Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc, nghệ thuật mới hay sự sao chép máy móc?
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 20:06, 21/11/2014
Trên báo Điện tử Một Thế Giới vừa qua đã có giới thiệu một bộ ảnh chân dung văn nghệ sĩ của họa sĩ Đỗ Duy Ngọc được sự theo dõi của rất nhiều bạn đọc. Bộ ảnh này khá thú vị khi lần đầu tiên những gương mặt của những nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ cận - hiện đại đã cùng quay trở lại trong một ý tưởng mới của người thực hiện. Cũng phải nói rõ có thể nhiều tác phẩm gốc là những bức ảnh không phải của Đỗ Duy Ngọc tuy nhiên anh đã sử dụng một phần mềm mới của kỹ thuật công nghệ làm cho nó l
*Thưa anh, bắt đầu từ ý tưởng nào anh thực hiện bộ chân dung Văn nghệ sĩ Việt Nam và thế giới này?
Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc:- Tôi có thời gian khá dài dạy Văn học, nhận thấy sinh viên và học sinh bây giờ gặp nhiều khó khăn khi tìm tòi hình ảnh chân dung và tiểu sử các nhân vật văn học, nghệ thuật của Việt Nam cũng như trên thế giới. Do vậy, khi nghỉ dạy và đến tuổi hưu trí, tôi lập nên trang web chân dung nhân vật.
Diễn viên điện ảnh Jack Nicholson (Mỹ) |
Trong trang này ngoài chân dung, tôi còn đưa thêm tiểu sử nhân vật, mục đích chỉ là giúp cho giới trẻ và những ai lưu tâm đến vấn đề này có thể dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu các nhân vật nổi tiếng. Công việc này chỉ là thú vui lúc lớn tuổi, chỉ là trò giải trí để rèn luyện bộ não khỏi bị thoái hóa bởi tuổi già. Không có mục đích sinh lợi, kinh doanh hay mua bán.
Ca sĩ Khánh Loan - Một tác phẩm của họa sĩ Đỗ Duy Ngọc |
Khi thực hiện những hình chân dung, tôi sử dụng những hình của các nhân vật tôi tìm thấy trên các trang mạng và trên báo chí, sau đó dùng bút lấy nét chính của nhân vật, scan vào máy tính rồi dùng các phần mềm chuyên dụng để xử lí. Do những hình ảnh được tìm thấy trên mạng và sách báo, nên đa phần là không biết tác giả ảnh, cho nên trong trang mở đầu của trang web: doduyngocportrait.jimdo.com tôi có ghi với nội dung sau: “Phần lớn những thông tin này đều được sử dụng từ Wikipedia, một số đựợc tìm thấy từ báo chí và các trang mạng khác. Hình ảnh được thâu lượm từ nhiều nguồn, kể cả việc sao chụp lại từ các ấn phẩm. Nhưng phần nhiều là từ Google. Những hình ảnh này được sử dụng từ hình của nhiều tác giả, nhưng không thể liên hệ đến từng cá nhân, do vậy xin được gởi lời xin phép chung đến các nhiếp ảnh gia và xin gởi lời cám ơn.”
Đúng ra là nó đã hoàn thành từ lâu rồi, nhưng vì tôi lâm bệnh trọng, phải qua nhiều cuộc phẫu thuật, nên kéo dài cho đến nay vẫn chưa xong
Những nhân vật nổi tiếng của thế giới được vẽ lại từ hình... |
*Nhiều loại hình hiện đại chú trọng đến tính tương tác, mô phỏng để từ đây đẩy tác phẩm đến một chiều kích mới, để hòa nhập cùng đời sống, nhịp sống hiện đại hơn. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, vẫn tồn tại ý niệm liệu đó là nghệ thuật mới hay sự sao chép máy móc?
-Hiện nay trên thế giới, việc dùng hình ảnh photo hoặc tác phẩm rồi xử lí lại theo ý mới, với mục đích chuyển tải rộng rãi hay mang ý tưởng mới cũng là việc người ta thường làm. Từ hình của Marylin Monroe, cho đến tranh của Leonard De Vinci. Tranh của Deli, Van Gogh cũng đều đã được thông qua computer làm khác đi. Trong nhiếp ảnh cũng thế, người ta dùng nhiều hình ảnh khác nhau để tạo ra một ảnh mới, mang một khái niệm mới. Đó cũng là một trào lưu. Mục đích cuối cùng cũng chỉ là một cách phổ biến và tạo một rung cảm khác.
Những bức tranh này đã trở thành những tác phẩm nổi tiếng thế giới... |
*Liệu những suy nghĩ đó có phải quá bảo thủ? Vậy còn ý kiến của một số nhiếp ảnh gia, tác giả đầu tiên của tác phẩm được anh tương tác - họ vẫn phản đối không chấp nhận?…
Mỗi hoàn cảnh xã hội, hay mỗi cá nhân có mỗi ý kiến khác nhau, hay đối lập nhau cũng là điều bình thường của cuộc sống và sinh hoạt văn nghệ. Không có trào lưu nào mà được đồng thuận với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, khi thực hiện theo các phương pháp mới, phải có sự đồng ý của tác giả, Thật ra việc này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có thể vì không biết tác giả là ai? Có thể vì không liên lạc được chính tác giả, hoặc những tác giả không còn nữa v..v…Cho nên để liên hệ với họ là điều không dễ dàng. Theo tôi, vấn đề là mục đích sử dụng. Thực hiện trên cơ sở hình ảnh của người khác chỉ để thỏa mãn những thú chơi cá nhân, hoặc chỉ là phục vụ cho một thiểu số nhất định không sinh lợi thì chắc chẳng có mâu thuẫn gì. Đúng ra, trên những hình ảnh đã làm lại có thể ghi thực hiện từ ảnh của tác giả nào đó. Nhưng như tôi đã nói ở trên, đi tìm tác giả cũng là điều chẳng dễ dàng!
Còn quan niệm sáng tạo hay sao chép, thật ra đôi khi cũng là một cuộc tranh cãi. Những tác phẩm theo trào lưu của thập niên 60 ở Tây Phương, được xử lí từ hình ảnh có sẵn như phong trào OP – ART, rồi trào lưu vẽ lại những tác phẩm hội họa nổi tiếng của thế giới, có được gọi là sáng tạo không? Nghệ thuật thế giới đã chấp nhận những tác phẩm ấy. Ta không quên hình ảnh của nàng Mona Lisa được gắn râu hay thêm thắt nhiều chi tiết lạ lùng và cũng được xem là tác phẩm. Bây giờ thời đại của computer, những graphics cũng từ hình photo hay tác phẩm hội họa được xử lí đó thôi.
*Làm thế nào để hòa giải hay thống nhất những mâu thuẫn đó?
Và để hòa giải mâu thuẫn này, trước hết phải chấp nhận cách làm mới này. Chỉ có đồng tình với trào lưu thì mới không còn khoảng cách. Nhưng ngay nghệ thuật sắp đặt hay video art, dù đã có nhiều ảnh hưởng lớn từ năm châu, đến ta vẫn còn tranh cãi là sáng tạo hay không kia mà. Và cũng xin nhắc lại là nếu được sự đồng thuận của hai bên thì sẽ không có mâu thuẫn gay gắt.
* Còn điều gì khác băn khoăn chúng tôi chưa thấy được mà anh muốn nói thêm?
Xin có ý nhỏ này, những cái tôi làm trong bộ chân dung Văn nghệ sĩ Việt Nam và thế giới cũng chỉ là một cuộc rong chơi.
Một cuộc chơi không vụ lợi, chẳng kiếm danh. Do đó, cũng chẳng nên bực bội khi thấy nó xuất hiện mà chưa được xin phép! Bởi cuối cùng đây cũng chỉ là một trò chơi của một cá nhân.
Đỗ Duy Ngọc - Ảnh: Huỳnh Lê Nhật Tấn |
*Cám ơn họa sĩ Đỗ Duy Ngọc đã dành cho báo Điện tử Một Thế Giới cuộc trao đổi thẳng thắn này!
Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện