Một mảnh hồn của chàng gia sư (Phần 2)

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 15:51, 12/01/2014

- Nghe anh giảng, có lúc em không cầm được nước mắt. Hồi đi học, em rất yêu môn văn, thầy chủ nhiệm bảo: cô nên thi vào khoa văn Đại học Tổng hợp. Thế mà không hiểu tại sao, em lại vào trường Bách Khoa. Khi làm thơ, thi sĩ có nghĩ mình tài thế không, anh? Những câu thơ sao đẹp kỳ lạ: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ/ Khèn lên man điệu nàng e ấp/ Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ...”.

Hoan nói vậy vào hôm sau, trước khi ý nhị đặt vào cuốn vở soạn bài của Niên một phong bì nhỏ. Hiểu đó là tiền công được trả, mặt Niên liền nóng bừng vì xấu hổ và anh đứng lên, xin phép ra về ngay.

Niên không ngờ thù lao Hoan trả cho anh lại lớn đến thế. Năm  triệu đồng. Gấp đôi lương tháng của anh. Áy náy quá. Thế nhưng hôm sau, vừa thoáng thấy Niên có ý định trả lại tiền, Hoan đã phẩy tay, bảo “Anh cứ yên tâm, vì em nhiều tiền lắm”.

Từ hôm ấy, giữa hai người tuy vẫn tồn tại một khoảng cách tế nhị nhưng đã xuất hiện những lớp sóng giao thoa. Chị vẫn xuất hiện trước anh với một nỗi buồn thăm thẳm và vì vậy, với anh chị càng trở nên đáng trân trọng khác thường.

Những buổi giảng của Niên với thằng Tuệ trở nên hào hứng dần. Anh lập một kế hoạch thực sự để lấy lại căn bản cho nó. Anh kiên nhẫn dìu nó trong mỗi bước và cảm thấy hình như đã thuần phục được kẻ bất kham này.

Ảo giác được xây đắp khiến anh đã trở thành một diễn viên chuyên cần với một khán giả hâm mộ đến mê say. Nhiều buổi khi anh có giờ với thằng Tuệ, Hoan đã xin nghỉ việc cơ quan. Chị ngồi trong căn buồng kế cận, lắng nghe như uống từng lời giảng của anh.

Một ngày mùa đông có nắng vàng xôn xao bỗng trở thành kỷ niệm vàng đầy luyến nhớ với hai người. Hoan không thể hiểu vì sao buổi trưa chủ nhật ấy, vừa đẩy cánh cửa buồng bước ra, trông thấy Niên từ đầu hành lang đi tới,  Hoan bỗng giật mình sững lại, tim đập dồn nặng trĩu bên ngực, mặt đỏ bừng lên, và cảm tưởng đang sống lại thời thiếu nữ quá xa mờ.    

- Có một số sách em mới tìm thấy…

Một gương mặt trái soan hồn hậu, với hai vệt lông mày đằm thắm và sống mũi mảnh dẻ. Một vóc người thanh mai nhẹ nhõm đúng như một linh hồn trong trẻo. Trong tay Hoan là túi bạt căng phồng toàn sách, còn Niên hiện ra trong thứ nắng sáng mỏng như tơ, đường đột và phấp phỏng lạ thường. Cảm giác đây là cuộc gặp không hẹn mà đến lập tức chế ngự cả hai người.

Niên cầm túi đặt lên bàn và háo hức thò vào lòng túi, giở lên. Lại Bunhin. Và cả Dostoievski, Tchékov, Daudet,  Anatole France, Heminway , Lorca, Marquez... Cả một gia tài văn hoá đồ sộ trên tay Niên. Bất giác, Hoan lùi lại, làm động tác như mời anh vào căn phòng nhỏ của chị.

Thật sự, cả hai đểu không hiểu điều gì đã xảy ra, và cả điều có thể xảy ra…

Mãi mãi họ không hiểu vì sao cánh cửa đang mở bỗng chuyển động nửa vòng rồi khép lại. Và chồng sách trên tay Niên bỗng nghiêng chao rồi đổ ụp xuống nền nhà. Mãi mãi cả hai đều không giải thích được vì sao họ lại như rơi vào chiêm bao, tự nguyện chấp nhận sự sai khiến của một quyền năng vô hình, đã quỳ xuống và cùng đưa tay ra tìm kiếm…  

Văn học quả thật đã đóng vai nhịp cầu giao cảm. Cuối cùng họ đã tìm được tay  nhau rồi cùng đứng dậy, lùi vào góc hẹp của cánh cửa vừa khép và cùng lúc ôm choàng lấy nhau.

- Anh!

Hoan chỉ vỡ ra một tiếng gọi.

Còn Niên có  cảm giác bức tường ngăn cách họ đã sụp đổ, để lại một khoảng không trống hoang.

- Mẹ ơi, sách ở đâu tung toé ra thế này?

Đúng lúc ấy, như một trò trớ trêu, thằng Tuệ từ đâu bỗng thình lình xuất hiện, tay ôm quả bóng tròn, nhảy bổ tới, đứng sững trước cửa buồng, kêu to.

Hoan vội ngồi xuống, đưa tay quơ quơ trong không khí:

- Sách thầy cho mượn, mẹ đánh rơi. Nhặt giúp mẹ với, Tuệ!

***    

Đó là những ngày sống trong mê sảng, thảng thốt. Niên thoắt vui, thoắt buồn, ngơ ngẩn, lo sợ như kẻ vừa đánh mất vật quý. Cái Tết ập đến. May mắn, nó trở thành thời gian cho Niên lẩn trốn.  

Hăm nhăm tháng chạp, anh đáp tàu về quê. Nằm bẹp ở một xóm nhỏ với vợ chồng cô em, anh luôn tự trách mình là gã đàn ông sa đoạ. Nhưng đến ba mươi tết, anh lên tàu trở về thành phố, nhốt mình trong căn buồng chín mét vuông, tự xỉ vả mình là kẻ hèn hạ, bỉ ổi.

Mồng ba tết anh nhận được thư Hoan. Thư nói chị đang đau đớn, như con thuyền không bến, chị vô cùng thất vọng. Không một lời quy kết, nhưng anh tự nhận ra mình là một kẻ thật vô trách nhiệm khi đã bắt đầu... Anh hiểu, anh không thể không trở lại để chia sẻ với chị.

Hai tháng sau, đã có bước nhảy vọt trong quan hệ giữa hai người.

Ngoài các buổi Niên đến nhà dạy thằng Tuệ, họ đã có những cuộc hẹn hò. Công viên Lênin. Vườn hoa Lê Thánh Tông. Cửa hàng sách Tràng Tiền. Rặng liễu bên hồ. Đại lộ Trần Phú...

Tháng tư lá sấu quay tròn như những đồng tiền vàng trong cơn lốc nhỏ. Một vệt hoa giấy tím sẫm như kết đọng niềm thương nhớ bâng khuâng. Tiếng ve ran khúc nhạc hè đầy rạo rực. Khung cảnh như được chọn để hối thúc gợi mở tâm tình. Họ đã nói cùng nhau những tâm sự thầm kín nhất và đổi trao những mơ ước xa xôi.

Niên hiểu ra Hoan là một phụ nữ bất hạnh. Hôn nhân của chị là một tấm thảm kịch thời đại, trong đó có đầy đủ những khía cạnh dơ bẩn nhất của lòng người: cưỡng ép, lừa dối, phụ bạc. Và nếu không sợ bị coi là nhẫn tâm, từ trong sâu sa, chị xem thằng Tuệ là nghiệt căn của nỗi đau đời chị phải đeo đẳng như bản án khổ sai chung thân.

Còn với Niên, không phải cuộc trăng gió của một tâm hồn đa cảm hoặc cơn cuồng hứng lấp chỗ trống của một mệnh phụ lắm của nhiều tiền, đây thực sự là tình yêu mà Hoan vẫn ao ước.

“Em sẽ đặt may cho anh hai bộ com-lê thật đẹp để khi cần sẽ dùng”. Có lần chị nói nhưng anh chối từ vì nghĩ rằng đàn ông ỷ vào sự chăm sóc của đàn bà sẽ trở nên yếu thế. Nhưng lần sau, khi chị nói sẽ mua cho anh một căn buồng, thì sau phút kinh ngạc ban đầu anh đã nắm lấy tay chị xiết chặt. Anh không hề có cảm giác đang đẩy mình vào cuộc phiêu lưu tình ái tình mà lại run rẩy vì sung sướng. Anh cần có chị xiết bao. Bao nhiêu năm nay, anh không nhà cửa, không có cả bạn đời.
Mot manh hon cua chang gia su (Phan 2) 

Tình yêu gây hoang giác. Giờ đây, Niên thấy cuộc sống của mình thật dễ chịu. Ngay cả với thằng Tuệ, những buổi dạy dẫu vẫn xảy ra chuyện này chuyện nọ, nhưng với anh đã trở nên bình thường.

Một hôm, anh đến vì có giờ dạy. Ngồi chờ quá mười lăm phút anh mới thấy thằng Tuệ đi từ gác xuống.

- Cháu phải nói chuyện với ba cháu. Ba cháu sắp về rồi.

Niên yên lặng giở sách. Thằng Tuệ hếch một bên mắt:

- Chú có biết ba cháu không? Hắc lắm đấy nhé.

- Thôi, bắt đầu học đi.

- Học để làm gì, thầy Niên?

Nghe giọng thằng Tuệ có gì đó rất khác lạ, Niên cau mày. Nhưng Niên chưa kịp mở miệng, nó đã nhe răng, nghênh ngáo:

- Bố cháu nông dân gốc, học có lớp bảy trường làng mà vẫn là giám đốc. Hơn đứt thầy đấy. Ô tô tài xế riêng hẳn nhiên rồi. Còn nước ngoài thì vi vu suốt. Vậy cháu việc gì phải học, việc gì phải bằng cấp. Quan trọng nhất là bằng lòng ông tổng cục. Vấn đề là đầu tiên, thầy ạ.

Niên nhăn mặt. Thứ lí sự bợm bãi đã quá quen nhàm nhưng ở khung cảnh này, lại từ mồm đứa thiếu niên với dụng ý như để khiêu khích. Niên rít lên qua hai hàm răng nghiến chặt:

- Giờ học, yêu cầu em mở sách ra.

Nhếch mép cười khẩy, thằng Tuệ cúi xuống loạt xoạt lật sách. Niên cầm cuốn giáo khoa trên tay, cố lấy lại cảm hứng, cố đọc bài văn thật diễn cảm. Nhưng chỉ đọc nổi ba dòng của Nguyễn Tuân, anh đã phải dừng. Nhìn xuống thằng Tuệ, anh giật thót mình.

Thằng Tuệ không theo dõi bài văn, đã đành. Nhưng, giá nó lơ đãng, ngủ gật, hoặc  đánh mắt với con bé váy trắng ở tầng thượng căn nhà đối diện, đằng này nó đang ngậm và hí hóp thổi cái bao cao su tránh thai.  

Mắt cháy đỏ, Niên xáp tới với một tiếng gầm trong cổ họng. Và thằng Tuệ như đã đề phòng, tức thời lùi lại với hai cánh tay văng ra thật mạnh để đỡ. 

- Ông làm gì thế?

- Em có muốn học nữa không?

- Cái này của mẹ tôi. Can gì đến ông? Hay là thứ ông dùng mỗi khi gặp mẹ tôi?

Lăng người như vừa nhận một mũi giáo trúng tim, Niên cố kiềm cơn đau, nhưng  thấy ngay là vô ích. Cái kim trong bọc đã trồi ra. Mọi người đều là con nợ của chính mình. Thằng Tuệ, nỗi oan nghiệt của Hoan đã đến lúc hiện hình trọn vẹn như chính cái nguyên bản xấu xa.

- Tôi là thầy dạy…

- Thầy gì? Thầy đói rách, thầy ăn xin!

- Im ngay! 

- Bố mẹ tôi bỏ tiền thuê ông, ông có quyền gì. Ông đừng xí xớn mó dái ngựa đấy.  Đừng có tưởng bở nhé.

Mặt Niên tím ngắt. Môi Niên bặm chặt đến tái nhợt và thân hình mảnh khảnh của anh rung lên từng đợt như sắp vỡ bung từ nỗi đau bên trong.

Nỗi căm giận, từ rất lâu rồi, ở ngoài sự chi phối của hư giác, nỗi căm giận với thói đời bỉ tiện, bất công điên đảo, đã tới trạng thái không thể nhẫn nhịn. Niên xô tới và giang thẳng tay, quyết nhân danh ông thầy bị sỉ nhục trừng phạt nó. 

Nhưng chính vào lúc đòn trừng phạt sắp giáng xuống ấy, Niên bỗng có cảm giác bước hụt. Các khớp xương như long ra, rời rã…  

Thằng Tuệ vừa nhổm dậy gọi:

- Mẹ ơi!

Thì ngoài sân có tiếng Hoan trong ngần, vô cùng hoan hỉ:

- Tuệ ơi, ba về. Ra đón ba, Tuệ ơi!

Cổng mở. Từ chiếc Nissan bóng nhẫy chui ra một người đàn ông sáu mươi tuổi trán hói, mặt sần sùi, mồm rộng, vai u, vậm vạp như đô vật. Y đặt cái cặp điện tử xuống đất, giang rộng hai tay vì cả Hoan và thằng Tuệ cùng lúc nhao tới với tiếng reo mừng.

Hai cánh tay lực lưỡng của người đàn ông như cái đai lớn thít cả ba người thành một khối dính liền. Y gật gật. Môi y chờm lên chiếc vành tai trắng hồng của người phụ nữ xinh đẹp đang ngả đầu âu yếm vào vai y. “Anh đả mua đũ các thứ đồ em bão. Hà hà... , em vẩn xinh đẹp và mạnh khoẽ nhỉ?” 

Niên đi ngang qua bên họ, nghe rất rõ giọng khàn rè, lẫn lộn thanh ngã và thanh hỏi đặc trưng của người đàn ông và giọng nhỏ nhẹ nũng nịu của Hoan: “Anh xem, em có còn béo như hồi nào anh chê không?”.

***     

Từ hôm đó Niên không bao giờ trở lại ngôi biệt thự ấy nữa.

Hai hôm sau, anh nhận được thư Hoan hẹn gặp ở cửa hàng sách Tràng Tiền vào năm giờ chiều tan tầm, như thường lệ.

Vào đúng giờ hẹn, anh đứng trên một tầng gác cao nhìn xuống nơi hẹn, thấy bóng Hoan vào ra ngóng đợi, vẻ đầy bối rối.

Cuộc sống thật đa tạp và phức cảm là một trạng thái có thực của tình cảm con người. Biết vậy, nhưng Niên đã ngăn mình không xuống chỗ hẹn.

Đó là lần cuối cùng anh trông thấy Hoan.

1992 - 2012
Trò chuyện cùng tác giả

Tình yêu như ngọn nguồn của văn chương

* Ông thầy giáo trong truyện này có vẻ “lạc hậu” trước những con sóng dồn của thực tế cuộc sống, còn người phụ nữ thì như một câu đố khó có lời giải. Theo ông, tình yêu đã trở thành “nạn nhân” như thế nào trong chuyện này?

- Ở đoạn cuối câu chuyện, tôi có viết: Phức cảm là một trạng thái có thực của tình cảm con người. Đó là tình huống sống vừa chan hòa ánh sáng vừa buồn thương đau khổ khó lý giải của hai nhân vật, cả thầy giáo và người phụ nữ. Ông thầy tôn thờ một tình yêu thánh thiện. Người phụ nữ cũng vậy, nhưng cả hai đều như cá mắc câu.
Chẳng ai có thể vượt ra khỏi hoàn cảnh. Cái trớ trêu của cuộc sống là bi kịch luôn âm thầm giằng xé cuộc sống con người và khiến hạnh phúc luôn là một mơ ước xa xôi, một khát vọng khôn nguôi.

* Ông đã đạt được những thành công trong nghề viết, và ông nhìn nhận điều đó như thế nào?

- Có lẽ bạn căn cứ vào các giải thưởng để đánh giá là tôi thành công trong nghề viết. Tôi rất trân trọng các giải thưởng nọ.Tuy nhiên đây là đánh giá của tôi về bản thân mình: say mê và đầy khát vọng nên đã lưu giữ được trong tác phẩm của mình đôi ba hình ảnh cuộc sống và con người trong những ngày đã sống qua. Nói thế không phải là giả vờ nhún mình mà là tự đánh giá quá cao rồi. Vì cuộc sống thì bao la, thăm thẳm, mà nghệ thuật và cuộc đời mỗi con người thì vô cùng hữu hạn.

Tôi cũng xin phép được nói thêm: tôi đã được nhận một số giải văn chương cao quý của nước nhà. Tuy nhiên không bao giờ tôi coi đó là áp lực, nghĩa là bị chúng làm cho choáng váng, tạo nên sự thỏa mãn và do đó bị chúng khống chế nên phải thu mình lại, luôn khép nép, sợ hãi để bảo toàn cái mà người đời gọi là danh giá. Đối với văn chương không nên có thái độ cao cao tại thượng, nhưng cũng không nên suồng sã với nó. Tôi coi viết văn là một nghề. Và tôi làm nghề như một người chuyên nghiệp bình thường hằng ngày làm cái nghề mà mình yêu quý và dấn thân.

* Có phải các nhà văn Việt Nam đang bất lực khi không thể hiện nổi những dữ dội của cuộc sống hiện nay vào tác phẩm? Điều đó do đâu, theo ông?

- Đã có hàng ngàn trang viết để tìm cách trả lời câu hỏi này. Tôi không có ý kiến gì hơn. Chỉ xin nhấn mạnh một điều: tất cả phụ thuộc vào sự xuất hiện của tài năng. Tài năng là bẩm sinh, là tiên thiên. Tài năng tự mở đường mà đi, bất  chấp ngoại  cảnh. Và  chẳng có ngoại vật nào cản ngăn được nó. Vấn đề còn lại chỉ là, hãy  mở lòng khi thấy dấu hiệu ra đời của tài năng. Còn những ai tin rằng mình là tài năng thật sự thì hãy nhẫn nại, thậm chí cắn răng lại để nuôi chí bền!

* Ông có đọc các nhà văn trẻ? Ông có hy vọng gì ở họ?

- Tương lai văn học Việt Nam hướng về thế hệ trẻ. Đó là câu trả lời gần như công thức, nhưng là chân lý và với tôi là chính xác, vì tôi đã đọc nhiều tác phẩm của nhà văn trẻ hiện nay. Cái họ cần để hoàn thiện tài năng là sự từng trải, bên cạnh sự tươi mới mạnh mẽ và khát vọng tự do. Nói thế có vẻ là lời của bậc cha chú khó nghe, nhưng đó  là tiếng nói từ kinh nghiệm sống và viết của chính tôi.

* Ông có tin rằng có những nhà văn Việt Nam nào đó đang viết những tác phẩm để dành cho hàng trăm năm sau?

- Nếu có thế thì thật là may mắn cho văn chương nước mình.

* Kế hoạch viết của ông sắp tới?

- Tuổi đã cao, ốm đau bệnh tật liên miên, chất  liệu để viết là cái giếng đã cạn đến đáy. Sắp tới, tôi không có kế hoach dự định gì về viết lách. Ngoại trừ, nhớ nghề thì tôi viết vài ba cái ngăn ngắn góp vui cùng đồng nghiệp. 

Ngô Thị Kim Cúc thực hiện

 
Tác giả - Tác phẩm
Mot manh hon cua chang gia su (Phan 2)
Nhà văn Ma Văn Kháng - Ảnh do NV cung cấp
Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936 tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Ông đã kinh qua nhiều công việc: bộ đội, giáo viên, cán bộ, nhà báo, là ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 5,6, tổng biên tập Tạp chí Văn học Nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm

* Tập truyện: Móng vuốt thời gian,  Heo may giã léng, Trăng soi sân nhà,  Một chiều giông gió, Xa xôi thôn Ngựa già...

* Tiểu thuyết gồm 16 tập, trong đó có: Đồng bạc trắng hoa xoè, Vùng biên ải, Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn. Một mình một ngựa, Đám cưới không có giấy giá thú,  Ngược dòng nước lũ, Chuyện của Lý…

* Hồi ký: Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương.

* Tiểu luận và bút ký: Phút giây huyền diệu.

Giải thưởng:

Nhà văn Ma Văn Kháng đã nhận Giải Văn học Đông Nam Á 1998, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012

Một Thế Giới