10 triết lý làm phim của 'kẻ điên' Kim Ki Duk

Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 06:05, 18/04/2015

Là một cái tên được cả thế giới biết đến với cách làm phim không giống ai. Được hàng tá giải thưởng nhưng phim ông có khi không có nỗi 1 khán giả cho 1 xuất chiếu. Phim của Kim Ki Duk rất dễ sợ, điên khùng nhưng cũng đầy triết lý. Sau đây là 10 triết lý và đạo diễn này luôn hướng đến mỗi khi thực hiện 1 bộ phim.
1.  Không tin vào ngôn ngữ, Kim Ki Duk thích sử dụng hình ảnh, màu sắc và hành động của nhân vật để truyền đạt nội dung. Có lẽ bởi ông xuất thân từ một họa sĩ. Xem phim của Kim dễ bắt gặp hình ảnh thiên nhiên khi thì rực rỡ, lúc lại trắng xóa và xám xịt hoặc những hình ảnh về con người mang tính biểu tượng và đầy tính ẩn dụ: Ngôi chùa nhỏ bên bờ hồ tách biệt với thế giới bên ngoài gắn liền với vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên mỗi độ giao mùa. Nhưng mỗi mùa lại gắn liền với một tội lỗi (Spring, Summer, Fall, Winter… to Spring) (2003). Tên cho vay nặng lãi tự kết liễu đời mình (Pieta, 2012) bằng cách buộc chân vào gầm xe tải, để chiếc xe kéo lê đi và in những vệt máu dài trên nền tuyết trắng. Tên tội đồ đã chết tựa như một vị Chúa treo ngược mình trên thập tự giá. Đó là khoảnh khắc hắn được cứu rỗi và cũng là những khoảnh khắc ám ảnh người xem đến tận cùng.
 Ke dien  Kim Ki Duk va 10 triet ly lam phim-hinh-anh-1
Một cảnh trong phim Spring, Summer, Fall, Winter… to Spring (Xuân, Hạ Thu, Đông rồi lại Xuân)
2. “Năng lực sáng tạo của nghệ sĩ giống như một đóa hoa phù dung. Sớm nở tối tàn. Không có nghệ sĩ nào vĩ đại mãi mãi. Cá nhân tôi nghĩ mình đạt đến đỉnh cao khi thực hiện hai bộ phim Samaria và 3-Iron”, Kim tâm sự.
Ý thức được năng lực sáng tạo của nghệ sĩ là có giới hạn nên mỗi lần làm phim, Kim lại đưa vào đó tất cả những trăn trở, suy nghĩ và sự điên rồ của mình rồi đẩy chúng đến cực hạn. Rồi chúng mang đến cho ông danh tiếng: “kẻ điên” hay “đứa con lạc loài” của điện ảnh Hàn.
 Ke dien  Kim Ki Duk va 10 triet ly lam phim-hinh-anh-2
Samaritan Girl kể câu chuyện về hai cô bé tuổi teen chỉ vì muốn đi du lịch châu Âu mà sẵn sàng làm gái điếm để kiếm tiền. Cuối cùng một tự tử chết, một tiếp tục trở thành gái mại dâm để thực hiện giấc mơ còn dang dở. 
 3.  “Tính cách hiện tại của một con người, bao gồm yêu thương, hận thù, ghen ghét, giận dữ hay thậm chí một ý định giết người – được hình thành từ yếu tố di truyền, sự giáo dục, môi trường và gia đình mà người đó được nuôi dưỡng”, Kim Ki Duk triết ly khi được hỏi về phong cách làm phim.
Những sự kiện, mắt xích trong mỗi con người đều diễn ra theo vòng quay nhân-quả. Chúng giống như một chuỗi mắt xích liên hệ với nhau. Tên cho vay nặng lãi trong Pieta (2012) là một đứa trẻ không cội nguồn bị vứt vào khu ổ chuột của Hàn quốc. Hắn tự mình lớn lên, không ai dạy bảo, không ai yêu thương. Để tồn tại, hắn tất yếu trở thành một công cụ của xã hội tàn bạo. Vị hòa thượng trong Spring, Summer, Fall, Winter…to Spring (2003) lớn lên trong một sự tách biệt với xã hội nhưng vẫn phạm phải những lỗi lầm rất người nhưng cũng chính những lỗi lầm đó đưa anh đến một sự giác ngộ.
4. “Tôi luôn tập trung vào việc tôn trọng con người, tôn trọng cuộc sống của họ và tôn trọng ý nghĩa cuộc sống của họ. Tôi tin rằng đó là điều mà mọi người trên thế giới này sẽ đánh giá cao”, ông nói.
Đã có lúc Kim Ki Duk bị đánh giá là “ác cảm với đàn bà” khi những nhân vật nữ trong phim ông đều là những kẻ bị dìm xuống tận đáy xã hội, trở thành công cụ mua vui và bị đối xử tàn nhẫn một cách bạo liệt. Nhưng nếu nhìn rộng ra sẽ nhận thấy Kim đang ác cảm với cả loài người. Điều ông muốn là nâng nỗi đau con người lên đến tột cùng, nhưng trong nỗi đau đó sẽ mang đến sự cảm động, lòng bi thương. Và ở đó ông được thăng hoa trong nghệ thuật. Nói theo Trịnh Công Sơn là: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”.
5. “Tôi không có khả năng tìm được một khoảng giữa với khán giả của tôi. Và tôi biết điều đó quá tốt”.
Khoảng giữa là một khoảng liên kết giữa Kim với đám đông, giữa Kim và khán giả. Phim của ông không phục vụ thị hiếu của công chúng, nó phục vụ cho suy nghĩ và nhu cầu được giãi bày chỉ của riêng ông. Hoặc là Kim Ki Duk, hoặc là những người khác. Ranh giới luôn được phân định rõ ràng, không nhập nhằng, không lấn chiếm. Điều đó làm nên một dị biệt, nhưng đó cũng là một bản sắc. Bởi vì vậy mà Kim được gọi là “đứa con lạc loài”.
 Ke dien  Kim Ki Duk va 10 triet ly lam phim-hinh-anh-3
 Đôi giày của Kim Ki Duk khi đến dự Lễ trao giải Liên hoan phim Venice (2012).
6.  “Tôi không biết làm thế nào tôi có thể phát triển. Tôi chỉ nhìn thấy sự thay đổi của mình khi nhìn vào các bộ phim”.
Ranh giới trước và sau của sự “không ưa đàn bà” được phân định từ sau khi bộ phim Spring, Summer, Fall, Winter…to Spring (2003) ra đời. Kim đã trở nên mềm mại hơn, nhẹ nhàng hơn và “giấu mình” hơn. Ông cũng không tự mình biến đổi nhân sinh quan và cách kể, điều đó diễn ra một cách tự nhiên, không gò bó. Ông xem các bộ phim là một phần của mình, và chính mình cũng là một phần của các bộ phim.
7. “Một đạo diễn không nên phơi bày tất cả mọi thứ. Đối với tôi, bộ phim là hình thức đặt câu hỏi cho người khác hay cho khán giả. Tôi muốn hỏi ý kiến của họ về quan điểm của tôi và thảo luận về nó với họ”.
Đối với Kim Ki Duk, làm phim là để tìm người đồng cảm có chung suy nghĩ với mình. Người ta có thể lên án ông, nhưng với ông, khi người ta quan tâm đến những vấn đề ông đề cập trong phim thì điều đó có nghĩa là người ta cũng suy nghĩ giống ông. Cho dù vấn đề đó được đặt ra theo cách vượt qua mọi luân lý đạo đức thông thường.
8. “Nhiều người xem xong Pieta đã nhận xét rằng cách làm phim của tôi đang trở nên khách quan hơn”.
Sau Spring, Summer, Fall, Winter…to Spring (2003), Pieta (2012) có lẽ là một trong những bộ phim đánh dấu sự thay đổi của ông rõ nét nhất. Kim từng cho rằng đó là bộ phim “bạo liệt” nhất mình từng làm. Nhưng bạo liệt để dẫn đến sự cứu rỗi.
 Ke dien  Kim Ki Duk va 10 triet ly lam phim-hinh-anh-4
Nấm mồ của Pieta 
9. “Tôi cố gắng không giải thích mọi thứ xảy ra trên thế giới chỉ bằng một ý nghĩa duy nhất. Thay vào đó, tôi làm điều ngược lại”.
Đây có lẽ là điểm chung của tất cả những nghệ sĩ trên thế giới. Một nhà sư cũng có thể phạm mọi tội lỗi, một con quái vật của xã hội cũng chỉ là một đứa trẻ khao khát tình thương, một nữ sinh cũng có thể là gái điếm.“Thế giới khống chế chúng ta bằng hai gam màu đỏ và xanh, nhưng để biểu đạt, thì chúng ta có vô số gam màu để làm nên nó.” Kim đã từng nói như thế.
10.  “Tôi đã học để trở thành một linh mục. Nhưng tôi đã không thể hoàn thành khóa học đó.”
Kim Ki Duk không xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Sinh ra và lớn lên tại một tỉnh miền núi của Hàn quốc, năm 20 tuổi ông nhập ngũ. Năm năm sau, ông xuất ngũ và bắt đầu đi học để trở thành một linh mục. Nhưng khi 30 tuổi và đã tích đủ tiền, ông mua vé máy bay sang Paris. Đó là quyết định đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Nhưng không vì vậy mà quãng thời gian học để thành linh mục trở nên vô ích. Tôn giáo có những ảnh hưởng rõ rệt trong các tác phẩm của Kim. Từ Spring, Summer, Fall, Winterto Spring (2003) cho đến Pieta (2012), dấu ấn của tôn giáo hòa quyện với triết lý nhân sinh một cách mạnh mẽ và khốc liệt, tạo nên một hương vị đắng ngắt, cay nồng nhưng vẫn hấp dẫn.
 Ke dien  Kim Ki Duk va 10 triet ly lam phim-hinh-anh-5
 Kim Ki Duk trong 1 lần chụp ảnh để giới thiệu bộ phim mới One on one năm 2014
Năm 2014, Kim Ki Duk tiếp tục cho ra mắt bộ phim thứ 20 trong sự nghiệp của mình: Một chọi một (One On One). Lần này ông treo thưởng 10.000 USD để tìm ra người có thể hiểu được câu chuyện ẩn giấu đằng sau bộ phim: Một nữ sinh bị giết một cách tàn nhẫn sau khi đi học về. Lúc cô gái bị sát hại, đạo diễn lặng lẽ đưa lên một câu hỏi: “Điều gì đang che tai bị mắt chúng ta?”. Ai là người quyền lực đứng đằng sau bóp nghẹt quyền sống của một người dân nhỏ nhoi như cô gái bé nhỏ?
Câu hỏi về thời đại, về con người của Kim đã tiếp tục vang lên.
Hương Trần

Cảnh trong phim Spring, Summer, Fall, Winter… to Spring (2003)
Cảnh trong phim Spring, Summer, Fall, Winter… to Spring (2003

Một Thế Giới