Đoan Trang: 'Chồng tôi không muốn bị gọi là 'chồng Tây''
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 14:05, 11/04/2015
- Khi lần đầu tiên chị dắt chàng thanh niên ngoại quốc, hiện giờ là ông xã của chị, về giới thiệu với gia đình, ba mẹ chị phản ứng ra sao?
Ca sĩ Đoan Trang: - Thực ra, ba mẹ tôi thuộc típ người truyền thống, nhưng cũng khá hiện đại, cho nên tôi cũng bị ảnh hưởng điều đó từ cha mẹ mình.
Truyền thống ở chỗ, ba mẹ tôi chỉ mong một người nào đó rất bình thường, rất căn bản của một người Việt Nam làm rể ông bà. Vẫn biết con gái lớn lên phải lấy chồng, nhưng khi tôi đưa Johan Wicklund về ra mắt, ba mẹ tôi cũng hơi sốc: Tại sao con mình lại đưa nguyên một ông Tây về (cười)!
- Những lần ra mắt như vậy, phụ huynh thường tin rằng đó sẽ là chàng rể tương lai trong nhà, ba mẹ chị có nghĩ như vậy không?
- Với một người phụ nữ chín chắn, ở lứa tuổi cũng chín chắn, thì khi người ta dẫn một người đàn ông về ra mắt gia đình, chắc chắn người phụ nữ ấy cũng đã suy nghĩ thấu đáo, sâu xa rồi. Bản thân Trang, lần đó Trang cũng không chắc được đây là bạn trai hay là người chồng tương lai của mình. Chỉ biết rằng: “Ôi! Cái anh này làm cho mình cảm thấy an toàn”, thì mình đem về giới thiệu vậy thôi.
- Trong lần giới thiệu đó có “tai nạn” nào xảy ra không?
- Thực sự mọi thứ diễn ra khá “trơn tru”, nhưng hiện giờ, nếu có anh Johan ở đây, chắc chắn anh ấy sẽ nhắc lại kỉ niệm: “Ba mẹ vợ tôi hỏi tôi tới cả ngàn câu hỏi!”.
- Đólà những kỷ niệm trong lần giới thiệu với gia đình, khi chị còn chưa xác định. Vậy đến khi ra mắt, chắc chắn sẽ lấy làm chồng thì có khác gì với lần giới thiệu kia không?
- Thực sự thì ba mẹ tôi thấy mừng quá (cười)!
Cái mừng của ba mẹ tôi là sau một quá trình dài, con gái cũng tìm được người để lấy làm chồng, đồng thời, lần xuất hiện này của Johan như muốn khẳng định thêm rằng “Con chắc chắn sẽ lấy con gái hai bác làm vợ!”. Điều này làm cho ba mẹ tôi cảm thấy mọi thứ đang đi đúng hướng, nên ba mẹ tôi có thể yên tâm, thở phào... (cười).
- Khi anh Johan chính thức trở thành con rể của ba mẹ chị, anh ấy có gặp khó khăn, hay phức tạp gì không?
Đoan Trang: - Cũng may mắn, anh Johan ở châu Á khá lâu, nên phần nào anh ấy hiểu được tập tục, con người, văn hóa ở đây... Dĩ nhiên, mỗi nước sẽ khác nhau, nhưng anh ấy hiểu được, đoán được mình phải thích nghi như thế nào.
Thế nên Johan không tạo khó khăn, rắc rối gì cho gia đình tôi. Đồng thời, gia đình tôi cũng làm những điều tốt nhất, cho anh thoải mái nhất... và mọi thứ cứ diễn ra tốt đẹp vậy thôi. Tôi chắc chắn thêm một điều rằng, Johan rất mê đồ ăn Việt Nam.
- Ngược lại, ba mẹ chị có gặp khó khăn gì khi giao tiếp hay nói chuyện với anh Johan không?
- Dĩ nhiên, nói không thì cũng không phải, nhưng những điều đó không quá nghiêm trọng. Ban đầu, khi mẹ tôi pha nước mắm, cứ phân vân mãi, có nên bỏ tỏi nhiều không vì sợ tỏi lên mùi, rồi lại nghĩ có cần pha loãng nước mắm ra không... nhưng cuối cùng, mẹ tôi vẫn quyết định làm nước mắm như gia đình lâu nay vẫn ăn với thương hiệu “nước mắm bà Đào” (bà Đào - tên mẹ Đoan Trang - PV).
Không ngờ anh Johan ăn hết tất cả những món của “bà Đào” làm, thậm chí còn húp hết cả bát “nước mắm bà Đào” (cười). Vậy là, dù ban đầu cũng có trục trặc chút chút, nhưng cuối cùng tất cả mọi người đều nghĩ về nhau, hiểu nhau, nên mọi thứ xảy ra rất êm đẹp.
- Quê của chị ở Long Khánh, cũng có nhiều món ăn rất “kinh điển", anh Johan có vượt qua được không, hay chỉ vượt qua được món nước mắm?
- Anh Johan là người rất can đảm, có thể ăn được nhiều món. Mắm tôm, mắm nêm... anh đều có thể thử, anh Johan không bao giờ muốn một ông Tây là phải thế này hay thế kia. Johan muốn sống ở đây như một người Việt Nam, anh ấy luôn khẳng định: “Tôi không phải là một ông Tây. Tôi là chồng của ca sĩ Đoan Trang!”.
Thật ra, Johan rất bực mỗi khi trên báo đưa tin “chồng Tây”. Anh ấy luôn muốn nói rằng: “My name is Johan, my name isn’t “chồng Tây”, sao mọi người không ghi tên của tôi, mà cứ ghi tên “chồng Tây”.”
Anh Johan ăn những gì vợ anh ăn, làm những gì gia đình vợ anh làm vì anh thích được làm như vậy.
Từ khi lấy chồng, Đoan Trang chủ yếu tập trung thời gian cho gia đình |
- Mật độ ăn đồ ăn Việt Nam của anh Johan ra sao? Anh ấy có nhớ món Tây không?
- Anh Johan ăn được 99% đồ Việt Nam. Ban đầu mẹ tôi và chị giúp việc cứ lo, rồi cố làm món Tây cho anh ăn, nhưng anh ấy nói: “Không! Chỉ muốn ăn món thịt bò xào của mẹ thôi. Món gì của mẹ làm cũng ăn được hết, canh bí đao, bí đỏ...”.
- Về ẩm thực, anh Johan hòa hợp khá tốt với gia đình chị, vậy trong ngôn ngữ thì sao, có rào cản nào về ngôn ngữ giữa Johan với gia đình chị hay không?
- Quả thật, ngôn ngữ còn có cả năng khiếu nữa, không phải ông Tây nào cũng nói được, cũng có những ông nghe qua đã copy lại được liền. Một phần do năng khiếu, một phần do tình cảm, do mối lương duyên của họ dành cho văn hóa của mình, ngôn ngữ của mình.
Với anh Johan cũng bình thường thôi, năng khiếu ngôn ngữ của anh không thật sự xuất sắc, nhưng bù lại, anh là người rất cố gắng, anh muốn làm điều đó, khi anh đã thích thì anh phải hòa nhập. Cho nên, bất cứ từ nào học được là anh ấy học.
Trong gia đình, Trang cũng chỉ dạy cho anh những điều hết sức ngẫu nhiên trong cuộc sống. Ví dụ như phân biệt thơm với mùi hương, hoặc cảm nhận với cảm xúc... mình cũng đều nói cho anh ấy nghe. Hoặc là những từ nhỏ nhỏ mình hay nói: mệt quá đi, mệt quá, mệt ghê, mệt lắm... Từ đó, anh sẽ học cách phân biệt, khi nào dùng chữ “ghê”, khi nào dùng chữ “lắm”, khi nào dùng chữ “quá”... Đôi khi anh đang họp, có những cuộc họp rất căng thẳng, anh xin ra ngoài giải lao mấy phút, lấy điện thoại ra gọi liền cho bà xã: “Bà xã! Mấy người ở đây mệt quá!!!” (cười). Đó cũng là cái may mắn, anh ấy muốn làm thì anh sẽ làm được.
Thế nên, Trang nghĩ, ngôn ngữ cũng là một vấn đề rất quan trọng, nhưng mỗi người đều có 1 suy nghĩ về nhau, hướng về nhau thì sẽ làm những khó khăn ấy giảm bớt đi. Như ba mẹ Trang, lúc nào cũng phải nhìn xem con mắt của anh muốn gì, chứ làm sao nói được. Mẹ Trang cũng hay lắm, cứ mỗi lần nhìn ánh mắt của anh Johan muốn nói điều gì bằng tiếng Anh thì mẹ Trang cũng nói ra ngay điều anh muốn bằng tiếng Việt.
Còn ba tôi, hiện giờ vẫn mở sách ra học tiếng Anh, để phần nào đó có thể giao tiếp được với anh Johan. Đó là những thứ mà tôi cảm thấy may mắn, khi gia đình mình mọi người cùng nghĩ về nhau
- Đã có “tai nạn” nào xảy ra vì bất đồng ngôn ngữ chưa?
- Hình như là có! Tôi không nhớ được hết lúc này, nhưng những chuyện nhỏ nhỏ khi tôi mang bầu, ở với anh ở Bangkok. Tôi cứ nằm ở nhà, đọc sách, xem ti vi, lướt Facebook... còn anh ngồi bên tôi gửi mail, làm việc cũng tranh thủ học tiếng Việt. Mà anh mua hẳn một chương trình học tiếng Việt của một website rất đắt tiền, anh bảo phải đắt, học mới chất lượng (cười). Rồi anh mở ra học cho vợ anh vui. Trong quá trình học, khi trả lời sẽ được tích một dấu xanh hoặc đỏ. Nếu dấu đỏ là nói chưa đúng, phải nói lại, còn dấu xanh có nghĩa là tốt.
Có lần anh nói từ “nước hoa quả”, anh cứ nói đi nói lại từ này, tôi có hỏi, “anh nói gì vậy anh”, anh bảo, “nước fruits”, thì ra anh học nói theo tiếng miền Bắc, trong khi cả gia đình tôi nói theo miền Nam là “nước trái cây”. Hay những từ khác như đậu, lạc...
Rồi có lần, anh cứ ngồi nói mãi: “Một năm có mười hai... thằng”! (cười), lúc đó, Trang lại giải thích cho anh: “Một năm có mười hai tháng”. Thực ra, anh Johan học tiếng Việt có nhiều chuyện thú vị lắm!
Theo Quyên Ly (Chuyện đời)