Putin dọa “treo cổ” quan chức không xây xong cầu nối Nga - Crimea
Quốc tế - Ngày đăng : 14:16, 19/03/2016
Nhân chuyến thăm Crimea để xem xét việc xây dựng con đường hôm 18.3, ông Putin than phiền không ai muốn lãnh trách nhiệm với dự án này. Ông Putin đã dọa các quan chức: “Phải có ai đó có thể bị treo cổ nếu công trình không hoàn thành”. Ông khẳng định các quan chức “đá trách nhiệm” thực hiện công trình cho các đồng nghiệp ở những bộ khác nhau.
Hoàn thành chiếc cầu là “nhiệm vụ lịch sử”
Sau đó, Điện Kremlin đã giải thích chữ "treo cổ" của ông Putin chỉ mang nghĩa bóng và ông Putin chỉ phê bình các quan chức sau khi được biết có những trục trặc trong việc xây con đường dẫn vào chiếc cầu nối vùng Krasnodar (Nga) với thủ phủ Simferopol của Crimea.
Ông nói: “Cần có một cá nhân chịu trách nhiệm cho toàn bộ dự án, để tôi không phải gọi điện thoại đến tất cả chính quyền các cấp”.
Ông Putin còn nói rằng các công nhân xây chiếc cầu dài 19 km bắc ngang eo biển Kerch nối Crimea với Nga là “Họ đang lãnh một nhiệm vụ lịch sử. Chúng ta và tổ tiên chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của chiếc cầu này. Nó cũng góp phần xây dựng tình đoàn kết toàn dân để tất cả chúng ta đồng lòng hướng về phía trước”.
Nữ hoàng Nga Catherine đệ nhất từng chinh phục Crimea hồi thế kỷ 18, đến năm 1954 thì lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev tặng cho Ukraine. Ý tưởng xây chiếc cầu từng do Sa hoàng Nikolai II đề xuất năm 1910.
Cầu Chongar-Dzhankoi nhằm kết thúc sự cô lập của bán đảo Crimea và nhân dịp kỷ niệm hai năm ngày Nga sáp nhập Crimea (16.3.2014), ông Putin chỉ đạo phải hoàn tất cây cầu vào đúng ngày 18.12.2018. Ông nói việc kết nối Crimea với Nga ngang qua eo biển Kerch sẽ giúp Crimea tăng trưởng kinh tế.
Theo Reuters, việc xây nối Nga với Crimea là cách ông Putin cần trấn an lòng dân Crimea, vào lúc kinh tế Nga khó khăn vì bị phương Tây cấm vận với cớ Nga chiếm Crimea của Ukraine.
Từ sau cuộc sáp nhập, Crimea chật vật vì bị cô lập do chỉ kết nối với Ukraine chứ không có đường bộ kết nối với Nga. Crimea bị cắt nguồn hàng hóa từ Ukraine và phải lệ thuộc vào tàu thủy chở hàng tiếp tế từ Nga qua. Crimea lệ thuộc nguồn điện do Ukraine cung cấp, khiến người dân chịu cảnh mất điện. Năm ngoái, phe ủng hộ Ukraine đã phá hoại các đường cáp điện.
Ông Putin chụp hình lưu niệm với kỹ sư, công nhân xây cầu |
Bản thiết kế cây cầu là hai làn xe cùng tuyến đường sắt, có thể tiếp nhận 40.000 lượt phương tiện/ngày, sẽ là một biên giới nhân tạo giữa Nga - Crimea.
Vấn đề là chuyện xây cầu tốn 212 tỉ rúp (3,13 tỉ USD) và hỗ trợ Crimea sẽ tạo thêm gánh nặng cho ngân sách quốc gia đang bị co giảm của Nga, khi giá dầu thế giới giảm mạnh. Dầu thô vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, đóng góp hơn một nửa ngân sách quốc gia.
Trong năm 2016, Crimea sẽ được chính phủ Nga cấp 43,5 tỉ rúp và Moscow sẽ còn chuyển thêm 148 tỉ rúp, trong kế hoạch phát triển Crimea. Một phần tiền này sẽ dùng làm kinh phí xây cầu. Tổng số tiền trên chỉ là một phần nhỏ trong 16 ngàn tỉ rúp được dự kiến trong ngân sách liên bang Nga. Nhưng cái giá của việc sáp nhập sẽ còn cao hơn vì lệnh cấm vận sẽ còn tiếp tục gây hại. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán GDP Nga sẽ bị giảm 7% trong năm 2016.
Phe đối lập chỉ trích kế hoạch xây cầu là quá tham vọng và sẽ “ngốn” mạnh vào ngân sách quốc gia.
Nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Nga, như việc chuẩn bị tổ chức World Cup bóng đá năm 2018 và kế hoạch xây một trung tâm không gian mới ở vùng Viễn Đông Nga, đã bị chậm khi kinh phí dành cho chúng bị cắt để bù đắp nguồn thu ngân sách liên bang bị co nhỏ.
Các nhà hoạt động chống tham nhũng cũng chỉ trích việc Nga trao hợp đồng xây cầu cho Stroygazmontazh, một công ty chuyên về xây tuyến ống dẫn dầu và chưa bao giờ xây cầu. Công ty này của Arkady Rotenberg, là một người bạn từ thơ ấu của Tổng thống Putin, theo Reuters. Rotenberg là một trong những người thân cận của ông Putin bị phương Tây trừng phạt, sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Dân Crimea vẽ chân dung Tổng thống Putin lên tường |
Ukraine đã thề đòi lại Crimea. Tổng thống Pháp Francois Hollande và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel tái khẳng định EU không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, khi ông bà gặp Tổng thống Ukraine Poroshenko hôm 17.3.
Ngày 18.3, Ủy viên đối ngoại EU Federica Mogherini nhắc lại rằng Nga sáp nhập Crimea là “phi pháp”. Bà đòi Nga phải trả lại Crimea cho Ukraine, kêu gọi thêm nhiều nước trừng phạt Nga. Trong tuyên bố, EU nói rất lo ngại việc Nga quân sự hóa Crimea và EU duy trì việc cấm các công ty châu Âu đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu khí ở Biển Đen thuộc Nga.
Nhưng người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin tuyên bố rằng phải tôn trọng quyết định sáp nhập vào Nga của Crimea, và bán đảo này không thể là “chủ đề của bất kỳ cuộc đàm phán nào. Cần tuyệt đối tôn trọng ý nguyện của nhân dân Crimea”.
Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Naryshkin nói: “Ở nước Nga hiện đại và không chỉ ở Nga, có sự công nhận việc Crimea trở về với Nga là điều không thể tránh được, xét về lịch sử; và là điều đúng đắn, xét về mặt đạo đức”.