NSƯT Đàm Loan và thế hệ học trò cuối cùng của mình
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 15:00, 26/06/2015
Dành cả cuộc đời mình để truyền đạt nghề lại cho các thế hệ học trò, tối qua (25.6), trong buổi biểu diễn tốt nghiệp của học trò lớp K17 tại trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh TP.HCM, Nhà giáo - NSƯT Đàm Loan đã nghẹn ngào cho biết: "Có lẽ đây là lớp học trò cuối cùng của cô. Cô chúc các em bơi ra biển lớn, thành công như mong ước".
Rất xúc động, NSƯT Đàm Loan nói: "Suốt hơn 3 năm qua, cô đã bên các em. Ngoài truyền đạt nghề, cô còn là người mà các em tin tưởng, gửi gắm tâm sự vui buồn. Đó là phần thưởng và niềm vui lớn mà các em đã dành cho cô. Đã đến lúc các em tự bơi ra biển lớn và xa cô...".
Đã có nhiều tiếng thút thít của sinh viên. Khán phòng sân khấu Trẻ tại trường Đại học sân khấu điện ảnh im phăng phắc.
NSƯT Đàm Loan quay xuống hàng ghế bên dưới, trang trọng: "Các em cũng phải cúi đầu cám ơn thầy Phúc. Thầy lớn tuổi, bệnh trong người, vẫn hàng ngày đến lớp dạy các em đó. Các em có ngày hôm nay, công lao của thầy rất lớn".
|
NSƯT Đàm Loan cười hạnh phúc trong ngày tốt nghiệp của học trò tối qua (25.6). Ảnh: Dương Cầm |
NGƯT - NSƯT Nguyễn Văn Phúc năm nay đã 80 tuổi, chính là người đã dành thời gian, cặm cuội viết kịch bản Những mảnh tình nghiệt ngã cho các học trò mình diễn tốt nghiệp tối nay, cũng như là người cùng NSƯT Đàm Loan chỉ đạo nghệ thuật cho vở diễn này. Ông đứng lên, nghẹn lời: "Thầy đã già rồi, yếu rồi. Các em là thế hệ học trò cuối cùng của thầy. Thầy sẽ không còn dạy nữa. Thầy cầu chúc các em thành công".
Tuy chỉ là những sinh viên, chuẩn bị bước ra cuộc đời, chuẩn bị được cuộc đời gọi là "nghệ sĩ", nhưng các em: Đức Anh, Như Ý, Bảo Anh, Mai Tài Phến, Hồ Hải, Mi Lê, Anh Tú, Đức Quân... diễn rất "cứng". Từng động tác đều rất tự nhiên như bê ngoài cuộc đời lên sân khấu, có chiều sâu và đài từ tốt. Kịch nhưng không phải kịch...
Tất cả đều diễn bằng cảm xúc, bằng sự nỗ lực hết mình trong ngày "vượt vũ môn", sau hơn 3 năm học tập. Không có "màu sắc" chạy show, hơi hướm tiền cátsê, vì thế đêm diễn trở nên đầy đặn, nhiều màu sắc, thăng hoa trong sự vô tư. Mỗi khi vở diễn chuyển màn, bên dưới vang lên nhiều tiếng vỗ tay, hò reo khích lệ.
Một số hình ảnh cho đêm diễn tốt nghiệp lớp K17, với vở Những mảnh tình nghiệt ngã:
|
Nhà giáo - NSƯT Đàm Loan và các học trò của mình. |
|
Sinh viên Lê Thị Nhi và Đức Anh trong hai số phận nghiệt ngã của vở diễn. |
|
Đức Anh có giọng Bắc pha Nam, tưởng chừng là điểm yếu, nhưng lại gây cho nhiều người xem sự thích thú vì lạ và dễ thương. Tương lai đang rộng mở cho cậu diễn viên gốc Bắc, sống ở Kiên Giang này. Đức Anh sở hữu một gương mặt đẹp và nét diễn có chiều sâu. |
|
Cặp đôi có ngoại hình rất sáng sân khấu. |
|
Lê Thị Nhi và Đức Anh đã làm rất tròn vai có số phận éo le của mình, gây xúc động mạnh cho người xem. |
|
Ngoài đời, sinh viên Mai Tài Phến là một người trầm tĩnh, hiền lành và ít nói. Đêm qua, cậu sinh viên miền Tây này đã gây bất ngờ cho người xem, khi thể hiện xuất sắc vai diễn gã giang hồ tuổi xế chiều nhưng chưa chịu gác kiếm, vẫn rất thâm độc, dâm ô. |
|
Nhân vật của Mai Tài Phến là một vai diễn "nặng ký", có cá tính phức tạp. Cậu đã dành nhiều thời gian để đầu tư cho nhân vật. Mai Tài Phến được đánh giá là một hy vọng mới cho ngành điện ảnh. |
|
Sinh viên Lê Hồ Hải phải bỏ ra... 60 ngàn đồng, cạo mái tóc "sành điệu" của mình để vào vai gã giang hồ trung thành. Quê ở Tiền Giang, Hải mang cả chất sông nước của mình lên sân khấu. |
|
Sinh viên Trần Thị Ngọc Mai (áo vàng) đã hóa thân thành một bà già thâm độc rất tài tình, gây cho người xem sự "ớn lạnh" trong mỗi lần xuất hiện. |
|
Sinh viên Đức Quân cũng hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. |
|
Mi Lê và Anh Tú gây xúc động cho người xem bằng nét diễn tự nhiên, chuyển tải được trọn vẹn mối tình oan nghiệt của hai nhân vật: gái cave và giang hồ trượng phu. |
|
Một cảnh tái hiện cảnh lầu xanh trong vở Những mảnh tình nghiệt ngã. |
|
Y Phụng, áo đỏ đang diễn vai "má mì" đanh đá. |
Một Thế Giới