Giàu nhân văn thì nghèo tiền
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 04:25, 20/05/2015
“Chúng tôi, những người đang thực hiện các chương trình mang tính cộng đồng, nhân đạo: Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng hay Chuyện không của riêng ai,… luôn ao ước có được phần kinh phí nhỏ của những chương trình giải trí để tiếp nối hành trình giúp người nghèo của mình dễ dàng, suôn sẻ hơn” - ông Mai Quốc Chính, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lasata, chia sẻ. Điều ông Chính nói cũng là nỗi lòng của những người làm chương trình xã hội, nhân đạo mang đậm yếu tố nhân văn bởi như lời đạo diễn Việt Cường: “Theo đuổi chương trình suốt 10 năm ròng, mỗi tháng nhà sản xuất Vượt lên chính mình phải bỏ 2-3 tỉ đồng tiền túi để chương trình có thể “chạy” được”.
Áp lực rating buộc cả đơn vị sản xuất phải đối mặt, các nhà tài trợ phải cân nhắc khi quyết định thực hiện một chương trình truyền hình nào đó. Bỏ tiền tài trợ mà không mang lại hiệu quả quảng bá khiến nhiều nhãn hàng e ngại. Vượt lên chính mình là một chương trình chinh phục được công chúng nhưng sau một chặng đường dài, chương trình rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính. “Nhiều cảnh đáng thương lắm mà chương trình không có nhiều tiền. Nhiều khi chính tôi cũng móc tiền túi của mình để giúp đỡ thêm cho những hoàn cảnh mà tôi gặp” - nghệ sĩ Quyền Linh, MC chương trình Vượt lên chính mình, tâm sự.
So với những chương trình giải trí ăn khách đang cắm trụ giờ vàng trên sóng truyền hình hiện nay, những chương trình mang yếu tố nhân văn, nhân đạo chỉ là gia vị gia giảm thêm sự hứng thú của người xem. Dù xét về tiêu chí tuyên truyền, những chương trình mang ý nghĩa xã hội, nhân đạo rất cần thiết để định hướng tư duy, lối sống, thái độ ứng xử đối với cộng đồng của khán giả nói chung, giới trẻ nói riêng. Nhưng thiếu kinh phí, không ai dám bảo đảm những chương trình này sẽ tồn tại lâu dài.
Biên tập viên của chương trình Ngôi nhà mơ ước Phước Lập bảo rằng có một thực tế là tất cả những người theo đuổi chương trình mang ý nghĩa nhân đạo đều phải đối mặt với áp lực làm sao dung hòa giữa các yếu tố: hấp dẫn, chỉ số người xem và mục tiêu, ý nghĩa của chương trình. So với chương trình Ngôi nhà mơ ước, may mắn vì nằm trong chương trình trọng điểm của thành phố, của Đài Truyền hình TP HCM và sự cam kết của nhà tài trợ rằng “không để chương trình lung lay”, những “anh em đồng chất” khác như Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng đang vất vả để kêu gọi sự chung tay của các nhà tài trợ, mạnh thường quân, các nhãn hàng.
Tất nhiên, để có được sự hỗ trợ từ các thương hiệu, đòi hỏi chính các chương trình cũng phải có những đầu tư xứng đáng. Biên tập viên Phước Lập nói: “Sức hút của những chương trình giải trí là điều không thể phủ nhận bởi mức đầu tư đạt đến hoàn mỹ của nó. Dù là một chương trình mang mục đích xã hội, nhân văn thì những yếu tố khác cũng không thể bỏ qua bởi mọi đầu tư của nhãn hàng tài trợ đều cần gặt hái thành tựu về quảng bá”.
Ngay chính “cha đẻ” của các chương trình Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng cũng đang “đau đáu” tìm kiếm một hình thức “hoàn mỹ” hơn cho những đứa con của mình. Không phải chỉ để thu hút công chúng, kêu gọi được tài trợ mà còn để đủ sức đi chặng đường dài hơi hơn. Bởi lẽ, mỗi bước đi của chương trình càng có nhiều mảnh đời nghèo khó được giúp đỡ, thoát nghèo, thoát khổ, vươn lên trong cuộc sống.