Thơ tình Xuân Diệu vượt qua mọi giới tính
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 10:58, 04/08/2014
“Đố ai định nghĩa được tình yêu”
Tôi không thích gọi Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình” mà chỉ muốn gọi ông là “người bạn tình mà thơ không có… tuổi”. Và chính vì điều ấy tôi luôn giữ trong tâm hồn tôi những câu thơ của Xuân Diệu mà tuổi lò cò vụng trộm giấu mẹ ghi vội trong sổ tay:
Đố ai định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.
Cái thế giới thơ tình của Xuân Diệu từ len lén đến, rồi rung rèm cựa quậy cửa sổ, rồi đột nhiên nhẩy phóc chễm trệ vào tuổi 16 của tôi.
Nào là:
Hôm nay trời rộng lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
Nào là:
Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
“Làm sao sống được mà không yêu”
Gần đây trên nhiều mạng đem chuyện giới tính của ông Xuân Diệu ra mổ xẻ nào là có ông nhà văn nổi tiếng với cuộc phiêu lưu của chú dế mèn viết hồi ký kể tình… trai của ông nhà thơ, nào là nữ đạo diễn điện ảnh Bạch Diệp người từng là vợ duy nhất của ông nhà thơ tâm sự sự bất lực trên trường tình của ông, quả thật tôi không quan tâm, vì với tôi hình ảnh duy nhất của ông trong tôi là thơ tình của ông mà thơ tình thì vượt qua mọi giới tính.
Xuân Diệu đã hy sinh tất cả để quên cái thân xác của mình dâng hiến cho chúng ta những người được là chính mình để yêu thì chúng ta cũng nên để cái thân xác ấy của ông ngủ yên cùng bi kịch cuộc đời ông.
Lả tả cành hoang nắng trở chiều
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu
Với lại:
Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạ chiều thưa sương xuống dần
Ai đó đã nhận được thông điệp cuối cùng ông gửi qua câu thơ: Chim nghe trời rộng giang thêm cánh để rồi lòng òa ra chan chứa để lại lên đường như chim giang thêm cánh đến những chân trời yêu mới mẻ cùng câu thơ định mệnh của ông:
Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ, không thương một kẻ nào?
Tôi hiểu rằng nhiều khi ông không dám đối diện với chính mình, không dám phút giây nào đó nhập vào thân xác của ông để cất lên tiếng nói của thân xác ấy và đó chính là bi kịch cuộc đời ông. Tôi nghĩ ông đã hy sinh tất cả để quên cái thân xác của mình dâng hiến cho chúng ta những người được là chính mình để yêu thì chúng ta cũng nên để cái thân xác ấy của ông ngủ yên cùng bi kịch cuộc đời ông.
Vâng, lúc này trong tôi chỉ còn vang lên câu thơ mà ông nhập vào người kỹ nữ để nói lên khát vọng yêu của chính ông - một tình yêu dữ dội mãnh liệt không bến bờ cùng tiếng thét “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào người” của ông:
Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa
Vội vàng chi trăng sáng quá khách ơi
Đêm nay rằm, yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở lòng em cô độc quá.
Trong chúng ta ai hiểu ông để lúc ông cần nhất có mặt bên ông chia sẻ cùng ông, an ủi cho ông? Thật bất công với ông một nhà thơ luôn có mặt bên chúng ta, khi chúng ta đớn đau hay hạnh phúc.
Xuyến Chi
Ảnh: Tư liệu