Hẻm Sài Gòn đong đầy thương nhớ
Giáo dục - Ngày đăng : 17:10, 24/12/2013
Đối với những người đã sống lâu năm ở Sài Gòn, hẻm Sài Gòn có lẽ không phải là một danh từ mới mẻ, xa lạ.
Không quá ồn ào, không quán xá tấp nập, cửa hàng sang trọng phô ra vẻ hoa lệ, sang trọng nơi những con đường lớn. Không cả những giờ tan tầm kẹt xe khói bụi.
Hẻm- đơn giản là nơi mà bạn mà tôi từng sinh sống hoặc vô tình đi lạc.
Hẻm-giản dị, khiêm nhường nép mình sau những con đường lớn, sau cái tất bật của Sài Gòn.
Hẻm- nhỏ bé, bình yên và lưu giữ bao điều thân thương, bao nhung nhớ mỗi lúc xa Sài Gòn.
Không khó để tìm ra hẻm ở Sài Gòn, vì cứ đi hết đường lớn là tới hẻm- hẻm to hẻm nhỏ, hẻm dài hẻm cụt. Hẻm thường nối nhau vắt từ hẻm này qua hẻm kia lại thông sang hẻm khác. Và hẻm Sài Gòn cũng chẳng có tên, hẻm lớn thì được đánh số, hẻm nhỏ thì cứ việc chỉ một cách thông thường “đi đến cuối đường quẹo trái” hay gọi bằng những dấu hiệu nhận biết “có cây si đầu hẻm, có quán chè đầu hẻm”… và những người từ xa tới vẫn hay đi lạc trong hẻm cả ngày trời cũng vì lẽ ấy.
Hẻm ở Sài Gòn có hẻm chính và hẻm nhánh: hẻm chính khá lớn, thường tập trung đông cửa hàng, quán xá buôn bán nhỏ, và cũng khá nhộn nhịp trong khi hẻm nhánh thường nhỏ và ít buôn bán, không gian cũng trầm lắng, yên ả hơn.
Cũng sẽ rất khó mà nhớ tên những số nhà trong hẻm, với những con số, chữ cái, dấu gạch, kí hiệu dài theo sự nối dài của hẻm. Hẻm nhỏ nép mình sau cái ồn ào của phố xá, những trưa hè oi ả tĩnh lặng nghe vang vang một tiếng rao quen thuộc của thằng bé bán hủ tíu gõ, cô bán tàu hũ dạo, những đêm mưa xôn xao nghe tiếng mưa nhỏ giọt ngoài mái hiên- nôn nao, da diết nhớ.
Tôi có những kỉ niệm với hẻm, với từng góc phố Sài Gòn.
Hẻm nhà tôi, sáng sáng tầm 9h sẽ nghe văng vẳng tiếng rao của một người mài dao kéo dạo ngân dài giữa không gian vắng lặng “Ai mài dao mài kéo đi”, đến chiều là tiếng rao của người mua quạt điện cũ “Mua quạt điện, quạt bàn, tủ lạnh, tủ đá hư là mua”. Là tiếng rao trực tiếp chứ không phải tiếng rao thu sẵn vô hồn như mấy quảng cáo keo dính chuột, cân đo điện tử dọc đường.
Hẻm ở quận 3, quận 8, ở gần Bến Thành, chẳng đếm nổi bao nhiêu lần chúng tôi mang những hộp cơm từ thiện đi tặng những cụ già, người tàn tật ngang qua đó.
Sống ở hẻm, mở cửa ra là đường, có những con hẻm nhỏ tới mức chỉ đủ cho xe đi một chiều, người đi từ xa thấy nhau đã vội phải nhường cho người đang đi tới. Cuộc sống trong hẻm có phải vì thế mà cũng thêm chút nhún nhường?
Trở về với hẻm, vẫn thấy đâu đó đọng lại chút không khí của cuộc sống nông thôn Việt Nam giữa lòng phố xá- nơi đó sáng sáng có thể chuyện trò bên ly cà phê quán cóc, mở cửa ra hai nhà đối diện có thể mỉm cười nói câu chào buổi sáng.
Những năm gần đây, hẻm không chỉ là nơi sinh sống của người dân lao động nghèo, của sinh viên từ xa lên thành phố trọ học mà còn là xu hướng tìm về của cả những người giàu có muốn một chốn yên tĩnh nghỉ ngơi sau những ngày mệt nhoài mưu sinh.
Những ngôi nhà nhỏ bé, khiêm tốn, những vườn cây, những chậu cảnh, những đứa trẻ tung tăng nô đùa, những nụ cười hiền hậu, thân tình… bình yên giữa Sài Gòn đôi khi chỉ giản dị thế thôi.
Với hẻm Sài Gòn, những vòng quay cuộc sống dường như chậm lại,cho người ta thong thả trầm mình, lắng đọng những nghĩ suy.
Theo blog Huyền Trần