Thái Hòa và những mảnh buồn rời rạc

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:10, 17/05/2015

Chỉ vài mươi phút là thoát khỏi vai diễn, cười cợt bỏ lại phía sau, Thái Hòa nghĩ vậy. Dòng mồ hôi lạnh tứa ra từ bàn tay, tim nghẹt cứng, nghe đâu có sợi dây thắt ngay cổ họng … đêm nay, cha Hòa không qua nổi.

1. Rời trường quay lao vào bệnh viện, chỉ kịp ngồi cạnh cha, nghe hơi thở đều qua ống dẫn. Hòa nắn tay, nắn chân, áp tai lên tim, lên mặt, cha nằm im lìm, người thanh thản vào cõi hư vô, người ở lại xót tiếc rã rời.
Hòa cười buồn thiu: “Dạo này anh hay nhớ ba”. Nắng dữ, Hòa nheo nheo mắt, gió thốc qua lòng rười rượi, mai tóc bạc nhạt nhòa. Ngày xưa, Hòa kể chuyện về cha, có khóc. Năm tháng dạn dày, đời còn gì khóc được nữa đâu, đôi khi ước một giọt nước mắt trong veo để gọi tên nỗi buồn, nhưng rồi người ta chỉ cười. Như hôm nay, Hòa cũng cười, nghe mũi đổ cay, nghe mi nằng nặng, nụ cười anh lạc lõng, ký ức buồn vui ở đâu líu ríu quay về.
Sài Gòn chưa đi đã nhớ, nhà Hòa trong con hẻm nhỏ, con nít chạy vòng quanh. Ngày cháy chợ, mẹ hẫng hụt cắp nón đi về, hẻm sâu hun hút. Tiểu thương cháy chợ, người gào khóc thảm thiết, kẻ ngẩn ngơ trước đống tro tàn, không ai chịu rời đi, mắt trống không, mơ hồ đầy lửa đỏ. Mẹ về, ngồi im trên ghế, mặt giăng giăng nước mắt, nếu ba không đỡ chắc mẹ gãy giòn như nhánh cây khô. Nhà tự nhiên nghèo hiu hắt.
“Vậy mà em biết không, anh còn làm mất chiếc xe máy, tài sản quý giá nhất của cả gia đình”. Năm đó Hòa mười chín, đôi mươi, bạn mượn xe nói, tao đi công chuyện. Hòa ngồi đợi hoài, ly cà phê đen thành trắng, xác lá bời bời, chiều xuống, sương rơi, lòng tin hắt ra từ nụ cười lạt phết, tắt lụi. Thái Hòa lủi thủi đi vòng quanh phố, Sài Gòn khuya, vắng tanh, đóm đèn hiu hiu mơ ngủ. Buồn lẩn khuất trên đường về, hẻm mông lung, rệu rã.
Hòa lắc đầu lại cười: “Anh không dám về nhà, đi miết rồi chẳng hiểu sao lại bước vào sân khấu 135 Hai Bà Trưng. Anh mệt quá, ngủ ngon lành trên ghế đá. Chịu lạnh đến sáng thì thấy anh Hữu Lộc, anh Văn Ruy đứng kế bên. Hai anh hỏi làm sao, thế nào rồi xin cho anh làm “thợ đụng” tại đây luôn”.
Thái Hòa sửa ghế, chuyển mic, bật tắt đèn, … đụng gì làm nấy. Nhận thâu băng, dán tem, đi dán poster, kiêm cả phục vụ cà phê trong trường sân khấu. Làm việc để kiếm tiền đeo đuổi nghiệp diễn. Mồ hôi đẫm đầy lại ráo, nỗi cơ hàn bẳn chặt. Hòa tuyệt vọng, cầm nhang khấn tổ nghiệp, “xin ngài trong 2 năm tới cho con một dấu hiệu, con nhận rồi cơ khổ cỡ nào cũng bám ríu theo nghề”.
Thái Hòa kể: “Hai năm sau anh đoạt giải diễn viên hài triển vọng. Không hẳn là êm xuôi, nhưng nhờ có “dấu hiệu” đó, anh bình tĩnh bước đi cho đến tận bây giờ”.
Thai Hoa – Nhung manh buon roi rac-hinh-anh-1
 Thái Hòa trong phim Lấy chồng người ta
2. Thái Hòa thành công, trở thành “ông hoàng phòng vé”, vẫn quần đùi áo thun ngồi đâu đó một góc Sài Gòn, lặng ngắm sỏi đá buồn tênh, nuông chìu cá tính. Một người Sài Gòn trầm tĩnh và bền bỉ.
Như khi, Để mai tính 2 nhận về phản ứng trái chiều từ cộng đồng LGBT (những người đồng tính, song tính, chuyển giới…), mũi dùi chỉa thẳng vào Phạm Hương Hội, Hòa im lặng. Biết có nói gì thì chuyện cũng đã rồi.
Như khi, có người cảnh báo về Tèo Em 2, sẽ tốn tiền, bớt đi người hâm mộ, Hòa vẫn tỉnh bơ: “Trước giờ anh làm nghề, chưa bao giờ dám chắc trước ăn thua. Chỉ cố gắng làm hết sức, chuyện đó là do ông Tổ tính. Chuyện gì tính được, là anh chơi hết ga, hết số luôn rồi”.

Thai Hoa – Nhung manh buon roi rac-hinh-anh-2
  Thái Hòa trong phim Tèo em
Trầm tĩnh và bền bỉ, Hòa đang ấp ủ một bộ phim không những hút khách Việt mà còn có thể đem chiếu được ở nước ngoài. “Sau Tèo Em 2 anh sẽ khởi động dự án đó. Anh giờ đã qua 40, làm được chuyện gì trong lúc sức còn nhiều, máu còn nóng là làm hết”. Thái Hòa giờ đã 40, mai tóc chớm bạc, thời gian vun vút, nói một chút đã gần hết buổi chiều, ngủ một chút hết đêm, sai một chút qua đi tuổi trẻ. Nghe vậy, Hòa gật gật: “Ừ, nhanh lắm em ơi. Nên anh bây giờ làm gì cũng cẩn trọng, anh nghĩ về mẹ anh, về hai thằng con anh, và cả về ba anh đã mất”.
Cha Hòa mất, khi anh còn dang dở vai Long Ruồi. Chỉ vài mươi phút là thoát khỏi vai diễn, cười cợt bỏ lại phía sau, Thái Hòa nghĩ vậy. Dòng mồ hôi lạnh tứa ra từ bàn tay, tim nghẹt cứng, nghe đâu có sợi dây thắt ngay cổ họng … đêm nay, cha Hòa không qua nổi.
“Anh gượng diễn với Tina Tình, cha anh chờ rút ống thở là đi. Tina Tình biết chuyện, thấy anh đau mà nén, thương anh quá hay sao đó mà Tina chịu không nổi nên bật khóc. Nhờ vậy cả đoàn mới rõ ra rồi cho anh đi”. Vừa lo an táng cha, vừa lo bộ phim đến hồi đóng máy, mệt mỏi kiệt cùng. Rồi cũng qua.
Thái Hòa sợ đau, nên bảo thôi, đừng nhắc cho người đi thanh thản, thật ra không nhắc chưa chắc gì là thôi nhớ. Như những câu chuyện của Hòa, chỗ này thấp thoáng dáng người cha già, tay run đợi cửa thằng con, chỗ nọ là mắt cha cười tự hào lấp lánh, chỗ kia là cái vỗ vai thân tình nóng rẫy… Quên sao được mà quên.
Sài Gòn lẽ ra vào độ này phải mưa, vậy mà nắng nghịch mùa khét tóc. Hòa không khó chịu, chọn một góc đầy ánh sáng, nắng nực nồng, bụi nhởn nhơ nhảy múa. Anh nói cười hồn nhiên, vui buồn hồn nhiên. Thì có phải phỏng vấn gì đâu, chỉ là nói chuyện đời chuyện nghề, nên rời rạc, nên lan man. Tôi về rồi, ngoái lại, thấy Hòa vẫn ngồi ở đó, một mình, đầy nắng. Tự nhiên thấy Hòa giống mảnh ghép lạc, giữa hai chiều quên nhớ, giữa dòng xe cộ ngược xuôi, giữa bê tông cốt thép…
HỒ NGỌC GIÀU

Một Thế Giới