Sơn Paris: 'Trang Hạ là người đàn bà 'nhiều chuyện', đừng tâm sự gì với chị ấy!'
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:35, 22/04/2015
Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện với hotboy này khi anh vừa có một cuộc "khẩu chiến" với nhà văn Trang Hạ chia sẻ về những cuốn truyện ngôn tình đang ảnh hưởng không nhỏ tới giới trẻ cũng như những vấn đề nóng bỏng của xã hội.
Là 1 người viết văn trẻ khi đứng đối diện với một người đã quá nổi tiếng vì những phát ngôn và những tiểu thuyết được đông đảo bạn đọc đón nhận. Sơn có cảm thấy mình bị "lép vế" trước nữ nhà văn Trang Hạ hay không?
Trang Hạ là một trong số ít nhà văn tôi thích làm việc cùng. Bởi tính tôi đề cao chủ nghĩa cá nhân, ít khi chia sẻ hay nhận định về bất cứ điều gì hay nhân vật nào mà không trực tiếp liên quan tới cuộc sống của mình. Những lần tiếp xúc với Trang Hạ, tôi học được nhiều kinh nghiệm trong nghề viết. Trang Hạ không đẹp nhưng cô ấy biết cách hấp dẫn người khác. Sự mê hoặc của Trang Hạ nằm ở ngôn từ, cá tính và cách nhìn nhận thế giới. Trước Trang Hạ, tôi không sợ lép vế về khả năng và sự linh hoạt. Nhưng tôi bị lép vế về sự mạnh mẽ. Cô ấy như một người đàn ông từng trải, còn tôi giống như một cậu bé bị bỏ rơi trước trường đời.
Chỉ có kẻ khờ mới tâm sự với Trang Hạ vì cô ấy là một người đàn bà nhiều chuyện. Đọc sách Trang Hạ, người ta thấy hàng tá cái cách mở đầu quen thuộc: "Tôi có một người bạn", "Nhà có người quen kể lại rằng"... Hễ ai thủ thỉ nhỏ to với Trang Hạ là bị cô ấy tương ngay lên mạng xã hội. Người đọc thì chẳng biết đấy là ai đâu nhưng bản thân người tâm sự thì quê và nhục lắm. Chuyện của mình mà cứ bị người ta mang ra mổ xẻ, phân bua thì còn gì đau đớn hơn. Trang Hạ như một kẻ nghiện mạng xã hội vậy, tôi thấy cô ấy cập nhật và "tám" chuyện suốt ngày, mà tôi thì chúa ghét những người không giữ gìn bí mật của người khác. Trang Hạ hay thay lời đàn bà chửi đàn ông, "mượn facebook để bẻ thành kiến", nhưng chẳng bao giờ cô ấy kể chuyện nhà mình, chia sẻ cách dạy con cả. Suy cho cùng thì Trang Hạ khôn lắm, chỉ "buôn bán" chuyện của bạn bè, người thân thôi.
Nhiều người ác miệng còn gọi ngôn tình là những mớ rau không đáng 3 đồng. Tôi nghe mà thấy chua xót, dù chẳng phải là người sùng bái ngôn tình cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một cây viết theo đuổi ngôn tình. Trang Hạ nhần to rồi. Sự ảnh hưởng của sách ngôn tình, tích cực hay tiêu cực, phụ thuộc rất nhiều vào định hướng suy nghĩ của người viết. Một tác giả chân chính phải khiến người trẻ tin vào tình yêu đích thực, khiến một người già tìm lại tuổi thanh xuân từng đau thắt vì tình yêu của mình.
Và quan trọng hơn cả, ngôn tình thời đại mới phải kéo người ta ra khỏi nỗi cô đơn và bế tắc
Tôi dị ứng với những câu chuyện lãng mạn, lung linh như phim ngoại, nhân vật chính là một chàng hoàng tử có trong tay tất cả mọi thứ và mang lòng yêu một cô gái xuất thân nghèo khó nhưng lương thiện, tinh khiết hơn người. Đã qua rồi cái thời độc giả mơ mộng về những điều hão huyền, giờ người ta thích đọc những thứ chân thật, về những điều hiện hữu ngay xung quanh mình.
Một yếu tố nữa khiến ngôn tình bị coi rẻ chính là tình dục. Thô thiển, quằn quại và nhơ nhớp, đó là những cảm nhận đầu tiên của tôi khi thử lật dở vài trang trong một số cuốn sách được bày bán gần sách mình. Tôi tự tin vì sex trong Muốn khóc thật to mãnh liệt nhưng vẫn nhẹ nhàng, thật nhưng vẫn đẹp và tử tế.
Nếu lấy một người phụ nữ như Trang Hạ, Sơn có đồng ý không?
Không. Vì tôi sợ các con tôi sẽ có thêm một người bố nữa.
Sơn nghĩ ở Sơn có điều gì mà Trang Hạ không có?
Đó là sự ấm áp. Văn của Trang Hạ lạnh quá, tôi như lạc vào cái nghĩa trang của những tình nhân không bao giờ đòi cưới. Họ ôm theo nhan sắc, tài sản và trở thành mỹ nữ của chốn nghĩa địa ấy. Văn của tôi thì khác, nó len vào từng ngón tay, mi mắt, như khi bạn úp tay vào chiếc bóng đèn đang sáng. Tôi tin nhiều người thích ánh nắng mặt trời hơn sương mù giá rét.