Khánh Ly - Giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 4)

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 21:50, 20/01/2015

Trước năm 1975, chuyện văn nghệ sĩ nổi tiếng vướng scandal là chuyện thường ngày ở huyện, bởi báo chí thời nào cũng phải cạnh tranh khốc liệt để tồn tại, nên phải dùng nhiều chiêu trò để hấp dẫn độc giả. Mà đối tượng để thả một trái bom tấn khiến dư luận phải “choáng váng” là những văn nghệ sĩ nổi tiếng. Khánh Ly - Giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 3)
Khánh Ly- giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 2)
Khánh Ly- giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 1)
Scandal Khánh Ly nghiện ma túy
Do đó chuyện diễn viên A, ca sĩ B, người đẹp C, bất ngờ bị lên báo là chuyện bình thường, vấn đề là các tờ báo đó khai thác theo dưới góc độ nào, cái nhìn ra sao, có tâm, có tầm hay… chơi xả láng. Có tâm là không đánh nốc-ao cho khiến cho nghệ sĩ đó chết luôn, có tầm là chỉ đưa 70% sự việc chừa 30% để đối phó, ứng xử và phải biết lượng giá tiềm năng của sức hút dư luận vào vấn đề. Nhưng đó là vấn đề khác không thuộc phạm vi bài này khi nào viết hồi ký “làm báo ở Sài Gòn” tác giả sẽ đề cập đến, nhiều chiêu trò đã vực dậy nhiều tờ báo sắp ngủm củ tỏi vì… rớt độc giả thê thảm.
Trở lại việc ca sĩ Khánh Ly bị vướng sancal nghiện ma túy vì cô cũng không ngoại lệ. Chuyện rằng, một hôm Khánh Ly đi chung trên xe ô tô của một “ông cớm” quận 1 lên Thủ Đức có việc cần, đi được nửa đường thì bị một nhóm cảnh sát thuộc quyền của một “ông cò” đối nghịch chận lại kiểm tra, khám xét cốp sau xe phát hiện có một bộ bàn đèn hút thuốc phiện. 
Trên xe của một “ông cò” mà có bàn đèn hút thuốc phiện là chuyện “động trời”, không cần biết bộ dụng cụ “bắn khỉ” này từ đâu mà có, nhưng nếu để “ông cò” quận 1 mà “lãnh thẹo” vụ này, rồi báo chí chộp lấy đưa tin thì cuộc đời của “ông cớm” một quận trung tâm Sài Gòn sẽ đi đứt. Do đó Khánh Ly liền nhận bộ bàn đèn đó là của cô, nhưng không phải để hút thuốc phiện mà là để trang trí cho vui. 
Khánh Ly là một ca sĩ nổi tiếng, ai cũng quen mặt, biết tên và với việc chỉ phát hiện bộ bàn đèn mà không bắt được quả tang đang hút thì cũng chẳng có cơ sở nào để xử lý nên chuyện… cho qua.
Tuy nhiên báo chí thì vớ được một món bở nên hê lên là ca sĩ Khánh Ly… nghiện thuốc phiện, đi du hí mà còn mang theo bộ bàn đèn để “bắn khỉ” khi tới cử. Dư luận lập tức bị “sốc” với tin này, một số tờ báo khai thác sự việc thì số lượng tăng lên đột xuất, còn ca sĩ Khánh Ly thì khóc dở, mếu dở cậy nhờ một số nhà văn, nhà báo thân tình tìm cách viết tin, viết bài đính chính. 
Lại một dịp bán báo nữa, nhưng Khánh Ly thì không làm sao đính chính được hết dư luận. Thêm vào đó giọng hát Khánh Ly “nhừa nhựa” như ma túy, các báo phết luôn cho Khánh Ly “thương hiệu”… ”giọng hát ma túy” thì cô hết đỡ.
Sầu nữ lận đận đường tình
Khánh Ly hát hay, nói chuyện tếu táo, đấu hót với anh em văn nghệ rất vui và rất thông minh, có duyên. Nhưng không phải là một phụ nữ đẹp đến hớp hồn đàn ông, thời mới ở Đà Lạt xuống Sài Gòn đi hát với Trịnh Công Sơn Khánh Ly mới 20 tuổi, gương mặt tròn, đôi mắt to, sâu đen thăm thẳm, mái tóc dài bồng bềnh xõa vai lúc ấy Khánh Ly là một cô gái dễ thương chứ không phải là một mỹ nhân sexy dù là một ca sĩ trẻ có cuộc sống phóng khoáng. 
Khánh Ly sở hữu nước da ngăm nên chụp hình rất “ăn ảnh”, bây giờ nhìn lại những tấm ảnh ngày xưa không ai phủ nhận Khánh Ly là một trong không nhiều nữ ca sĩ đẹp ở Sài Gòn thời đó. 
Nhưng đàn ông không phải yêu Khánh Ly vì nhan sắc mà vì cả hai, trong đó giọng hát Khánh Ly là chính vì nó có sức thu hút mãnh liệt, nhất là khi Khánh Ly đứng trên sân cỏ quán Văn mặc áo dài, đi chân trần mà hát rất “máu lửa” những ca khúc phản chiến của nhạc sĩ họ Trịnh, khiến khán thính giả ngồi bên dưới nghe và nhìn cũng “máu lửa“ theo. Tiếng hát Khánh Ly là tiếng hát “truyền lửa” cho đám đông, không chỉ là nhạc “Phản chiến” mà khi cô hát tình ca của Trịnh Công Sơn cũng thế, làm người nghe phải nghẹn lòng với “Ướt mi”, “Thương một người”, hay “Phôi pha”…
Trước năm 1975 tôi đã gặp Khánh Ly nhiều lần và một lần ở Hội quán Cây Tre trên đường Đinh Tiên Hoàng Đa Kao để phỏng vấn cô, viết bài. 
Tôi còn nhớ hôm ấy vào buổi sáng, khoảng hơn 9 giờ có hẹn trước với Khánh Ly và tôi đã đến đúng hẹn. Khánh Ly nằm trên chiếc ghế sô-pha hóng nắng đang lên ngoài thềm cửa qua những tán lá tre xòe ra. Chắc là vừa thức dậy sau một đêm khó ngủ nên trông chị có vẻ lười biếng, mặt không trang điểm, váy hoa màu vàng có những bông cúc trắng đại đóa, hai ngón tay hờ hững cầm điếu thuốc Salem hút dở. Cứ thế chúng tôi nói chuyện không đầu, không đuôi, không ra một bài phỏng vấn nhưng khá đầy đủ. 
Hồi đó là sau giai đoạn quán Văn và trong cách nói chuyện, tôi nhận ra Khánh Ly sẽ là một người phụ nữ lận đận trong tình duyên vì cá tính khá mạnh mẽ.
Quả y như rằng, sau đó Khánh Ly gặp một người đàn ông giàu có không dính dáng gì với giới nghệ sĩ, anh ta là một dân chơi thứ thiệt, nghe “hổn danh” là biết: Minh “đĩ”. Anh ta có bà chị ruột lấy một đại tá không quân và nhờ uy thế của ông anh rể, Minh “đĩ” đã vào binh chủng không quân làm lính kiểng, cấp bậc trung sĩ. Sau khi có 2 mặt con họ chia tay nhau. 
Chẳng bao lâu sau, Khánh Ly “đụng” Mai Bá Trác, một đại úy biệt kích thuộc lực lượng đặc biệt (LLĐB) và anh này làm trưởng trại LLĐB Thiện Ngôn đóng ở Tây Ninh sát biên giới Camphuchia. Hồi ấy đừng tưởng chức trưởng trại LLĐB ở biên giới là một chức “quèn” mà đích thị là “làm vua một cõi”. Bởi lẽ Mai Bá Trác nắm trong tay 5 Đại đội biệt kích gồm toàn lính Miên (Khmer) và lính dân tộc thiểu số. Lính biệt kích thì không anh nào có số quân nhưng được Mỹ trả lương hậu hĩ, đây là những cảm tử quân và một khi đăng lính biệt kích thì coi như đã cầm chắc… cái chết, không chết sớm cũng chết muộn. Nói chung là ra đi không về nên vợ con được hưởng tiền tử tuất trước một lần, trọn gói.
Mai Bá Trác ở cương vị trưởng trại lực lượng biệt kích chơi trò tuyển dụng “lính ma”, “lính kiểng. Chỉ trong một đại đội có vài chục “lính ma”, “lính kiểng” thì hàng tháng Mai Bá Trác bỏ túi khoảng “lương ma” này khá bộn. Bởi thế nên anh ta có cả xe ô tô, nhà lầu ở Sài Gòn, tháng nào “lãnh lương” xong Mai Bá Trác cũng về Sài Gòn ăn chơi một chuyến xả láng, tiêu tiền như nước. Mai Bá Trác đóng đô ở vũ trường của Khánh Ly và với đồng tiền nặng túi, khí thế ngang tàng của sĩ quan biệt kích Mai Bá Trác đã “cưa đổ” được Khánh Ly. Cô sống với anh ta được một mặt con rồi chia tay.
Một người đàn ông khác lại đến với cuộc đời Khánh Ly, đó là Trung tá Đỗ Hữu Tùng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6 Thủy quân lục chiến. Khánh Ly gặp Đỗ Hữu Tùng trong một dịp đi tiền đồn hát năm 1972 mùa hè đỏ lửa. Hai người vừa gặp nhau thì bị “tiếng sét ái tình”, họ đã trở thành một cặp tưởng như “hoàn hảo” nhưng Đỗ Hữu Tùng đã tử trận tại bãi biển Đà Nẵng năm 1975, gần ngày thống nhất. 
Sau năm 1975, trên đường sang Mỹ, Khánh Ly đã gặp Nguyễn Hoàng Đoan, ký giả của một số tờ báo trước năm 1975 và trở thành vợ chồng gắn bó cho tới bây giờ. Đoan trước khi vào Sài Gòn làm báo là một nhà thơ, cùng với Huyền Anh trong nhóm “Bằng hữu giới tuyến” ở Quảng Trị. Đoan sau này lập gia đình với nhà báo Lam Thiên Hương, có 2 đứa con gái. Năm 1972 Đoan vẫn còn làm báo, nhưng nghe đâu đã chia tay với Lam Thiên Hương.
Tháng 5.2000, Nguyễn Hoàng Đoan và Khánh Ly có về Việt Nam rồi trở về Mỹ. Chuyến đi này chỉ có mỗi mục đích là thăm gia đình chứ không dính gì tới ý định biểu diễn của Khánh Ly, dù có thể đã có nhiều lời mời. Hiện Khánh Ly định cư ở thành phố Cerritos bang California, Mỹ.
Khánh Ly ở hải ngoại
Sau khi định cư ở nước ngoài, Khánh Ly vẫn hoạt động ca hát và là một ngôi sao trong giới ca sĩ Việt Nam ở hải ngoại. Chị xuất hiện thường xuyên ở các show của chương trình Thúy Nga Paris By Night và những chương trình ca nhạc khác trong và ngoài lãnh thổ nước Mỹ. 
Năm 1979, hãng đĩa lớn, uy tín của Nhật: Nippon Columbia đã mời Khánh Ly thu băng các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, đây là lần thu băng thứ nhì của Khánh Ly ở Nhật. Trước đó vào cuối năm 1970 lúc còn ở Sài Gòn Khánh Ly đã có chuyến trình diễn tại 3 nước: Mỹ, Canada và Nhật Bản, đặc biệt tại Nhật Bản, hãng Nippon Columbia đã mời Khánh Ly thu băng lần thứ nhất vào dĩa vàng 2 nhạc phẩm của Trịnh Công sơn là “Diễm Xưa” và “Ca Dao Mẹ” và được chuyển dịch sang tiếng Nhật bán tới 2 triệu đĩa.
Lần đó Khánh Ly cũng được mời trình diễn ở Osaka Fair… Và trước đó nữa vào năm 1969 cặp Khánh Ly-Trịnh Công Sơn đã có chuyến lưu diễn tại Châu Âu, là ca sĩ đầu tiên của Việt Nam được mời trình diễn tại đây cũng như nhiều nước trên thế giới. 
Đặc biệt Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã được các trường đại học lớn mời biểu diễn trước sinh viên với phong cách “du ca” nhóm nhạc có hai người: Trịnh Công Sơn đệm đàn ghi ta thùng cho Khánh Ly hát chứ không phải trình diễn với dàn nhạc hiện đại. Thế nhưng sức thu hút rất mãnh liệt, nghe kể Khánh Ly phải hát tới 4-5 tiếng đồng hồ và hát tới 45 ca khúc của Trịnh Công Sơn, có ca khúc Khánh Ly được yêu cầu hát đi hát lại nhiều lần nhưng chị vẫn hát rất say mê.
Ở Mỹ, Khánh Ly đã thành lập Trung tâm băng nhạc Khánh Ly và Khánh Ly Production đã sản xuất được 50 đĩa nhạc, 4 băng video của Khánh Ly, đồng thời Khánh Ly cũng cộng tác với trung tâm băng nhạc nổi tiếng khác như Asia Production, Mây Production… Bên cạnh việc hoạt động văn nghệ có doanh thu, Khánh Ly cũng rất nhiệt tình tham gia các chương trình văn nghệ mang tính từ thiện gây quỹ xây chùa, nhà thờ, trại mồ côi, các hội đoàn, trại tị nạn. Năm 1992, Khánh Ly được mới tham dự ngày Hội Thiếu Niên Thế Giới tổ chức tại Denver, Colorado (Mỹ) và Khánh Ly cũng là ca sĩ Việt Nam đầu tiên được gặp đức giáo hoàng Paul đệ nhị tới 2 lần.
Dù ở Việt Nam hay hải ngoại, Khánh Ly cũng vẫn là một ca sĩ nổi tiếng được thế giới biết tên tuổi và giới sinh viên, học sinh rất hậm mộ. Đài truyền hình NKH của Nhật Bản đã chọn Khánh Ly là 1 trong 10 nhân vật nổi tiếng để làm cuốn phim tài liệu về cuộc đời và gia đình cô, phim dài 50 phút do đạo diễn Nhật Bản - Hideo Kado dàn dựng và trình chiếu vào ngày 29.4.1997, đến tháng 9.1997 một quyển sách viết về cuộc đời Khánh Ly dày 270 trang viết bằng tiếng Nhật được đài truyền hình NKH của Nhật phát hành và bán tại Nhật.
(còn tiếp)
Nhà văn Từ Kế Tường

Một Thế Giới