Bảy giọt nước mắt ([1])

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:56, 01/06/2014

Khi mặt trời lặn mỗi buổi chiều tà mưa rơi xuống từ bảy tầng trời đi trọn một cuộc hành trình cuộc hành hương nơi trần thế này lựa chọn đi con những ngôi sao đêm hay ánh mặt trời

Hôm nay vừa tròn bốn mươi chín ngày, anh đưa tôi đến chùa làm lễ cầu siêu cho linh  hồn hài nhi của chúng tôi.

Chuyện tôi sẩy thai đến nay cũng vừa tròn bốn mươi chín ngày. Chuyện ấy đã xảy ra khi anh đạp thẳng vào bụng tôi trong lúc hai người cãi vã. Khi đó, ngay cả tôi cũng không biết mầm sống ấy đã neo đậu sinh mệnh bé nhỏ trong tử cung của mình. Cũng khá bối rối khi gọi tên là “hài nhi”, nhưng còn bối rối hơn vì không biết gọi bằng tên nào khác. Thôi đành cứ theo cách thông thường mà người ta vẫn làm thôi.

Khi cú đạp của anh vừa giáng xuống, trong một phần ngàn tích tắc, thân xác tôi cứng đờ, tưởng  đã hoàn toàn mất cảm giác. Cơn nghi hoặc chưa kịp qua đã thấy một cơn đau dội thẳng lên não, co rút nơi ngực, vặn nhéo các bó dây thần kinh và cơ. Nỗi đau mà chỉ tôi biết được là đau đến dường nào được tỏ bày cho chồng tôi thấy bằng một dòng máu đỏ tươi chảy xuống từ háng tôi, ấm nóng men dọc theo đùi, thấm đẫm một mảng lớn trên tấm ra giường trắng tinh. Lúc ấy, dù đang đau đến điếng hồn, tâm trí tôi còn lóe lên một tia suy nghĩ, rằng từ giờ trở đi sẽ bỏ thói quen dùng chăn ra màu trắng có phần bệnh tưởng của mình. Trên đó, màu của sự sống đang ngự trị, tươi rói và ngạo nghễ, không chút sợ hãi và đau thương.

Tôi được đưa đi cấp cứu khi đau đến độ thốt chẳng nên lời, và chưa thể hiểu chuyện gì đang diễn ra, vẫn tưởng cú đạp của anh đã làm đứt cả lục phủ ngũ tạng của mình. Ai mà ngờ được trong bụng tôi đã mang một mầm sống còn bé bỏng quá, còn chưa kịp có hình hài. 

Người ta thông báo rằng tôi đã có thai được bảy tuần rồi, và cũng vừa mất cái thai. Tôi, quá bải hoải vì nỗi đau thể xác đến mức chẳng còn ngạc nhiên nổi. Có thai ư? Và cũng vừa mất rồi ư?

Chẳng biết nên nói năng kiểu nào, cô y tá chỉ im lặng chúi đầu ghi chép gì đó vào một cuốn sổ nhỏ, thoáng nhìn tôi vài tích tắc, ánh mắt làm ra vẻ khó đoán định rồi rút lui, để lại mình tôi nhợt nhạt nằm dài trên giường bệnh trải ra trắng toát. Tâm trạng tôi đang rối bời càng phức tạp thêm vì vừa định nhắm mắt thì anh bước vào, cầm trên tay giấy tờ gì đó, vẻ mặt sắt lại.

“Có mà chẳng bảo. Ai mà biết được!”. Anh nói mà không nhìn vào mắt tôi, con ngươi vờ như lướt dọc theo những dòng chữ trên tờ giấy nọ, miệng càu nhàu.

Tôi đã định há miệng trước khi anh nói câu ấy, để xua đi cái không khí ám muội chẳng rõ đầu chẳng rõ đuôi nặng nề này nhưng vừa nghe thế, đành ngậm lại. Ngay chính tôi đã được làm mẹ mà còn không biết, thì làm gì có ai biết được chứ.

Tôi còn quá mệt, không thể ngồi sau xe máy nên chúng tôi bắt tắc xi về. Bác sĩ bảo tôi hồi sức nhanh, không cần thiết phải nằm lại bệnh viện, có thể về nhà nghỉ ngơi và lo hậu sự cho đứa bé.

Tôi chết điếng khi nghe từ “hậu sự” mà vị nữ bác sĩ trung tuổi nói với tôi trước lúc làm thủ tục ra viện. Cứ tưởng vừa nghe một thứ ngoại ngữ, trúng từ mà mình không hiểu. Thiếu chút nữa thì tôi bật hỏi: “Hậu sự?”. Cứ nghĩ phải là một sinh thể đã có hình hài thì mới đáng dùng một từ trang trọng, to tát như vậy. Tôi chỉ khẽ gật đầu, môi mím chặt thành một đường thẳng.

Bước lên tắc xi, khi cửa vừa đóng sập, mọi âm thanh phố xá cứ như bị hút sạch. Giữa khoảng không chật hẹp, ba con người lặng câm, mỗi kẻ nhìn một hướng. Chồng tôi kể từ lúc nói xong địa chỉ với bác tài cũng lặng im như tờ.

Tôi cố hít thở thật sâu vì cảm thấy không khí sao mà thiếu thốn. Một lúc thì tôi thôi, không cố hít sâu nữa, để hơi thở trở lại bình thường, nhưng dường như vẫn thấy mình đang ở tận đỉnh núi cao, không khí loãng toẹt, hít mãi chẳng có gì vào phổi, chỉ lơ lửng ở lưng chừng mũi, chẳng chịu vào sâu hơn. Còn chưa kịp nghĩ ngợi gì, tay tôi từ lúc nào đã bấm cửa kính xuống, một làn gió mát lạnh ập vào mang theo dòng âm thanh sống động. Tôi bỗng nhận ra, hình như mình thèm nghe thứ âm thanh này từ lâu lắm rồi: tiếng bánh xe nghiến trên mặt đường, tiếng còi xe bin bin tít tít, và cả làn bụi táp vào mặt. Nước miếng ở đâu cứ túa ra rồi rịn lại nơi kẽ răng, chẳng khác nào gái dở thèm của lạ. Giờ đang là thời điểm tàn xuân.

“Chị đóng cửa vào giùm được không? Xe em mở điều hòa. Chưa đến hè mà nóng nực quá”.

Tôi chẳng cãi lấy nửa lời, bấm cái nút nhỏ cho cửa kính từ từ đẩy lên. Khoảng không chật chội lại vây bọc lấy chúng tôi.

Bấy giờ tôi mới chợt nhận ra tiếng hắng giọng của chồng tôi. Thì ra, anh đang ngồi kế bên. Cảm giác tận hưởng làn khí trời ban nãy trong giây lát khiến tôi quên mất sự hiện diện của anh bên cạnh. Hình như anh đang định nói gì đó. Chẳng biết anh đã hắng giọng mấy lần, đã lâu hay chưa. Chỉ biết lúc này, khi đã đóng kín cửa kính xe, tôi mới nghe thấy.

“Chiều mời bà nội sang”.

“Để làm gì, anh?”. Tôi ngây ngô hỏi, không hiểu anh đang định làm gì. Mà cái từ “bà nội” nghe mới lạ tai làm sao, bình thường anh vẫn gọi là “mẹ” kia mà. Sao mà hôm nay tôi được nghe nhiều cách nói lạ lùng quá vậy. Thính giác của tôi có trục trặc gì chăng? Hoặc tâm tưởng tôi đang chậm trễ trong việc nhận thức ra các vấn đề? Ôi chao, tôi chẳng biết nữa. Chờ xem anh nói gì. Chắc là sẽ không nỡ cáu bẳng với tôi vào lúc này.

“Còn làm gì nữa. Nhờ bà và các cụ trong đạo tràng đưa con vào chùa chứ sao. Không chôn mả như bình thường được”. Giọng anh sẵng, hình như có chút hơi bực mình, nhưng chẳng dè anh đã nghĩ chu đáo đến thế. Có lẽ lúc tôi xếp đồ trong phòng, anh và vị nữ bác sĩ đã nói chuyện gì đó mà tôi không được nghe. Chắc nãy giờ từ lúc lên xe anh cũng nghĩ chuyện này. Vậy mà tôi cứ tưởng anh thấy áy náy nên giữ im lặng.

“Nhờ mẹ em được không? Nhờ mẹ… thấy ngài ngại làm sao ý”.

“Không!”. Anh giật giọng, dứt khoát và dõng dạc như hô khẩu hiệu. Rồi hình như cũng nhận ra mình quá to tiếng, liền dịu giọng lại. “Nhờ bà nội được rồi. Bà hay đi chùa. Còn làm lễ cầu siêu nữa. Cứ bảo là… trượt chân té cầu thang, hoặc gì đó cũng được, miễn sao dễ nghe một chút”.

“Em biết rồi!”.

 ***

Hôm nay, chúng tôi cũng bắt tắc xi đến chùa.

Lúc ngồi nghe các vãi tụng kinh, tôi không sao định tâm vào chuyện cầu siêu cho sinh linh bé bỏng kia được. Tôi chẳng cảm thấy trỗi lên trong mình một ý muốn nào giống như việc mắc nối sợi dây vô hình nào đó giữa hai chúng tôi, hay một cuộc trò chuyện, một lời xin lỗi hoặc ăn năn gì đó. Tôi chẳng làm được điều gì như thế.

Thực tình, nói phải tội (theo cách nói của mẹ chồng tôi), tôi không tin vào trí xét đoán lẫn cảm giác của mình khi ở trong một không gian như thế này, cũng không đặt nhiều niềm tin vào một kiểu không gian như thế này.

Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại-bi tâm đà-la-ni. 

Nam-mô hắc ra đát na, đa ra dạ da. 

Nam-mô a rị da, bà lô yết đế, thước bát ra da, Bồ-đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da, án, tát bàn ra phạt duệ số đát na đát tỏa. 

Nam-mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da, bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà…
***

Tính đến nay, chúng tôi đã kết hôn được ba năm có lẻ.

Công việc của anh là viết phần mềm máy tính. Anh không đi làm cho một công ty nào mà tự lập ra một nhóm gồm vừa bạn bè, vừa hậu bối ở trường cũ, quanh năm suốt tháng chỉ làm mỗi một việc là viết thuê phần mềm cho các công ty nước ngoài.

Anh thuê một văn phòng nhỏ làm nơi gặp gỡ và có một chỗ để ngồi, không cầu kỳ nhân viên phòng này ban nọ như các công ty quy mô lớn khác. Thu nhập hàng tháng của anh và các bạn anh tính theo cách “làm gì nhận nấy”, sau đó tất cả cùng trích một khoản nhỏ và chuyển cho anh, coi như “lương giám đốc”, bởi anh là người đứng ra nhận đầu việc về. Ồ, thì ra là đơn giản đến vậy.

Chi phí thuê văn phòng, tất cả nhóm cùng góp lại. Chẳng phải không đủ để chi thêm cho những việc như thuê người dọn vệ sinh, thuê một nhân viên lo thủ tục hành chính, nhưng sự thực là không muốn cồng kềnh. Anh bảo với các nhân viên là, suốt ngày ngồi ôm cái máy, chiều về hoặc sáng ra, mỗi người nên động chân động tay lau dọn một chút. 

Ấy vậy mà, phần việc lau dọn do chính tôi đảm nhận., còn việc giải quyết thủ tục, giấy tờ, ngoài tôi ra thì còn ai vào làm nữa.

“Vậy thì ai về nhà nấy mà làm việc cũng được”. Tôi hiến kế cho anh.

“Về nhà nhìn nhau cả ngày chán lắm”. Anh nghiêm túc đáp lại.

Tổng thu nhập hàng tháng của anh cũng không phải là tồi. Nhưng nguyên chuyện làm cho xong phần việc mỗi ngày cũng đã cực kỳ hao tâm tổn sức. Chẳng biết bọn họ phải tiêu tốn bao nhiêu  triệu nơ- ron thần kinh mỗi ngày vào cái công việc “viết lách” đặc biệt ấy. Anh bảo, lao động hùng hục như trâu thế này chỉ trụ được đến ngoài ba mươi, cùng lắm là ba mươi lăm, nên anh sẽ tiết kiệm để có thể mua cho chúng tôi và các con (sau này) một căn chung cư nho nhỏ, phần còn lại làm vốn chuyển qua kinh doanh thứ khác. Nghề này bạc lắm, chẳng làm mãi được. Mà có muốn làm thì cũng tự khắc bị đào thải. Chi bằng, ta tìm đường thoái lui êm đẹp trước khi bị đá phăng  ra đường. Anh bảo thế.

Theo lập trình ấy, chúng tôi phải dùng một số biện pháp phòng tránh nhất định để không có con ngoài ý muốn. Không rõ đã sơ suất chỗ nào và vào lúc nào lại thành ra có con mà không biết như thế. Tôi cố nhớ ra mà không thể. Có lẽ là vào một trong những lúc anh biến tôi thành “bao cát” vào phút trước, rồi ngay phút sau đó lại biến tôi thành “người tình”. Mà thôi mặc kệ mọi thứ, dù gì chuyện cũng đã qua rồi.

Dưới góc nhìn của tôi, anh không phải loại đàn ông ưa bạo lực. Anh giao tiếp với ai cũng nho nhã, điềm đạm, vẻ mặt không lãnh đạm cũng không niềm nở thái quá, thân thiện và vừa đủ. Chỉ không hiểu sao, vào những lúc nóng giận bức bối hoặc gặp chuyện không như ý gì đó, anh lại  trút ra bằng hình thức đấm đá bình bịch lên thân thể tôi. Trên người tôi đầy vết bầm tím kinh niên, vết này chưa lành vết mới đã tới.

Lý do anh biến tôi thành bao cát cũng khá buồn cười. Cả ngàn lẻ một lý do ấy chứ. Tôi mà kể chuyện theo cách của nàng Sheherazade thì e phải đến ngàn lẻ một đêm. Một ngày, khi chúng tôi đang vui vẻ chuẩn bị rời nhà đến cuộc hẹn với một cặp vợ chồng bạn bè thì anh bỗng rít lên khi nhìn thấy cái remote máy lạnh nằm dưới chân cầu thang. Tôi chẳng nhớ mình đã nói gì, chỉ biết anh bảo rằng tôi đã đáp lại anh bằng giọng hơi “cao”, rằng tôi đang cáu gắt. Rồi anh bắt đầu than vãn về tính cẩu thả, bừa bãi của tôi, đồ đạc bạ đâu để đó. Chỉ vậy thôi đã đủ cho chiếc remote trở thành “bồ câu đưa thư”, bay thẳng về phía tôi không chút do dự.

Chuyện anh thua trò đỏ đen trên game trực tuyến là chuyện quá thường, anh có thể mất cả đống tiền trong tích tắc, nhưng những lúc ấy không phải khi nào tôi cũng trở thành nơi trút giận.

Bao giờ cũng là những lý do bé tí ti chỉ như đầu kim.

Thế giới thật êm thắm biết bao nếu có những người như tôi và những người như anh trở thành một cặp vợ chồng chung sống dưới một vòm trời. Nếu có thể coi chứng thích “thượng căng chân hạ cẳng tay” của anh chỉ là cách mà con người xả những nỗi bực dọc, giống như thói chửi thề của đàn ông hay thói càu nhàu, cáu gắt của phụ nữ, thì việc làm bao cát mãi cũng thành quen, tôi chẳng còn lấy làm lạ. Cái đau cũng chỉ cỡ như đau mình mẩy vì trúng gió hay bong gân gì đó, lâu khỏi nhưng có thể chịu đựng được.

Có bận, anh tìm ra chiêu mới, vừa cắn má vừa xiết cổ tôi như bóp một thứ búp bê đồ chơi. Tôi ho sặc sụa, giãy đành đạch, thế là anh tỉnh cơn “cuồng sát”. Chúng tôi lại vần nhau ra giữa sàn nhà ân ái, trong lúc má và cổ tôi cứ nóng ran lên vì vết cắn, vết xiết. Cái đau nọ chồng cái đau kia, chẳng biết cái nào đã làm mình sung sướng đến mức rên rỉ khoan khoái nữa. Thỉnh thoảng, trong lúc ngồi ăn cơm, nhớ tới cách chơi chữ ấy, tôi thường bật cười khúc khích, và anh nhìn tôi như một gái già chập mạch. Anh làm sao hiểu được.

Chuyện đã đến mức như vậy mà tôi chẳng ca thán, thực ra cũng chẳng phải. Lúc ban đầu sau kết hôn, tôi bị sốc một thời gian dài đến mức phải đi bác sĩ tâm lý, vì phát hiện tính cách này của anh. Nhưng rồi, chính tôi hình như trở thành “nghiện” cái lối hành xử ấy. Mỗi lần giải tỏa cơn “cuồng sát” xong, đôi mắt tê dại của anh lại nhìn tôi vừa xót thương vừa đắm đuối mê mẩn, ngón tay anh lại mơn trớn ve vuốt dọc sống lưng, những cái hôn nóng hổi ướt át, nồng nàn hơn bao giờ hết. Lối yêu đương như vậy sao có thể khiến người ta không say đắm.

Dần dần, tôi chấp nhận hai mặt của kiểu tình yêu ấy, như chấp nhận tác dụng phụ của một liều thuốc. Có lẽ, chính mình đang trở thành kẻ vô phương cứu chữa, tôi thầm nghĩ.

Nam-mô na ra cẩn trì hê rị ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu thâu bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ-đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô kiết mông, độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na a ra sâm Phật ra xá-lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ-đề dạ bồ-đề dạ, bồ-đà dạ, bồ-đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta bà ha…

Tôi chợt nảy ra ý nghĩ, nếu tôi chưa kết hôn với anh, thì thời khắc này, không gian tôi đang đứng sẽ mang màu sắc như thế nào, thời gian sẽ có mùi gì và tâm trạng tôi có mùi vị thế nào. Ai mà biết được nó sẽ là món nộm thập cẩm hay món bún chả ở đầu đường ngõ vào nhà tôi.

Tôi lắc mạnh đầu, không để ý nghĩ ấy tiếp diễn nữa. Có một sự thật không còn thay đổi được, là tôi đã cam kết, nhân danh tình yêu và luật pháp, sẽ gắn bó đời mình với người đàn ông ấy. Cũng rất sâu trong lòng, tôi đã tự cam kết với chính mình. Hối tiếc ư? Cho đến giờ, tôi chưa từng cảm thấy bất cứ cái gì tương tự.

Khi tôi thôi không nghĩ đến những chuyện ấy nữa thì tiếng gõ mõ đều đều, lặp đi lặp lại, điểm nhịp vào tâm trí tôi. Thỉnh thoảng một tiếng chuông nhỏ vang lên leng keng.

Tôi đưa tay nới lỏng chiếc khuy cổ áo.

Chiều nay gió lộng. Gió bên sông thổi thốc vào, lùa xuống tận khe ngực, tôi cảm thấy đôi chút dễ thở. Không gian u u tịch tịch này chẳng phải đang cố tình giăng bẫy lý trí của người ta hay sao. Nếu lý trí được ông Aristotle ở trời tây xa xôi vào cái thời cổ lai hy kia, coi là một đặc tính mang tính bản chất hòng xác định “đây là một con người” thì tôi tin rằng những thánh đường và chùa chiền thâm u được sinh ra là để khiến những kẻ bước vào đây quên đi mình có một thứ đặc tính cốt yếu như thế. Chúng ta ở đây trong trạng thái có thể gọi là cận- con- người, lửng lơ trong vùng tâm thức mờ sương và quên luôn việc tự xác định mình là ai. Tôi không phải người đề cao lý trí, song cũng không ưng để mình trong một không gian mà trí năng xét đoán bị vô hiệu hóa như không gian này.

“Xịch cái chân vào. Sao vô ý vô tứ thế?”.

Boong. Boong. Boong.. Tiếng chuông đồng lại ngân vang lên.

Theo tiếng nói, tôi đưa mắt nhìn và nhận ra khuôn mặt của người phát ra âm thanh ấy là anh- chồng tôi.

Đáp lại, tôi chỉ im lặng nhìn xoáy vào anh.

Anh, hoặc thấy nhột vì cái nhìn của tôi, hoặc chẳng thèm bận tâm, tiếp tục nghiêm cẩn chắp tay  hướng về phía lưng các vãi, đầu cúi xuống thành khẩn nhưng trông kiểu gì cũng như đang ngủ gật. Bài kinh đang được tụng dài hồ như bất tận.

Ai chà, chân tôi sao mà lại tê dại thế này. Chỉ muốn duỗi ra một cái cho thoải mái mà lại nhất nhất bắt người ta phải co vào thế này. Cái lưng cong cong đang chăm chú kia có đúng là anh chồng mà tôi vẫn quen thuộc bao lâu nay không? Từ bao giờ mà anh có cái vẻ kính sợ ấy? Thật khiến người ta muốn nổi da gà quá. Tôi thích dáng vẻ anh lúc ngồi gõ bàn phím, một chân duỗi thẳng, một chân vắt lên ghế, lưng khom khom, đầu nghểnh lên chúi vào màn hình máy tính. Nom trần trụi và chân thực hơn. Cứ như thế này khiến người ta nhìn chẳng quen mắt chút nào.

Tôi hơi khom người về phía trước, vỗ vỗ nhẹ vai anh, toan nói “Anh đừng chắp tay nữa. Trông chẳng thành tâm gì cả”, nhưng chạm phải tia nhìn đầy vẻ khó chịu trong mắt anh, tôi đành lắc đầu ra dấu “Không có gì cả, đừng bận tâm”.

Thế là, tôi đành cứ thế ngồi nhìn ngắm vẻ lố bịch mới mẻ ấy của anh. Chợt phát hiện, có vẻ như đây là lần đầu tiên từ khi chúng tôi quen nhau, tôi cảm thấy ở anh cái vẻ kém thành thật không sao chịu đựng nổi.

Bẻ ghi tâm trí.

Tiếng mõ gõ đều đều bên tai. Tiếng các vãi tụng những câu tôi chẳng hiểu gì.

… Tất đà dạ ta bà ha. Ma ha tất đà dạ ta bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì ta bà ha. Ma ra na ra ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng yết ra dạ, ta bà ha.

Thấy như đoàn đoàn những linh hồn phiêu diêu đang diễu hành qua trước mắt, làm một cuộc duyệt binh hay một cuộc dạo chơi chốn nhân gian. Chẳng thấy gì hơn là một màn sương u u minh minh xam xám mờ mờ, không lối đi không đường thoát, không cửa vào chẳng chốn ra. Đó là sương, thấm vào người chỉ thấy lạnh buốt, mà chẳng hiểu đã thấm tự bao giờ.

Buổi tụng kinh cầu siêu kết thúc khi trời đã xế chiều. Mẹ chồng tôi cùng các vãi ở lại chuyện vãn cùng ni sư trong chùa, sẽ bắt tắc xi về sau. Hai chúng tôi vẫn đi chiếc tắc xi khi đến, tài xế đang gà gật trong chờ đợi.

Trước khi lên xe, mẹ chồng tôi nói lại câu mà hơn tháng trước bà nói, khi tôi vừa từ viện về nhà: “Đàn bà con gái, đi đứng cẩn thận. Sa một bước sẩy một bước”. Sau hôm tôi ở viện về, tối tối thường trong cơn mộng, nghe thấy tiếng cười vui vẻ của một hài nhi vang khắp nhà, dù chẳng rõ trai gái song bao giờ cũng là thứ âm thanh trong trẻo của niềm vui. Đem kể với mẹ chồng, không ngờ lại khiến bà lo sốt vó, mặt mày cứ đăm đăm chiêu chiêu, đứng đứng ngồi ngồi không yên suốt bao ngày. Và kết quả là buổi tụng kinh cầu siêu hôm nay ở chùa. Chưa hết, thể nào về đến nhà bà cũng lại tụng kinh gõ mõ, cầu cầu khấn khấn nhiều ngày nữa.

Tôi cúi đầu chẳng nhìn bà mà chui tọt vào xe. Tôi sợ cảm giác bị coi như tội đồ, cũng sợ coi ai đó như tội đồ, càng sợ những gì có thể khuấy động cảm giác tội lỗi trong mình. Tôi đành thất ý với bà vậy.

Tưởng chóng vánh nào ngờ cũng hết cả một buổi chiều. Mầm sống ấy vô thân vô xác nên cũng chẳng cần phải đắp nắm đất nhỏ, coi như đã gửi cả hồn xác nơi này. Từ giờ, mỗi khi tưởng nhớ, chúng tôi có thể đến đây gặp gỡ.

Bầu trời sa sầm nặng trĩu. Có khi sắp đổ một cơn mưa đến nơi rồi. Thời tiết càng lúc càng lạ lùng.

Chùa ở ngoại thành, đường về khá xa. Ba người trong “hộp diêm” chìm trong im lặng, nhìn về ba hướng, gửi hồn ba phương. Tôi cứ tưởng mình đang trên chuyến tắc xi từ bệnh viện về nhà hôm nào. Vài giọt nước li ti bắt đầu lất phất vương trên cửa kính. Tôi ngửa mặt lên nhìn trời. Hóa ra là mưa thật.

Mũi tôi bỗng cay xè, cổ nghẹn ứ, như đang ăn táo mà mắc ở cổ họng. Một giọt nước bất giác lăn từ khóe mắt trái xuống gò má.

Một giọt. Hai giọt. Ba giọt… Sao chúng cứ thi nhau rơi xuống thế này chứ? Có thật là nước mắt dù nhiều hay ít cũng khiến người ta phải phiền lòng vậy sao?

Mấy chòm hoa xoan bên đường đã phai màu, chốc chốc lại theo gió khẽ khàng tải những cánh tàn mỏng manh trong không trung, cuối cùng rơi lả tả xuống những mặt ao bé tí xíu.

Xuân đã tận ngày rồi. Thời gian dù gì cũng làm trọn phận sự của mình.

Hà Nội, Xuân tận- tháng 4.2014


([1])  Lachrimae Pavans là tên một bản nhạc do John Dowland, nhà soạn nhạc người Anh soạn năm 1604. Trong đó mỗi một khúc được gọi bằng một cái tên: Lachrimæ Antiquae (Old tears) từng đứng riêng như một bản độc tấu bằng sáo; Lachrimæ Antiquae Novæ (Old tears renewed) là một quãng hòa âm của Lachrimæ Antiquæ; Lachrimæ Gementes (Sighing tear); Lachrimæ Tristes; Lachrimæ Coactae (Forced tears) là quãng hòa âm của Lachrimæ Tristes, Lachrimæ Amantis (A Lover s tears), Lachrimæ Veræ (True tears).

Trò chuyện cùng nhân vật:
Tôi mong mọi người nhìn sâu hơn về bản thân 

Câu chuyện về một sinh linh vừa mới hình thành đã bị tước đi quyền sống. Và những gì xảy ra sau đó giữa người mẹ- người cha, những kẻ đã tạo ra mầm sống ấy, giống như một bộ phim mà các trường đoạn bị đánh tráo vào nhau. Mọi thứ cứ như bị xoắn vặn trong một mớ bùng nhùng vô tăm tích, không biết đâu là sau đâu là trước…

Và tác giả là một cô gái tuổi đôi mươi…
Bay giot nuoc mat ([1])
 Tác giả Tuệ Anh

*Truyện ngắn của bạn có vẻ gần với một bức tranh đời với gam màu tối. Đó có phải là một lời “cảnh báo” gởi tới người đọc hay không?

-Tôi không nghĩ câu chuyện hướng về một màu tối. Nếu có thể diễn giải về cảm nhận của tôi với cuộc sống và tình yêu giữa con người với con người, thì đó là  một-nụ-cười-buồn- thương. Ai cũng có cái lý của mình: cô gái, bà mẹ, người chồng. Phán xét hay “cảnh báo”, tôi nghĩ, gần như là một việc làm vô nghĩa. Tôi không thể bảo: “Này anh kia, anh làm thế là sai rồi. Dừng lại”; cũng không thể cho cô ấy lời khuyên: “Cô nên tặc lưỡi chấp nhận” hay “Cô từ bỏ gã đó đi”.

Tôi chỉ mong người ta có thể ngày càng sáng suốt hơn để nhìn sâu hơn vào chính bản thân. Thực ra, đó là điều ai cũng hiểu, cũng nói, nhưng không phải ai cũng làm. Thế nên,  điều nhỏ nhoi mà tôi chờ đợi là, người ta sẽ bắt đầu làm điều đó.

*Vì sao người phụ nữ trong truyện luôn chấp nhận mọi chuyện, hay chính cô ấy cũng là một đồng phạm không tự giác?

-Phụ nữ có một cái “tội” lớn trong những chuyện như thế, là họ tự buộc mình vào những  ràng buộc vì điều này, điều kia, chỉ vì những ràng buộc ấy đã sẵn-có-ở-đấy từ khi cô ấy được sinh ra.  

Ở khía cạnh cá nhân, tôi nghĩ, với một phụ nữ, việc họ chấp nhận bạo lực hay bất cứ thói tật nào của người đàn ông bởi họ vẫn còn thấy ở người đàn ông đó điểm-căn-cốt khiến trái tim họ rung động. Có thể họ cảm nhận được sự thành thật ở con người ấy.

*Theo bạn, nguyên do nào khiến người đàn ông hành xử như vậy? Một cách bù trừ vô thức chăng, bắt nguồn từ sự bất lực trước những thách đố trong đời sống?

-Tôi không định nói gì về chuyện này, cũng không biết bắt đầu từ đâu. Cảm nhận duy nhất của tôi là, tôi thấy thương những người đàn ông mà đầu óc chưa kịp nghĩ thì tay đã vung, chân đã động. Có thể họ dùng bạo lực hòng che đi phần yếu nhất trong sâu thẳm con người mình, nhưng thực ra là đang phô nó ra một cách không tự giác.

*Cái gì đã khiến bạn cầm bút? Bạn có nghĩ mình sẽ đi đường dài với văn học?                  

-Nếu tôi có thể sử dụng tốt một công cụ khác thì chắc tôi đã không cầm bút. Nhưng “chữ” lại là phương tiện tôi có thể sử dụng tốt nhất (dù nhiều khi cũng không tự tin hoặc lạc lối trong mê cung của nó) để cất lên tiếng nói của mình. Tôi thường lắp bắp khi nói, nhưng lại thấy thoải mái khi viết, cảm thấy được trò-chuyện với những tiếng nói khác, những người có thể sẽ không bao giờ được, và với cả chính tôi. Chừng nào còn muốn được “trò chuyện”, chừng đó tôi còn viết.

*Bạn có thể chia sẻ điều gì đó về việc đọc sách của mình?

-Tôi thường đọc đi đọc lại các tác phẩm văn học của Pháp và Nhật. Tôi đọc để được chìm đắm trong một thế giới mà mình cảm thấy an toàn và được an ủi, bởi tất cả chúng tôi – tôi và các nhân vật – đều cô đơn, bất toàn và buồn bã như nhau. Tôi còn đọc để đi tìm một lối viết, một con đường của riêng mình, đọc để khơi dậy câu chuyện đang ẩn chứa bên trong mình.

Ngô Thị Kim Cúc

*Tác giả:

Tuệ Anh sinh năm 1987, tốt nghiệp khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2009. Cô đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Bắt đầu viết từ năm 2010, Tuệ Anh đã có truyện ngắn đăng ở Văn nghệ Trẻ, Tiền Phong, Da màu và in trong một số tuyển tập truyện ngắn.

Cô vừa có tập truyện dài Rồng rắn lên mây  do NXB Văn Hóa- Văn Nghệ TP. HCM ấn hành. 

Một Thế Giới