Lê Công Tuấn Anh (Kỳ 6): Những đêm trắng của Minh Anh ở chùa Xá Lợi

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 19:01, 18/03/2015

Người mẫu Minh Anh tên đầy đủ là Trịnh Minh Anh, con gái lớn của đôi vợ chồng trong giới thể thao rất nổi tiếng, đó là Trịnh Minh Bình, danh thủ của đội bóng đá Thể Công thuộc Câu lạc bộ Quân đội lừng lẫy một thời, cùng thế hệ với các danh thủ: Nguyễn Trọng Giáp, Thế Anh, Phan Văn My, Mạnh Hải. Mẹ của Minh Anh là Nguyễn Anh Đào “cây chủ công” của đội bóng chuyền nữ Dược phẩm 1 Hà Nội.
Nhưng cha của Minh Anh mất sớm, bà Nguyễn Anh Đào mang hai cô con gái Trịnh Minh Anh và Trịnh Thủy Anh vào Sài Gòn lập nghiệp. Có gen của con nhà thể thao. Minh Anh cao 1,67m, và đã có lúc chơi môn bóng chuyền định nối nghiệp mẹ nhưng rồi lại không theo thể thao mà rẽ qua nghệ thuật. Minh Anh trở thành người mẫu biểu diễn thời trang và diễn viên điện ảnh, cùng thế hệ với Hà Kiều Anh,Trương Quỳnh Mai, Thanh Xuân…
Nước mắt của người vợ không bao giờ cưới
Minh Anh đã có mặt tại BV 115 khi nghe tin LCTA được đưa vào đây cấp cứu. Cô đã ở bên LCTA suốt trong BV và những đêm trắng tại chùa Xá Lợi và tự nguyện đội tang “tình yêu” LCTA như người vợ đội tang chồng. Do đó có thể gọi Minh Anh là “người vợ không bao giờ cưới của anh chàng Quang “Đông ki sốt”. Trong những ngày bi thương này Minh Anh cũng đã khóc hết nước mắt, ngất xỉu nhiều lần và trực bên linh cữu LCTA để lạy tạ đáp lễ những người tới thắp nhang phúng viếng “chồng”.
Có những lúc không kìm được sự bi phẫn trong tâm tư người con gái mới 22 tuổi bị búa rìu dư luận đổ vấy lên đầu vì cho rằng Minh Anh là nguyên nhân chính gây ra cái chết của LCTA, cô gái đáng thương này đã phải gào lên trước quan tài người mình yêu: “Em không phải là người phản bội anh, em vẫn là vợ của anh”. Mọi người chứng kiến tình cảnh này, dù có hiểu lầm hay cố ý kết tội Minh Anh trong những ngày “tang gia bối rối” chắc cũng không cầm được nước mắt, sẵn sàng cảm thông và tha thứ cho cô gái đã hết lòng với người mình yêu đến không ngại “mất duyên” về sau khi đã đội lên đầu mảnh khăn tang trắng khóc “chồng”.
Đêm Chủ nhật 20-10-1996, đêm trắng cuối cùng của mọi người và LCTA, bởi sáng mai, 21-10 linh cửu LCTA sẽ được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Do mấy ngày qua, người hâm mộ đổ về nghẹt cứng khu vực quanh chùa Xá Lợi, chen lấn, xô đẩy nhau để dành một khoảng trống nhìn vào bên trong nơi tổ chức tang lễ và nguyện vọng của người hâm mộ là muốn vào thắp nhang tiễn đưa “thần tượng” của họ trong đêm cuối cùng. Do đó lực lượng công an Quận 3 đã được tăng cường để giữ gìn an ninh trật tự và Ban tổ chức đã mở cổng chùa Xá Lợi cho mọi người vào, coi như đêm nay là đêm của quần chúng tiễn đưa LCTA.
Đêm cuối cùng tiễn đưa Lê Công Tuấn Anh
Khi cổng chùa Xá Lợi mở ra, hàng người theo lời kêu gọi khẩn thiết của Ban tổ chức đã ổn định trật tự và xếp thành hai hàng dọc lần lượt tiến vào tới trước linh cửu LCTA, mỗi người được trao một cây nhang đốt sẵn, đứng lâm râm khấn vái, xá mấy cái rồi lui ra trong tâm trạng xúc động hoặc nước mắt lưng tròng. Chỉ có thế, không tới một phút, để nhường chỗ trống trong người khác và dòng người cứ tiếp tục tiến vào như bất tận.
Cảm động nhất là có một cô gái ngồi trên xe lăn, chắc là cô gái bán vé số không chỉ tới phúng viếng LCTA mà còn bày tỏ sự trách móc tại sao người ta lại lợi dụng cái chết của LCTA phô tô những bài báo đưa tin, tường thuật về cái chết, đám tang của “anh diễn viên” mấy ngày qua để… kinh doanh, thu lợi nhuận? Cảm động hơn nữa có một thanh niên xưng là “đồng chí bán báo chợ Bình Tây” (tên này do các tiểu thương ở chợ Bình Tây đặt) đã đến vào lúc giữa khuya để thắp nhang, tiễn đưa LCTA và bảo từng là bạn bán báo với Quang “Đông ki sốt” một thời ở chợ Bình Tây. Và vì thế nên mọi người mới biết thêm, trên bước đường mưu sinh khi còn là một cậu bé bụi đời sống ngoài hè phố, LCTA đã từng đi bán báo dạo.
Do có quá nhiều tin đồn và dư luận trái chiều về nguyên nhân cái chết của Lê Công Tuấn Anh nên CQĐT và bộ phận pháp y đã làm việc rất cẩn thận từ khâu khám nghiệm tử thi đến khám nghiệm hiện trường. Với những gì đã được chứng minh, Lê Công Tuấn Anh đã uống thuốc Quinine Sulfate nhằm mục đích tự tử. Theo từ điển Vidal 1996, liều dùng Quinine Sulfate trong 24 tiếng đối với người lớn là từ 1,5g cho tới 2g (tức 3-4 viên/ngày) và không được uống quá 0,5g/lần (tức không quá 2 viên/lần). Theo kết quả điều tra ban đầu LCTA đã uống tới 73 viên, tương đương với 18,25g, vượt quá liều tối đa 37 lần. Tổ chức pháp y kết luận: “Lê Công Tuấn Anh chết do ngộ độc nặng”.
Riêng phần BV Trưng Vương tiếp nhận ca bệnh LCTA chẩn đoán ban đầu là: “Chấn thương sọ não” được giải thích rằng do tổ trực cấp cứu thấy triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân bị chấn thương đầu, người nhà thì không có thông tin gì, bệnh nhân không có mùi rượu, mùi hóa chất (thuốc rầy) nên cấp cứu đã cho chụp cắt lớp ngay. Còn việc BV Trưng Vương chuyển bệnh nhân LCTA sang BV 115 là việc bình thường vì BV Trưng Vương không có khoa chuyên ngành ngoại thần kinh và các thiết bị khoa học cần thiết nên các ca chẩn đoán là “chấn thương sọ não” đều được chuyển qua BV 115 là nơi có đầy đủ điều kiện này.
Còn CQĐT đã trả lời trước công luận rằng đã phối hợp với cơ quan chức năng giám định pháp y, đồng thời điều tra theo nhiều hướng khác nhau, có thể kết luận sơ bộ: LCTA chết là do ngộ độc thuốc tân dược. Số thuốc gây ngô độc này có nhiều cơ sở để khẳng định LCTA tự uống để kết thúc cuộc sống của chính mình.
(còn tiếp)
Từ Kế Tường

Một Thế Giới