Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 4: Giữ 1 lời hứa!

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 13:24, 14/01/2015

Tính đến năm 2014, tôi đã có 53 tuổi đời, 45 tuổi nghề. Vị ngọt được tặng nhiều, đắng cay của sự phản bội, lật trở đương nhiên phải có. Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 3: Trái tim nhảy múa Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 2: Cô đơn trong ngôi nhà mình! Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 1: Tiểu gia đình trong ngôi đình cổ
Từ một sự “phải lòng”
Khi dòng kịch Bắc xuôi Nam, nói theo giọng Hà Nội là tôi đã “phải lòng” dòng kịch ấy. Thằng nhóc mê kịch là tôi bấy giờ, đoàn diễn mấy đêm kiếm đủ tiền mấy đêm, đi coi đến độ thuộc hết lời thoại.
Không chỉ đi xem diễn, còn lởn vởn nơi các thần tượng của mình ở, ngóng khi chiếc xe Hải Âu ra vào mang theo các anh chị cô chú đó từ khách sạn đến và rời nơi diễn.
Chưa tốt nghiệp phổ thông, đã ngồi soạn một lá thư dài gửi cho anh Hà Văn Trọng là thành viên hội đồng nghệ thuật Ðoàn kịch nói trung ương, trong đó cho biết mình sẽ theo con đường các anh các chị, sẽ thi vào trường sân khấu và còn hứa sẽ trở thành nghệ sĩ kịch nói nổi tiếng nữa.
Từ nhỏ tôi đã luyện tánh “nghĩ được là làm được” mà.
Nói nào ngay, khi tôi 16 tuổi, xem nghệ sĩ Thế Anh đẹp trai đóng Ðôi mắt lúc đó đã 41 tuổi mà như người ta hay nói 41 là độ tuổi đỉnh cao của nghề nghiệp nên khi mình bước vào tuổi tứ thập tôi cũng hơi run, tự ngó coi đã giữ lời hứa được chưa, vì giờ sắp hết rồi.
Cũng may là ở điểm chuyển giao thế kỷ đó, kiểm lại những gì đã làm thấy mình không đến nỗi là người thất hứa.
Một thời ngó Minh Trang như nữ thần, chỉ dám thấy cái lưng, nhìn lén được nàng ngồi ăn sáng cũng đủ thấy vui cả ngày rồi, đâu nghĩ ra có lúc được đóng chung khi Trang về 5B.
Năm 1994 được đóng phim Thời thơ ấu với nghệ sĩ Ðoàn Dũng, không tưởng nổi gần 20 năm trước mình quá ngưỡng mộ anh trong những vai Người cha thô bạo, Kẻ đốt đền (Herostratus), giờ may mắn được đóng chung, mà anh còn đóng vai phụ cho mình.
Không tả được niềm vui khi nhận lời mời của đạo diễn Lê Hữu Lương tham gia đóng phim Có một tình yêu như thế, lý do là phim đó có Trần Vân và Lê Khanh. Anh Trần Vân sau đó mất sớm, còn Lê Khanh trở thành người bạn nghề tri kỷ ở Hà Nội mãi đến giờ.
Nghề này vừa là nghiệp mà cũng vừa là đạo. Mà để luyện được đắc đạo phải qua nhiều nỗi đoạn trường.
Khúc đoạn trường
Rời khỏi Ðoàn kịch Trẻ mà mình góp phần lớn vào đó: công sức tài năng và trên hết còn là niềm tin, là lý tưởng để xây dựng nền móng, tôi coi như bị thất nghiệp.
Tuy vậy, phòng tổ chức sở vẫn còn giữ biên chế tôi lại để tôi có thể về công tác ở bất kỳ đoàn nghệ thuật nhà nước nào tôi muốn.
Tôi từ chối. Làm sao tôi có thể đứng dưới trướng một người mà tôi không hề nể phục. Rời khỏi biên chế nhà nước vào thời điểm đó, trong mắt của nhiều người tôi là một kẻ ngông cuồng, dại dột. Biết sao được, tôi chỉ làm theo trái tim và lý trí của mình.
Nhưng cũng phải mưu sinh, phải có thu nhập để mà tồn tại. Tôi nhận lời gia nhập nhóm đi tấu hài với anh Duy Phương.
Một tháng trời đi diễn với anh, thấy cũng lạ là anh chỉ sắp tôi diễn ở ngoại thành và các tỉnh, tôi có hỏi anh tại sao anh không cho tôi diễn ở các tụ điểm trong thành phố, anh mới nói có lệnh của phòng tổ chức biểu diễn là không cho phép tôi diễn ở nội thành.
Đó là một cái lệnh “miệng”, không thành văn bản, mà tội danh gán vào tôi nghe cũng hầm hố lắm. Thật buồn và thấy bế tắc, tôi cũng xin chia tay anh Duy Phương luôn.
Tưởng đã chia tay với nghiệp diễn luôn rồi. Nhưng không, “dư luận quần chúng” đã kéo tôi trở lại. Dư luận quần chúng là tên một vở kịch của Romania thuộc nhóm Câu lạc bộ Ðạo diễn trẻ diễn ở 5B đã nhóm lại lòng yêu nghề trong tôi.
Nhân gặp Việt Anh, vốn cũng quý tôi, kéo tôi về (thật ra là tôi xin về) thay vai của Hải Ðệ trong vở đó.
Sân khấu 5B tuy ở ngay trung tâm nhưng lúc đó còn là sân khấu thể nghiệm (thuộc Hội Sân khấu), quan hệ hàng ngang với sở nên sở đành phải “ý kiến” với hội rằng tôi chỉ được diễn trong chu vi của 5B thôi chớ không được diễn tự do bên ngoài.
Riêng vở Chuyện bây giờ mới kể, là vở đi dự liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, nên chính giám đốc Sở Văn hóa can thiệp. Sau khi tranh luận, chính vị này ký giấy phép cho vở ra mắt nhưng phải cắt vai của Thành Lộc ra.
Phải nói ông tổng thư ký Hội Sân khấu thành phố đã bảo vệ quyền lợi của tôi tối đa vì tôi cũng là hội viên của hội, nhờ vậy mà tôi không bị cắt vai.
Giai đoạn sau đó còn khá nhiều nỗi vui buồn. Nhưng vẫn thấy nhớ ơn những người tạo điều kiện cho tôi được về hành nghề ở 5B.
Ngoài việc làm mất hiệu lực cái lệnh miệng kia, tôi còn có cơ hội diễn chung với Minh Trang - người mà mấy năm trước tôi chỉ dám đứng bên kia đường ngó vào khách sạn Bến Nghé, rồi đạp xe rượt theo xe Hải Âu chỉ để ngó từ xa cảnh nàng ăn sáng.
Còn bây giờ dưới mái nhà 5B, tôi được làm con của nàng (Lôi vũ) rồi cả người yêu của nàng nữa (Một cuộc đời bị đánh cắp).
Khi tôi về sân khấu 5B, nhiều đồng nghiệp giỏi nghề khác như Kim Xuân, Thành Hội, Khánh Hoàng... cũng về thêm. Tất cả cộng hưởng và tương tác lẫn nhau tạo những vở có chất lượng nghệ thuật và bề dày tư tưởng, nhất là trong các kỳ liên hoan sân Khấu.
Sân khấu 5B thật sự trở thành một thánh đường và đồng thời cũng là một chiếc áo không còn vừa vặn trong một cơ thể đang phát triển...
Nhân duyên với Idecaf
Một nhân duyên mới lại đến, Huỳnh Anh Tuấn - một người yêu trẻ - vốn trước đây là diễn viên múa rối của Ðoàn múa rối thành phố - rủ tôi cùng làm sân khấu cho thiếu nhi tại Trung tâm Trao đổi văn hóa với Pháp (Idecaf) - một sân khấu với khán phòng 400 chỗ cực đẹp.
Lời rủ rê này đánh thức đứa nhỏ trong tôi, đánh thức một thời bé Thành Tâm hạnh phúc biết bao khi được tham gia tạo món ăn tinh thần cho những người cùng lứa tuổi.
Hà Nội có một nhà hát Tuổi Trẻ với mảng sân khấu dành riêng cho thiếu nhi, trong khi Sài Gòn đã từng có hẳn một liên hoan sân khấu dành cho thiếu nhi mà một đoàn nghệ thuật cho thiếu nhi thì lại không, chỉ có một đoàn múa rối thì không đủ và không phong phú.
Vậy là vở Hoàng tử chăn lợn ra đời. Thắng! Rồi có thêm vài vở thiếu nhi ra đời nữa, thừa thắng xông lên làm thêm vở cho khán giả lớn, với vở đầu tiên là Khoảnh khắc tình yêu, rồi sau đó là Tình yêu dành cho hai người.
Idecaf đã có Chuyện văn chươngCậu Ðồng, khán giả và báo chí ào ào kéo tới rần rần. Lần này không chỉ riêng tôi mà cả đám chúng tôi trở thành một cọng gai to tổ chảng trong mắt ai kia.
Thế là một loạt tin xấu tung ra, nào là nghệ thuật tư nhân đi theo khuynh hướng tư bản (vì lúc đó chúng tôi toàn diễn kịch của Pháp hoặc chuyển thể từ văn học Pháp) dùng vật chất để tha hóa nghệ sĩ nhà nước.
Có người đến tận nhà một quan chức thành phố cầu cứu vị quan chức này dùng quyền lực để đóng cửa sân khấu Idecaf vì cho rằng Huỳnh Anh Tuấn đã dùng tiền mua chuộc tôi bỏ sân khấu nhà nước.
May thay, câu trả lời của vị quan chức đó là: “Tụi bay là sân khấu xã hội hóa, người ta cũng là sân khấu xã hội hóa, tụi bay làm giỏi người ta cũng làm giỏi sao lại đòi triệt người ta!”.
Nhờ sự hiểu biết của vị quan chức ấy mà chúng tôi thoát nạn. Tuy thoát nạn nhưng vẫn chưa thật sự an toàn, may cho chúng tôi là ngay vào thời điểm đó Luật doanh nghiệp đã bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực nghệ thuật cho phép thành lập công ty tư nhân.
Vậy là trong vòng 11 ngày tôi và Huỳnh Anh Tuấn trút hết tiền túi trong người mình có hợp với vốn điều lệ để xin phép ra đời một công ty riêng. Công ty Thái Dương cùng sân khấu Idecaf đã ra đời như vậy đó.
Kể nhiều chuyện cho các bạn nghe để các bạn thấy tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Nhiều lúc không biết tôi chọn nghề nghiệp này hay nghiệp đã chọn tôi, nhưng phần mình tôi tin mình đã chọn đúng.
Và bạn có thấy không, ít ra trong tư cách một con người, tôi cũng đã chứng minh cho những người thân cùng các tiền bối của mình thấy được rằng tôi đã giữ được chữ tín với lời hứa năm nào trong lá thư gửi cho anh Hà Văn Trọng (Nhà hát Kịch VN).
____________
Thành Lộc dành chương này cho những vai diễn như những cái bóng vô hình. Vậy chuyện gì đã xảy ra với cái người đã gần 600 lần “xắn linh hồn mình” chia cho gần 600 cái bóng kia?
(Theo Tuổi Trẻ)
Kỳ tới: Là bóng hay là hình

Một Thế Giới