Tình yêu học trò
Giáo dục - Ngày đăng : 14:23, 29/03/2014
Tình yêu “bọ xít”
Nói tới tình yêu lứa đôi, dù lớn nhỏ cũng ít nhiều biết. Chỉ có điều cái sự biết đó có phải tình yêu hay là cái gì khác nữa.
Tình yêu vốn là khái niệm đa nghĩa trong cách hiểu của mỗi người. Mỗi người khi yêu có một suy nghĩ, quan niệm khác nhau về tình yêu. Vậy thì, tại sao những người nhỏ tuổi yêu nhau lại bị gọi là tình yêu “bọ xít”. Chẳng phải mỗi người có một tình yêu theo cách riêng của mình sao, vậy tại sao chúng ta lại phán xét một thứ tinh cảm của người khác khi không là người có chung suy nghĩ và cảm xúc giống họ.
Nói đi lại phải nói lại, những người lớn tuổi hẳn đã trải qua những cảm xúc này mà bây giờ khi lớn lên họ coi đó là “bọ xít”. Vậy thì vì đâu? Phải chăng họ đã quen quá với cái suy nghĩ trong đầu những người nhỏ, họ biết nó sẽ chẳng đi đến kết quả tốt đẹp như trong những câu chuyện cổ tích. Có lẽ nó đúng! Nhưng ai dám khẳng định ở hiện tại những người nhỏ khi “yêu nhau” không hạnh phúc? Vấn đề ở chỗ người nhỏ chỉ suy nghĩ đơn giản trong hiện tại và cầu mong sự tốt đẹp trong tương lai, còn những người lớn lại suy nghĩ sâu xa hơn nữa, họ tin rằng nó sẽ đổ vỡ như cách họ đã trải qua trước đây.
Vâng, đúng là như vậy, suy nghĩ khác nhau sẽ cho những cách làm khác nhau. Tôi là một trong vô số những người nhỏ, tôi không dám khẳng định đâu là tình yêu chân chính vì ngay cả những người lớn cũng chưa chắc dám.
Tôi chỉ nêu lên những gì mình nghĩ, những gì mình nhìn thấy như bao người nhỏ nhìn thấy: Tình yêu học trò.
Cơ sở hình thành
Xuất phát từ sự thay đổi trong tâm sinh lí của mỗi con người khi đến tuổi dậy thì. Mọi thứ sẽ thay đổi, tìm cảm, suy nghĩ sẽ dần đổi thay, biết quan tâm, lo lắng cho người khác nhiều hơn, tiếp xúc, giao tiếp nhiều hơn, tò mò nhiều hơn,… Và nảy sinh tình cảm. Thực sự thì rất khó lắm bắt nó bắt đầu từ khi nào, nó đến tự nhiên mà con người ta cũng không hề biết. Có lẽ chính vì thế mà khi người ta nhận ra sự đổi khác người ta không dám, không biết có phải: “Mình đang yêu ai đó.”
Không phải lúc nào cũng đúng
Mỗi khi nói về tình yêu ai cũng không dám chắc chắn điều gì nếu không là một trong hai người yêu nhau. Tôi chỉ đứng trên phương diện của một người ngoài cuộc nhìn vào để nói ra những điều lợi hại của nó…
Nhiều khi người ta cho đó là tình yêu và cũng có khi là tình dục. Cũng rất dễ hiểu, nếu không được sự giáo dục tốt về giới tính, con người ta khi đến tuổi sẽ có những hành vi như vậy. “Yêu nhau” rồi thề non hẹn biển, rồi …
Có khi đó là “tình yêu” bị lợi dụng có mục đích, bởi lẽ không hẳn ai khi yêu cũng thật lòng, sự đáng tiếc này xảy ra không có gì là hiếm hiện nay. Sau đó, những lời thề thốt kia sẽ biến mất. Phải chăng tình yêu là như vậy? Không phải! Dù là ai thì đó là hành vi của những kẻ bệnh hoạn, không thể chấp nhận. Đó không phải tình yêu, cũng chẳng phải tình yêu học trò.
Cái “Lợi” và cái “Hại” – Tùy vào nhận thức mỗi người
Đến đây, tôi không muốn nói về thế nào là tình yêu hay tình yêu học trò, mỗi người sẽ có những suy nghĩ, những quan điểm trái chiều về vấn đề này. Vậy, tôi chỉ tương quan nhận biết đó là tình yêu, tình yêu trong học đường.
Vì ai cũng phải “lớn” và ai cũng phải trải qua những thời gian đó và hẳn ai cũng có những tình cảm, cảm xúc đó, chỉ có điều là có nói ra hay không.
Tôi thường để ý thấy những bạn khi yêu hay chải chuốt, ngắm vuốt, đầu tóc óng mượt, mặt tô phấn son, quần áo tươm tất, sành điệu. Lúc nào cũng để ý xem làm thế nào để mình đẹp nhất trong mắt người ấy. Trong lớp cố xé từng mẩu giấy nhỏ viết những “lá thư” cho nhau. Ngày nào, nghỉ học cũng đi chơi cùng nhau, có khi cũng nói dối bố mẹ, cầm sách đi học đấy, nhưng mà là đi chơi với “người yêu”. Tôi cũng thấy họ đưa nhau đi mua những món quà, cái nhẫn, cái mũ, cái áo đôi,… Họ bỏ bê công việc học tập. Hậu quả tất yếu là thành tích học tập ngày càng giảm sút.
Mà học trò còn việc gì quan trọng hơn học chứ, họ không biết phân biệt nặng nhẹ. Họ không thể thấu đáo như người lớn. Thế nhưng không ai có thể chỉ bảo họ phải làm gì vì họ nghĩ nó là vĩnh cửu, họ còn nhỏ để hiểu nhưng họ không bao giờ muốn cho người khác hiểu, họ cố chấp vì khi “yêu” ai cũng vậy thôi, tình cảm thì làm sao cưỡng lại được chứ.
Thế nhưng tôi cũng nhìn thấy những tình yêu thật trong sáng, thật đáng khâm phục. Họ “yêu nhau” , họ không cần đèo nhau đi chơi, không cần nghỉ học. Yêu nhau chỉ đơn giản là ngồi chung một cái ghế đá, tâm sự, nói chuyện (là gì thì tôi cũng không đủ độ rắn mặt mà nghe). Yêu nhau là khi họ cùng nhau giải một bài toán, yêu nhau đơn giản là những cái lắm tay nhè nhẹ. Yêu nhau là thế, họ không cần quà, sự tiến bộ trong học tập là món quà tốt nhất. Tình yêu sẽ biến thành động lực học tập, hoàn thiện bản thân. Họ thấy người yêu minh học giỏi? Làm sao cho xứng, họ cần cố gắng hơn để hợp với đối phương, họ cũng giúp nhau trong học tập. Tôi không cần biết nó có đi về đâu hay không nhưng trước mắt, nhìn nó thật đẹp, thật có ích.
Hãy hành động đúng mực!
Nói thế nào đi nữa, dù đúng sai, phải trái gì thì không ai có quyền phê bình, trách móc, nói chính xác là không ai có thể làm điều gì đó ngăn cản tình cảm, vấn đề là chúng ta phải biến nó thành động lực học tập, làm những thứ tốt đẹp cho cuộc sống ta tốt đẹp hơn.
Nghĩ về một tương lại xa hơn, hẳn ai đó cũng muốn được chung sống, yêu nhau mãi (những người khi yêu nhau thường không bao giờ nghĩ mình sẽ chia tay). Vậy thì tại sao ta không hành động nó theo hướng tích cực?
Ta mãi mải mê vào những thứ đó quên mất đi nhiệm vụ của người học sinh, nhiệm vụ với gia đình và xã hội. Nếu bạn học giỏi người ta sẽ khen bạn, còn nếu bạn “yêu” giỏi người ta chỉ “cười” bạn, còn nếu bạn làm được cả hai khi còn là học sinh, hẳn ai cũng rất yêu quý và khâm phục bạn.
Tóm lại, tình yêu học trò là một thứ tình cảm đến tự nhiên trong cuộc đời của mỗi học sinh, không ai có thể phủ nhận nó, chỉ có điều có người thì nói ra, còn có người thì không.
Thứ tình cảm đó thường bị người lớn chê cười, có khi ngăn cấm vì lí do khác nhau. Tuy nhiên, nó là thứ tình cảm mà ta sẽ nhớ suốt đời, nó trong sáng, tốt đẹp nếu chúng ta biết hành động đúng mực và ngược lại.
Nguyễn Duy (theo Triết học đường phố)