Đạo diễn Công Ninh và sự an nhiên sau hơn nửa đời rong ruổi

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 19:00, 12/11/2014

“Tôi một mình quen rồi. Đến nỗi, những khi rỗi rảnh hiếm hoi, tự nhiên thấy mình thừa thãi. Mỗi lúc vậy, tôi lái xe lòng vòng thành phố, chen chúc vào vài đám đông xô bồ để… nghe chút hơi người”, đạo diễn Công Ninh chia sẻ.
1. Tôi ở trong một con hẻm nhỏ, căn phòng trống lốc, rã rượi. Đêm, không ngủ được, tôi đốt thuốc như điên. Khói phả mù mịt, kỷ niệm về váng vất. Tuổi thơ xao xác không mấy khi tôi nghĩ tới, vậy mà nó ở đâu kéo lại, dập dềnh, chuếnh choáng. Mím chặt môi mà thấy mình của cái thuở mới 12 tuổi đầu, thui thủi xin nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ má nuôi em. Má nghe vậy chỉ biết khóc, cảnh nhà khốn khó quá, má đâu có tính cách khác được. Má khóc, tôi tủi thân quá cũng khóc, đám em nheo nhóc không biết gì, thấy vậy liền kéo áo má, ôm chân anh lụi hụi khóc theo. Ngôi nhà nhỏ tối thui, ngập ngụa thứ âm thanh của cái nghèo xơ xác.
Tôi ở Quận 3, Sài Gòn. Má đi may ở xí nghiệp, anh Hai cũng nghỉ học sớm, phần tôi được sắm cho cái thùng với năm ba cái ly nhỏ để bán trà đá. Bình trà nặng trẹo vai, tôi lết thết đi giáp vòng phố phường, đôi dép mủ mòn vẹt gót, nhựa đường ran rát dưới chân. Hôm nào bán còn, mang về, len lén bỏ cục nước đá lạnh ngắt vào cổ, vào lưng mấy đứa em, cho tụi nó giựt mình chơi, rồi anh em ôm nhau cười ha hả. Buổi xâm xẩm tối, ngồi chóc ngóc chờ má về, mấy đứa em cứ tranh nhau mang cái thùng còn lưng lửng nước, giả đi bán trà đá, ngọng nghịu rao hàng. Nỗi vui non nớt, trong như gáo nước mát lành, lo nghĩ chi nhiều mấy cái chuyện tương lai. Được 1 năm, má bàn với anh Hai cho tôi đi học tiếp. Má biểu: “Tội nghiệp thằng nhỏ học giỏi, ráng mà lo cho nó”. Tôi mừng húm, buổi đi học, buổi về đội thúng bánh cam đi bán. Tuổi thơ khốn khó, xao xác đi qua.
Tôi 19 tuổi, lớn vổng, má biểu thi vào Bách Khoa để mai mốt làm kỹ sư. Từ lâu, tôi đã trở thành một thứ kỳ vọng đổi đời của cả nhà. Ngặt nỗi, tôi chỉ thích làm diễn viên thôi. Hồi nhỏ, coi phim, coi kịch, coi tới đâu tôi thuộc làu tới đó. Rồi gom đám em với mấy đứa bạn lại, tập cho chúng tuồng này, vở kia. Tôi tự lập từ nhỏ quen rồi, nên cứ thế quyết định thi vào trường Sân khấu – Điện ảnh. Thời đó thi vào trường này khó đậu lắm. Người ta vẫn thường bảo “nhất phi công, nhì văn công”, bởi lúc này nhà nước đãi ngộ cho anh em nghệ sĩ rất nhiều, đang thời kì xây dựng mà. Thi năng khiếu, tôi lóng nga lóng ngóng, diễn cảnh mẹ mất mà khóc to tới đâu, giám khảo cười to tới đó. Tôi về nhà chắc mẩm phen này thôi rớt rồi. Ai mà ngờ, năm ấy cộng cả điểm thi văn hóa, tôi đỗ Á khoa.
Má mừng luýnh quýnh tay chân, hết xoa đầu, lại tới nắn vai, cứ liên tục hỏi: “Nhắm được không con, coi bộ làm diễn viên khó à. Mà … nhắm có được không con”. Má hỏi vậy thì tôi chỉ biết dạ không sao, dạ được thôi mà. Ai biết đâu, cái kiếp lận đận nó đã vận sẵn vào người.
Cong Ninh
 Đạo diễn, nghệ sĩ Công Ninh và vợ trong ngày cưới
2. Tôi vừa đi học, vừa làm giữ xe ở Cung Văn hóa lao động. 4 năm học ròng rã trôi qua, tôi thầm mừng, cơ cực chắc cũng sắp trôi qua. Đang mơ về viễn cảnh đỡ đần phần nào cho má, thì đùng 1 cái tôi được nhà trường chọn đi du học Nga 6 năm. Tôi không biết đó là cơ hội, là vinh dự hiếm có, tôi chỉ thấy học thêm 6 năm nữa là quá dài. Tôi muốn đi làm liền, muốn kiếm tiền ngay, cả nhà tôi trông đợi vào tôi quá lâu rồi. Nghĩ sao làm vậy, tôi chạy ào lên phòng cô hiệu phó, năn nỉ … nhường suất du học ấy cho người khác. Cô ngạc nhiên không nói được lời nào, phần vì thấy lạ, phần vì điệu bộ không chịu đi học của tôi ngố đến mắc cười. Cô liền nói thầy Nguyễn Văn Phúc, chủ nhiệm lớp coi khuyên bảo tôi thế nào. Ngồi tâm sự với thầy nguyên đêm tôi mới biết, mình suýt bỏ qua một cơ hội rất lớn trong đời. Tôi lủi thủi trở về, chuẩn bị gói ghém sang Nga du học.
Phần tôi, cơn lận đận đã ăn vào trong số. Mới đặt chân lên đất Nga thì bị mất Passport. Lạ nước lạ cái, ngôn ngữ lại không thông, tôi bị giữ lại cả tháng trời. Cuối cùng nhờ đại sứ quán Việt Nam tại Nga làm cho cái giấy thông hành, tôi mới được dẫn về Leningrad theo học trường điện ảnh ở đó.
Mùa đông nước Nga buồn lắm, nhìn đâu cũng thấy tuyết, trắng xóa. Nhiệt độ xuống ngưỡng âm bốn mươi mấy độ, không có kinh nghiệm chống chọi với cái lạnh mà bước ra đường là trào máu mũi ngay. Thời tiết khắc nghiệt quá, nhà trường cho nghỉ, tụi du học sinh có điều kiện, tranh thủ về nước hết. Ký túc vắng tanh, gió run rẩy rít lên thê thiết. Tôi gọi đây là mùa thao thức. Thức, vì lạnh quá, vì nhớ nhà quá, vì buồn, vì cô đơn quá. Thức, nghe kỷ niệm nương theo con gió dữ ngoài kia rít lên từng cơn kinh hãi. Tôi lại đốt thuốc như điên. 6 mùa thao thức, dằng dặc trôi qua.
Cong Ninh
                         Nghệ sĩ Công Ninh và nghệ sĩ Mỹ Uyên trong 1 vở kịch tại sân khấu kịch 5B
3. Tôi mang mảnh bằng du học về nước. Được nhận về trường làm phụ giảng. Và cái nghèo lại đeo đẳng không buông. Tôi bán mấy vật dụng mang về từ Nga, gom tiền mua được chiếc xe PC, tàn đến độ đạp đến hụt giò cũng chưa thèm nổ. Tôi xin một chỗ ở của trường, mỗi bữa ăn hết 2000 đồng tiền cơm, vậy mà cũng không tài nào vun vén nổi. Tôi tuyệt vọng. Yếm thế khủng khiếp với ý nghĩ không ai cần mình, không ai tin tưởng vào mình. Tôi đi du học làm gì, cố gắng phấn đấu để làm gì mà hơn 10 năm qua, chưa từng kiếm được 1 đồng đem về cho má mừng, em vui. Những đêm gió về hoang hoải, lại thấy mình như con ngựa hoang đến hồi kiệt lực, sắp khuỵu vó bỏ xác lại bên đường.
Công danh mù mịt, lay lắt như ngọn đèn run rẩy trước cơn gió lớn. Đỉnh điểm cơn tuyệt vọng, tôi định bỏ nghề. Tôi đã chuẩn bị 1 bộ hồ sơ xin xuất khẩu lao động sang Nga. Thằng đàn ông trong tôi không cho phép mình cứ nhìn mẹ, nhìn em càng ngày càng mòn mỏi vì trông đợi vào “thứ kỳ vọng” đã đến hồi tuyệt vọng.
Đang lúc nhấm nhẳng ra đi, thì may sao người ta tìm đến tôi. Họ nhờ tôi dựng vở với mức thù lao 600 ngàn đồng, cái giá mà lẽ ra nó phải ở tầm 5 – 6 triệu. Vậy mà tôi mừng, mừng lắm luôn. Được làm nghề rồi, được sống bằng nghề rồi, dù đồng lương đó, chưa dựng vở xong đã hết veo tự đời nào. Tôi tiếp tục nhận được nhiều lời mời dựng vở hơn. Có những vở dựng xong, thấy giận mình muốn khóc. Mà biết làm sao, người ta giao cho mình, có dặn dò rõ ràng là “chỉ thuần về giải trí”. Khi nghệ thuật bị đặt lên bàn cân cơm áo gạo tiền, thì người hoạt động nghệ thuật trong cơn túng quẫn cũng đành thỏa hiệp với nhiều điều. Giấc mơ về một tác phẩm sâu sắc, rung động lòng người vẫn lẩn khuất đâu đó trong tôi. Chưa bao giờ tàn lụi. Nhờ đó mà tôi tiếp tục lay lắt sống, lay lắt níu với ước mơ.
 Rồi không hiểu vì sao anh Lê Hoàng tìm đến tôi, bảo đóng phim “Ai xuôi vạn lý”. Tôi tin anh Lê Hoàng nên gật đầu ngay. Gật đầu xong đi ký hợp đồng mới giật mình, ui cha, ui dà mình được đóng vai chính luôn. Vai chính hom hem, vai chính “ốm đói”, vai chính mang một nỗi niềm đầy ám ảnh. Rồi thành công cũng mon men tìm tới. “Đời cát”, “Mẹ con Đậu Đũa”, tôi được khán giả thương yêu, đón nhận. Chắc là thấu hiểu nhiều cơ cực, nên tôi vào vai ngon ơ, như đang đau nỗi đau của nhân vật, như đang trăn trở, chở nặng u uất cho chính cuộc đời phiêu dạt của mình. Nhiều khi buồn buồn ngồi ngẫm nghĩ, may mà đời mình còn có những bộ phim, đủ để người ta nhớ, người ta thương.
Cong Ninh
Đạo diễn hạnh phúc bên cô con gái nhỏ
4. Không có ai luống tuổi mà không sợ sự cô đơn. Mỗi sáng thức dậy, ngẩn ngơ giữa căn phòng trống lốc lại nghe lòng hoang hoải. Tự cười, con ngựa hoang rồi cũng có lúc mỏi gối, chùn chân sao ta, hay đúng hơn là nó đang dần yếu đuối. Bật dậy, đứng trước gương thấy bộ dạng mình lôi thôi lết thết mà buồn cười. Buồn và cười…
Ai cũng biết tôi đã từng có một tình yêu mặn nồng, nó kéo dài đến 10 năm. 10 năm, quá đủ để thấu hiểu, nhưng khi quyết định tiến đến hôn nhân thì cả hai lại ngập ngừng, lo lắng. Hạnh phúc, tin yêu, vỡ dần… Không có ai đủ lãnh cảm để chống lại nỗi buồn, nhất là tôi lại sống đời nghệ sĩ. Tôi một mình quen rồi, nỗi buồn không vượt qua được, thì tự mình thấu hiểu nó thôi. Tôi muộn lập gia đình không phải vì tôi sợ hôn nhân, tôi chỉ sợ mình là thằng đàn ông mà không thể nào vun vén đủ đầy cho vợ, cho con. Nghĩ lại thấy đời tréo cẳng ngỗng, đến lúc dụm dành vừa đủ, đến lúc biết thèm mâm cơm, chén đũa dọn làm hai, đến lúc cần người sáng sớm cài dùm cái nút nơi tay áo … thì tình cảm 10 năm vun đắp lại tự nhiên đổ vỡ. Đổ vỡ mà không biết tại làm sao. Vậy mới khó nói…
Tôi cứ nghĩ, thôi rồi, đời mình nó vậy, ai biểu cứ thích một mình riết rồi cái vận “canh cô mồ quả” nó ám vào luôn. Nào ngờ đâu tôi gặp cô ấy, là vợ tôi bây giờ. Lần gặp gỡ đầu tiên rồi vài lần sau đó tôi đâu có dám nghĩ gì xa vời. Người ta còn trẻ quá mà, đâu phải tôi chỉ hơn cô ấy vài chục tuổi, mà tôi khác cô ấy cả một thế hệ. Nhưng không hiểu sao gần nhiều lại thấy hợp, thấy thương. Rồi tự tìm đến với nhau, nhẹ nhàng lắm. Khao khát một gia đình đầm ấm lại trỗi dậy trong tôi rất mãnh liệt. Đổ vỡ trước kia khiến tôi mất tự tin, nhưng cô ấy đã hàn gắn vết thương của tôi, từng chút, từng chút một. Chúng tôi đến với nhau, giản dị như hai người nắm tay nhau cùng đi dạo, dẫu có thế nào cũng có một phía chẳng chịu buông tay.
Giờ tôi đã có con rồi nên làm bất cứ việc gì cũng nghĩ đến con trước nhất. Tự dưng lại thấy công danh, tiền bạc giống như ánh phù hoa. Phải chi chịu lập gia đình sớm hơn thì đã không bức bí quá nhiều vì những điều chưa tới.
Hơn nửa đời rong ruổi, mà mãi đến bây giờ mới biết được thế nào là thực sự an nhiên.
Hồ Ngọc Giàu/ ANTG

Một Thế Giới