Phim Tết 2016: Đến rạp mà 'ngại' cho phim Việt
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 09:56, 17/02/2016
Phim Tết năm nay phải cạnh tranh cật lực với phim ngoại, đặc biệt là phim Trung Quốc.
Rạp toàn “bom tạ”
Mỹ nhân ngư của vua hài Châu Tinh Trì là “bom tạ” ở rạp Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán năm nay. Phát hành vào ngày 10.2, nhưng chỉ sau 1 tuần phim đã thu về 44 tỷ đồng. Điều này không có gì lạ vì ở Việt Nam Châu Tinh Trì có một lượng fan khủng. Tây Du Ký 2: Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh sau 1 tuần cũng thu về 24 tỷ. Ngoài ra, phải kể tới Thần bài 3 về Việt Nam với tên Phát lộc phát tài cũng rất hút khách.
Bộ phim Mỹ “phản anh hùng” Deadpool đang giăng kín các suất chiếu tạp các cụm rạp lớn, khiến cho phim Việt thêm khó làm ăn.
Vấn đề là, những bộ phim nhập năm nay tốt thực sự, khiến khán giả vui vẻ móc tiền mua vé, hỉ hả sau khi xem phim về. Nên những phim nội như Tía tui là cao thủ, Lộc phát, Ám ảnh, Siêu trộm, Yêu là phải xài chiêu… phải cạnh tranh khá chật vật.
Hiện nay mới có Lộc phát báo đã thu về 10 tỉ, còn lại không có phim Việt nào công bố doanh thu. Sóng vàng, đơn vị có “truyền thống” sản xuất phim Tết mấy mùa gần đây, từng thắng lợi với Nhà có 5 nàng tiên, Quý tử bất đắc dĩ cũng chưa công bố doanh thu.
Việc không công bố doanh thu đơn giản vì doanh thu phim Tết giờ không còn “hù dọa” được ai. Phim ngoại dễ dàng đạt doanh thu triệu đô. Trong khi đó, phim Việt sản xuất trong năm đạt doanh thu 1 triệu USD (khoảng hơn 20 tỉ đồng) giờ đây đã quá phổ biến. Sau Tèo em đạt doanh thu 80 tỉ đồng, đến Để Mai tính 2 đạt doanh thu 100 tỉ đồng. Riêng năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh dễ dàng cán mốc 80 tỉ đồng. Hiện tại là Em là bà nội của anh, đang dần vượt qua cột mốc 100 tỉ đồng.
“Ngại” cho phim Việt
Dù các nhà sản xuất nội địa đã rất cố gắng, nhưng so với dàn phim ngoại cùng ra rạp, hơi “ngại” cho phim Việt mùa Tết năm nay.
Tía tui là cao thủ có kịch bản có thể coi là “tầm phào”, câu tiếng cười bằng chiêu trò quen thuộc của cặp danh hài Hoài Linh – Việt Hương. Lộc phát, Siêu trộm cũng tương tự, phải cầu viện đến rất nhiều chiêu trò gây cười kiểu Đông Tây kết hợp, nhưng cười xong rồi quên, không bộ phim nào để lại dư âm. Còn Ám ảnh, bộ phim kinh dị duy nhất ra rạp dịp này đáng lẽ không nên ra rạp vì chất lượng nội dung quá... ẩu.
Xem Mỹ nhân ngư, Tây Du Ký 2, thực sự khâm phục nhà làm phim Trung Quốc khi họ đã kết hợp được kĩ thuật làm phim thương mại của Hollywood và các yếu tố văn hóa dân tộc. Xem Tây du ký 2, khán giả ngoài được mãn nhãn với các pha hành động, kĩ xảo, ngắm nhìn “Bạch Cốt Tinh” Củng Lợi đẹp, ác độc không thua kém “hoàng hậu” Charlie Theron trong phim Bạch Tuyết và Thợ săn của Hollywood, nhưng mặt khác vẫn nhận ra những nét văn hóa, triết lý của người Trung Hoa.
Trong khi đó, xem phim Tết của Việt Nam, thấy người Việt cũng múa kiếm như phim Tàu, rượt đuổi bằng ô tô như phim Mỹ, nhưng tinh thần Việt Nam thì rất nhạt nhòa.
Ngoài ra, có vẻ như các nhà sản xuất phim Việt vẫn giữ thói quen phim Tết chỉ đầu tư vừa phải, đánh nhanh thắng nhanh. Thói quen làm phim Tết ở miền Nam có vẻ giống thói quen làm đĩa hài Tết ở miền Bắc. Sản phẩm làm ra có chất lượng bình dân, dễ thu hồi vốn. Nhưng trong bối cảnh phim ngoại nhập ngày càng nhiều, phim nội địa sản xuất trong năm đang tăng lên nhanh chóng, phim Tết chắc chắn sẽ phải “nâng cấp” nếu muốn giữ được khán giả mùa này.
Theo Ngọc Diệp/ Thể thao & Văn hóa