Thú vị chuyện mượn sân khấu làm giảng đường học... văn

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 09:00, 15/09/2014

Vào ngày 27.8.2014, hơn 200 em học sinh lớp 12 của trường Trung học phổ thông Tân Phong, Quận 7 đã đến sân khấu Thế Giới Trẻ xem vở kịch Cõng mẹ đi chơi. Đây là buổi học ngoại khóa do bộ môn văn của trường tổ chức nhằm giúp các em tiếp cận được vẻ đẹp của văn học nghệ thuật thông qua hình thức sân khấu. Chất lượng vở diễn đã mang lại hiệu quả thực tế sinh động.
Thích thú vì không khô cứng   
Thầy Đặng Chí Minh, trưởng bộ môn văn trường Tân Phong cho biết: “Văn học là một môn học giúp các em học sinh biết yêu cái đẹp, phát triển trí tưởng tượng và khả năng ngôn ngữ nhưng đa số các em không thích môn học này. Thực trạng đó khiến thầy cô lo ngại. Do đó, chúng tôi tìm một phương cách gì đó để khuyến khích các em yêu thích văn chương. Cách đây khoảng 6 năm, sau khi bàn thảo chúng tôi quyết định mang các em đến sân khấu”.
“Khởi đầu, chúng tôi chọn sân khấu Hồng Vân vì nơi đây có thể loại kịch văn học. Việc được xem một vở diễn có diễn viên giỏi, cảnh trí đẹp lồng ghép âm nhạc và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng sẽ tạo cảm hứng cho các em nhiều hơn là việc học thuộc lòng một bài văn trong sách giáo khoa. Năm nay, chúng tôi chọn sân khấu Thế Giới Trẻ vì ở đây có vở diễn phù hợp với tiêu chí chúng tôi đề ra”, thầy Đặng Chí Minh cho biết thêm.
Vở Cõng mẹ đi chơi gửi đi thông điệp về đạo làm con phải biết hiếu kính với cha me. Bên cạnh đó, vở diễn còn hướng đến việc giáo dục con người đừng vì lòng tham vật chất mà đánh mất tình người. Đây là một thông điệp rất đẹp trong thời buổi đạo đức bị lung lay, con người điên đảo vì tiền. Bên cạnh đó, tài năng diễn xuất của NSƯT Đàm Loan trong vai mẹ, La Thành trong vai Vũ – đứa con bị tâm thần, Thu Trang vai t Đẹp cùng các diễn viên trẻ đã khiến các bạn cảm động đến rơi lệ.
Thu vi chuyen muon san khau lam giang duong hoc... van
NSƯT Đàm Loan vai mẹ và La Thành vai đứa con tâm thần trong vở "Cõng mẹ đi chơi"
Sau khi buổi diễn kết thúc, thầy cô bộ môn văn của trường đã yêu cầu các em ở lại và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến vở diễn. Hầu hết các em điều trả lời chính xác, rành mạch thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Nhiều em khẳng định rằng, cách học trực quan này có tác dụng hơn hẳn việc chỉ ngồi chép lại những gì thày dạy trên lớp.
Thực tế giờ học ngoại khóa này hoàn toàn không ép buộc. Thầy cô gợi ý và những ai thích thú thì đăng ký còn ai không thích có thể từ chối. Những bạn chấp nhận đến rạp thì đóng một khoản chi phí khoảng 2/3 giá trị tiền vé, phần còn lại do bộ môn và nhà hát hỗ trợ. Tinh thần tự nguyện cho thấy học sinh yêu thích cách học này, vì vậy, các em dễ tiếp thu hơn so với phương cách bình thường.
Nói về điều này, ông bầu Trần Đại của sân khấu Thế Giới Trẻ bộc bạch: “Chúng tôi bất ngờ khi nhận được yêu cầu từ trường Tân Phong. Nhận thấy hiệu quả của kịch học đường, từ đây trở đi, chúng tôi tiến hành mở rộng khuynh hướng này. Chúng tôi không chỉ phục vụ các em tại rạp mà còn đến tận trường học”.
Các "ông bầu" đua nhau đầu tư cho tương lai
Tính đến nay, khuynh hướng đưa kịch nghệ đến học đường đã được nhiều đơn vị triển khai. Khởi đầu có lẽ là sân khấu kịch Hồng Vân với dòng kịch văn học được nhiều trường đặt hàng. Được biết là vào đầu tháng 9.2014, trường phổ thông cơ sở Tây Nguyên đã bao thầu một suất diễn để học sinh của trường xem vở Đàn bà dễ lắm mấy ai (chuyển thể từ tác phẩm văn học Giông tố).
Thu vi chuyen muon san khau lam giang duong hoc... van
Các em học sinh chụp hình kỷ niệm và giao lưu với diễn viên La Thành 
Để phát triển dòng kịch học đường, sân khấu Hồng Vân đã thực hiện chương trình kịch giao thông học đường. Lúc này, các vở diễn được mang đến tận trường học để giáo dục các em những bài học sinh động về ý thức an toàn giao thông. Sau này, sân khấu Lê Hay cũng rất hăng hái với việc mang các vở diễn có nội dung giáo dục đến các trường học.
Sắp tới đây, nếu như đạt được thỏa thuận với các Sở giáo dục và đào tạo, sân khấu Idecaf cũng mang các vở kịch lịch sử thiếu nhi đến trường học. Điều đó cho thấy, khuynh hướng mượn sân khấu để làm giảng đường đang ngày càng trở nên phổ biến của các sân khấu.
Sở dĩ các ông bà bầu muốn phát triển phương cách này là vì họ muốn góp một tay vào việc giáo dục đạo đức, nhân cách của các em học sinh. Sâu xa hơn, họ khai thác được 1 lượng khán giả tiềm năng đông đảo là các em học sinh. Nói như một ông bầu sân khấu đang thành công, nếu hôm nay có 100 em học sinh thưởng thức kịch và ngày mai chỉ cần 50 em tiếp tục xem, thì nhiều năm gộp lại số lượng này sẽ là vô cùng lớn.
Như vậy, việc mượn sân khấu làm giảng đường hướng tới nhiều mục đích. Thứ nhất, các em dễ tiếp thu nhiều bài học văn học, lịch sử một cách sống động thông qua loại hình sân khấu. Thứ nhì, các ông bầu tranh thủ được một lượng khán giả vô cùng tiềm năng trong tương lai. Xem như đôi bên cùng có lợi vậy!

Bài ảnh: Nguyễn Huy

Một Thế Giới