức mình lang thang giữa thực tại và mộng ảo, giữa hiện hữu và hư vô, giữa trí tuệ và tình cảm, giữa vô thức và hữu thức, giữa tối và sáng, giữa thơ và đời... Đây là điều độc đáo có thể tìm thấy ở thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh mà ít tìm thấy trong thơ của các nhà thơ đương đại khác cùng thế hệ với anh.

                          Anh thích những con cá khoai

                         Nó mơ giúp anh những đoạn đời sẽ tới

                            Chúng ta hiền lành, thơ ngây

                                                        trong cuộc đời mưu mô bẩn chật

                             Tự xé lòng trang viết đen

                             Tìm ánh lửa ngẫu thức

                             Giữa thực tại bùn và máu

                             Đầm lấy và bóng tối

                                                                    (Của cá)

      Đây cũng chính là cội nguồn của bi kịch phận người, bi kịch của thơ. Bởi giữa cuộc sống và nghệ thuật, giữa đời và thơ, giữa thực và mộng luôn là một khoảng cách không dễ lý giải. “Cơm áo không đùa với khách thơ”, đó là một thực tế đã được khẳng định và là “mặt trái của hạnh phúc” trong sáng tạo mà người nghệ sĩ chân chính không thể không đối mặt.

               Những câu thơ sụp lở mố đời

                (...)

               Tìm câu thơ đắm mình trong biển cả

               Lớp ngôn từ muối mặn rã thời gian

              Hạnh phúc cay xe nước mắt

              Đôi khi khóc mà trơ cằn đá núi

                                                  (Mặt trái hạnh phúc)

   3. Vicente Huidobro đã chia sẻ với các nhà thơ:“Hỡi các thi nhân, xin đừng ca ngợi bông hồng, hãy làm thế nào cho cảm thấy hồng nở khi đọc thơ của quí vị”. Và đây cũng là tư tưởng có thể tìm thấy trong suy niệm của Nguyễn Hữu Hồng Minh về thơ mà anh muốn giải bày với bạn đọc.       

       Thiết nghĩ, qua những suy niệm về thơ, Nguyễn Hữu Hồng Minh muốn chia sẻ với chúng ta về vai trò của thơ, nhà thơ trước cuộc sống và trước số phận con người. Thơ là hoa hồng, là sự huyền diệu nhưng đời không chỉ có hoa hồng và sự huyền diệu mà còn có những đớn đau của phận người trong kiếp phù sinh. Con người cần thơ những cũng cần có áo cơm để tồn tại. Cuộc sống cần có hoa hồng và cần cả bánh mì... Nhưng đừng để cho “bánh mì” hủy hoại vẻ đẹp và giá trị thiêng liêng của hoa hồng. Để làm được điều này nhà thơ không thể quay lưng, không thể vô cảm trước những đớn đau của cuộc sống con người để kiếm vinh hoa, phú quí cho riêng mình. Phải chăng, đây cũng là thông điệp mà Nguyễn Hữu Hồng Minh gởi đến chúng ta qua những suy niệm của anh về thơ như lời thơ anh viết:

                                   Đổi bánh mì lấy hoa hồng

                                   Vừa nhận hoa hồng vừa lấy bánh mì

                                   Vừa ăn vừa ngắm hoa

                                   Bài thơ giúp dạ dày co thắt tốt hơn

                                  Thỉnh thoảng những lỗi nhịp

                                   Làm kinh động cả bài thơ

                                                                     (Cách mạng mùi)


 
Nhà phê bình văn học, TS. Trần Hoài Anh
 
--------------
    Chú thích:  (1) Ngày phán xử cuối cùng, Nxb.Thanh niên, H, 1973, tr.298         
Nguyen Huu Hong Minh

Nhà thơ, Nhạc sĩNguyễn Hữu Hồng Minh và Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc. Studio Coffee AS Sài gòn, 21 tháng Chạp, giáp tết Ất Mùi  -  Ảnh: GIẢN THANH SƠN 


ĐẸP NHƯ KHÁT VỌNG - CHÙM THƠ NGUYỄN HỮU HỒNG MINH


CHẤT TRỤ

Giữa vũ trụ, bóng tối - Ngôi sao
Ngày và đêm - Mặt trời
Biển và sóng - Cát

Nối giữa núi và đồi - Thảo nguyên
Dòng sông và bến bờ - Con thuyền

Giữa anh và em - Khoảng không
Nối hai thân thể - Bí mật của máu
Máu hát tiếng máu,
Thân thể hát tiếng thân thể

Giữa câu và dòng – Lãng du
Tẻ nhạt, rườm rà và yên hùng – Du đãng
Du đãng trong mọi sự,
Lãng du trong mọi sự – Thi sĩ

Trên bờ bến chói lòa của sự sống
hay trụi trần tăm tối của cái chết
Bóng tối chưa hẳn bóng tối
Ánh sáng chưa hẳn ánh sáng
Những bí mật quyện nhau,
Những thông điệp luân chuyển

Máu đổi thay, mực đổi thay
Cái chết của mực chính là của máu
Chất trụ nào réo trong khoảng mực kia
Khi hòa máu câu thơ mơ cắt đôi thế giới?

Hà Nội, 12.2001

ÁNH TRĂNG B CHÉM

Anh tìm thấy sợi tóc bạc của em
Thảnh thốt như ánh trăng bị chém

Nước thời gian trên tay
ròng ròng


Vây giữa trăng tình yêu
Chúng ta không còn mặt

Vết cắt của tóc dựng hố sâu


Một sợi trắng
Đeo đắng hai tâm hồn
Trôi bạc kiếp


Ánh trăng bị chém
Vướng tóc em


Sợi kim lạnh đầu tiên
Náo níu cuộc tình ta...


Sài gòn, 19.9.2013


PARIS, TÊN EM TRONG GIÓ CUỐN

 

Em, không thể hình dung một câu thơ sẽ viết về em

Chỉ nghe được những ngón tay rì rầm tỏ tình trên bàn phím

Những phím êm lướt nhẹ say rượu

Những ngón nhấn lả lơi rải từng nốt dương cầm

Câu thơ vẽ ra chân dung em

Dáng thon, cười giòn, môi son, vú nõn, đùi non, eo tròn, mông ngon, gót son

Ôi cái vần on lần đầu anh phát hiện ra

Từ chìa khóa trong em ngoài anh (on - in)

Anh dướng nhõn, trớn ngon, run xón, vó bon, nhịp thón, ngập gọn

Vào ra ton ton

                     chắc cơ nhịp nhàng

Ôi sướng!

Em, không thể hình dung thành phố nào anh viết lên hai chữ yêu em

Paris trong đêm, Berlin ban ngày, Munich chuyến bay không đụng hàng

Yêu em sung sướng và lo sợ như áp tải phi vụ lậu

Những cô điếm ngả ngớn trên cầu đêm nay

Sông Xen một dòng trôi

Mang hồn thơ Apollinaire đã chết

Sắc vóc gấm hoa của kinh thành Paris

Không em, anh nhớ ra vắng em Sàigòn nhỏ

Tâm hồn trống trơ không một mẩu tự

Những ý nghĩa phơ lậu tồn tại nghìn năm như xác chết

Một đêm nay nữa mai phủi bụi tro tàn

Những mẩu tự không nở hoa xé thơ anh như gai kim tước

Cuộc tồn tại không tình yêu, không em

Trơ vắng hoang địa những tay đồ tể khai quật hoa văn xác ướp

Em, không thể hình dung anh đã tìm ra em khó nhọc

                                                  như chuyến bay đổi giờ tìm hành lí

Phi trường Charles de Gaulle mù người, mắt anh nhòa lệ

Paris ôi Paris chuyến đi mướt trong sương

Khí lạnh hoàn cầu đang đổ về từng giờ áp thấp

Có thể máy bay rơi vì mù sương

Ngày mai tên em trong gió, cuốn mưa về Luân đôn

Anh vẫn sang sảng đọc thơ ở Literaturwerkstatt

Những câu thơ của cuộc đời ngoài tưởng tượng

Như  bây giờ anh gắng đọc tên em, trên một bản chỉ đường Terminal

Ốc mượn hồn chui lạc xuống đường hầm Aéroport Gares

Ôi, em!

Anh không thể hình dung…

Câu thơ mới nảy lá từ nghĩa địa mộng mơ khô héo

Lạc Paris anh tìm thấy một cung đường

“-Nào! Ngài Apollinaire mời ngài rượu cùng tôi đêm nay!

Uống đi! Cho cạn sông Xen!

Cho câu thơ cháy thành Paris

Cho thế giới lồng bóng hình em trong nghĩa mới!...”

Paris, Sân bay Charles de Gaulle 11.2005.


Nguyen Huu Hong Minh
Chân dung Nguyễn Hữu Hồng Minh - Phấn màu - Họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương. Vẽ tại Đà Nẵng tết Ất Mùi 2015
 



BÃO LÚNG LING

 

Thổi tới để cuốn
Em và anh
Bay vào vùng trời khác


Nhìn vào mắt nồng nàn
Hệt ngày đầu tiên
Chật chội mơ ước


Sao khi quá gần
Chúng ta thành hai kẻ lạ
Lưng là lá sóng


Mặt em trăng ngủ
Anh mặt trời thiêu đốt


Những cơn mưa voan mỏng
Đắp điếm vết rạn thời gian


Nước mắt vỡ òa lưng chừng
Tiếng cười như giấy thấm


Chúng ta mơ ngày bình yên
giữa gãy đổ


Bão
Lật nghiêng chân trời
Chỉ còn hai con mắt cua
Lúng liếng...


Sài Gòn, Noel 25.12.2013

 
RÈM MI KHÉP

 

Một ngày ta không còn tuổi trẻ
Hay ngoái vọng sau lưng
Những ngọn gió lạnh buốt


Em vẫn trẻ trung xiêm áo nhòe lẫn bao gương mặt khác
Ký ức hóa đá, mãn khai
Hoa vẫn nở dù mùa xuân bật rễ...


Ta dò dẫm đếm bước chân mình trên bậc thang


Không còn thời đại nào cho ta
Những con tàu lướt qua mộng ảo
Lịch sử và công danh cũng như chiếc vợt ruồi


Ta đã sống một cuộc đời quá ngắn?
Hay buông trôi những ngày tháng quá dài?...


Lật tung ngăn kéo
Ta tìm chiếc ảnh cười


Giọt nước thanh tân nào trên mắt em chưa rơi
Lay động rèm mi khép...


Sài gòn, bt cht gia mưa chiu 27.11.2013.


GI M

Năm nào con cũng giỗ Mẹ
Bằng câu hỏi ngày xưa Mẹ thích ăn gì?
Ký ức bạc khói sương!...


Rồi cũng chỉ ngần ấy
Những món ăn dân dã 
Canh hến rau muống
Tép kho rim
Khổ qua xào
Chè kê
Nước đậu ván...


Năm nào con cũng cố nhớ ra thêm một món gì đó
Nhưng Mẹ không thích những món lạ lưỡi


Một đời Mẹ chỉ nói những lời bình dị
"Mẹ thương con!..."
"Mẹ chết các con sẽ khổ lắm...!"
Sao mỗi năm con nhận ra chất mỗi khác!


Lại muốn nhìn thẳm sâu vào mắt những đứa trẻ đang lớn lên... 


Trong khói hương
Mẹ cũng không cao lương mỹ vị... 


Giỗ Mẹ, Sài gòn, Chủ nhật 22.9.2013


ĐP NHƯ KHÁT VNG

Đôi khi 
Những tâm hồn ta thương mến nhất 
Đã vắng mặt 


Trong bóng tối 
Những giá trị đã được thử thách 
Mãi cháy đỏ yêu tin... 


Để dành chỗ dưới ánh sáng 
Cho nhiều trái tim chưa đủ thời gian yêu 
Có mặt


Tôi xấu hổ khi nhận ra 
Mình từng đánh mất lòng tin 
Vào sự tốt đẹp của Con Người...


Sài Gòn, Indie Cafe, tối 20.9.2013



 CON QUẠ TRÊN NHỊP RẢI ĐỀU


Mi là người bình thường! Không tầm thường!

Sống khép! Hẹp! Thu mình

Ngại va chạm, quan hệ, đụng độ

Vẫn ngồi một mình với nửa bài thơ đang viết

Và mi vẫn còn sẽ viết

Cho hết một bài thơ

Điếu thuốc, khói tàn vây bủa thời gian

Cuộc sống chảy quanh - tối mặc, cô đơn

Có chi, có chi, mi là người tầm thường

Phận mọn

Vì lẽ ấy mi khát sống như thêm những ý nghĩa vào bài thơ

Vì lẽ ấy mi khát chết vì nhịp điệu rải đều

Mô-nô-tôn, thừa thãi

Bài thơ đen bay lên những con quạ

Bấu vuốt cào vào mặt những hơi thở sống

Để mi ngồi im như chết

Giữa khối chữ bất động

Mi đang nhúng những mẩu tự vô hình

Vào ly cà phê đen…

Cà phê Điểm Mới, Phan Xích Long, Phú Nhuận, 28.6.2012






DĨA THAN

Bài hát quen
Đêm vắng...

Từng dòng chữ
Cháy tro than...

Giai điệu đen
Em chưa uống...

Từ bây giờ
Đến bao giờ?
Chiếc dĩa quay...

Giá cuộc đời đọc lại?
Không vấp một lần?

Anh đã hằng mơ...


Sài gòn, khuya 24h, 15.3.2014


TUNG TIÊNG, TUNG TIÊNG

Anh biết cuộc đời mình sẽ chấm dứt bất cứ lúc nào
Nên anh đeo bám những câu thơ một cách dai dẳng

Nhiều cú đảo chao chí mạng
Câu thơ quăng anh vào vực
Ném anh xuống biển sâu
Gông cùm anh trong cảng vắng
Đeo anh vào đá

Hú những bầy chim lạ khổng lồ đến xé xác
Roi quất vùn vụt tâm hồn
Vò nhàu rác rưởi
Cuộc đời đá suýt, chà đạp như trái bóng
Nỗi đau buộc thốt lên âm thanh kỳ dị

Anh vẫn đeo bám bẽ bàng những câu thơ
Như những hạt vàng ròng
Tung tiêng, tung tiêng
Đãi cuộc đời khốn nạn vứt đi
Được một hai câu thơ

Trên cánh gió và sa mạc thời gian
Tung tiêng!... Tung tiêng!...

Tung tiêng!...
Tung tiêng!...

Một Thế Giới