Vì sao các nghệ sĩ quay lưng với giải thưởng… “vàng”?
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 11:00, 09/03/2015
Mất ngủ vì bị... từ chối tham gia
Cánh diều vàng là giải thưởng điện ảnh hàng năm của hội Điện ảnh Việt Nam dành cho những tác phẩm điện ảnh sản xuất trong năm trước đó. Năm 2003, hội Điện ảnh Việt Nam đặt tên cho giải của mình là Cánh diều vàng và kết hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam đưa buổi lễ trao giải lên sóng truyền hình trực tiếp với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thông qua quảng cáo. Qua lịch sử của giải thưởng, nhiều hạng mục của giải được thay đổi. Ở giải Cánh diều vàng 2005, Cánh diều bạc và Cánh diều đồng bị bỏ bớt. Năm 2007, hội Điện ảnh trao tặng thêm Cách diều bạc và hai giải phụ là giải phim phục vụ khán giả đông nhất và giải phim bán được nhiều vé nhất. Để chuẩn bị cho giải thưởng Cánh diều vàng 2014, một buổi họp báo đã diễn ra, tuy nhiên, những ồn ào của nó đã khiến nhiều người... ngán ngẩm.
Trong buổi gặp gỡ này, nghệ sỹ Quyền Linh tâm sự về những khó khăn trong khâu tổ chức. Anh cho biết: “Chẳng đêm nào tôi ngủ được. Để có một tiết mục trao giải, phải gọi mời nghệ sỹ không biết bao nhiêu người, bao nhiêu lần, rồi nhận hồi đáp: “Để mai em trả lời”. Bây giờ, còn 10 ngày nữa thôi, mà vẫn chưa ai nhận lời chúng tôi. Ngay cả MC, tôi thật sự không dám đảm trách nữa, vì vừa tổ chức sản xuất, vừa làm đạo diễn lại kiêm cả nhặt rác. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Tôi đành chấp nhận đi trong tâm bão vậy. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để đêm trao giải ấm cúng và trang trọng”.
Quyền Linh cho biết thêm, Lễ trao giải gần như không thể tổ chức vì không có điều kiện. Rất may, một doanh nhân đã quyết định đứng ra hỗ trợ Hội về địa điểm, sân khấu, âm thanh, ánh sáng... Anh buồn bã nói: “Hiện tại, chúng tôi đang rất cố gắng để tổ chức được buổi lễ xứng đáng với sự góp mặt của 500 khách mời nghệ sỹ sẽ đến dự. Tất cả những nghệ sỹ có mặt ở Cánh diều vàng năm nay là một điều chúng tôi rất biết ơn”.
Đạo diễn Việt Dũng cho biết: “Về nguyên tắc, giải Cánh diều vàng được tổ chức để trao cho các tác phẩm của năm trước đó, nhưng thực tế, trong các bộ phim được trao giải, có những phim chưa kịp công chiếu, có những phim trước đó 3 năm. Như phim Trò đùa của Thiên lôi được trao Cánh diều bạc 2003, đến 2007 vẫn chưa ra mắt khán giả. Chuyện của Pao được trao Cánh diều vàng 2005 khi chưa công chiếu... chính sự “lôm côm” không chuyên nghiệp này mà các đoàn làm phim cũng thấy ngán ngẩm không muốn tham gia. Chúng tôi nghĩ, BTC cần cân nhắc có nên tổ chức giải thưởng này nữa không?”.
Có nên bỏ giải thưởng điện ảnh này?
Cũng như mọi năm, không khó nhận ra những ứng viên sáng giá và những phim tham gia theo kiểu “góp vui”. Có đến gần phân nửa phim giải trí mua vui đơn giản, ra rạp rồi rút lui trong im ắng tham gia Cánh diều vàng 2014. Các phim như: Mất xác, Bước khẽ đến hạnh phúc, Bí mật lại bị mất, Năm sau con lại về... hầu như không “có cửa” tranh giải. Phim Để mai tính 2 “oanh tạc” phòng vé, đạt kỷ lục doanh thu nhưng cơ hội giành giải hầu như không có, bởi chẳng hội đồng giám khảo nào lại đi trao giải cho một phim bị giới chuyên môn, báo chí thốt lên là “nhảm nhí, thô tục, phản cảm”. Ngay cả phim Hiệp sỹ mù gây đuợc tiếng vang cũng khó ghi điểm khi tiêu chí của ban giảm khảo là đánh giá dựa trên tính nghề nghiệp, có tay nghề cao chứ không theo thị hiếu số đông khán giả.
So với 3 phim Nhà nưóc còn lại, Thầu Chín ở Xiêm -một phim lịch sử chỉn chu, hấp dẫn, đầy cảm xúc nói về Bác Hồ lại tạo bất ngờ và ấn tượng mạnh mẽ nhất; Đập cánh giữa không trung, bộ phim độc lập của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp gây tiếng vang tại các liên hoan phim trong nước, quốc tế và được giới chuyên môn đánh giá caonhưng không thấy tham gia. Nhà làm phim trẻ Lê Ngọc Minh bày tỏ: “Nếu Cánh diều vàng 2014 chỉ có phim giải trí mà không có những phim có chất lượng tốt tham gia, các nghệ sỹ không mặn mà, không muốn có mặt tại giải thưởng này thì nên huỷ bỏ giải Cánh diều vàng đi, bởi không nên cố sống, cố chết phải trao giải cho một bộ phim nào đó, sự gượng ép này còn tệ hại hơn rất nhiều khi bị khán giả và các nhà chuyên môn ném đá vì việc trao giải phim cũng phải dựa trên nguyên tắc của số đông...”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực hội Điện ảnh Việt Nam cho hay: “Chúng tôi giống như đi năn nỉ, van xin, lạy lục để mời các phim tham gia giải. Tuy là phim giải trí nhưng hội đồng giám khảo sẽ cân nhắc các yếu tố trong phim, nếu có thông điệp nhân văn, tác động xã hội thì vẫn trao giải. Năm ngoái, phim Thần tượng thuộc dòng phim giải trí nhưng vẫn được trao giải đó thôi!”.
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn tâm sự “Từ lâu giải thường niên của hội Điện ảnh Việt Nam vẫn tồn tại song hành với LHP Quốc gia, chẳng thấy ai đặt vấn đề giải của Hội là cái bóng của liên hoan phim hay không? Vậy mà năm nay, vấn đề ấy bỗng nhiên được đùng đùng đặt ra như chán chường, như tiên tri, lại như báo động... Người ta cũng chẳng bao giờ có nỗi lo ngược lại, lo rằng là liên hoan phim Quốc gia trở thành bản sao của... giải Cánh diều vàng. Có thể Cánh diều vàng trở thành cái bóng của liên hoan phim trong cái năm này thôi. Biết đâu, năm nay các nghệ sỹ điện ảnh sẽ vượt lên “lời nguyền”? Nỗi lo của xã hội sẽ như lời cảnh báo, như một thứ đô-ping kích cho họ trở nên mạnh mẽ, quyết tâm làm nghệ sỹ, quyết tâm là chính mình để cho ra một kết quả thuyết phục khác hẳn với Liên hoan phim lần thứ 16 thì sao?”.
Đạo diễn Lê Bảo Trung bộc bạch: “Lý do năm nay bộ phim Nhật ký Bạch Tuyết của tôi không tham dự giải Cánh diều vàng vì nhà sản xuất không gửi đi. Nhưng, nếu được quyết định thì tôi cũng không gửi phim tham gia giải này vì khi làm Nhật ký Bạch Tuyết, tôi không có chủ đích sẽ mang đi tranh giải mà mục đích là hướng về khán giả. Chừng nào làm phim mà mục đích để nhắm giải thưởng nào đó thì chắc chắn tôi sẽ gửi phim tham dự. Trước đây, khi được nhận giải Cánh diều cho phim Hải Âu tôi cũng thấy rất vinh dự. Tôi nghĩ, chất lượng của giải thưởng thế nào thì nó sẽ đánh giá đuợc tầm quan trọng của giải đó. Việc huỷ bỏ giải thưởng hay không là do ban tổ chức giải, nếu họ thấy giải còn hợp lý thì vẫn để thôi”.
Lạc Thành
Nên mời 100 giám khảo có uy tín...
Đạo diễn Lê Bảo Trung cho biết thêm: “Cho dù năm nay chất lượng phim tham gia Cánh diều vàng có thể dở hơn hoặc hay hơn phim năm trước, nhưng nó vẫn phải được tôn vinh. Nếu được trao Diều vàng, người nghệ sỹ sẽ cảm thấy vinh dự hơn, vì năm đó, phim của họ được công nhận là hay nhất. Nêu như, giải Cánh diều chỉ có vài thành viên thì Oscar có tới mấy nghìn thành viên viện Hàn lâm chấm giải. Một giải có tới 6.000 người chấm (Oscar) và một giải chỉ có 10 người chấm (Cánh diều) thì chắc chắn, nó phải khác nhau. Do vậy, nếu muốn có một sự thay đổi ở giải Cánh diều thì tôi đề nghị, ở giải năm sau, ít nhất phải có 100 giám khảo có uy tín và thuộc nhiều tĩnh vực khác nhau...”.
>> Xem thêm tin tức sự kiện giải thưởng cánh diều vàng 2015