Bí mật 7 đề tài của phim Hàn khiến fan Việt mê mẩn

Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 09:32, 11/04/2015

Hơn 20 năm phát triển và mê hoặc khán giả châu Á, đến nay, điện ảnh Hàn Quốc đã trở thành cỗ máy sản xuất phim truyền hình chuyên nghiệp. Tuy vậy, nguồn đề tài làm phim của họ vẫn chưa bao giờ cạn kiệt. Hãy cùng điểm qua một số đề tài hấp dẫn các nhà làm phim Hàn Quốc nhất.
1. Ngành - nghề chuyên biệt
Năm 1997, khi đài SBS ra mắt bộ phim Người mẫu (Model) (1997) và Đài truyền hình Việt Nam mua bản quyền phát sóng trên VTV thì đó cũng là thời điểm mở đầu cho cơn sốt đầu tiên về phim truyền hình Hàn Quốc tại Việt Nam. Người mẫu với dàn diễn viên xinh đẹp, bối cảnh hiện đại, kịch bản hấp dẫn cùng công nghệ sản xuất phim truyền hình mới lạ như một làn gió mới khiến khán giả Việt Nam mê mẩn và say sưa theo dõi từng tập phim. Nhưng một yếu tố quan trọng khiến người xem yêu thích bộ phim chính là câu chuyện xoay quanh một nghề nghiệp khá mới với người Việt lúc bấy giờ: nghề người mẫu. Những bộ quần áo được thiết kế sang trọng, những câu chuyện hậu trường cay đắng, hấp dẫn và nghiệt ngã phía sau sàn catwalk lung linh đã để lại một ấn tượng sâu sắc với người trẻ Việt lúc đó.
Bi mat 7 de tai cua phim Han lam fan Viet me man-hinh-anh-1
 Phim Người mẫu (1997)
Đề tài về các nghề nghiệp chuyên biệt lẫn phổ biến đã được các biên kịch khai tác triệt để và kéo dài đến tận sau này, tạo nên một bức tranh đa dạng đầy sắc màu về cuộc sống. Có thể kể đến như: nghề bác sĩ – được các biên kịch ưa chuộng và xuất hiện khá nhiều trong phim truyền hình Hàn như: Anh em nhà bác sĩ (1997), Scent of a Woman (2011), Brain (2012), Doctor Stranger (2014), Emergency Man and Woman (2014)…), nông dân (Chàng trai vườn nho (2006), Nông dân hiện đại (2014)…), phóng viên, biên tập viên truyền hình: Thời quá khứ (2000), Pinocchio (2014)… nấu ăn, làm bánh (Vua bánh mì - Bread, Love and Dream) (2010), Bữa tiệc của các vị thần - Feats of the Gods) (2012)…), cảnh sát, luật sư (Me too, Flower (2011), Đôi tai ngoại cảm – I hear your voice) (2013)…), Quản lý khách sạn (Người quản lý khách sạn – Hoelietr (2001), Ông hoàng khách sạn – Hotel King (2014)…, Giáo viên (The Queen’s Classroom, School 2013 (2013)… Và thậm chí cả nghề… biên kịch (Ông hoàng phim truyền hình – King of Dramas). Lý do mà các biên kịch chọn các nghề này, một là đó là những nghề nghiệp phổ biến và gần gũi với cuộc sống nhất. Thứ 2, đó là những nghề nghiệp này đều có những đặc trưng nghề nghiệp dễ nhận biết, dễ có những câu chuyện và phát sinh tình huống nhất.
Bi mat 7 de tai cua phim Han lam fan Viet me man-hinh-anh-2
Anh em nhà bác sĩ 
 Các đề tài về nghề nghiệp, nhìn chung đều kể về những câu chuyện vui buồn trong các ngành nghề này, những góc khuất cũng như những sự tươi sáng, những khó khăn vất vả cũng như niềm hạnh phúc khi đạt đến đỉnh vinh quang trong nghề nghiệp. Những mảng đề tài này, bước đầu đã mang đến một cái nhìn thiện cảm cho khán giả Việt về phim truyền hình Hàn quốc khi xây dựng hình ảnh những con người dám sống, dám mơ ước và lao động không mệt mỏi để đạt thành công trong cuộc sống.
2.  Từ ung thư đến mất trí 
Những ngành nghề chuyên biệt được khai thác nhiều cũng dần trở nên nhàm chán đối với khán giả. Khai thác đề tài nghề nghiệp chỉ mang đến những câu chuyện ly kỳ và hấp dẫn mà không mang tới một dấu ấn thực sự đậm nét, thực sự phải khiến cả thế giới phải phát sốt. Làm về đề tài gì đây? Làm phim hài chăng? Cái cười cũng sẽ qua mau, khán giả cười được một lúc, tắt ti vi cũng sẽ quên mất tại sao lại cười. Vậy thì phải làm phim bi, bi đến cạn kiệt nước mắt. Và với Trái tim mùa thu (2000), biên kịch Hàn Quốc đã thực sự làm được điều đó. Bộ phim mở đầu cho loạt phim bốn mùa, cũng là bộ phim mở đầu cho trào lưu các bộ phim có đề tài về bệnh đặc biệt tại Hàn Quốc.
Bi mat 7 de tai cua phim Han lam fan Viet me man-hinh-anh-3
Phim Trái tim mùa thu (2000) 
Với phương châm: “Phải khóc, khóc nữa, khóc mãi”, các dạng bệnh đặc biệt này quyết tâm lấy nước mắt khán giả càng nhiều càng tốt và càng bi kịch càng tốt. Lẽ dĩ nhiên, cách lấy nước mắt tốt nhất là nhân vật chính vốn chịu nhiều bất công, đau khổ, đến cuối cùng cũng phải chết nhưng không phải chết đột ngột, mà là chết dần, chết mòn, chết vì một căn bệnh đặc biệt, kỳ lạ, không thể chữa được. Với dạng đề tài này, hết 99% nhân vật chính sẽ chết (Trái tim mùa thu 2000), nhân vật chính không chết thì… nhân vật phụ chết (Giày thủy tinh 2002), bi thương nhất là cả hai cùng chết (Tình yêu hoàn hảo 2004), họa hoằn lắm mới có kết thúc hạnh phúc là nhân vật chính may mắn sống sót và cả hai sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi (Chuyện tình Harvard 2005). Mặc dù, cái họa hoằn may mắn này là vì khán giả đã quá “ngán” chết chóc mà phản đối nhà đài thì bộ phim mới có một kết cuộc tươi sáng hơn.
Bi mat 7 de tai cua phim Han lam fan Viet me man-hinh-anh-4
Phim Chuyện tình Harvard 
 Và cũng chính những bộ phim tràn đầy nước mắt ấy đã đưa phim truyền hình Hàn đến ngôi vương ở châu Á, vượt xa các phim với đề tài trinh thám hình sự của phim Hong Kong, vốn gần với thẩm mỹ điện ảnh Âu Mỹ hơn là thẩm mỹ điện ảnh của người châu Á lúc bấy giờ. Từ đó đã tạo nên làn sóng Hallyu mà đến nay, người ta vẫn nhắc đến như một huyền thoại phim truyền hình châu Á. Nhưng cũng vì quá lạm dụng nhánh đề tài này mà các bộ phim truyền hình Hàn chìm vào lối mòn và làm cho một bộ phận khán giả mặc định cứ phim Hàn là bệnh và nước mắt. Từ đó, lại hình thành một nỗi ác cảm và định kiến khó giấu đối với phim truyền hình Hàn quốc trong lòng một bộ phận khán giả.
Bi mat 7 de tai cua phim Han lam fan Viet me man-hinh-anh-5
Phim Giày thủy tinh 
Chán ung thư, các biên kịch tấn công sang một nhánh khác của bệnh đặc biệt, đó là bệnh mất trí nhớ. Có đủ lý do để nhân vật chính có thể mất trí nhớ nhưng phổ biến nhất vẫn là do tai nạn. Có lẽ, tình tiết một nhân vật quên đi quá khứ, còn người còn lại ôm ấp nỗi đau một mình là một sự ám ảnh đặc biệt với các biên kịch Hàn Quốc. Có thể kể đến như Bản tình ca mùa đông, Nấc thang lên thiên đường (2003), Nice Guy (2012) … Căn bệnh mất trí nhớ không tạo nên một cơn địa chấn như bệnh ung thư nhưng lại có một sức sống mạnh mẽ và dai dẳng. Nó tồn tại như một mô-típ yêu thích của các biên kịch phim, từ phim truyền hình đến điện ảnh cho đến tận sau này.
Bi mat 7 de tai cua phim Han lam fan Viet me man-hinh-anh-6
 
Phim Nice Guy (2012)
Trong những năm gần đây, những căn bệnh khó chữa này đã dần thay đổi và biến tấu thành các loại bệnh đặc biệt khác: đó là bệnh tâm lý. Dạng đề tài này được những nhà làm phim lão luyện của Hàn Quốc khai thác một cách khéo léo và đầy hấp dẫn. Manh nha từ phim Khu vườn bí mật (Secret Garden) (2010) với chàng CEO Huyn Bin mắc bệnh sợ không gian kín, sau đó, dạng đề tài tiếp tục được các “đàn em” kế thừa và phát triển như Chàng trai nhà bên (Flower Boy next door) (2013) - với mỹ nữ Park Shin Hye mắc bệnh sợ giao tiếp với con người; Protect The Boss có chàng CEO sợ đám đông… đặc biệt, đề tài này phát triển mạnh mẽ vào cuối năm 2014 đến đầu năm 2015 với các bệnh tâm lý như đa nhân cách (It’s Ok, That’s Love; Jekyll, Hyde and Me). Ở mảng bệnh đa nhân cách, không thể không kể đến độ “chịu chơi” của biên kịch phim Kill Me, Heal Me để nhân vật chính có đến 7 nhân cách khác nhau.
Bi mat 7 de tai cua phim Han lam fan Viet me man-hinh-anh-7
 
Bi mat 7 de tai cua phim Han lam fan Viet me man-hinh-anh-8
Kill Me, Heal Me với nhân vật chính có 7 nhân cách khác nhau 
 Nhìn chung, dạng đề tài này vẫn sẽ là mảnh đất màu mỡ để các biên kịch phim Hàn tiếp tục khai thác. Vì nói cho cùng, điều đã trở thành bản sắc và thương hiệu thì khó có thể xóa mờ chỉ trong ngày một ngày hai. Và điều đó cũng làm khán giả tò mò khi không biết sắp tới, dạng bệnh nào sẽ tiếp tục được các nhà làm phim Hàn khai thác đây?
3. Quay về quá khứ với những anh hùng lịch sử/ người có số phận đặc biệt
Đến khi cơn la ó về những căn bệnh khiến khán giả bội thực và bi quan về cuộc sống kéo dài quá lâu, các biên kịch lại âm thầm khai phá hướng đi mới. Hướng đi nào bây giờ khi xung quanh họ tràn ngập những bối cảnh cũ, cuộc sống cũ? Thậm chí, họ đã ra nước ngoài để câu chuyện thêm phần mới mẻ và tạo nên một trào lưu đem phim Hàn ra nước ngoài quay (Chuyện tình Paris, Chuyện tình Bali, Chuyện tình Prague…), nhưng cho dù có như vậy thì vẫn chỉ là những câu chuyện cũ với những cuộc tình tay ba. Cuộc sống hiện đại đã quá nhàm chán, thì tốt nhất nên ngược về quá khứ. Mảng đề tài này đã chứng kiến sự thành công rực rỡ của Nàng Dae Jang Geum (2003), đạt tỷ suất 54% người xem tại Hàn Quốc (với các phim khác, hơn 20% đã được đánh giá là thành công) và được mua bản quyền, phát sóng trên hơn 60 quốc gia. Câu chuyện cuộc đời của nàng Dae Jang Geum mở ra một thời kỳ rực rỡ cho các bộ phim cổ trang Hàn Quốc.
Bi mat 7 de tai cua phim Han lam fan Viet me man-hinh-anh-9
 Nàng Dae Jang Guem như một biểu tượng cho phim truyền hình cổ trang Hàn Quốc
 Phim cổ trang Hàn Quốc mang đến cho khán giả một hương vị hoàn toàn khác lạ so với các phim cổ trang của Trung Quốc hay Hong Kong. Nếu như cổ trang Trung Quốc thiên về các câu chuyện lịch sử, các điển tích điển cố hay truyền thuyết về các vị vua đã quá nổi tiếng và quen thuộc và phim cổ trang Hong Kong thì ưa chuộng mảng đề tài kiếm hiệp lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Kim Dung. Phim cổ trang Hàn Quốc thường mang đến hành trình chinh phục đỉnh vinh quang của những con người sinh ra với chân mệnh thiên tử, được ban tặng sẵn tài năng và vật chất. Họ là những người “from hero to zero”, những người có xuất phát điểm rất thấp trong xã hội, nhưng bằng sự chính trực, yêu nghề và quan trọng nhất là sự chăm chỉ, họ vươn ra khỏi sự giới hạn của giai cấp và đồng tiền Nàng Dae Jang Guem (2003), Dong Yi (2012), Hoàng hậu Ki (2013). Hoặc thậm chí, nếu nhân vật chính có xuất phát điểm tốt hơn người thường thì ngay từ đầu, họ cũng chỉ là người bất tài vô dụng, như Ju Mông trong phim Truyền thuyết Jumong (2007) ban đầu chỉ là một thứ hoàng tử, phải trải qua những cú shock tinh thần lớn, phải hiểu và thực sự yêu thương dân tộc mình yếu thế hơn so với ngoại bang, chàng mới trở thành một vị vua thực sự yêu nước thương dân và lập nên một quốc gia Kyoro vững mạnh.
Bi mat 7 de tai cua phim Han lam fan Viet me man-hinh-anh-10
 
Bi mat 7 de tai cua phim Han lam fan Viet me man-hinh-anh-11
Phim Truyền thuyết Jumong 
 Thông qua những đề tài về những người anh hùng lịch sử hay những người có số phận đặc biệt này, các nhà làm phim một mặt vẫn làm đậm nét những con người dám sống, dám mơ ước và đam mê với công việc của mình và lập nên nghiệp lớn. Mặt khác họ còn làm một điều lớn lao hơn, đó là giới thiệu được về văn hóa, lịch sử Hàn Quốc với khán giả châu Á – điều mà các bộ phim đẫm nước mắt trước đó chưa làm được. Từ đó lại có tác động lên những ngành nghề khác như du lịch, rất nhiều tour du lịch của các fan muốn viếng thăm các địa điểm mà đoàn phim Nàng Dae Jang Guem đã trải qua, thưởng thức các món ăn đã xuất hiện trong phim… Người ta gọi đó là những tour du lịch ăn theo làn sóng Hallyu.
Hương Trần

Một Thế Giới