Cannes: Diễn viên đóng sex thật là chuyện... nhỏ!

Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 06:14, 24/05/2015

Cannes là nơi hội tụ của những ngôi sao nổi tiếng nhất thế giới cùng những tác phẩm được đánh giá là nghệ thuật đỉnh cao. Thế nhưng nơi tưởng như có nhiều ánh sáng và hào quang nhất ấy lại là nơi tập trung phô trương những góc khuất đen tối nhất của con người từ hơn nửa thế kỷ nay. 

1/ Hơn nửa thế kỷ tôn vinh tính dục một cách bạo lực

Đầu năm 2015, 50 sắc thái làm khán giả phổ thông đổ xô đến phòng vé vì những cảnh nóng được trình chiếu một cách công khai và hợp pháp. Người ta trầm trồ vì một bộ phim táo bạo với đề tài bạo dâm cùng dàn diễn viên xinh xắn. Thế nhưng, với những tín đồ điện ảnh đã thử thách sự gan lỳ của mình với các bộ phim của Cannes từ hơn nửa thế kỷ qua, 50 sắc thái chỉ là… trò con nít. Hay nói khác hơn, đó chỉ là một bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình kiểu Mỹ và lấy sex để câu khách đúng nghĩa.

Còn ở Cannes, tình dục một khi đã xuất hiện thường rất “nặng đô”, hơn nữa thường là những cảnh buộc diễn viên phải sex thật. Với một số người, họ không chấp nhận những cảnh nóng xuất hiện một cách bạo lực và tàn khốc đến vậy. Còn với một số khác, họ xem đó là đỉnh cao sự biểu hiện của nghệ thuật. Chính vì vậy, hằng năm Cannes cứ liên tục ngập ngụa trong những tranh cãi và những đồn đoán, phim nào, diễn viên nào có cảnh nóng táo bạo nhất, ai đã sex thật trong phim? Chính vì vậy, có thể nói Cannes là nơi phô trương, nơi trú ngụ của những góc khuất đen tối nhất của con người. Với Cannes, tình dục có ý nghĩa và vai trò nhất định, đó là một dạng ngôn ngữ đặc biệt của điện ảnh.

Đó là nơi sản sinh sự sống và cái chết – như một vòng tuần hoàn vĩnh viễn. Bộ phim Antichrist của đạo diễn Lars Von Trier từng được vinh danh với gần 20 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ và từng là bộ phim gây sốt nhất LHP Cannes năm 2009 đã gửi tới thông điệp đó. Trong phim, cặp vợ chồng (do Charlotte Gainsbourg và William Dafoe thủ vai) đắm mình trong cuộc truy hoan cuồng nhiệt, không nhận ra cậu con trai nhỏ đã leo khỏi nôi, vươn tới gờ tường rồi trượt chân rơi xuống mặt đất phủ đầy tuyết lạnh giá. Cái chết của đứa bé xen giữa cận cảnh gương mặt người vợ đang “thăng hoa” như một phép ẩn dụ về vòng tuần hoàn bất tận của sự sống và cái chết trong một “điểm khởi đầu” là tình dục. Cuối phim, người vợ cắt phăng đi bộ phận sinh dục của mình như muốn chối bỏ khỏi tội lỗi, thoát khỏi vòng tuần hoàn oan nghiệt ấy. Cảnh phim bạo liệt và tàn khốc ấy đã khiến ít nhất 4 khán giả ngất xỉu tại chỗ và không ít người đứng lên ra về.
cannesdongtinhtinhducsexthat
Poster đầy ám ảnh của Antichrist
Tình dục, trong các phim của Cannes còn là nơi khẳng định sự khác biệt và tìm kiếm cái tôi của mỗi con người. Tình dục là một phép thử để phân chia đồng tính, dị tính, song tính hay bất kỳ một giới tính nào khác con người có thể có. Với dòng phim này, không thể không nhắc đến bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng năm 2013: Màu xanh là màu ấm nhất (Blue is the Warmest Colour) của đạo diễn Abdellatif Kechiche. Một bộ phim nhẹ nhàng kể về hành trình khám phá con người thật của cô bé Adèle, và phép thử cô sử dụng là tình dục. Adèle đã từng quan hệ với nam giới, nhưng cô chỉ thấy mình “giả tạo”. Cô chỉ được là chính mình khi được ở bên cạnh Emma, một cô gái có mái tóc xanh dương nghệ sĩ, một họa sĩ đam mê khám phá bản thể nữ giới. Cả hai say mê khám phá tâm hồn và nhục cảm của nhau, nhưng cũng như bao cặp đôi khác, họ bị cuốn vào những khía cạnh khác nhau của cuộc sống rồi lại rời xa nhau. Phim đã từng gây sốc vì cảnh sex là sex thật, kéo dài mỗi cảnh đến hơn 10 phút. Thế nhưng bộ phim để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp với hai diễn viên chính là Adèle Exarchopouls và Léa Seysoux, đến mức họ tuyên bố sẽ không bao giờ đóng phim do Abdellatif Kechiche làm đạo diễn nữa.
cannesdongtinhtinhducsexthat
Hai nhân vật chính trong Màu xanh là màu ấm nhất (Blue is the Warmest Colour)
Nhân đây phải nhắc, năm 2010, Cannes ra đời cả giải thưởng The Queer Palm (Cành cọ đồng tính). Giải thưởng nhằm tôn vinh và khuyến khích những bộ phim lấy đề tài đồng tính, song tính và chuyển giới. Thế mới biết, Cannes dị biệt đến mức nào!
Cannes cũng là nơi để tình dục chỉ là dục thuần túy, nơi khám phá khía cạnh bản năng nhất của con người. Người đàn bà cuồng dâm (Nymphomaniac)của đạo diễn Lars von Trier (Vâng, lại một lần nữa, đạo diễn điên khùng và cuồng loạn Lars von Trier!) là minh chứng tiêu biểu cho ý tưởng này. Ngay từ đầu phim, đạo diễn cảnh báo khán giả với dòng chữ phụ đề “Hãy quên tình yêu đi” (Forget About Love). Ở đây, đơn giản chỉ còn sex, đến với nhau chỉ vì sex, tồn tại vì sex và khẳng định bản thân nhờ sex. Nhân vật nữ chính trong phim - Joe - thích khám phá bản thân từ bé, cô chủ động nhờ một gã sửa xe gần nhà phá trinh, rồi từ đó lớn lên trong hành trình hoang mang và vô định tìm kiếm bản thân qua sex.
cannesdongtinhtinhducsexthat
Poster với hình ảnh "thăng hoa" trêu ngươi của mỗi nhân vật trong Nymphomaniac
Năm nay, bộ phim Love của Gaspar Noé cũng gây chấn động vì đã cho dàn diễn viên diễn cảnh nóng thật. Trong suốt tác phẩm, các nhân vật nhiều lần khỏa thân trước ống kính, quan hệ thông thường và quan hệ bằng miệng. Thậm chí, tới cuối phim, nhà làm phim người Argentina còn đem tới một cảnh làm tình tập thể.
Đó là 4 bộ phim gây sốc nhất về tình dục của Cannes trong những năm gần đây. Những bộ phim này hầu hết đều để lại những dư chấn trong lòng không chỉ khán giả của phim, mà còn ngay cả với diễn viên chính của phim. Khó có thể phân định đúng sai, hay dở với những phim này, nhưng suy cho cùng, cùng một đề tài, chúng đã mang tới những góc nhìn khác biệt, những suy nghĩ mới cho khán giả yêu thích nghệ thuật thứ 7. Suy cho cùng, chúng đã làm tròn nhiệm vụ của mình.

2/ Xem Cannes, nghĩ về phim nghệ thuật Việt Nam hiện đại

Có nhiều điểm tương đồng giữa tiêu chí của Liên hoan phim Cannes với dòng phim nghệ thuật Việt Nam hiện đại mà các tên tuổi đi đầu là những đạo diễn như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp… Nhiều người thường tự hỏi tại sao trong phim nghệ thuật Việt nhiều sex đến vậy? Nó đại diện cho điều gì hay chỉ đơn giản là chiêu trò PR câu khách? Nếu lấy quan điểm làm phim của Cannes soi chiếu vào dòng phim nghệ thuật Việt Nam hiện đại, có lẽ chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời.

Phim nghệ thuật Việt, cũng như Cannes, đề cao tính dục như một yếu tố tự nhiên và có vai trò và ý nghĩa nhất định. Có thể tâm lý Á Đông của người Việt khó tiếp nhận những trần trụi phô trương trên màn ảnh rộng, nhưng nếu chỉ chăm chăm tập trung vào yếu tố đó sẽ quên mất một điều rằng, tính dục trong phim của họ cũng chỉ như một công cụ để thể hiện tư tưởng nghệ thuật mà thôi.

Hơn nữa, phim nghệ thuật Việt hướng tới một “góc nhìn khác”, tương tự như một tiêu chí quan trọng mà Cannes luôn hướng tới. Ngoài đời thực có chăng tồn tại một người đàn ông hào hoa chỉ thích quan hệ với gái trẻ đang mang thai như Hoàng (Đập cánh giữa không trung)? Nhưng nếu “nghĩ khác đi” và đặt giả định người đàn ông đó là cách thể hiện đầy tính ẩn dụ về một đứa trẻ vốn dĩ là một sản phẩm khiếm khuyết được sinh ra từ một sự chối bỏ của một người mẹ vị thành niên; hoặc cũng có thể, người đàn ông ấy chỉ tượng trưng cho sự bất toàn của người đàn ông trong cái nhìn của người phụ nữ mà thôi. Đó chỉ là những gợi ý, việc suy nghĩ và giải quyết những gợi ý là việc của khán giả.
cannesdongtinhtinhducsexthat
Nhân vật Hoàng do Trần Bảo Sơn thể hiện
Thế giới vốn đa dạng và phức tạp, thế giới vốn không bị bó buộc trong bất cứ một khuôn khổ nhất định nào. Nếu nhân sinh quan, góc nhìn càng mở rộng, con người ta càng dễ có được sự bao dung để chấp nhận những khác biệt. Đó là tiếng nói chung giữa Cannes và phim nghệ thuật Việt Nam hiện đại.
HƯƠNG TRẦN

Một Thế Giới