Cha đẻ của 'Cái trống thiếc' qua đời
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:11, 14/04/2015
Nhà văn Günter Grass - người từng giành giải Nobel Văn học năm 1999 - đã qua đời trong ngày hôm nay (13.4) ở tuổi 87. Trong kho tàng những tác phẩm của Günter Grass, độc giả Việt Nam biết đến ông nhiều nhất qua hai cuốn tiểu thuyết - “Cái trống thiếc” và “Bò ngang”.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Günter Grass được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết đầu tay “Cái trống thiếc” (1959). Günter Grass đã ra đi vĩnh viễn trong một ngày giữa tháng 4 ở thành phố Lübeck, Đức.
Năm 1999, Viện hàn lâm Thụy Điển đã trao giải Nobel Văn học cho Günter Grass và đã khen ngợi ngòi bút của ông “sở hữu những câu chuyện ngụ ngôn mang đậm chất hài đen khắc họa lại khuôn mặt đã bị lãng quên của lịch sử”.
Ông sinh ngày 16/10/1927 trong một gia đình có cha mẹ làm chủ một cửa hiệu tạp hóa nhỏ. Trong Thế chiến II, ông đã tình nguyện đăng ký tòng quân cho quân Đức Quốc Xã và từng bị quân Mỹ bắt làm tù binh.
Về sau, Grass giải thích rằng ông đăng ký tòng quân để thoát ra khỏi sự kiềm tỏa đã luôn vây bủa mình từ khi còn là một cậu thiếu niên, từ khi ông còn sống trong ngôi nhà của cha mẹ.
Qua những tác phẩm văn chương của mình, Günter Grass được coi là một trong những cây bút đại diện cho một thế hệ người Đức sau Thế chiến.
Hầu hết các tiểu thuyết của ông đều chứa đựng những câu chuyện ngụ ngôn hiện đại, trong đó pha lẫn hiện thực và siêu thực, hài hước và cay đắng. Những điều này thể hiện rõ nhất trong tác phẩm “Cái trống thiếc”.
Dưới nhãn quan của nhân vật chính Oskar Matzerath - một con người thấp bé, với vẻ bề ngoài của một đứa trẻ, nhưng tâm hồn và trí tuệ thì già giặn và đầy chiêm nghiệm như của một người trưởng thành, một thế giới nhố nhăng kệch cỡm nhưng đầy bí hiểm, với những con người bị vùi lấp dưới đống đổ nát của lịch sử, đã hiện ra sinh động.
Günter Grass sinh ra ở thành phố Danzig-Langfuhr, nay là thành phố Gdańsk của Ba Lan. Ông dành tình yêu lớn cho thành phố quê hương của mình và thể hiện tình yêu ấy qua những tác phẩm văn chương. Danzig - một thành phố đã trải qua nhiều biến động lịch sử - đã được ông đưa vào bộ ba tác phẩm “Cái trống thiếc” (1959), “Mèo và chuột” (1963), “Những năm chó” (1965).
Cuốn “Bò ngang” (2002) cũng là một câu chuyện về hồi ức quá khứ. Sau “Cái trống thiếc” thì “Bò ngang” là cuốn tiểu thuyết được xem là thành công thứ hai trong sự nghiệp của Günter Grass.
Câu chuyện trong “Bò ngang” kể về con tàu Wilhelm Gustloff bị bắn chìm và gây nên một thảm họa đường thủy. Tác phẩm kể về tấn bi kịch trên biển, nhưng qua đó thể hiện cách nhìn của một thế hệ người Đức đối với quá khứ.
Theo Dân Trí