Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 3: Trái tim nhảy múa
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 00:01, 13/01/2015
Tròn 8 tuổi (năm 1969), tôi chính thức tham gia diễn kịch và ca hát với nghệ danh là Thành Tâm trong các ban kịch thiếu nhi trên làn sóng phát thanh và truyền hình. Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 2: Cô đơn trong ngôi nhà mình! Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 1: Tiểu gia đình trong ngôi đình cổ
Cụ thể là ban kịch của chú Xuân Phát, thuộc Đài Truyền hình Việt Nam số 9 và chương trình thiếu nhi Sơn Ca của Đài Truyền hình Đắc Lộ.
Mãi đến 1975, tôi vừa 14 tuổi, thấy mình có khả năng nhảy múa, đặc biệt mê múa ballet, lúc đó mới có Nhà thiếu nhi Thành phố để tôi vừa học, vừa tham gia đội múa.
Bánh mì với chè đậu đen đá
Trên Facebook của mình, tôi vừa đưa ra hình một bát chè đậu đen và kể lại một trong những kỷ niệm thời gian tham gia đội múa.
“Tôi được chọn là một trong mười đội viên của Sài Gòn ra Hà Nội tập huấn một tháng trời ngoài ấy cùng với 33 đội viên khác của cả nước để tham dự Đại hội liên hoan thiếu nhi thế giới lần thứ nhất với chủ đề “Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng” tại Matxcơva - thủ đô của Liên Xô cũ.
Lúc đó cả nước ăn đói mặc kém lắm, mọi thứ mua sắm và ăn uống còn phải dùng tem phiếu và chúng tôi mỗi đứa phải vác ra 15kg gạo để tự túc phần ăn của mình, góp vô bếp ăn chung mà khi ăn thì khẩu phần ăn trở thành cơm nấu độn chung với mì sợi hoặc khoai mì (ngoài ấy gọi là sắn).
Mỗi ngày ngoài bữa ăn sáng qua loa đạm bạc một ly sữa và vài lát bánh mì, có khi là một gói xôi, có khi chỉ là hai cái bánh giò, còn ăn cơm độn mì thì đúng có một cữ trưa mà thôi, vậy bữa chiều ăn gì?
Đó là một đĩa xúp, nói là xúp nghe cho sang vì không hề có xúp mà chính là... chè đậu đen với đầy đá lạnh, gọi là chè đỗ đen đá (theo cách gọi của người miền Bắc) ăn kèm với một ổ bánh mì.
Lần đầu tiên trong đời tôi ăn bánh mì với chè đậu đen lạnh! Cứ xé bánh mì ra nhúng vào nước chè lạnh rồi cho vào mồm, lấy cái muỗng (ngoài ấy gọi là cái thìa) vớt đậu nhai cùng...
Lúc đầu tôi cứ nghĩ mình không ăn được, nhưng nếu không ăn được thì sẽ ăn cái gì? Vì sẽ không có bữa cơm tối đâu! Một tháng 30 ngày, chiều nào cũng chỉ ăn mỗi món đó thôi, không ăn cho no thì sức đâu để tập huấn?
Chúng tôi vừa học chính trị, rồi tập văn nghệ với các tiết mục ca múa nhạc như một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thiếu nhi để sang đó mà thi thố... Sáng tập cái này, chiều tập cái kia, tối tập cái nọ... liền tù tì một tháng trong hoàn cảnh ngôi nhà chung nghèo, rất nghèo!
Vậy mà ăn riết quen miệng đâm ra thấy ngon, và thấy ghiền cái món bánh mì chấm chè đậu đen này làm sao. Sau này hoàn cảnh ăn uống dân mình khá lên nhiều, tôi mới kể món khoái khẩu một thời của tôi là ăn bánh mì với chè đậu đen đá, nhiều em út nhìn tôi như “người hành tinh khác” và chọc tôi ăn gì kỳ, ăn như... cái đồ khùng!
Không biết bây giờ nếu ăn lại món đó tôi có còn thấy ngon không nữa, nhưng quả thật ngay lúc này đây trong ký ức ẩm thực của tôi vẫn đọng lại hương vị của món ăn nhà nghèo thời bao cấp đó mà éo le thay là khi nhớ lại tôi vẫn thấy ngon, ngon y như hồi xưa mới lạ chớ!
Không thể khinh suất
Hai nữ ca sĩ Ngọc Bích và Cẩm Vân là hai đàn chị mà tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng. Mỗi khi hai chị hát, tôi có cảm giác hai chị hát để mà chết ngay sau đó, rút ruột rút gan ra mà hát, hát khàn hết cả giọng mà tôi xót lắm, chỉ sợ sau đó hai chị sẽ hư giọng luôn!
Thời điểm hai chị còn là hai nữ hoàng ca nhạc ở phong độ đỉnh nhất thì đời sống kinh tế của người dân mình vẫn còn khó khăn lắm, mua một vé xem ca nhạc phải xếp hàng, vậy mà sân khấu ca nhạc nào có hai chị là đông nghịt khán giả, nên tôi thật bất ngờ khi cả hai chị đều chia sẻ với tôi thật giống nhau: người ta bỏ tiền mua vé không phải đến sân khấu để xem mình làm những điều hời hợt, có hát rồi chết cũng được, miễn khán giả hài lòng là mãn nguyện.
Lòng tự trọng nghề nghiệp của chị Vân và chị Bích thật sự đã ảnh hưởng rất lớn đến con đường sự nghiệp của tôi cho đến tận bây giờ.
Đúng, khán giả là người nghèo còn nhiều, kiếm ra đồng tiền mua vé cực lắm, không thể khinh suất được.
Trong đại hội liên hoan ấy tôi rinh về cho mình một huy chương vàng cho tiết mục múa đôi dân gian Khmer Nam bộ, người cùng múa với tôi nay đã là một bác sĩ khoa nhi. Đoàn thiếu nhi VN lúc đó giành nhiều huy chương vàng khác nữa.
Những người cùng ăn chè đậu đen bánh mì với tôi lúc đó bây giờ có người đã là giám đốc, hiệu trưởng, giáo sư, nghệ sĩ thành danh... Không biết họ có còn nhớ về món ăn lạ lùng này không? Món xúp ngọt độc đáo của VN thời bao cấp.
Riêng tôi không bao giờ quên được vì nó cũng chính là một phần đời niên thiếu của tôi, của cậu thiếu niên 16 tuổi cùng mùa hè Hà Nội 1977 nóng bức!”.
Đưa đoạn này lên xong, tôi nhận được nhiều chia sẻ, trong đó có nhiều người trong cuộc.
Nghệ sĩ Thành Lộc múa ballet trên giày tây khi chấm thi bán kết 4 chương trình Vietnam’s Got Talent năm 2013 - Ảnh: BHD |
Một cuộc cách mạng lớn
Bây giờ ngồi kể lại những chuyện này, tôi thấy đời sao nhanh hơn giấc mộng. Nói thì nhanh chớ lúc đó cũng phải cân nhắc nhiều lắm với một đứa con nhà nòi của sân khấu truyền thống, đã tham gia kịch truyền hình khi vừa lên 8 tuổi, thoắt mê môn văn, thoắt mê ballet, rồi chuyển sang mê kịch, lại là mê kịch từ Bắc vào.
Sau khi ra Hà Nội tập huấn một tháng cùng 42 người trên toàn quốc, rồi dự Liên hoan Thiếu nhi thế giới năm 1977 về, tôi giành được huy chương vàng nhờ tiết mục Đôi bạn do biên đạo múa Ngọc Cường của Trường Múa Việt Nam tại Hà Nội dàn dựng.
Thầy đã sáng tác dựa trên nền âm nhạc và động tác của múa Khmer Nam bộ. Sau đó, thầy Ngọc Cường cho biết Trường Múa Việt Nam tại Hà Nội có nhã ý muốn đào tạo tôi theo chương trình chính quy 11 năm.
Sự kiện này có thể kể lại chi tiết như sau, theo như tôi nhớ: sau khi có lời đề nghị cho một tương lai chung sống 11 năm tại Hà Nội của Trường Múa Việt Nam, hai người tôi tham khảo ý kiến là thầy Thái Ly và chị Hồng Hà - chị phụ trách thiếu nhi của tôi lúc đó. Thầy nói “thầy tin với kỹ năng múa đã có, con có thể là một diễn viên kịch xuất sắc, nhưng với nhiều nhược điểm của cơ thể, có cố lắm con cũng chỉ là một diễn viên múa trung bình”.
Được lời khuyên vàng đó, tôi đành cảm ơn và từ chối tấm thâm tình của Trường Múa Việt Nam và âm thầm lên một kế hoạch cho riêng mình. Vào năm học lớp 11 Trường trung học Cô Giang, tôi biết Trường Nghệ thuật sân khấu 2 mở khóa thi tuyển.
Ngang trái và đầy kịch tính là ngày thi chuyên môn bên trường sân khấu trùng với ngày thi học kỳ 2 bên Trường Cô Giang. Tôi đánh liều tự bỏ thi học kỳ 2 bên phổ thông để đi thi vào trường sân khấu mà ba má tôi không hề hay biết. Bữa thi đó ai cũng biết tôi là con ông Thành Tôn đi thi.
Thầy Đoàn Bá bảo tôi kéo cao quần lên để thấy bắp chuối chân coi tôi có còn khả năng cao thêm được nữa không. Tôi thấy vậy là mình tiêu rồi, tôi đã rơi vào trường hợp thả mồi bắt bóng.
Tổ nghiệp lại thử gân tôi một lần nữa. Hồi đó, Trường Nghệ thuật sân khấu 2 bắt thi chuyên môn hai vòng. Ngày thi vòng hai của trường sân khấu lại trúng ngay ngày thi vớt học kỳ 2 của lớp 11 bên trường phổ thông lần nữa.
Dĩ nhiên, tôi đành phải làm liều bỏ thi vớt phổ thông lần nữa để chọn đi thi vòng 2 sân khấu. Đến ngày nhập học lớp 12 trung học, mới biết là mình đã bị lưu ban vì không có điểm thi học kỳ 2.
Về nhà thấy có thư của trường sân khấu gửi báo tin đậu rồi hú hồn muốn xỉu. Biết chắc là sẽ bị đòn nếu ba biết bị ở lại lớp 11, cái thư của trường sân khấu là bùa hộ mạng. Mãi đến ngày khai trường bên Nghệ thuật sân khấu 2 mới dám báo cho ba má biết là mình không còn học chữ nữa mà đã chọn học nghề.
Ba tôi là nghệ sĩ nhưng không dạy con theo kiểu “nghệ sĩ” mà rất nề nếp, thậm chí gia trưởng. Cả nhà tôi ai đi đâu thì đến giờ cơm tất cả đều phải quây quần.
Đó cũng là giờ để các người con báo cho cả nhà biết có chuyện gì mới. Nói chung các con làm gì ba má cũng phải biết hết.
Hành động của tôi vào năm đó: tự quyết định ngừng học bên trường phổ thông để chuyển hẳn học trường nghề mà không thông qua ai, phải nói đối với tôi là một cuộc cách mạng lớn.
Theo Tuổi Trẻ
Kỳ 4: Giữ một lời hứa