Sự thật lừa đảo của cuốn 'Tự truyện' từng gây rúng động thế giới
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 14:45, 13/05/2014
Xuất bản năm 1997, Misha: A Mémoire of the Holocaust Years (tạm dịch: Misha - Hồi ức về những năm tháng diệt chủng người Do Thái) kể về những trải nghiệm có thật của một cô gái Do Thái sống ở Brussels (Bỉ), cô đã một mình đi bộ xuyên châu Âu sau khi cha mẹ bị quân Đức Quốc xã bắt.
Tác giả của cuốn tự truyện này là bà Misha Defonseca, năm nay 76 tuổi. Năm 1998, bà Misha Defonseca đã thắng trong một vụ kiện đối với nhà xuất bản Mt. Ivy Press mà đại diện là bà Jane Daniel, vì đã thực hiện nhiều hoạt động không được sự cho phép của tác giả cuốn sách.
Trong vụ kiện này, bà Misha đã thắng và giành về 32,4 triệu đô-la vì bị bà Jane Daniel vi phạm bản quyền.
Bà Jane Daniel đã kháng cáo nhưng đến năm 2005, tòa án bang Massachusetts (Mỹ) vẫn giữ nguyên phán quyết.
Trong cuốn hồi ký của mình, Misha Defonseca viết rằng bản thân bà từng thực hiện chuyến hành trình vất vả dài hơn 3.000 km xuyên châu Âu, mà chủ yếu là đi bộ, để tìm lại cha mẹ.
Bà sống nhiều tháng trong rừng và thường xuyên thấy những đàn sói rừng lảng vảng xung quanh, đồng thời, cô bé là bà khi đó còn phải lẩn trốn quân Đức Quốc xã. Trong một lần không may phải đối đầu với một tên lính Đức định cưỡng hiếp mình, Defonseca đã dùng dao đâm chết tên lính.
|
Sau khi bị xử thua tại tòa, những chi tiết trong truyện bắt đầu khiến bà Jane Daniel nghi ngờ và quyết định sẽ tìm hiểu sâu kỹ vì cho rằng rất có thể Defonseca đã nói dối nhiều điểm trong cuốn tự truyện.
Sau khi lục lại thông tin về bà Misha Defonseca, Jane Daniel phát hiện ra rằng tên thật của người phụ nữ này là Monica Ernestine Josephine De Wael, thực tế, người phụ nữ này không phải người Do Thái.
Trong quãng thời gian mà Misha nói rằng bà phải sống trong rừng với những đàn sói, đã kết thân với một con sói mẹ và những con sói con, thậm chí từng giết chết một tên lính Đức Quốc xã…, thực tế, ở thời điểm này, bà đang theo học tại một ngôi trường ở Brussels (Bỉ).
Misha hiện giờ đang sống ở bang Massachusetts (Mỹ). Sau khi sự thật bị phanh phui, bà Misha đã thú nhận rằng cuốn tự truyện bán rất chạy của mình thực tế được viết ra bằng trí tưởng tượng. Hiện giờ, cuốn tự truyện này đã được dịch sang 18 thứ tiếng và thậm chí từng được chuyển thể thành phim điện ảnh tại Pháp - Survivre avec des loups (Sống sót với đàn sói - 2007).
Bà Misha Defonseca mới đây đã thú nhận những gì bà kể trong cuốn tự truyện phần lớn là bịa đặt |
Qua đây, bà Misha đã chia sẻ câu chuyện thật về cuộc đời mình, rằng năm bà lên 4 tuổi, cha mẹ đã bị bắt đi và kể từ đó, Misha lớn lên với sự chăm sóc của ông và bác ruột.
Misha cho biết gia đình nhận nuôi bà sau đó đã đối xử với bà rất tệ bạc, họ thường gọi bà là “con gái của kẻ phản quốc” bởi cha mẹ bà đã tham gia vào những hoạt động ủng hộ người Do Thái, điều đó khiến bà “cảm thấy như thể mình cũng là người Do Thái” vậy.
Bà Misha chia sẻ có những giai đoạn trong cuộc đời bà cảm thấy rất khó khăn trong việc phân biệt đâu là sự việc có thật, đâu là sự việc chỉ xảy ra trong trí tưởng tượng của mình.
Đại diện nhà xuất bản Mt. Ivy Press - bà Jane Daniel - đã đề nghị bà Misha viết cuốn tự truyện này hồi thập niên 1990 sau khi nghe bà Misha kể về câu chuyện đời mình tại một giáo đường dành cho những người Do Thái ở bang Massachusetts (Mỹ).
Jane Daniel và Misha Defonseca bắt đầu trở nên bất đồng về vấn đề lợi nhuận thu được từ cuốn sách bán chạy. Sự bất đồng đã dẫn tới vụ kiện tụng kể trên.
Giờ đây, khi tòa án đã có thể khẳng định rằng bà Defonseca hoàn toàn dựng lên một câu chuyện bịa đặt, lời phán quyết trước đó đã bị hủy bỏ, bà Defonseca buộc phải bồi hoàn lại số tiền đã nhận từ bà Jane Daniel.
Theo Bích Ngọc (Dân Trí)