Nhân vật của Maurizio (Phần 2): Trên biển

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 10:29, 15/12/2013

Jari Tammi vẫn đọc sách. Ông ta đọc liên tục, chuyển từ sách điện tử dày đặc ký tự Suomi sang sách giấy tiếng Anh, và ngược lại. Bây giờ là một quyển tiếng Anh. Có một lúc, ông ta ngước lên, nhìn sang bạn đồng hành, ngạc nhiên:

- Cô đang nghĩ gì vậy?

- Về một bức tranh cũ, đối chiếu nó với bản thân tôi.

- Để làm gì? – Đôi mắt xám tro hết sức chăm chú và có phần sửng sốt.

Một cách rành mạch, San chia sẻ với ông ta vụ thừa kế bất ngờ. Vẻ sửng sốt trong trong đôi mắt xám tro dịu xuống. Có gì đó gần như sự thông hiểu. Người chạy đột ngột chấm dứt câu chuyện của mình. Cô ta hất cằm về quyển sách đang nằm trên tay bạn đồng hành, với tờ bìa đỏ thẫm in hình thuyền buồm cổ, về chuyến hải trình của James Cook:

- Còn anh? Việc đọc mang đến điều gì, chẳng hạn như quyển sách kia?

- Tôi thử làm một người lữ hành trên biển, đại loại vậy. Khi đọc, tôi hóa thân. Tôi nghĩ mình đang là nhân vật. Nhưng đồng thời tôi vẫn là tôi, kẻ ngoài cuộc, kiểm chứng mạch suy nghĩ và các ấn tượng trong James khi ông ta một mình giữa đại dương.

- Kiểm chứng? – Cô nhắc lại một từ ông vừa nói.

- Từng có thời gian tôi tự coi mình là thuyền trưởng Cook, di chuyển liên tục trên biển. Từ Helsinki nơi tôi sống sang Tallinn. Trên phà, vào buổi đêm, ban đầu tôi không thể ngủ. Về sau thì không muốn ngủ. Khi lênh đênh trên biển, người ta có cách nghĩ rất khác. Nếu ở trên biển một thời gian đủ lâu, người ta sẽ tin biển mới là nơi thực sự để hiện diện và sống cùng, còn đất liền chỉ là nơi chốn tạm bợ mà thôi.

- Anh đang hướng tôi đến các biểu tượng đối lập: Biển và đất liền. Dịch chuyển và đứng yên. Sự bồn chồn hy vọng và trạng thái cân bằng vô cảm?

- Nếu cô nghĩ như thế! - Người trung niên nhún vai, bật cười.

- Anh di chuyển liên tục như vậy cho việc gì?

- Marianna, bạn gái tôi, sau là vợ tôi, sống ở Tallinn. Thời gian ấy tôi làm việc cho một nhà xuất bản ở Helsinki. Chúng tôi không chắc chắn nên sống ở đâu. Vì vậy, cuối tuần, tôi lên phà, có khoảng ba tiếng đồng hồ băng qua eo biển Baltic lượt đi và thêm chừng ấy thời gian lượt về.

- Việc ở trên phà từ từ trở thành mục đích chính, quan trọng hơn việc gặp vợ anh.

- Làm sao cô biết điều đó? – Jari Tammi thoáng dè chừng.

- Anh đã nói về sự hóa thân. Tách ra, rời bỏ con người chính mình. Trở thành một ai khác bất kỳ. Trong khoảnh khắc được giới hạn giữa hai bờ biển. Chẳng phải đó là điều nhiều người giờ đây mong muốn. Nếu không thể thực hiện được với chính mình, thì dễ dàng hơn, họ xem phim, đọc một quyển sách, và gọi đó là sự giải trí…

Trong phản chiếu của tấm kim loại gắn trên lưng ghế trước, hốc má Jari Tammi hóp lại. Một biểu đạt đau đớn và sợ hãi hiện ra đột nhiên, không sao tả xiết.

Người trung niên gập bàn xếp trở lại lưng ghế. Hình ảnh tồi tệ biến mất. Ông ta đứng dậy, tìm người bán đồ ăn nhanh thường đẩy xe đi dọc các toa.

Có lẽ đã khuya, hành khách phần lớn thiu ngủ nên xe thức ăn dừng hoạt động. Người trung niên đi về phía toa bán thức ăn. Ông ta đưa mắt nhìn San, có ý nhắc người đồng hành nên bước theo mình. Cô ta nghĩ cần xin lỗi vì đưa ra nhận xét bất cẩn. Nhưng phải chăng, những lời như thế chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn.

Tự mua cho mình mỗi người một cốc trà nóng, họ đứng gần cửa nối giữa hai toa, lơ đãng nhìn ra những ô kính đen với các vệt sáng vùn vụt, uống từng ngụm nóng lớn từ chiếc cốc giấy.

Một lần nữa, trong họ, hiện lên cảm giác không thể gọi được thành lời, như lúc ban mai, nhìn quang cảnh đám cháy. Có khác chăng, lúc này, họ thấy mình hóa thân thành hai đứa trẻ sinh đôi đã thôi nhảy nhót, đứng im bên ngoài rào chắn. Còn gã hề vô hình, nỗi cô độc vô hình, đã bước vào bên trong khoảng lõm tối thẫm. 

***

3. Xuống tàu ở tầng hầm, họ đi hai cầu thang bộ lên mặt đất. Bên ngoài rất đông, gần như khó tin với thời điểm hai giờ sáng. Những dãy xe vàng nối đuôi nhau chầm chậm trôi dưới lòng đường nhưng trên vỉa hè, mọi người di chuyển rất nhanh, không giao tiếp với chung quanh. Trong cuộc theo đuổi mục tiêu tuyệt đối cá nhân, rõ ràng, chưa bao giờ trạng thái buồn ngủ hiện diện trên những gương mặt ấy.

Người trung niên đi trước, thỉnh thoảng ngoảnh về sau để bảo đảm bạn đồng hành chỉ cách ông ta vài bước chân. Trên một bảng đồng hồ điện tử, nhiệt độ thông báo 35 độ F. Ngay dưới chân bảng, một quán nhỏ cửa mở hé, có hai người vừa bước ra.

Hai người mới đến thay chỗ cho hai người vừa bước ra ở cái bàn nhỏ. Không gian ấm sực, như một tổ ong vàng mật, đông đúc, được lấp kín bởi những dải âm rù rì. Nhân viên phục vụ hiểu việc, hoạt bát. Vậy nên người trung niên và người chạy uống vài ly, ăn hai chiếc bánh mì nhỏ. Nhưng họ vẫn không nói gì với nhau kể từ lúc xuống tàu.

Phủi sạch vụn bánh, Jari Tammi đặt quyển sách lên bàn, tiếp tục hải trình của James Cook. Người chạy cũng lật trang sách đánh dấu. Những dòng đầu tiên buột khỏi khối chữ. Nhưng cô ta đọc lại vài lần, cho đến khi chắp dính các ý nghĩa mới với mạch chuyện cũ. Chao đèn vàng chiếu xuống mặt bàn.

Hai khuôn đầu bất động in bóng trên hai quyển sách. Những trang sách mỏng dần. Họ chỉ ngước lên khi người phục vụ đến, cho biết đến giờ quán đóng cửa. Chung quanh đã về hết. Hai quyển sách họ đọc cũng vừa xong.

Gần năm giờ sáng. Trời lạnh hơn bao giờ hết. Họ xuống tàu điện ngầm, xem bản đồ, mua vé tự động và lấy chuyến đi vào công viên Trung tâm. Từ đây sang bảo tàng không xa. Khi họ lên lại mặt đường, trời đã hửng. Nhưng vẫn quá sớm để bước vào một nơi chốn công cộng nào đó, trừ công viên.

Công viên không quá lạnh, chỉ có điều hơi ẩm mù mịt. Không khí vào phổi sánh lại như cháo bột. Các băng ghế đều chằng chịt vệt nước, đến mức ngỡ như chỉ ghé lên chúng, thì người ngồi cũng mau chóng ướt sũng. Dù vậy, hai người vẫn phải ngồi xuống hai đầu ghế, duỗi dài các khớp gối tê cứng.

Người chạy trùm cái mũ gắn sau cổ áo lên đầu, nghĩ rằng có thể chợp mắt một chốc. Nhưng cô ta không ngủ. Ở đầu ghế bên kia, người trung niên chống hai tay dưới cằm, nhìn trừng trừng khoảng không trước mặt.

Cô muốn nói chuyện. Về thời tiết. Về người vợ sống bên kia bờ biển của ông ta. Về các buổi thảo luận trong khoá học của họ. Bất kể điều gì. Người trung niên cũng thế. Nhưng, tìm biết góc khuất của người khác luôn là thử thách nặng nề. Vì thế họ tiếp tục im lặng.

Bảo tàng mở cửa lúc mười giờ. Họ xếp hàng, mua vé, gửi áo khoác, bước qua barie vải và  ngay tức khắc ở trong không gian Tất cả của Maurizio. Bồ câu. Lừa. Ngựa. Sóc. Thỏ. Những con vật nhồi bông, treo rời hay xếp chồng lên nhau. Picasso mặc quần ngủ. Giáo Hoàng cầm quyền trượng. Hitler. Lính cứu hỏa. Hai trẻ sinh đôi mặc lễ phục. Phụ nữ khoả thân. Những hình người bằng sáp, ở kích thước thật hoặc nhỏ hơn, trong các tư thế kỳ quặc. Tủ lạnh. Bàn cờ. Xe kéo. Tạp chí. Giường ngủ. Sách. Những đồ dùng thường nhật, treo thẳng, xiên hoặc lộn ngược. Tất cả lơ lửng trên cáp, trong một hệ thống lưới thép tinh xảo ròng xuống từ mái trần của bảo tàng.

Họ bước thong thả theo lối đi xoắn ốc, lên cao dần. Góc nhìn liên tục thay đổi. Đúng như quyển sách du lịch giới thiệu, các nhân vật của Maurizio giống thật ở mức đáng sợ. Đôi khi dừng lại lâu hơn trước vài chân dung kỳ quặc, lém lỉnh hoặc giễu cợt, bằng ống nhòm chuyên dụng, Jari Tammi quan sát kỹ hơn đường nét, chất liệu, các chi tiết thuộc về kỹ xảo của tay nghệ sĩ người Ý.

Cách vài bước chân, một nhóm sinh viên đi cùng giáo sư nghệ thuật. Họ thì thào đưa ra những nhận xét thông thái. Về sự hào nhoáng rỗng ruột mà các tác phẩm truyền tải. Về góc nhìn của họa sĩ. Sự tấn công của hình ảnh. Về khả năng mô phỏng thế giới hỗn loạn… Khi đám đông đi qua người trung niên, ông ta bỗng nhận ra một nhân vật tình cờ lọt vào tầm nhìn.

Ống nhòm điều chỉnh rõ nét hơn. Bên kia hành lang, người đồng hành ngước lên, ngắm nhìn nhân vật tầm thước mặc đồ thể thao dẫn con chó Husky đi dạo trong không trung.

Trong nhiều phút liền, ông ta nhìn kỹ gương mặt cô ta. Một biến đổi kỳ quặc, khi sự choáng váng và sững sờ trên gương mặt ấy chuyển thành nét buồn rầu thẳm sâu. Có một lúc, gần như người chạy hướng cái nhìn tuyệt vọng về phía ông ta, hay đúng hơn là phía không ai cả. Nhưng chỉ tích tắc, gương mặt ấy trở lại thản nhiên, đóng kín, lẫn vào các nhân vật dày đặc của Maurizio.

Người trung niên tiến về phía San. Một cách tự nhiên, ông nắm bàn tay cô ta, tiếp tục đi theo hành lang xoắn ốc, lên tầng trên cùng. Thay vì nhìn xuống, như nhóm sinh viên háo hức chiêm ngưỡng Tất cả từ trên cao, họ tập trung quan sát hệ thống khung thép tròn gắn giữ những nhân vật, con vật và đồ vật một cách tự nhiên và khéo léo. Không đưa ra bất kỳ nhận xét nào, họ chỉ nắm chặt tay nhau.

Họ lên tàu quay về thành phố nhỏ. Thỉnh thoảng, San lật mở quyển vựng tập. ngắm lại các tác phẩm vừa xem ở bảo tàng. Người trung niên nghiêng sang, chỉ vào bức ảnh người phụ nữ khỏa thân, vươn ra từ một tấm toile trắng:

- Giống hệt vợ tôi, khi cô ấy còn khỏe mạnh!

- Marianna?

Người trung niên gật đầu:

- Cô ấy mất hai năm trước. Thời gian cô ấy đau ốm, chúng tôi rất tiếc vì đã không ở cùng nhau mà chọn cách điên rồ là qua lại trên biển. Marianna muốn tôi sử dụng món bảo hiểm, sau khi cô ấy mất, để mua một căn nhà, không nay đây mai đó.

- Anh có làm như vậy không? 

- Tôi dùng hết khoản tiền ấy đăng ký chương trình học và sang đây, như cô biết.

- Tôi biết vì sao anh làm thế.

- Ừ! - Người trung niên gấp quyển vựng tập, ngẩng lên – Cô uống trà nóng? 

- Không. Tôi muốn ngủ một chốc.

- Có thể dựa vào lưng ghế, hoặc dựa vào vai tôi. Cô sẽ có cảm giác như đi trên biển.
Hết

Trò chuyện với Tác giả

Học trong mọi môi trường có thể

* Trong truyện ngắn này, còn có một điểm giao nào đó với điện ảnh, có phải là một “cách thức” mới của chị?

- Tôi viết truyện ngắn này trên đường. Thời gian chờ đợi và ở trên các phương tiện khá dài nên tôi thử tận dụng thời gian xem sao. Khung cảnh bên ngoài thay đổi cũng nhiều. Chung quanh người đi lại, người đọc sách, người ngủ, người viết, không ai va chạm vào ai. Có lẽ nhờ vậy truyện có được hiệu ứng như chị nhận xét.

* Chị thường lấy cảm hứng từ đâu: cuộc sống hay những gợi mở từ những hoạt động nghệ thuật - văn hóa?

- Thú thực là cuộc sống thường nhật của tôi rất đơn điệu nên tôi cố gắng quan sát và cảm nhận chung quanh càng nhiều càng tốt.

Trong đó, các hoạt động nghệ thuật, nhất là mỹ thuật hiện đại của thế giới, giúp tôi chống lại trạng thái vô cảm luôn chực chờ bên trong chính mình. Đúng như chị nhìn nhận, nhiều tác phẩm nghệ thuật mang đến cho tôi gợi mở và cảm hứng để làm việc.

* Học thức và kiến thức cần cho một người viết như thế nào, trong suy nghĩ của chị? 

- Tôi không tin có nhà văn giỏi mà không có kiến thức dày dặn. Nhà văn mà có học thức cao thì càng quý và đáng trân trọng. Đã làm công việc này, tôi nghĩ ai cũng có ý thức học suốt đời.

Học không chỉ ở trường lớp để lấy bằng cấp, mà học qua các cơ hội và trong mọi môi trường có thể. Để viết được một, thì phải biết mười. Nhưng tôi cũng không cho rằng nhà văn “cái gì cũng phải biết” theo kiểu dàn trải. Then chốt là có được kiến thức chuyên sâu, có hệ thống, và thực lòng say mê một hay vài lĩnh vực nào đó.

* Chị đang cần cái gì nhất cho việc sáng tác của mình?

- Có lẽ điều tôi cần nhất là thời gian và sự tập trung. Có các ý tưởng cần thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu phải kéo dài, thì độ tươi mới và sự mãnh liệt suy giảm nhiều, thể hiện lên trang viết không đạt hiệu ứng như mong muốn.

Quỹ thời gian của tôi, công việc tòa soạn chiếm phần lớn, ngoài ra còn phải học thêm. Còn lại tôi tập trung viết. Tôi nhìn một số bạn bè nhà văn nước ngoài mà thật nể phục. Họ chấp nhận mức sống vừa phải, thậm chí là thấp hơn so với mặt bằng chung để tập trung sáng tác.

Trong một năm, họ có thể in từ hai đến ba tác phẩm, bao gồm cả truyện cho thiếu nhi, tiểu thuyết, tiểu luận nghiên cứu. Số lượng không quá quan trọng nhưng việc viết được nhiều giúp nhà văn xác định những bước đi cụ thể cần thiết cho nghề nghiệp.
Ngô Thị Kim Cúc
Tác giả - Tác phẩm
Nhan vat cua Maurizio (Phan 2): Tren bien
Tác giả Phan Hồn Nhiên ở nhà sách City Light - San Fancisco, Hoa Kỳ - Ảnh: Tommi Parkko 
Nhà văn Phan Hồn Nhiên sinh tại Hà Nội, là quê của mẹ chị. Lên năm tuổi, chị theo gia đình chuyển vào Sài Gòn, là quê của ba chị. Chị học khoa Thiết kế Mỹ thuật tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học năm 1999, chị làm việc ở báo Sinh Viên Việt Nam cho đến nay, trong vai trò biên tập viên.

- Tác phẩm

Cánh trái (tập truyện ngắn), Đồi mùa hè (tập truyện ngắn), The Joker (Truyện dài),  Công ty (truyện dài), Mắt bão (truyện dài)…

Viết cho thiếu nhi: Dạt vòm (truyện dài), Người mưa (tập truyện ngắn), Xúc cảm nguy hiểm (tập truyện ngắn)…


Một Thế Giới