Lolita và câu chuyện dịch thuật

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 20:40, 16/04/2015

Nhân dịp tái bản có sửa chữa bản dịch tiếng Việt cuốn tiểu thuyết “Lolita” (tác giả Vladimir Nabokov, dịch giả Dương Tường chuyển ngữ), ngày 18.4 (tại Hà Nội) và ngày 19.4 (tại TP Hồ Chí Minh), Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam sẽ tổ chức buổi tọa đàm “Lolita - Câu chuyện dịch thuật”, với sự góp mặt của các diễn giả An Lý và Đinh Bá Anh.
Kể từ khi ra đời tới nay, “Lolita” của Nabokov chưa bao giờ thôi là đề tài tranh cãi, bàn luận, thậm chí yêu ghét ở mọi góc độ, trong đó có dịch thuật. Ở Đức, “Lolita” được dịch lần đầu vào năm 1959, là sản phẩm của cùng lúc 5 người, trong đó có 1 nhà báo kiêm phê bình nghệ thuật, 1 dịch giả trẻ, 2 nhà văn và 1 giám đốc nhà xuất bản, để rồi sau đó liên tục trải qua 3 lần hiệu chỉnh quan trọng vào các năm 1989, 2004 và 2007. Bản dịch tiếng Pháp đầu tiên cũng xuất hiện năm 1959, nhưng phải đến 42 năm sau, “Lolita” bản tiếng Pháp mới được dịch lại và thêm 4 năm tiếp đó bản dịch mới mới được tái bản có sửa chữa.
57 năm sau ngày “chào đời” ở Paris, “Lolita” đến Việt Nam, muộn hơn rất nhiều so với hai quốc gia hùng mạnh về xuất bản nói trên, nhưng không vì thế mà việc chào đón cuốn sách trở nên kém nồng nhiệt. Chính bởi sự quan tâm đặc biệt đó của độc giả mà “Lolita” qua bản dịch của Dương Tường, ở lần tái bản này, đã được đầu tư biên tập khá cặn kẽ, trong khi vẫn tôn trọng những đóng góp không thể phủ nhận của dịch giả, với hy vọng dần mang tới cho độc giả bản dịch tiếng Việt hoàn thiện nhất.
DH/Tin Tức

Một Thế Giới