Cho tôi một vé đi về tuổi thơ…
Giáo dục - Ngày đăng : 08:07, 22/03/2014
Thời đó, mỗi khi có ai hỏi về tuổi thơ, tôi cười khì rồi quảnh mặt phớt lờ đi. Chỉ tay vào người phụ nữ bán vé số nói: “đó là tuổi thơ”.
Ngày ấy, tuổi thơ của tôi không là những ngày tháng mòn mỏi, khát khao có được một mái ấm gia đình hạnh phúc dẫu cuộc sống không sung túc như người ta. Bữa cơm không cá, không thịt, thay vào đó là chén mắm cái, đĩa rau luộc và nồi cơm khoai độn sắn. Cơm ít, khoai sắn nhiều, nhưng bữa cơm bao giờ cũng đầy ắp tiếng cười. Giờ nghĩ lại lắm lúc nghĩ tôi lại “thèm”…
3 năm về trước, tôi có một gia đình khá ấm êm, có ba, có má, có anh chị em. Dẫu ba không lành lặn, má không lo nhiều vì…căn bệnh kinh niên 12 năm qua quằn quại.
Thời đó, tuy tôi không học giỏi đến mức đứng tốp ten của lớp, nhưng chúng bạn đứa nào cũng quý mến tôi bởi cái nghị lực. Thời sinh viên, thương ba cực nhọc, má đau ốm, tôi phải bôn ba va chạm cuộc sống khá nhiều. Chính điều đó đã mang lại cho tôi động lực để tiếp tục bước. Tôi ghiền lắm những buổi tập làm “diễn giả”, thích lắm giờ cùng bạn bè “tám” chuyện khoa học, rồi quên sao được những “tình yêu” trong sáng thời sinh viên dẫu nó đến rồi đi trong sự hững hờ.
…Rồi phải lao vào cuộc sống “mưu sinh” với bao trăn trở và nghĩ suy. Trái tim hồng tôi dần “chết mòn” trong băng giá. Thay vào đó là trái tim đỏ “trỗi dậy” bằng niềm tin tôi đã kỳ vọng, gửi gắm.
3 năm nay, cái cảm giác thổn thức, bồn chồn về đêm lại hiện về. Trong giấc ngủ, dù sớm hay muộn, tôi cũng cảm thấy có cái gì bất an. Dường như tôi sợ có một thế lực nào đó sẽ đến và cuốn theo mọi thứ con đang có. Giấc ngủ say dài nhất với tôi không nhiều. Lắm lúc tôi thèm cái cảm giác cùng những người thân yêu nhất mà mình quý đi du lịch, đi chơi, đi ăn uống để lấy lại…nguồn sống tâm hồn bình dị đã mất bấy lâu.
Người bạn đời tri kỉ với tôi hiện chừ là chiếc “Lap” cũ kĩ đã theo con 3 năm đại học và 3 năm mưu sinh đường đời. Giờ nó cũng đã rả rời rồi. “Bộ não” đâu còn sáng suốt, nhanh nhẹn để “xử lí” mọi sự việc nhanh đâu. Thành vậy, mỗi khi buồn muốn nó “tâm sự” thì lại cảm thấy hụt hẫng mất. Tìm bạn “Lap” mới thì dễ nhưng lại không đành.
Trời miền Trung đã vào “vụ” mưa ngâu. Những cơn mưa chiều lãng đãng đượm buồn. Chiều nào cũng vậy, tôi lại lẫn thẩn đi đi về về trên con đường xưa. Ba năm qua, kể từ ngày má mất, con đường đổi thay quá nhiều, không còn như xưa lầy lội, nhớp nhúa sau mỗi cơn mưa.
Tôi nhớ, ngày trước, cái thời nhỏ xíu, cũng trên con đường này, sáng nào cũng vậy, tôi lại hay lẽo đẽo theo má ra những phiên chợ. Những gánh rau ba vun trồng má đem bán “ba cọc ba đồng”. Gánh hàng rong “nghèo” với bao nỗi lo. Trưa, tôi lại ngồi lọt thỏm vào quanh gánh về nhà. Ngày đó, tôi thích lắm cái cảm giác này, sao mà quên hả má…
Rồi con lớn lên, đi học. Bát cơm qua ngày bữa có bữa không, thiếu trước hụt sau. Tiền trường, tiền chợ, tiền “nợ đời”, má phải khăn gói vào tận Sài Gòn để bán từng tấm vé số.
Ngày ấy, dù nhà nghèo nhưng không bữa sáng nào ba để tôi bụng đói đến trường. Trước khi đi làm, ba để lại trên đầu tủ cho con 1000 đồng ăn sáng. Ngày ấy, 1000 đồng cũng lớn lắm, vừa đủ con mua một ổ bánh mỳ thịt chả như bây giờ. Nhưng thương ba vất vả, má cực nhọc, con cũng chả màng chuyện bữa sáng. Ruột rỗng tếch lên trường. Giờ học nhưng cái bụng cứ kêu inh ỏi suốt…
Giờ đã xa, xa rồi… còn đâu!!!
Dương Văn (Ảnh TL)