Kim Anh- Người đàn bà hát vượt lên số phận nghiệt ngã
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 13:09, 25/01/2015
Mới đây, trong một dịp trở về Việt Nam, người viết đã gặp và trò chuyện với Kim Anh, người đàn bà hát đã vượt lên số phận để nghe chị trải lòng. Đồng thời làm một cuộc “phỏng vấn bỏ túi” ngay sau phần trình diễn của cô tại một phòng trà quen thuộc ở TP. Hồ Chí Minh.
Ca sĩ Kim Anh bây giờ đã qua thời xuân sắc, sau tai nạn giao thông thảm khốc, Kim Anh lại trải qua nhiều cuộc phẫu thuật ghép nối xương nên sức khỏe hao mòn, di chứng để lại trên cơ thể cũng khá nặng nề. Tuy nhiên chị vẫn hát máu lửa trên sâu khấu quê nhà và rất nhiệt tình với người hâm mộ.
- Bây giờ Kim Anh vẫn “bay show” thường xuyên từ Mỹ về Việt Nam để hát trên sân khấu quê nhà chứ?
- Cũng có thể xem là thường xuyên vì nếu không có lời mời đột xuất thì mỗi năm cứ 6 tháng anh lại thấy Kim Anh ở đây, đứng trên sân khấu quê nhà và hát những bài mà khán giả yêu cầu.
- Chị có cảm tưởng gì khi trở lại với sân khấu quê nhà, nơi mà trước năm 1975 chị chưa phải là ca sĩ?
- Kim Anh thấy lạ lắm, dù đã từng đứng trên sân khấu hải ngoại. Lần đầu tiên đứng trên sân khấu một phòng trà ở quê hương Kim Anh xúc động và rất lúng túng như lần đầu tiên được bước lên sân khấu. Kim Anh không ngờ khán giả lại ái mộ tiếng hát của mình một cách nồng nhiệt, hết sức thân thiện.
- Và bài hát ruột “Mùa thu lá bay” của chị hát vẫn được khán giả liên tục yêu cầu chứ?
- Tất nhiên, Kim Anh cũng thấy lạ lắm, bài này có nhiều ca sĩ trẻ hát, lại hát rất hay. Nhưng không hiểu sao khán giả lại cứ thích nghe Kim Anh hát. Có lẽ bài hát này không chỉ là… một bài hát, mà còn là kỷ niệm của nhiều người.
- Lần nào về nước cũng thấy Kim Anh vừa hát ờ các phòng trà, vừa tham gia với tư cách khách mời trong các live show của ca sĩ hải ngoại tổ chức ở Sài Gòn và Hà Nội. Rồi còn thấy chị tham gia các chương trình ca nhạc mang tính cách từ thiện nữa. Chị nghĩ gì khi tham gia làm việc thiện ở quê nhà?
- Kim Anh rất thích và rất hăng say với những chương trình làm việc thiện. Đó là một việc làm rất có ý nghĩa vì nó mang lại cho Kim Anh niềm vui, hạnh phúc ở quê nhà. Kim Anh đã từng đi hát làm việc thiện ở các vùng sâu vùng xa rồi chứ bộ. Ở đó không ngờ có nhiều khán giả lớn tuổi còn nhớ đến Kim Anh với bài “Mùa thu lá bay”.
- Ở quê nhà chị đã thực hiện nhiều CD, DVD và được mọi người ủng hộ. Tới đây chị có dự định gì không?
- Bài hát của Kim Anh chưa hết đâu, giọng hát cũng còn được nhiều người yêu mến nên Kim Anh vẫn tiếp tục.
- Một câu hỏi không thể tránh né, Kim Anh đã vượt qua khổ lụy, nỗi đau thương tật của tai nạn, ma túy… bằng ý chí mãnh liệt. Vậy ngoài giọng hát mãnh liệt, Kim Anh có phải là người phụ nữ có tính cách mãnh liệt?
- Một câu hỏi khó, nhưng Kim Anh trả lời bằng thực tế đã trải nghiệm. Kim Anh đã từng cắn răng chịu tất cả sự đau đớn thể xác cho bác sĩ khoan từng mũi vào xương để bắt vít, cặp nẹp, ghép những khúc xương tan nát. Nằm 3 năm trong bệnh viện khi ra khỏi thì gắn chặt cuộc sống trên chiếc xe lăn trờ thành “Người đàn bà hát trên chiếc xe lăn”. Tưởng sẽ không rời được nó nhưng rồi Kim Anh đã đứng lên, tự mình đi lại. Còn ma túy không hủy diệt được Kim Anh mà chính Kim Anh đã hủy diệt nó, có lẽ Kim Anh cũng mãnh liệt đó chứ?
- Nhưng còn thuốc lá và rượu? Nghe nói Kim Anh uống rượu Tây không có đối thủ?
- Trờ ơi nếu bây giờ Kim Anh bỏ thuốc lá thì đâu còn là Kim Anh? Còn rượu thì nhờ nó mà Kim Anh đã vượt qua nỗi đau cơ thể và nỗi đau tinh thần nên rượu với Kim Anh là một, do đó Kim Anh uống rượu có bao giờ say đâu, càng uống càng tỉnh như sáo và hát càng…mãnh liệt. Bởi vậy bạn bè trêu chọc Kim Anh uống rượu như kiếm khách “Độc Cô Cầu Bại” không có đối thủ. Thật thế, nếu không uống rượu thì là lúc… Kim Anh say đấy.
Không còn chỗ cho sự cô độc
Thật lạ và ấn tượng trước một Kim Anh sau tại nạn khủng khiếp không chết, người toàn ốc vít, nẹp xương, mặt khâu 285 mũi, tưởng suốt đời gắn chặt với chiếc xe lăn, tưởng đã bị ma túy hủy diệt, không còn tiếng hát. Thế mà cô đã vượt qua tất cả những nghiệt ngã của số phận dành cho một phụ nữ nơi đất khách quê người không có thân nhân bên cạnh để hồi sinh trở lại làm ca sĩ, thành “Người đàn hát” đứng trên sân khấu quê nhà, vẫn được khán giả yêu thích giọng hát khàn đục, huyền hoặc như tiết trời vào thu với nhiều lá bay.
Những năm tháng sau này Kim Anh thường xuyên về Việt Nam hơn, chị vẫn đi hát tại các phòng trà và tuy lớn tuổi thuộc thế hệ của các ca sĩ U60 nhưng “máu” ngẫu hứng vẫn còn, khi đứng trên sân khấu, được khán giả tán thưởng bằng những tràng vỗ tay không ngớt là Kim Anh “phiêu”, hát bao nhiêu bài cũng là chuyện nhỏ. Giọng Kim Anh vẫn mạnh mẽ, cách trình diễn điêu luyện, nhìn chị hát say sưa đầy mê hoặc nhất là những bài đã từng làm nên tên tuổi của Kim Anh được khán giả yêu cầu hát lại liên tục. Kim Anh hát gần như không biết mệt, hát như chưa bao giờ được hát và đó là điều rất đáng quý ở một ca sĩ đã thành danh không bao giờ mắc bệnh “ngôi sao”, lại là một ngôi sao hải ngoại.
Trên sân khấu Kim Anh là một người nồng nhiệt, và khi rời sân khấu đi chơi đêm với bạn bè cũng thế, Kim Anh thích tìm đến những nơi có món ăn ngon nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975, ngồi ăn và nhớ lại những kỷ niệm. Kim Anh không cầu kỳ, thích ăn những món ăn dân dã, đậm đà màu sắc quê hương, đó là những món rất đời thường như: bún riêu, bún chả cua, phở bò, bánh xèo… cũng như chị rất thích lang thang đó đây trên từng nẻo đường, góc phố Sài Gòn để tìm lại những bóng hình xa cũ thời còn tuổi thanh xuân. Kim Anh rất nồng nhiệt trong những buổi đi ăn và đi chơi như thế tại quê nhà, những lúc đó theo lời Kim Anh nói trong trái tim chị không còn chỗ cho nỗi cô độc. Thời gian nào rảnh rỗi không đi hát Kim Anh lập tức trở về làng quê của chị ở Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp, đó là một vùng quê yên bình, dập dềnh sông nước và nổi tiếng với món “đặc sản” nem Lai Vung.
Nhưng từ trong sâu thẳm của tâm hồn người đàn bà hát này vẫn còn ẩn chứa nhiều nỗi niềm, những ước mơ hạnh phúc và tình yêu không trọn vẹn. Nó là một thứ tro than không tàn lụi theo thời gian và năm tháng mà chỉ âm ỉ cháy để chờ dịp được bùng lên. Hơn ai hết, Kim Anh biết rõ điều này và đó là lúc người ca sĩ phải đối diện với chính trái tim cô độc của mình chứ không phải chứa nỗi cô độc. Và thế là Kim Anh một mình “giải phá thành sầu”, một mình “độc ẩm”. Bây giờ Kim Anh chỉ còn hai người bạn thận thân thiết vì hai người bạn này không ờ đâu xa, ngay bên cạnh. Những lúc buồn, cô độc là Kim Anh chia sẻ với hai người bạn: rượu và thuốc lá. Với thuốc lá, Kim Anh hút rất sang trọng từ cách bật lửa châm điều thuốc đến ngậm hờ vành môi ngửa cổ thả ra những vòng tròn khói trắng. Với rượu, Kim Anh uống gần như không có đối thủ, một mình uống hai chai rượu Tây là chuyện bình thường, mặt không đổi sắc, càng uống càng tỉnh và càng tỉnh càng buồn. Buồn như ly rượu đầy…
Và khi ngồi uống rượu không say với một người bạn… say gần chết bên cạnh, Kim Anh lại hát bài “Buồn”:
Buồn như ly rượu đầy
Không có ai cùng cạn
Buồn như lỵ rượu cạn
Không còn gì để vui…
Đôi ta như bước trên đỉnh sầu
Mà đời còn chất ngất thương đau…
Theo tôi, dù khi hát trên sân khấu hay khi ngồi hát mộc một mình bài “Buồn”, tôi cho rằng bài này mới làm nên một Kim Anh ca sĩ đầy cá tính với chất giọng khàn, buồn huyền hoặc, rất hay chứ không phải là bài “Mùa thu lá bay”.
Và ấn tượng nhất của Kim Anh với người viết là câu nói chân tình: “Nếu không uống rượu thì là lúc Kim Anh say đấy”. Quả thật trên sân khấu hát say sưa theo lời yêu cầu của khán giả hay khi ngồi trước mặt người viết, đố ai biết Kim Anh đang say hay tỉnh.
Từ Kế Tường