Nhạc Vũ Thành An, Lam Phương bị 'xài chùa' không thương tiếc

Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 09:00, 16/05/2015

Nhạc của các nhạc sĩ Vũ Thành An, Lam Phương và hơn 42.000 bản ghi âm của các hãng băng đĩa nhạc là thành viên Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị các hãng sản xuất đầu karaoke “xài chùa” không thương tiếc.
Sáng 15-5, tại TP.HCM đã diễn ra buổi Tập huấn phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan do Thanh tra Bộ VH-TT&DL tổ chức.
Buổi tập huấn dành cho các doanh nghiệp kinh doanh âm nhạc trong lĩnh vực karaoke, nhạc số; các nhà sản xuất âm nhạc, hãng băng đĩa… nhằm giúp các đơn vị hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cũng như lắng nghe những khúc mắc của các bên.
Tem cấp một xài tận 10
Nêu những khúc mắc về việc bị vi phạm quyền của nhà sản xuất bản ghi âm (một trong ba quyền liên quan quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ), đại diện Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch thường trực RIAV, cho biết: “Hơn 42.000 ca khúc của hơn 20 nhà sản xuất băng đĩa thuộc RIAV đang bị các hãng sản xuất đầu karaoke vi phạm trắng trợn”.
"Thực tế, hiện chỉ có các hãng Hanet, Vinakaraoke, VietKTV, BTE Karaoke có trả phí bản ghi cho RIAV với mức phí tượng trưng một lượng nhỏ bản ghi âm, còn lại các hãng khác hoàn toàn sử dụng chùa” - bà Dung nói.
Mỗi đầu karaoke phát hành đều cần có tem phát hành trên toàn quốc do Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp. Để có được tem phát hành, các hãng phải bảo đảm việc tôn trọng quyền tác giả và quyền liên quan (trong đó có quyền của nhà sản xuất bản ghi âm).
Sở dĩ bà Dung gọi việc trả phí của các hãng karaoke là tượng trưng bởi “Các hãng karaoke sản xuất ra đầu karaoke đều đến RIAV trả phí nhưng các hãng thường chỉ mua khoảng 1.000-2.000 bản ghi cho đầu karaoke nhưng sau đó các hãng này đều có kho nhạc hàng chục ngàn bản ghi âm để cho người dùng tải về (download) hoặc chép về sử dụng. Khi chúng tôi hỏi đến họ nói họ đã mua bản quyền, thực tế họ chỉ mua 1.000-2.000 bản ghi nhưng sử dụng đến 9.000-10.000 bản ghi” - bà Dung bức xúc. Bà Dung cho rằng cách trả lời của các hãng khi bị phát hiện ra vi phạm như trên chỉ là cách né tránh.
Nhạc độc quyền cũng không tha
Cùng bức xúc như bà Dung, bà Phan Mộng Thúy, đại diện Phương Nam Phim, cho biết ngoài bản ghi của hãng này bị vi phạm thì những tác phẩm mới nhất Phương Nam Phim độc quyền cũng chẳng được tha. Đơn cử như một số ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An mà Phương Nam Phim vừa mua độc quyền phát hành vào tháng 11-2014 thời gian qua đã bị Maseco (nhãn hiệu Arirang) “xài chùa”. “Chúng tôi độc quyền nhưng không hạn chế phổ biến tác phẩm mà để kinh doanh khai thác tác phẩm tốt hơn. Nếu đơn vị nào muốn sử dụng chỉ cần liên lạc với chúng tôi. Nhưng Maseco sử dụng sản phẩm độc quyền của chúng tôi mà chưa được đồng ý của chúng tôi là một điều rất đáng tiếc” - bà Mộng Thúy nói thêm.
Không chỉ nhạc Vũ Thành An mà nhạc của nhạc sĩ Lam Phương được Bến Thành Audio mua độc quyền cũng bị các hãng karaoke vô tư sử dụng.
Tại buổi tập huấn, ông Võ Thế Tuấn, đại diện cho hãng sản xuất đầu karaoke Hanet HD, lý giải về việc các hãng karaoke vi phạm bản quyền: “Chúng tôi sản xuất đầu karaoke và có chép những ca khúc có bản quyền vào ổ cứng. Tuy nhiên, việc mua đầu karaoke cũng giống như mua một cái máy vi tính, khi mua xong người sử dụng cài thêm gì thì hãng sản xuất không biết và không chịu trách nhiệm được”.
Tuy nhiên, thực tế hầu hết các hãng karaoke đều có nguồn bản ghi âm từ RIAV để người sử dụng download nhạc về cho đầu karaoke của hãng. “Tôi ví dụ, trên trang mạng của Maseco có kho hướng dẫn cách tải bản ghi, vậy người dùng tải nhạc gì, ở đâu? Người dùng dù là hộ gia đình hay kinh doanh cũng đều được Maseco cho quyền tải nhạc nhưng quyền được tải đó lại là quyền không được các chủ sở hữu như chúng tôi đồng ý. Vậy tức các hãng đã vi phạm quyền của chúng tôi” - ông Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Chủ tịch RIAV, đối đáp với các hãng karaoke.
Kết thúc buổi tập huấn, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, kết luận: “Nếu các hãng karaoke và RIAV chưa đàm phán được thì các hãng karaoke không được sử dụng. Còn chúng ta ở đây không đàm phán được vẫn đem về dùng thì quá lạ! Bộ sẽ phối hợp thêm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an… để thực hiện việc quản lý thực thi quyền liên quan sâu sát hơn”.
Bài học từ Sơn Ca Media
Trong thời gian qua, vụ vi phạm bản quyền trên karaoke lớn nhất với RIAV thuộc về Sơn Ca Media. Đó là khi Samsung ra mắt sản phẩm tivi thông minh (SmartTV) có tích hợp karaoke, Samsung đã mua từ Sơn Ca gần 10.000 bản ghi âm. Tuy nhiên, 10.000 bản ghi âm này thuộc sở hữu của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam. Vì thế hiệp hội đã phát hiện và gửi đơn kiện cũng như báo cáo thanh tra Bộ VH-TT&DL. Sau khi hiệp hội có động thái thưa kiện và báo cáo Bộ, Sơn Ca mới ngồi xuống thương thảo cùng RIAV để đề cập đến việc trả phí quyền sử dụng gần 10.000 bản ghi cho RIAV.
42.000 bản ghi trong kho nhạc của thành viên RIAV vẫn đang được Công ty VNG mua độc quyền phát hành qua các trang mạng nghe nhạc. Vì vậy ở lĩnh vực nhạc trực tuyến, 42.000 bản ghi này vẫn được bảo hộ tốt.

Theo Quỳnh Trang/ Pháp luật TP.HCM

Một Thế Giới